Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1333/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI DỰ ÁN NHÀ MÁY ĐIỆN CÀ MAU

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

Xét đề nghị của Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (công văn số 1352/TT-HĐQT ngày 29 tháng 3 năm 2001) và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 5950/BKH-VPTĐ ngày 04 tháng 9 năm 2001) về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy điện Cà Mau,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy điện Cà Mau với các nội dung chính sau đây:

1. Tên dự án: Nhà máy điện Cà Mau.

2. Mục tiêu đầu tư: Nhằm đảm bảo tiêu thụ khí khai thác từ lô PM3-CAA, góp phần phát triển công nghiệp khí, tưang thêm nguồn điện, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

3. Chủ đầu tư: Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.

4. Hình thức đầu tư: Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư.

5. Địa điểm xây dựng: Tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; diện tích đất sử dụng: 52 ha. ở giai đoạn thiết kế tiếp theo, cần nghiên cứu bố trí các hạng mục công trình của dự án một cách hợp lý nhất để tiết kiệm tài nguyên đất, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tiên tiến nhất, đảm bảo chất lượng xử lý tốt nhất, không gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.

6. Công suất thiết kế: Khoảng 720 MW

7. Nguồn nhiên liệu: Khí thiên nhiên từ lô PM3-CAA và mỏ Cái Nước thuộc vùng biển Tây Nam Việt Nam.

8. Sản phẩm: Điện của nhà máy được ưu tiên bán cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam thông qua hợp đồng mua bán điện.

8. Công nghệ và thiết bị:

- Áp dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, cấu hình: 2 tua bin khí + 2 lò thu hồi nhiệt + 1 tua bin hơi, phương pháp làm mát tuần hoàn khép kín.

- Thiết bị chính:

+ Tua bin khí, buồng đốt được thiết kế để có thể đốt cả nhiên liệu khí và dầu DO;

+ Lò thu hồi nhiệt loại 3 cấp áp lực, có tái sấy;

+ Tua bin hơi là loại ngưng tụ, có tái sấy.

+ Cấp điện áp chuyển tải 220 KV (trường hợp sau này có nhu cầu tăng cấp điện áp lên 500 KV thì Tổng công ty Dầu khí Việt Nam lập báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định).

10. Các hạng mục phụ trợ của Nhà máy:

Hệ thống nước làm mát, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện dự phòng, hệ thống cấp điện dự phòng, hệ thống bảo vệ, thông tin liên lạc, phòng chống cháy nổ, đường nội bộ, nhà điều hành, nhà ở của cán bộ, công nhân vận hành.

11. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn:

a) Tổng mức đầu tư:

Tổng mức đầu tư 5.772,6 tỷ đồng tương đương với 384,84 triệu USD (Không bao gồm chi phí tái định cư);

Tổng mức đầu tư trên đây là mức trần, cần được chuẩn xác lại sau khi có thiết kế và tổng dự toán được duyệt.

b) Nguồn vốn:

+ Vốn tự đầu tư: 30%, sử dụng nguồn lợi nhuận bán dầu thô được để lại cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

+ Vốn vay: 70%, vay hợp vốn các Ngân hàng thương mại trong nước hoặc nước ngoài.

12. Tiến độ thực hiện dự án:

Hoàn thành, đưa các tổ máy tua bin khí vào vận hành quý I năm 2005 (đồng bộ với Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau), tổ máy tua bin hơi vào vận hành quý IV năm 2005.

13. Phương thức tổ chức thực hiện dự án:

Tổng công ty Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm tổ chức quản lý thực hiện dự án theo đúng các quy định hiện hành.

14. Các quy định khác đối với dự án:

- Cho phép Tổng công ty Dầu khí Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, giải pháp và các biện pháp cụ thể thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và phát huy tối đa khả năng cung cấp vật tư, thiết bị trong nước và năng lực thi công của các đơn vị xây lắp Việt Nam.

- Cho phép chủ đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau, căn cứ vào Quy hoạch chung Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau đã được duyệt để lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gói thầu cơ sở hạ tầng của Cụm Khí-Điện-Đạm để thực hiện sớm.

- Chủ đầu tư được phép thuê tư vấn tài chính, tư vấn quản lý dự án, tổ chức đăng kiểm trong nước và nước ngoài để tư vấn cho việc quản lý dự án, thu xếp vốn vay, kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng, cng cấp chứng chỉ chất lượng, nghiệm thu và nhận bàn giao công trình.

- Chủ đầu tư có kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật trong tổng mức đầu tư được duyệt để đủ khả năng tiếp thu chuyển giao công nghệ và tự vận hành nhà máy lâu dài. Trong những năm đầu mới đi vào sản xuất, cho phép chủ đầu tư thuê một số chuyên gia trong nước và nước ngoài trợ giúp vận hành nhà máy.

- Cho phép Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tự cân đối giá khí để cấp cho Nhà máy đạm và Nhà máy điện Cà Mau, theo nguyên tắc giá bán khí cho Nhà máy điện cao hơn giá bán khí cho Nhà máy đạm, nhưng phải đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất cho tất cả các khâu: cung cấp khí, sản xuất điện và sản xuất đạm. Khi nguồn khí từ PM3-CAA và mỏ Cái Nước cạn kiệt, phải bổ sung khí từ các nguồn khác.

- Dự án được hưởng các ưu đãi tối đa quy định trong Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương có liên quan:

1. Giao Tổng công ty Dầu khí Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu phương án vốn cụ thể cho dự án Nhà máy điện Cà Mau và cho cả Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan tư vấn thẩm định để bổ sung và có giải pháp khắc phục trong quá trình thực hiện và vận hành dự án.

2. Giao Tổng công ty Dầu khí Việt Nam phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau và các Bộ, ngành có liên quan trong việc lập phương án và giải quyết kịp thời công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài hàng rào có liên quan trực tiếp tới việc đầu tư xây dựng và vận hành dự án Nhà máy điện Cà Mau nói riêng và Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau nói chung.

3. Giao Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Việt Nam ký kết hợp đồng mua bán điện trong quý I năm 2002.

Ban Vật giá Chính phủ, căn cứ mặt bằng giá bán điện chúng hướng dẫn hai Tổng công ty thực hiện.

4. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam có trách nhiệm triển khai xây dựng lưới điện, đảm bảo đồng bộ với Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các thủ tục cho chủ đầu tư vay vốn; Bộ Tài chính bảo lãnh vốn vay cho dự án nhằm đảm bảo giải ngân theo đúng tiến độ.

6. Dự án Nhà máy điện Cà Mau là công trình đồng bộ thuộc Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương liên quan, căn cứ vào chức năng của mình, có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam triển khai thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo an toàn và hiệu quả chung của cả Cụm Khí-Điện-Đạm.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công nghiệp, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Giao thông vận tải, Tài chính, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Trưởng Ban Vật giá Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các Tổng công ty: Dầu khí Việt Nam; Điện lực Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1333/QĐ-TTg phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy Điện Cà Mau do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1333/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/10/2001
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản