Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1323/2010/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 22 tháng 04 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỊ TRÍ CỐNG ĐẦU KÊNH VÀ MỨC TRẦN THU PHÍ DỊCH VỤ THỦY NÔNG NỘI ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/02/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ; Thông tư số 65/2009/TT-BNN&PTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 12/TTr-SNN&PTNT ngày 08/02/2010 về việc đề nghị quy định mức trần thu phí dịch vụ thủy nông nội đồng theo Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Xác định vị trí cống đầu kênh:

Cống đầu kênh là công trình dẫn nước hoặc tiêu nước cho một diện tích hưởng lợi nhất định thuộc trách nhiệm quản lý của người hưởng lợi.

Diện tích tưới, tiêu thiết kế đối với từng vùng được quy định như sau:

a) Đối với vùng đồng bằng: Nhỏ hơn hoặc bằng 200ha;

b) Đối với vùng trung du, miền núi: Nhỏ hơn hoặc bằng 100ha.

Điều 2. Đối tượng thu, nộp và mục đích sử dụng phí dịch vụ thủy nông nội đồng:

1. Các tổ chức, cá nhân sử dụng nước cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp đều phải nộp phí dịch vụ thủy nông nội đồng.

2. Tổ chức, cá nhân thu phí dịch vụ thủy nông nội đồng.

Tổ chức hợp tác dùng nước là đơn vị thu phí dịch vụ thủy nông nội đồng trên cơ sở hợp đồng, nghiệm thu với các hộ dùng nước.

3. Phạm vi thu phí: Tính từ cống đầu kênh đến mặt ruộng.

4. Nguồn phí dịch vụ thủy nông nội đồng được sử dụng:

- Chi phí quản lý cho tổ chức hợp tác dùng nước;

- Chi phí lấy nước, dẫn nước tưới, tháo nước tiêu;

- Chi duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình thủy lợi nội đồng (kênh mương, cống đập, bờ bao...).

Điều 3. Mức trần thu phí dịch vụ thủy nông nội đồng.

- Đối với xã đồng bằng: 219.000đ/ha/vụ;

- Đối với xã miền núi: 131.000đ/ha/vụ.

Căn cứ mức trần phí dịch vụ thủy nông nội đồng do UBND tỉnh quy định tại Điều này, Tổ chức hợp tác dùng nước xây dựng mức cụ thể, báo cáo UBND xã để thực hiện.

Điều 4. Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, các công ty thủy nông; UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các Tổ chức hợp tác dùng nước; báo cáo kịp thời về UBND tỉnh; xây dựng phương án điều chỉnh mức thu khi có biến động về giá hoặc chính sách của Nhà nước thay đổi trình UBND tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo UBND các xã phối hợp với Tổ chức hợp tác dùng nước xây dựng phương án thu phí dịch vụ thủy nông nội đồng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; tuyên truyền đến từng hộ gia đình, cá nhân về việc chấp hành nộp phí; kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn thu theo quy định của Nhà nước.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Tài chính, Nông nghiệp và PTNT; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



Trịnh Văn Chiến