Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1331/QĐ-UBND | Hậu Giang, ngày 07 tháng 8 năm 2023 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao;
Căn cứ Công văn số 329/TTg-CN ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đề án quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;
Căn cứ Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 108/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc điều chỉnh thông tin, chỉ tiêu quy hoạch Đường tỉnh 925B;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chính như sau:
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch
a) Phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A gồm toàn bộ diện tích tự nhiên theo địa giới hành chính khoảng 16.053 ha, bao gồm 10 đơn vị hành chính: 04 thị trấn: Một Ngàn, Bảy Ngàn, Cái Tắc, Rạch Gòi và 6 xã: Nhơn Nghĩa A, Tân Hòa, Tân Phú Thạnh, Thạnh Xuân, Trường Long A, Trường Long Tây.
b) Ranh giới nghiên cứu tiếp giáp như sau:
- Phía Đông: Giáp huyện Châu Thành.
- Phía Tây: Giáp huyện Vị Thủy và huyện Giồng Riêng của tỉnh Kiên Giang.
- Phía Nam: Giáp huyện Phụng Hiệp.
- Phía Bắc: Giáp huyện Phong Điền, huyện Thới Lai và quận Cái Răng của thành phố Cần Thơ.
c) Tỷ lệ lập quy hoạch: 1/25.000.
3. Quan điểm, mục tiêu lập quy hoạch
a) Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cụ thể hóa các khu vực phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
b) Cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn đến năm 2030 và xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 huyện Châu Thành A hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao trên cơ sở khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
c) Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng. Khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội; các tiềm năng về con người, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
d) Định hướng phát triển hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp và đô thị, gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao điều kiện sống của người dân.
đ) Khai thác tiềm năng lợi thế, tài nguyên đặc trưng cho phát triển từng tiểu vùng. Phát triển có trọng điểm, trọng tâm, theo chiến lược toàn diện và cân bằng.
e) Xác định sự hình thành và phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, hạ tầng kỹ thuật trong huyện Châu Thành A qua các giai đoạn ngắn và dài hạn.
g) Định hướng kết nối hệ thống hạ tầng của huyện Châu Thành A với hạ tầng chung của tỉnh Hậu Giang và các khu vực liên quan.
h) Cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1454/QĐ- TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Quy hoạch tỉnh Hậu Giang, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp; Hướng đến trở thành một trong những vùng phát triển công nghiệp hiện đại của tỉnh Hậu Giang mang tính bền vững và tạo ra giá trị sản xuất đạt hiệu quả cao.
i) Tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính huyện Châu Thành A phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, yêu cầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và các định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung đề xuất các khu vực có lợi thế để phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp một cách bền vững, phù hợp theo xu thế phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
k) Tạo cơ hội kêu gọi, thu hút đầu tư, khai thác lợi thế, thế mạnh của huyện để phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội, công nghiệp, đô thị - dịch vụ, du lịch và nông thôn trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của địa phương và phù hợp với chủ trương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang trong thời kỳ mới.
l) Đến năm 2025, xây dựng đô thị Cái Tắc đạt các tiêu chí của đô thị loại IV; phấn đấu xây dựng thị trấn Một Ngàn cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV; hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và đến 2030.
m) Là cơ sở tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
a) Là cửa ngõ giao thông thủy, bộ và thông thương quan trọng phía Bắc của tỉnh; Vùng tập trung phát triển các trung tâm đô thị - công nghiệp.
b) Vùng nông nghiệp chuyên canh năng suất cao, ổn định là nền tảng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao.
c) Là khu vực cung cấp các dịch vụ vận chuyển, hàng hóa nông sản xuất khẩu và nguyên liệu đầu vào cho các ngành, công nghiệp chế biến nông sản của vùng ĐBSCL.
d) Là khu vực phát triển du lịch, đặc biệt phát triển loại hình du lịch sông nước, miệt vườn và bảo tồn, trang trại nghỉ dưỡng.
đ) Đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh cũng như vùng ĐBSCL.
a) Dự báo phát triển kinh tế:
- Cơ cấu kinh tế huyện Châu Thành A theo hướng bền vững dựa trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của huyện, dựa vào 4 trụ cột chính là: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
- Tập trung sản xuất nông sản thế mạnh của huyện theo chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh; phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng, lấy chất lượng dịch vụ; phát triển đô thị xanh; đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo.
b) Dự báo quy mô dân số:
- Dân số đến năm 2030: Khoảng 135.000 - 140.000 người;
- Dân số đến năm 2040: Khoảng 160.000 - 170.000 người;
- Dân số đến năm 2050: Khoảng 190.000 - 200.000 người.
c) Dự báo đất phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn:
- Chỉ tiêu đất phát triển đô thị: 180 - 250 m2/người.
- Chỉ tiêu đất dân dụng đô thị loại IV: 80m2/người.
- Chỉ tiêu đất dân dụng đô thị loại V: 100m2/người.
- Chỉ tiêu đất xây dựng điểm dân cư nông thôn tập trung: 300 - 500m2/hộ.
- Dự báo nhu cầu đất dân dụng đô thị:
Giai đoạn đến năm 2030: 1.224 - 1.700ha.
Giai đoạn đến năm 2040: 1.800 - 2.500ha.
Giai đoạn đến năm 2050: 2.430 - 3.375ha.
- Dự báo về nhu cầu đất xây dựng khu dân cư nông thôn tập trung:
Giai đoạn đến năm 2030: 540 - 900ha.
Giai đoạn đến năm 2040: 525 - 875ha.
Giai đoạn đến năm 2050: 488 - 813ha.
6. Định hướng phát triển không gian vùng
a) Mô hình phát triển
- Căn cứ nội dung phân tích các đặc điểm hiện trạng kinh tế - xã hội của huyện Châu Thành A, đề xuất mô hình phát triển vùng huyện là “Mô hình phát triển tập trung cụm - tuyến” với đặc điểm phát triển theo từng “cụm” gồm các trung tâm đô thị - dịch vụ - công nghiệp và được kết nối với các “tuyến” hành lang kinh tế hiện có và dự kiến.
- Các cụm đô thị, dịch vụ và công nghiệp, gồm một số các đô thị (hiện hữu hoặc dự kiến phát triển) kết hợp các chức năng dịch vụ hoặc công nghiệp, được gắn kết với nhau đóng vai trò là trung tâm và động lực chính cho sự phát triển các tiểu vùng.
- Hình thành 02 phân vùng, liên kết với nhau bằng các trục hành lang kinh tế. Cụ thể như sau:
Phân vùng 1: Là vùng phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, là vùng có mật độ đô thị hóa cao do tác động mạnh từ 4 trung tâm thị trấn của huyện: thị trấn Một Ngàn (huyện lỵ), thị trấn Cái Tắc, thị trấn Rạch Gòi và thị trấn Bảy Ngàn.
Phân vùng 2: Là vùng phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.
- Ưu điểm của mô hình là xác định được các khu vực trọng tâm, các cụm đô thị - dịch vụ - công nghiệp và các tuyến hành lang kinh tế chủ đạo làm động lực chính, từ đó có kế hoạch ưu tiên phát triển cho các khu vực này tránh việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm cho tất cả các khu vực trên địa bàn huyện.
b) Phân vùng phát triển
Toàn huyện được chia thành 02 phân vùng dựa theo đặc trưng của điều kiện tự nhiên hiện trạng, phân bố dân cư, định hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch với các lợi thế về giao thông thủy, giao thông bộ, các dự án, tiềm năng của từng phân vùng.
- Tiểu vùng 1 - Vùng động lực phát triển:
Gồm 04 thị trấn Một Ngàn (huyện lỵ), Cái Tắc, Rạch Gòi, một phần thị trấn Bảy Ngàn và 04 xã: Tân Phú Thạnh, Thạnh Xuân, Tân Hòa, một phần xã Nhơn Nghĩa A. Diện tích khoảng 8.053ha.
Quy mô dân số: Đến năm 2030: 109.500 người. Trong đó, dân số đô thị là 68.000 người và nông thôn là 41.500 người; Đến năm 2040: 130.000 người. Trong đó, dân số đô thị là 100.000 người và nông thôn là 30.000 người; Tầm nhìn đến năm 2050: 162.500 người. Trong đó, dân số đô thị là 135.000 người và nông thôn là 27.500 người.
Tính chất: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Châu Thành A; Là Trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của huyện.
Định hướng phát triển: Phát triển các trung tâm thị trấn và 03 xã (Xã Tân Hòa, xã Thạnh Xuân và xã Tân Phú Thạnh) theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết tuyến và cụm; kết nối với các khu, cụm công nghiệp, cảnh quan nông nghiệp; phát triển du lịch gồm Khu du lịch sinh thái Tầm Vu, Du lịch sinh thái miệt vườn,…
- Tiểu vùng 2 - Vùng nông nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái:
Gồm xã Trường Long Tây, Trường Long A và 1 phần xã Nhơn Nghĩa A, Tân Hòa, một phần thị trấn Một Ngàn và thị trấn Bảy Ngàn. Diện tích khoảng 8.000ha.
Quy mô dân số: Đến năm 2030: 30.500 người; Đến năm 2040: 40.000 người; Tầm nhìn đến năm 2050: 37.500 người.
Tính chất: Là vùng phát triển sản xuất nông nghiệp, khu dân cư nông thôn gắn liền phát triển du lịch sinh thái.
Định hướng phát triển: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao; phát triển du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ gắn với du lịch nông nghiệp, phát triển dân cư du lịch sinh thái, kết hợp duy trì văn hóa dân tộc, du lịch khu vực chuyên canh nông nghiệp, du lịch tâm linh, trang trại tập trung chất lượng cao.
7. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và dân cư nông thôn
Hiện nay, huyện Châu Thành A đã đạt tiêu chí huyện nông thôn mới và từng bước đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị hướng đến mục tiêu đạt các tiêu chí đô thị loại IV cho thị trấn Một Ngàn, thị trấn Cái Tắc vào giai đoạn 2025 - 2030.
Phát triển dân cư và các dự án đô thị - công nghiệp, đồng thời phát triển thêm một số khu vực đô thị ven sông Hậu, khu vực ven các trục giao thông gắn với vùng phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nông nghiệp tạo động lực cho phát triển kinh tế, phục vụ du lịch.
a) Định hướng phát triển hệ thống đô thị:
- Giai đoạn 2021 - 2025, huyện có 4 đô thị:
Thị trấn Cái Tắc: Đạt đô thị loại IV.
Thị trấn Một Ngàn: Đô thị loại V (Phấn đấu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV).
Thị trấn Rạch Gòi: Đô thị loại V.
Thị trấn Bảy Ngàn: Đô thị loại V.
- Giai đoạn 2026 - 2030, huyện có 4 đô thị:
Thị trấn Cái Tắc: Đô thị loại IV.
Thị trấn Một Ngàn: Đô thị loại IV.
Thị trấn Rạch Gòi: Đô thị loại V.
Thị trấn Bảy Ngàn: Đô thị loại V.
- Giai đoạn 2030 - 2050, huyện có 5 đô thị:
Thị trấn Cái Tắc: Đô thị loại IV.
Thị trấn Một Ngàn: Đô thị loại IV.
Thị trấn Rạch Gòi: Đô thị loại V.
Thị trấn Bảy Ngàn: Đô thị loại V.
Đô thị mới Tân Hòa: Đô thị loại V.
b) Quy mô các đô thị:
- Thị trấn Một Ngàn:
Tính chất: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của huyện Châu Thành A; Trung tâm thương mại, dịch vụ;
Là đô thị loại IV vào giai đoạn 2026 - 2030.
Quy mô diện tích: 8,22km2. Trong tương lai, cần mở rộng vùng phát triển đô thị đảm bảo tiêu chí về diện tích đô thị loại IV>14,0km2.
Quy mô dân số: Đến năm 2030: 16.000 người; Đến năm 2040: 22.000 người; Đến năm 2050: 25.000 người.
Tổ chức không gian phát triển đô thị: Không gian phát triển đô thị gắn với trục hành lang kinh tế chủ đạo là Quốc lộ 61C, đường tỉnh 929 (Đường Bốn Tổng - Một Ngàn), đường tỉnh 931B và tuyến đường thủy kênh xáng Xà No và kênh Tân Hiệp; Hướng phát triển đô thị: Phát triển tại trung tâm hiện hữu, dọc hai bên Quốc lộ, đường tỉnh và kênh xáng Xà No.
- Thị trấn Cái Tắc:
Tính chất: Đô thị cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang theo hướng Quốc lộ 1, là một trong các đô thị vệ tinh, là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục và đào tạo thuộc huyện Châu Thành A; Là đô thị loại IV giai đoạn đến 2025.
Quy mô diện tích: 7,39km2. Trong tương lai, cần mở rộng vùng phát
triển đô thị đảm bảo tiêu chí về diện tích đô thị loại IV>14,0km2.
Quy mô dân số: Đến năm 2030: 22.000 người; Đến năm 2040: 25.000 người; Đến năm 2050: 30.000 người.
Tổ chức không gian phát triển đô thị: Không gian phát triển đô thị gắn với trục hành lang kinh tế quan trọng là Quốc lộ 1 đi qua kết nối thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau; Quốc lộ 61 nối từ thị trấn Cái Tắc đến thành phố Vị Thanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi mở rộng mối quan hệ giao lưu kinh tế với các địa phương trong và ngoài tỉnh; Hướng phát triển đô thị:
Phát triển tại trung tâm thị trấn hiện hữu, mở rộng đô thị về phía Đông bắc kết nối thành phố cần Thơ.
- Thị trấn Rạch Gòi:
Tính chất: Là đô thị loại V, đô thị phát triển thương mại, dịch vụ.
Quy mô diện tích: 11,39km2.
Quy mô dân số: Đến năm 2030: 14.000 người; Đến năm 2040: 17.000 người; Đến năm 2050 : 20.000 người.
Tổ chức không gian phát triển đô thị: Không gian phát triển đô thị gắn với trục hành lang kinh tế chủ đạo là Quốc lộ 61 nối từ thị trấn Cái Tắc đến thành phố Vị Thanh, đường tỉnh 929 nối từ thị trấn Rạch Gòi đến Trung tâm huyện Châu Thành A và đường tỉnh 928 nối từ thị trấn Rạch Gòi đến thị trấn Cây Dương (Trung tâm huyện Phụng Hiệp); Hướng phát triển đô thị: Phát triển tại trung tâm thị trấn hiện hữu; phát triển Kết hợp với đô thị Một Ngàn, xã Thạnh Xuân và các xã giáp ranh thuộc huyện Phụng Hiệp, giữ chức năng trung tâm phía nam của vùng phát triển đô thị - dịch vụ, đô thị sinh thái.
- Thị trấn Bảy Ngàn:
Tính chất: Là đô thị loại V, đô thị cửa ngõ phía Tây huyện Châu Thành A; là đô thị phát triển thương mại dịch vụ, kết hợp với khu công nghiệp Tân Hòa (có một phần diện tích thuộc thị trấn Bảy Ngàn).
Quy mô diện tích: 14,10km2.
Quy mô dân số: Đến năm 2030: 16.000 người; Đến năm 2040: 18.000 người; Đến năm 2050 : 22.000 người.
Tổ chức không gian phát triển đô thị: Không gian phát triển đô thị gắn với trục hành lang kinh tế chủ đạo là Quốc lộ 61C nối từ thị trấn Một Ngàn đến thành phố Vị Thanh, đường tỉnh 931B, đường tỉnh 926B dự kiến và các tuyến giao thông thủy là kênh xáng Xà No và kênh Tám Ngàn; Hướng phát triển đô thị: Phát triển tại trung tâm thị trấn hiện hữu; Kết hợp với sự hình thành khu công nghiệp Tân Hòa để tạo thành động lực phát triển cho khu vực phía Tây của huyện Châu Thành A.
- Xã Tân Hòa:
Tính chất: Là đô thị loại V (giai đoạn 2030 - 2050), là đô thị công nghiệp - dịch vụ, du lịch nông nghiệp.
Quy mô diện tích: 20,32km2.
Quy mô dân số: Đến năm 2030: Khoảng 12.000 người; Đến năm 2040: Khoảng 16.000 người; Đến năm 2050 : Khoảng 18.000 người.
Tổ chức không gian phát triển đô thị: Không gian phát triển đô thị gắn với trục hành lang kinh tế chủ đạo là Quốc lộ 61C nối từ thị trấn Một Ngàn đến thị trấn Bảy Ngàn, gắn với trục giao thông động lực tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường tỉnh 931B, đường tỉnh 929 và các tuyến giao thông thủy là kênh xáng Xà No; Hướng phát triển đô thị: Phát triển tại trung xã hiện hữu; Kết hợp với sự hình thành khu công nghiệp Tân Hòa, hướng phát triển kết nối theo trục đường tỉnh 931B, QL61C, 2 bên kênh xáng Xà No tạo thành các trục động lực phát triển cho khu vực phía Tây của huyện Châu Thành A.
- Xã Tân Phú Thạnh:
Tính chất: Giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2050 xã Tân Phú Thạnh sẽ thuộc vùng phát triển đô thị của thị trấn Cái Tắc mở rộng nhằm kết nối không gian đô thị của huyện với thành phố Cần Thơ.
Quy mô diện tích: 15,05km2.
Quy mô dân số: Đến năm 2030: Khoảng 17.000 người; Đến năm 2040: Khoảng 18.000 người; Đến năm 2050 : Khoảng 20.000 người.
Tổ chức không gian phát triển đô thị: Không gian phát triển đô thị gắn với trục hành lang kinh tế chủ đạo là Quốc lộ 1, các tuyến đường huyện 31, 35 và các tuyến giao thông thủy là sông Ba Láng; Hướng phát triển đô thị: Tân Phú Thạnh sẽ thuộc khu vực phát triển đô thị của thị trấn Cái Tắc mở rộng, kết hợp với khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tạo thành động lực phát triển cho khu vực phía Đông huyện kết nối thành phố Cần Thơ.
c) Định hướng phát triển nông thôn:
- Định hướng phát triển các khu dân cư nông thôn trên cơ sở các đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã đã được phê duyệt: Phát triển các điểm dân cư hiện hữu, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiết kiệm và hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững.
- Cải tạo nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hạn chế phát triển dân cư theo tuyến, phân tán.
- Bố cục quy hoạch các khu chức năng hợp lý, đảm bảo bán kính phục vụ đồng thời tiết kiệm đất đai xây dựng.
- Mở rộng quy mô các trung tâm xã hiện hữu, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các xã.
- Quy hoạch kết hợp đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, đảm bảo các tiêu chí về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
- Quan tâm đến đặc điểm truyền thống, tập quán sinh hoạt, sản xuất để phân bố dân cư hợp lý. Không xây dựng các điểm dân cư mới tại các vùng có nguy cơ sạt lở, thiếu cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
- Đến năm 2025: 100% các xã (6/6 xã) đạt chuẩn theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (03/6 xã).
- Đến năm 2030: 100% các xã (6/6 xã) đạt chuẩn theo tiêu chí xã nông thôn mới; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (6/6 xã).
- Dự báo dân số nông thôn: Do tốc độ đô thị hóa cao và phát triển mạnh theo dự báo phát triển đô thị, cư dân vùng nông thôn sẽ có xu hướng dịch chuyển dần về các khu đô thị mới. Vì vậy, dự báo dân số nông thôn các giai đoạn tới có mức độ tăng trưởng âm cụ thể như sau:
Đến năm 2030 khoảng 72.000 người, chiếm tỷ lệ 51,43% dân số toàn huyện.
Đến năm 2040 khoảng 70.000 người, chiếm tỷ lệ 41,18% dân số toàn huyện.
Đến năm 2050 khoảng 65.000 người, chiếm tỷ lệ 32,50% dân số toàn huyện.
8. Định hướng vùng phát triển công nghiệp
a) Phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo; tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng phát triển khu, cụm công nghiệp có tiềm lực, các dự án đầu tư có thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây tác động đến môi trường.
b) Phấn đấu đến năm 2030 huyện Châu Thành A trở thành huyện công nghiệp của tỉnh.
c) Quy mô phát triển các khu công nghiệp:
Bảng thống kê diện tích khu công nghiệp đến năm 2050
TT | Tên khu công nghiệp | Địa điểm | Hiện trạng năm 2021 (ha) | Giai đoạn 2021- 2025 (ha) | Giai đoạn 2026- 2030 (ha) | Giai đoạn 2030- 2050 (ha) |
| Tổng cộng |
| 201 | 201 | 658 | 658 |
1 | KCN Tân Phú Thạnh | Xã Tân Phú Thạnh | 201 | 201 | 201 | 201 |
2 | KCN Nhơn Nghĩa A | Xã Nhơn Nghĩa A | - | - | 252 | 252 |
3 | KCN Tân Hòa | Thị trấn Bảy Ngàn và xã Tân Hòa | - | - | 205 | 205 |
9. Định hướng phát triển không gian nông nghiệp
a) Đến năm 2030, nông nghiệp chủ yếu tập trung ở xã Trường Long A, xã Trường Long Tây, một phần xã Thạnh Xuân và các vùng nông nghiệp đô thị.
b) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng sinh học, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Khai thác lợi thế của các địa phương, quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu vào để tăng năng suất, giá trị hàng hóa.
c) Triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm đặc trưng từng xã, phấn đấu mỗi xã có ít nhất một sản phẩm chủ lực.
d) Vùng sản xuất lúa tập trung với lúa 2 - 3 vụ được bố trí ở xã Trường Long A, Trường Long Tây, Tân Hòa và thị trấn Bảy Ngàn. Đồng thời, phát triển mô hình lúa kết hợp với nuôi cá trên nền đất lúa. Xây dựng 02 cánh đồng lớn ở xã Trường Long Tây và Trường Long A, với diện tích 945 ha, có 651 hộ tham gia. Đa số nông dân trong cánh đồng lớn đều áp dụng tốt mô hình 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm.
đ) Vùng sản xuất rau màu phân bố rải rác như sau: thị trấn Một Ngàn (6,29ha), thị trấn Cái Tắc (11,28ha), thị trấn Rạch Gòi (4,8ha), thị trấn Bảy Ngàn (108,68ha), xã Trường Long Tây (37,75ha), xã Trường Long A (53,26ha), xã Nhơn Nghĩa A (0,12ha), xã Thạnh Xuân (16,08ha), xã Tân Hòa (49,72ha), xã Tân Phú Thạnh (1,95ha).
e) Vùng sản xuất cây ăn trái: Trồng cây có múi phát triển tại thị trấn Cái Tắc, thị trấn Rạch Gòi, xã Thạnh Xuân, xã Tân Phú Thạnh và xã Nhơn Nghĩa A; trồng Xoài (chủ yếu là Xoài Cát Hòa Lộc và Xoài Đài Loan) bố trí ở thị trấn Bảy Ngàn và xã Tân Hòa (Ven tuyến Quốc lộ 61C và 2 bên kênh Xà No), thị trấn Một Ngàn và xã Trường Long A (Ven tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn).
g) Chăn nuôi: Xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung, hình thành trang trại với ứng dụng quy trình nuôi tiên tiến.
h) Vùng nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản phân bố hầu hết tất cả các xã, thị trấn chủ yếu nuôi trồng thủy sản nước ngọt là cá thác lát, cá lóc, cá sặn rằn, ...
10. Định hướng phát triển không gian du lịch vùng cảnh quan, bảo tồn thiên nhiên
a) Phát triển du lịch huyện Châu Thành A trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan, sinh thái, văn hóa và lịch sử để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng như: Hệ thống sông, kênh rạch thông suốt và sạch sẽ, thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch trên sông; có các làng nghề truyền thống và khu du lịch sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, tâm linh. Cùng với tỉnh phấn đấu trở thành “Điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện”, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mê Kông”.
b) Tận dụng các tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên; chú trọng đầu tư xây dựng các công trình công cộng như công viên, các khu vui chơi giải trí; Trùng tu các di tích lịch sử văn hóa; Xây dựng các nhà vườn, khu du lịch sinh thái… đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên.
11. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật a) Định hướng quy hoạch hệ thống giao thông
- Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến đường bộ cao tốc quan trọng của vùng ĐBSCL. Đoạn qua huyện Châu Thành A, giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe.
- Quốc lộ: Lộ giới các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61C được xác định cụ thể theo các quy hoạch được duyệt, theo từng giai đoạn đầu tư phát triển khi triển khai thực hiện.
- Đường tỉnh:
Đường tỉnh 925: Đoạn qua huyện dài 0,65km, nâng cấp đạt cấp IV đồng bằng, lộ giới 35m.
Đường tỉnh 925B: Là tuyến đường đi qua thị trấn Cái Tắc dài 2km, quy hoạch đạt cấp IV đồng bằng, lộ giới từ 35m đến 80m.
Đường tỉnh 926: Đoạn qua huyện dài 9,3km, đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng 9m, nền đường rộng 11m, lộ giới 35m.
Quy hoạch xây dựng đường tỉnh 929: Quy hoạch đạt cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng 9m, nền đường rộng 11m, lộ giới 35m, đoạn đi qua thị trấn Một Ngàn, thị trấn Rạch Gòi quy mô 4 làn xe với lộ giới 18m.
Đường tỉnh 931B: Nâng cấp, mở rộng đạt cấp IV đồng bằng, với mặt đường rộng 9 m, nền đường rộng 11 m, lộ giới 35m. Đoạn qua khu vực thị trấn Một Ngàn, thị trấn Bảy Ngàn quy mô 4 làn xe với lộ giới 22m.
- Đường huyện: Các tuyến đường huyện ĐH.21, ĐH.22 (đường tỉnh 926C), ĐH.23, ĐH.23B, ĐH.24, ĐH. 29, ĐH.30 (đường tỉnh 928D), ĐH.31, ĐH.35 và các tuyến huyện quy hoạch tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng với chiều rộng mặt đường từ 5,5m đến 7,5m (trường hợp có gia cố mỗi bên 1,0m).
- Đường đô thị: Hệ thống mạng lưới giao thông đô thị thực hiện theo đồ án quy hoạch chung của thị trấn Một Ngàn, thị trấn Rạch Gòi, thị trấn Cái Tắc, thị trấn Bảy Ngàn đã được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt.
- Đường xã, đường giao thông nông thôn: Huy động mọi nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn trong đó ưu tiên xây dựng đường ô tô đến tất cả các trung tâm xã theo đúng quy hoạch nông thôn mới. Các tuyến này sẽ nâng cấp thành đường cấp V, cấp VI đồng bằng với bề rộng mặt đường từ 5,5m trở lên.
- Bến xe:
Bến xe liên tỉnh, liên huyện: Bến xe thị trấn Một Ngàn, bến xe thị trấn Cái Tắc với quy mô từ 1,5 - 2ha.
Tại các khu vực đô thị xây dựng các bãi đậu xe hoặc bến xe tùy vào điều kiện phát triển để phục vụ cho từng khu đô thị.
- Giao thông công cộng: Các tuyến xe buýt đi qua huyện Châu Thành A được thực hiện theo Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang đã được phê duyệt.
- Bến cảng hàng hóa: Tại vị trí các khu công nghiệp sẽ quy hoạch mạng lưới bến cảng hàng hóa để phục vụ cho phát triển công nghiệp theo từng giai đoạn phát triển.
b) Định hướng quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng
- Quy hoạch cao độ nền:
Căn cứ theo quy hoạch chung các đô thị được phê duyệt cao độ xây dựng trên địa bàn huyện Hxd ≥ 2,20m.
Cao độ khống chế nền xây dựng của đô thị và các điểm dân cư đảm bảo tránh bị ngập lụt do mưa lũ, triều cường và tạo điều kiện thoát nước tốt cho đô thị.
San nền cục bộ đối với khu vực xây dựng hiện hữu, san lấp tập trung tại khu vực xây dựng mới đảm bảo lớn hơn cốt khống chế. Xây dựng các bờ kè, van ngăn triều chống xâm nhập triều vào khu vực xây dựng.
Tăng cường nạo vét hồ, sông, kênh, rạch để tăng khả năng tiêu thoát nước.
- Quy hoạch thoát nước mưa:
Đối với các khu vực đô thị hiện hữu cần cải tạo lại các tuyến mương cống thoát nước hiện hữu, từng bước tách nước thải sinh hoạt để đưa về trạm xử lý, tránh ô nhiễm.
Các khu vực xây dựng mới, các khu công nghiệp xây dựng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn.
Các điểm dân cư nông thôn tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương có các giải pháp khác nhau để xác định hệ thống thoát nước riêng hay chung nhưng cũng phải có các biện pháp thu gom nước thải để xử lý trước khi xả ra môi trường.
c) Định hướng hệ thống thủy lợi
- Hệ thống các kênh, rạch không được san lấp, lấn chiếm bao gồm:
Hệ thống các kênh rạch có chức năng giao thông thủy, thoát nước chính (có phân cấp từ cấp I đến cấp VI).
Các kênh, rạch được phân loại, phân cấp từ cấp II trở lên tron g quy định về phân cấp, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn huyện.
- Trong các khu dự kiến phát triển đô thị, có thể cho phép san lấp các kênh rạch nội đồng hiện hữu. Tuy nhiên, cần phải giữ lại các tuyến kênh rạch và đào mới các tuyến kênh đảm bảo khoảng cách từ trung tâm mỗi khu vực được san lấp để xây dựng đô thị đến kênh rạch gần nhất khoảng 500 - 600m, chiều dài tuyến cống từng khu vực đổ ra kênh rạch gần nhất không quá 1000m.
- Lưu vực thoát nước từng khu vực đô thị được xác định trên cơ sở hệ thống kênh rạch theo quy hoạch.
- Nạo vét và khơi thông dòng chảy các tuyến kênh thủy lợi nội đồng.
- Bến tàu Châu Thành A: bố trí 02 bến tàu tại thị trấn Một Ngàn và xã Nhơn Nghĩa A, vừa làm bến neo đậu tàu thuyền, vừa là bến phục vụ giao thương hàng hóa.
- Bến cảng Châu Thành A: Trong giai đoạn quy hoạch bố trí hai bến cảng tại khu công nghiệp Nhơn Nghĩa A và khu công nghiệp Tân Hòa.
d) Định hướng quy hoạch hệ thống cấp nước
- Chỉ tiêu cấp nước:
Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt khu vực đô thị là 100 - 120lít/người/ngđ.
Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn là 80 - 100lít/người/ngđ.
Tiêu chuẩn cấp nước công nghiệp 40m3/ha tính cho 60% diện tích.
- Nhu cầu dùng nước:
Giai đoạn 2030: Q = 35.000m³/ngày.
Giai đoạn 2040: Q = 44.000m³/ngày.
Giai đoạn 2050: Q = 55.000m³/ngày.
- Giải pháp cấp nước:
Tiếp tục khai thác các nhà máy cấp nước hiệu hữu tại các đô thị và xã nông thôn.
Giai đoạn tiếp theo dần dần ngừng khai thác nước ngầm và tiếp nhận thêm nguồn nước từ nhà máy nước Sông Hậu công suất 100.000m3/ngđ.
Phát triển hệ thống mạng lưới bao phủ cho các vùng đô thị, công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn tập trung, đảm bảo nhu cầu dùng nước.
đ) Định hướng quy hoạch thoát nước thải và xử lý chất thải rắn
- Quy hoạch thoát nước thải:
Tiêu chuẩn nước thải >80% lưu lượng nước cấp cho sinh hoạt và công nghiệp.
Hệ thống thoát nước tại đô thị và khu, cụm công nghiệp được xây dựng riêng, đồng bộ với nhà máy xử lý.
Nước thải xử lý đạt tiêu chuẩn loại A QCVN 14:2015/BTNMT và 40:2011/BTNMT trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Mỗi đô thị xây dựng 1-2 nhà máy xử lý nước thải tập trung căn cứ vào điều kiện tự nhiên định hướng phát triển đô thị.
Những điểm dân cư nhỏ lẻ, hệ thống thoát nước chung, cần tận dụng triệt để hệ thống ao hồ để xử lý nước thải.
Các dự án phát triển đô thị, du lịch riêng lẻ có quy mô nước thải >50 m3/ngđ xây dựng trạm xử lý nước thải độc lập.
Khu, cụm công nghiệp tập trung đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải riêng theo quy mô công phát thải nước thải.
- Quản lý chất thải rắn:
Tiêu chuẩn phát thải chất thải rắn 0,8-0,9kg/ng.ngđ, chất thải rắn công nghiệp 0,2-0,3 tấn/ha.
Phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng vào các mục đích khác nhau nhằm giảm khối lượng vận chuyển và xử lý.
Chất thải rắn huyện Châu Thành A sẽ được thu gom và vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn của Tỉnh tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, quy mô diện tích dự kiến khoảng 44ha.
- Nghĩa trang: Dự kiến Đầu tư xây dựng 02 khu nghĩa trang nhân dân cho huyện, dự kiến đặt tại xã Thạnh Xuân và xã Trường Long A với quy mô diện tích 15 - 20ha/khu.
e) Định hướng quy hoạch cấp điện
- Chỉ tiêu cấp điện:
Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt khu vực đô thị là 200W - 330W/người.
Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt khu vực nông thôn 160W/người.
Chỉ tiêu cấp điện cho công nghiệp: 200 - 300 kW/ha.
Nguồn điện và lưới điện: Lưới quốc gia thông qua các trạm biến áp Châu Thành, thành phố Cần Thơ.
- Trạm 220kV và lưới 220kV:
Hiện tại, trên địa bàn có trạm 220kV Châu Thành 125 MVA để cấp điện cho trạm 110kV Châu Thành 2x40 MVA.
Nâng công suất trạm 220kV Châu Thành lên 250 MVA (2025), 500 MVA (2030).
- Trạm 110kV và lưới 110kV: Nâng công suất trạm biến áp 110kV Châu Thành lên (40 63) MVA (2025), 2x63 MVA (2040) và xây dựng trạm 110kVA Tân Phú Thạnh công suất 2x40 MVA (2025), 2x63 MVA (2040).
g) Định hướng quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc
- Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, mạng viễn thông đồng bộ, có công nghệ hiện đại, độ phủ rộng khắp với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao theo định hướng chung của Tỉnh.
- Xây dựng mới, nâng cấp các tổng đài bưu điện và phát triển mạng lưới bưu chính rộng khắp trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính, nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước áp dụng công nghệ mới và kỹ thuật hiện đại.
12. Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư, nguồn lực thực hiện
a) Xác định, lập quy hoạch các dự án khu đô thị mới, đầu tư xây dựng các khu dân cư tái định cư, nhà ở xã hội… tại các đô thị, các khu công nghiệp để hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Huyện.
b) Nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật các trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn tại xã Tân Hòa tạo điều kiện để đạt tiêu chí đô thị loại V.
c) Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các công trình giao thông như: Các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và các công trình thủy lợi.
d) Đầu tư xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư vào các dự án du lịch.
đ) Đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới.
e) Định kỳ 05 năm, huyện Châu Thành A cần xây dựng danh mục các dự án cụ thể và xác định các nguồn vốn thực hiện cho từng dự án để triển khai thực hiện.
g) Ưu tiên các dự án hạ tầng khung diện rộng, các công trình đầu mối đảm bảo kết nối các khu vực phát triển đô thị và nông thôn; ưu tiên các dự án đầu tư phát triển cho khu vực định hướng khung đô thị toàn huyện, các khu vực có khu công nghiệp, khu du lịch..., để làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các dự án chỉnh trang, nâng cấp công trình hạ tầng xã hội (công trình công cộng, công viên, cây xanh...) nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo cho toàn huyện.
13. Đánh giá môi trường chiến lược - ĐMC
a) Nguyên tắc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)
- Kiểm soát và xử lý triệt để các loại chất thải rắn, lỏng, chất thải nguy hại, khí thải phát sinh từ các hoạt động công nghiệp, y tế, sinh hoạt dân cư, nông nghiệp…
- Áp dụng các nguyên tắc phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái với các biện pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, nguồn nước, phát triển hạ tầng xanh, giao thông công cộng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên.
- Đảm bảo mạng lưới dòng chảy các kênh, rạch; thiết lập các hành lang xanh dọc kênh, vành đai xanh giữa đô thị hiện hữu và đô thị mở rộng; thiết lập các hồ điều tiết, thích ứng với ngập lũ và triều cường.
- Đảm bảo quỹ đất cho cây xanh cách ly giao thông, khu vực sản xuất công nghiệp, hành lang xanh dọc sông, các trục chính đô thị và các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường khác.
- Ứng phó với BĐKH và nước biển dâng bằng các giải pháp công trình và phi công trình, bảo vệ môi trường trên nguyên tắc phòng ngừa, xử lý tại nguồn trước khi xử lý tập trung tại các trạm xử lý.
b) Phân vùng bảo vệ môi trường
- Vùng cải thiện môi trường đô thị hiện hữu: Cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường ven sông kênh; thu gom, xử lý triệt để chất thải; cải thiện cơ sở hạ tầng, xử lý cơ sở ô nhiễm, tái định cư khu vực sạt lở; bảo vệ môi trường đặc trưng vùng sông nước, kiểm soát phát triển ven sông.
- Vùng kiểm soát môi trường đô thị mở rộng: Kiểm soát, xử lý chất thải đô thị; phát triển cân bằng với thiên nhiên, duy trì không gian ứng phó với thiên tai; thực hiện giải pháp công trình bảo vệ đô thị khỏi ngập lũ; xây dựng công trình xanh, hiệu quả năng lượng, giảm phát thải nhà kính; giao thông công cộng, thân thiện môi trường.
- Vùng kiểm soát môi trường công nghiệp: Kiểm soát, xử lý chất thải công nghiệp, tận thu nguyên liệu từ công nghiệp gắn với nông nghiệp; cách ly cây xanh; giám sát ô nhiễm môi trường.
- Vùng cải thiện môi trường nông thôn, giảm nhẹ thiên tai: Phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ; cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn; sống chung với lũ, điều tiết lũ; bảo vệ không gian trữ nước ngọt; tái định cư vùng ngập lũ, sạt lở; tận thu nguyên liệu, năng lượng.
c) Ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu:
- Ngập lụt:
Duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông kênh mương phục vụ cấp nước sản xuất và sinh hoạt, tăng thêm khả năng thoát lũ bằng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến sông kênh.
Xây dựng hồ điều tiết phòng ngập và trữ nước, kết hợp cảnh quan.
Nâng cấp bờ bao, kết hợp đường giao thông, quản lý chặt chẽ sự kết hợp giữa đường giao thông, đê và bờ bao kiểm soát lũ và nâng nền dân cư.
Bổ sung các cống kiểm soát lũ dọc sông, các cống này đồng thời cũng tăng khả năng cấp ngọt cho vùng.
Kè chống sạt lở và ngập lũ.
Tiêu nước nội vùng cũng được xem xét song song với cấp nước bằng mở rộng các kênh trục và xây dựng hệ thống bơm điện tưới tiêu kết hợp.
- Chống xói lở:
Xây dựng, duy tu, bảo vệ kè chống xói lở bảo vệ bờ sông.
Điều tra, khảo sát, cảnh báo tình trạng xói lở đối với các khu vực dân cư.
Bố trí tái định cư, ổn định đời sống khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng sạt lở.
- Các biện pháp khác:
Phát triển đô thị xanh ứng phó với BĐKH, nâng cao sức chống chịu với thiên tai, thời tiết cực đoan, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Lồng ghép các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị, phát triển sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường và cảnh báo sớm với BĐKH, thiên tai, nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo phục vụ thích ứng và giảm nhẹ thiên tai, thực hiện công tác kiểm tra, quan trắc mặn thường xuyên trong mùa khô.
Thực hiện các giải pháp phi công trình nhằm tăng cường khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và ứng phó với thiên tai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 749/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2019 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt “Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến năm 2040”.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành A phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công bố đồ án Quy hoạch đảm bảo thời gian; quản lý, tổ chức thực hiện Quy hoạch chặt chẽ theo quy định hiện hành.
Điều 4. Giám đốc: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành A; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 1146/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050
- 2Quyết định 1536/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035 do tỉnh Bình Định ban hành
- 3Quyết định 868/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 4Quyết định 471/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 5Quyết định 1730/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 6Quyết định 3195/QĐ-UBND năm 2023 về Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045
- 7Quyết định 1732/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 8Quyết định 2048/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đến năm 2040, định hướng đến năm 2050
- 9Quyết định 2653/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050
- 1Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 2Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị
- 3Luật Xây dựng 2014
- 4Nghị định 44/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Luật Quy hoạch 2017
- 7Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 8Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 9Luật Xây dựng sửa đổi 2020
- 10Nghị định 72/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định 44/2015/NĐ-CP hướng dẫn về quy hoạch xây dựng
- 11Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 287/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 320/QĐ-TTg năm 2022 Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 318/QĐ-TTg năm 2022 Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Nghị quyết 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 do Quốc hội ban hành
- 16Thông tư 04/2022/TT-BXD quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 17Quyết định 1146/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050
- 18Quyết định 1536/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035 do tỉnh Bình Định ban hành
- 19Quyết định 868/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 20Quyết định 471/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 21Quyết định 1730/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 22Quyết định 3195/QĐ-UBND năm 2023 về Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045
- 23Quyết định 1732/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- 24Quyết định 2048/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đến năm 2040, định hướng đến năm 2050
- 25Quyết định 2653/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050
Quyết định 1331/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Số hiệu: 1331/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/08/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
- Người ký: Nguyễn Văn Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra