Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1323/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 07 tháng 05 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TRỰC TIẾP CHO NGƯỜI DÂN THUỘC HỘ NGHÈO VÙNG KHÓ KHĂN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 102/2009/QĐ-TTG NGÀY 07/8/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-UBDT-BTC ngày 08/01/2010 của liên ngành Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 08/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 06/5/2010.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện có liên quan và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Đ/c Chủ tịch, các Phó CT, Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Chánh VP/UB;
- Lưu: VT, TC, DT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Kỳ

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 102/QĐ-TTG NGÀY 07/8/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TRỰC TIẾP CHO NGƯỜI DÂN TỘC THUỘC HỘ NGHÈO Ở VÙNG KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1323/QĐ-UBND ngày 07/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng hỗ trợ.

Phạm vi được thụ hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp là các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục các đơn vị hành chính khó khăn.

- Đối tượng được hỗ trợ là người dân thuộc hộ nghèo đủ hai điều kiện sau:

+ Phù hợp với chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015;

+ Có hộ khẩu thường trú và cư trú hợp pháp trên địa bàn các xã thuộc vùng khó khăn.

Điều 2. Phương thức, hình thức hỗ trợ

a. Phương thức hỗ trợ:

Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.

b. Hình thức hỗ trợ:

Hỗ trợ 100% bằng hiện vật (cho không) thông qua các đơn vị sản xuất cung ứng.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đối với người dân được thụ hưởng

- Là hộ nghèo có danh sách trong quyết định hộ nghèo hàng năm của UBND huyện nơi hộ nghèo cư trú

- Người nhận hiện vật phải là chủ hộ hoặc thành viên trong hộ, trường hợp đặc biệt hộ không có người đi nhận trực tiếp thì có thể viết giấy ủy quyền cho người đi nhận thay.

- Người nhận hiện vật hỗ trợ phải ký nhận vào danh sách hộ nghèo nhận hiện vật hỗ trợ và phải được Ủy ban nhân dân xã xác nhận

- Địa điểm giao nhận hiện vật được thực hiện tại trụ sở UBND xã.

Điều 4. Đối với chính quyền cấp huyện, xã

- Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã tổng hợp rà soát danh sách các hộ nghèo; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các đối tượng được hỗ trợ đảm bảo kịp thời, công khai dân chủ, khách quan và có hiệu quả thiết thực.

- Ủy ban nhân dân các huyện căn cứ danh sách người nghèo hằng năm phân bổ chi tiết các mặt hàng hỗ trợ cho từng xã sau khi có quyết định phân bổ của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- UBND xã thông báo đến từng thôn, bản số lượng, kinh phí, mặt hàng được UBND tỉnh, UBND huyện phân bổ và thực hiện việc cấp phát các mặt hàng đến từng hộ nghèo, đồng thời phối hợp với các tổ chức liên quan như Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ … kiểm tra giám sát việc thực hiện trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã đại diện cho hộ nghèo trực tiếp nhận hàng và giao hàng cho hộ nghèo đồng thời lập bảng kê theo từng thôn bản, ký xác nhận kết quả thực hiện hỗ trợ các mặt hàng và chịu trách nhiệm về xác nhận của mình.

Điều 5. Đối với các ngành liên quan có trách nhiệm:

a. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:

Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch thực hiện chính sách hàng năm; Tổng hợp danh sách hộ nghèo ở vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh

Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan phổ biến chính sách, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích những mặt hàng được nhà nước hỗ trợ.

Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh theo định kỳ và đột xuất và khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chính sách tránh xảy ra tiêu cực, thất thoát.

Kiến nghị những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung trong chính sách.

Định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện chính sách báo cáo với Ủy ban dân tộc, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính.

b. Sở Tài chính:

Chủ trì phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt giá từng mặt hàng hỗ trợ chính sách theo từng thời điểm. Văn bản duyệt giá gửi các Sở ngành và địa phương, đơn vị liên quan.

Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp dự toán, phân bổ kinh phí trình UBND tỉnh quyết định.

Cấp phát kinh phí cho các đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ cung ứng hiện vật hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo; Tổng hợp quyết toán báo cáo Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Phối hợp với văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo.

Điều 6. Đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất và cung ứng các mặt hàng chính sách có trách nhiệm:

Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch được UBND tỉnh phân bổ cho từng huyện và kế hoạch phân bổ của huyện cho từng xã về kinh phí, chủng loại các mặt hàng trên cơ sở đó các đơn vị cung ứng đến tận xã và thông báo công khai rộng rãi để hộ nghèo biết và giao nhận; Quá trình giao nhận phải lập hóa đơn, chứng từ, biên bản giao nhận kèm bảng kê, danh sách ký nhận của đại diện chủ hộ theo từng xã, huyện.

Các mặt hàng hỗ trợ được giao trong Quyết định phân bổ hằng năm của UBND tỉnh phải được Sở Tài chính duyệt giá, thông báo giá, các đơn vị được giao cung ứng xây dựng phương án trình Sở Tài chính đúng theo quy định tại Thông tư 05/2004/TT-BTC ngày 30/1/2004 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn quản lý giá hàng hóa thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước và Thông tư 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh giá.

Hàng hóa hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo trên địa bàn các đơn vị hành chính khó khăn phải đảm bảo yêu cầu: Số lượng, chất lượng, hiện vật được hỗ trợ, không để tình trạng khan hiếm hàng xảy ra ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong kê khai, nâng giá, đưa hàng không bảo đảm chất lượng vào hỗ trợ cho hộ nghèo.

Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo định kỳ: Tháng, Quý, Năm với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan.

Điều 7. Đối với các mặt hàng được hỗ trợ

a. Mặt hành bột canh muối iốt

Căn cứ chỉ tiêu phân bổ của UBND huyện cho từng xã, căn cứ vào danh sách hộ nghèo hàng năm, đơn vị được giao nhiệm vụ cung ứng đến tận UBND xã, có biên bản giao nhận giữa UBND xã và đơn vị cung ứng. UBND xã phân bổ chỉ tiêu và chỉ đạo trưởng thôn, bản lập danh sách cấp phát có ký nhận của hộ, xác nhận của thôn bản và chính quyền địa phương (hồ sơ lưu tại UBND xã).

Bột canh muối iốt phải đảm bảo chất lượng có văn bản kiểm tra chất lượng hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền, đóng gói 0,2 kg/gói.

b. Đối với mặt hàng giống lương thực:

Giống phải có năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp với đăng ký bộ giống của từng địa phương được thụ hưởng, nghiêm cấm cung ứng các loại giống không đúng chủng loại, kém chất lượng, lúa thịt.

Căn cứ chỉ tiêu phân bổ của UBND huyện cho từng xã, căn cứ vào danh sách hộ nghèo hàng năm, đơn vị được giao nhiệm vụ cung ứng đến tận UBND xã, có biên bản giao nhận giữa UBND xã và đơn vị cung ứng. UBND xã phân bổ chỉ tiêu và chỉ đạo trưởng thôn, bản lập danh sách cấp phát có ký nhận của hộ, xác nhận của thôn, bản và chính quyền địa phương để làm chứng từ thanh, quyết toán (hồ sơ lưu tại UBND xã).

c. Giống vật nuôi, thuốc thú y

Giống vật nuôi đưa vào hỗ trợ phải đảm bảo năng suất chất lượng, phù hợp với chủng loại giống trong cơ cấu phát triển chăn nuôi của ngành nông nghiệp

Thuốc thú y đảm bảo chất lượng để đảm bảo dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra đối với đàn gia súc, gia cầm của bà con.

Căn cứ chỉ tiêu phân bổ của UBND huyện cho từng xã, căn cứ vào danh sách hộ nghèo hàng năm, đơn vị được giao nhiệm vụ cung ứng đến tận UBND xã, có biên bản giao nhận giữa UBND xã và đơn vị cung ứng. UBND xã phân bổ chỉ tiêu và chỉ đạo trưởng thôn, bản lập danh sách cấp phát có ký xác nhận của hộ, xác nhận của thôn, bản và chính quyền địa phương để làm chứng từ thanh, quyết toán (hồ sơ lưu tại UBND xã).

Chương 3.

CẤP PHÁT VÀ THANH QUYẾT TOÁN

Điều 8. Căn cứ kế hoạch được UBND tỉnh giao, thông báo giá. Sở Tài chính cấp ứng kinh phí theo tiến độ, cấp ứng đợt sau phải có hồ sơ hoàn ứng đợt trước. Kết thúc năm kế hoạch các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán.

Hồ sơ quyết toán gồm:

- Bảng báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ cung ứng mặt hàng hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.

- Bảng kê tổng hợp quyết toán.

- Bảng kê chi tiết quyết toán. (từng mặt hàng theo từng huyện, xã)

- Danh sách ký nhận của từng hộ (Bản photo) có xác nhận của UBND xã

- Bảng kê hóa đơn, chứng từ và hóa đơn chứng từ bán hàng liên quan do Bộ Tài chính phát hành (hóa đơn ghi rõ từng chủng loại mặt hàng, khối lượng quy cách, giá cả, không ghi gộp nhiều chủng loại rồi tính bình quân).

- Văn bản kiểm tra chất lượng hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Giao Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tài chính phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra giám sát các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện.

Điều 10. UBND các huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã tăng cường giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người dân, UBND xã chịu trách nhiệm tiếp nhận và cấp phát hàng hỗ trợ chính sách đến tận người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.

Điều 11. Quy định này có hiệu lực trong công tác quản lý, thực hiện chính sách theo Quyết định số 102/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc yêu cầu các địa phương, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tài chính để liên ngành xem xét báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1323/QĐ-UBND năm 2012 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 1323/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/05/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Trần Minh Kỳ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản