Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1317/QĐ-UBND | Lai Châu, ngày 11 tháng 9 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC: QUY ĐỊNH TRỢ CẤP GẠO CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ TRỒNG RỪNG THAY THẾ NƯƠNG RẪY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số: 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số: 52 /2008/TTLT-BNN- BTC ngày 14 tháng 4 năm 2008 của liên Bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy;
Xét đề nghị của Giám đốc sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 233/TTr-SNN-LN ngày 04 tháng 8 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn tỉnh Lai Châu; cụ thể như sau:
I. THỜI HẠN, MỨC TRỢ CẤP VÀ PHƯƠNG THỨC TRỢ CẤP GẠO:
1.Thời hạn trợ cấp:
Bắt đầu từ khi ngừng canh tác nương rẫy để chuyển sang trồng rừng đến khi có thu nhập thay thế, thời hạn là 7 năm.
2. Mức trợ cấp:
Mức trợ cấp gạo xác định cho từng hộ gia đình căn cứ vào diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi sang trồng rừng, cụ thể như sau:
- Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu nhiều nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy ít, thì mức trợ cấp theo diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi, mỗi ha 700 kg/năm.
- Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu ít nhưng tham gia chuyển đổi với diện tích nương rẫy nhiều, thì mức trợ cấp gạo tính theo khẩu, bình quân là 10 kg/tháng, cụ thể áp dụng cho các vùng như sau:
+ Vùng I, mức trợ cấp gạo là: 7 kg/khẩu/tháng.
+ Vùng II, mức trợ cấp gạo là: 10 kg/khẩu/tháng.
+ Vùng III, mức trợ cấp gạo là: 12 kg/khẩu/tháng.
Riêng các xã vùng I nhưng có bản thuộc vùng II, III và các xã vùng II nhưng có bản vùng III vẫn được hưởng theo chế độ vùng tương ứng và ngược lại. Việc phân vùng được xác định theo các Quyết định của Uỷ ban dân tộc số: 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27 tháng 11 năm 2006 về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; số: 05/2007/QĐ-UBDT ngày 06 tháng 9 năm 2007 về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.
3. Phương thức trợ cấp:
a) Loại gạo trợ cấp là loại gạo phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhân dân hoặc được sản xuất tại địa phương, độ ẩm không quá 14%, không có sâu mọt, nấm, mốc.
b) Chủ đầu tư tổ chức cấp gạo trực tiếp cho từng hộ gia đình trong vùng dự án theo định kỳ 03 (ba) tháng một lần tại trung tâm xã:
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG TRONG VIỆC QUẢN LÝ, CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC TRỢ CẤP GẠO
1.Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã:
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm về hiệu quả việc trợ cấp gạo và trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy tại địa phương.
Chỉ đạo việc điều chỉnh bổ sung và xây dựng Dự án cơ sở của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
b) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự án, tổng hợp nhu cầu trợ cấp gạo hàng năm.
c) Xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm không để lãng phí, thất thoát, bảo đảm công bằng trong quá trình thực hiện trợ cấp gạo.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Dự án cơ sở của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, hướng dẫn, theo dõi quản lí về việc triển khai thực hiện việc trợ cấp gạo và trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy tại địa phương.
b) Tổ chức chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp Ban quản lý rừng phòng hộ, tuyên truyền vận động, hướng dẫn cho nhân dân thực hiện trồng rừng thay thế nương rẫy và trợ cấp gạo, định kỳ cuối quý, cuối năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện.
c) Định kỳ cuối quý, cuối năm tổng hợp tình hình thực hiện Dự án cơ sở của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên phạm vi toàn tỉnh, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì phối hợp với sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện việc trồng rừng phòng hộ và trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy theo kế hoạch hàng năm của tỉnh.
4. Sở Tài chính:
- Có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính, hướng dẫn phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện các vấn đề liên quan đến chế độ thanh quyết toán, thẩm định theo quy định hiện hành.
5. Kho bạc Nhà nước tỉnh:
Căn cứ nguồn vốn được bố trí và chế độ quy định, thực hiện việc kiểm soát và tiến hành cấp phát vốn kịp thời cho các chủ đầu tư.
Quản lý theo dõi việc tạm ứng, thanh quyết toán vốn, báo cáo định kỳ việc thanh toán vốn theo quy định hiện hành.
6. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
a) Phối hợp chủ đầu tư cơ sở tuyên truyền, vận động và phổ biến các quy định về chính sách việc trồng rừng phòng hộ và trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy.
b) Phối hợp chủ đầu tư cơ sở rà soát danh sách các hộ gia đình, số lượng gạo trợ cấp cho từng hộ gia đình trong thôn và thống nhất cụ thể về địa điểm, thời gian cấp gạo.
c) Chỉ đạo Ban tư pháp xã, Kiểm lâm địa bàn, các Trưởng thôn, các tổ chức chính trị xã hội địa phương phối hợp chủ đầu tư cơ sở giám sát, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thực hiện sử dụng gạo trợ cấp và trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp tại xã.
d) Công khai tại Uỷ ban nhân dân xã danh sách các hộ gia đình tham gia trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy về số lượng gạo được trợ cấp, diện tích trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy.
7. Trách nhiệm của Trưởng thôn, bản:
a) Phối hợp chủ đầu tư cơ sở và Kiểm lâm địa bàn rà soát, thống kê các hộ gia đình tham gia trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy.
b) Giám sát việc thực hiện sử dụng gạo trợ cấp và trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy tại thôn, bản.
c) Công khai tại thôn, bản danh sách các hộ gia đình tham gia trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy về số lượng gạo được trợ cấp, diện tích trồng rừng phòng hộ và trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy.
8. Trách nhiệm của chủ đầu tư (Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng Thị xã Lai Châu):
a) Thực hiện chức năng nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án cơ sở của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo quy định này và các quy định hiện hành khác có liên quan.
b) Khi có khối lượng đã đủ điều kiện theo hợp đồng, tiến hành nghiệm thu kịp thời, lập đầy đủ hồ sơ thanh toán hạng mục công trình hoàn thành và đề nghị thanh toán trợ cấp gạo cho hộ gia đình đúng thời hạn quy định.
c) Hướng dẫn các hộ gia đình lập sổ theo dõi việc nhận gạo trợ cấp hàng năm (Theo mẫu biểu tại Thông tư: 52/2008/TTLT-BNN- BTC).
d) Thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định về chế độ báo cáo, thanh quyết toán của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
9. Trách nhiệm của chủ hộ gia đình tham gia trồng rừng thay thế nương rẫy:
a) Cùng các thành viên trong gia đình và vận động các hộ gia đình trong cộng đồng tổ chức thực hịên theo đúng “Giấy đề nghị trồng rừng thay thế nương rẫy” mà mình đã cam kết.
b) Không chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê diện tích nương rẫy đã đăng ký chuyển đổi sang trồng rừng.
c) Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng theo đúng hợp đồng đã ký và theo các quy trình, quy định, hướng dẫn của chủ đầu tư và các văn bản hiện hành khác có liên quan.
Điều 2. Những nội dung trợ cấp gạo không quy định tại Quyết định này thực hiện theo Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2008 của liên Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Tài chính.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Trưởng Ban dân tộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các Ban quản lí rừng phòng hộ, Ban quản lý Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 01/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy do Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành
- 2Quyết định 253/2010/QĐ-UBND quy định mức trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi tham gia Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy - thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tỉnh Phú Yên
- 3Quyết định 27/2011/QĐ-UBND Quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 100/2007/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 661/QĐ-TTg năm 1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 05/2007/QĐ-UBDT về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc ban hành
- 4Quyết định 301/2006/QĐ-UBDT công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
- 5Thông tư liên tịch 52/2008/TTLT-BNN-BTC hướng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy do Liên Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 01/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy do Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành
- 7Quyết định 253/2010/QĐ-UBND quy định mức trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi tham gia Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy - thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tỉnh Phú Yên
- 8Quyết định 27/2011/QĐ-UBND Quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Quyết định 1317/QĐ-UBND năm 2008 quy định trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- Số hiệu: 1317/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/09/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
- Người ký: Lê Trọng Quảng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra