Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1316/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 03 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU CÔNG NGHIỆP PHÚ BÀI GIAI ĐOẠN IV, THỊ XÃ HƯƠNG THỦY, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định quản lý về khu công nghiệp và khu kinh tế;

Căn cứ Văn bản số 962/TTg-KTN ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng Quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;

Căn cứ Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài mở rộng (tỷ lệ 1/5000), huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Quyết định số 63/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quy định về phân công, phân cấp và ủy quyền công tác quy hoạch - kiến trúc xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 08 tháng 5 năm 2020 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài mở rộng (giai đoạn IV), thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Văn bản số 2553/BXD-QHKT ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Bộ Xây dựng về việc góp ý đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài mở rộng (giai đoạn IV), thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 1276/TĐ-SXD ngày 04 tháng 5 năm 2020, Tờ trình số 1526/TTr-SXD ngày 01 tháng 6 năm 2020 về việc tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng và đề nghị phê duyệt Quy hoạch và Quy định quản lý quy hoạch theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa

Thiên Huế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế với những nội dung chính như sau:

1. Tên đồ án: Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Địa điểm: xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Phạm vi ranh giới

- Phía Bắc: Giáp đường tránh phía Tây thành phố Huế;

- Phía Nam: Giáp đồi núi, hồ Khe Lời, đường dân sinh và sông Ông Giá;

- Phía Đông: Giáp khu dân cư xã Thuỷ Phù;

- Phía Tây: Giáp đồi núi và Tỉnh lộ 15.

4. Quy mô

- Quy mô đất đai: Tổng diện tích khu vực lập quy hoạch được điều chỉnh giảm từ 515,3 ha (theo quy hoạch đã được phê duyệt) thành 497,55 ha.

- Quy mô lao động: Dự kiến khoảng 40.000 người.

5. Tính chất: Là khu công nghiệp tổng hợp xanh, sạch, công nghệ tiên tiến, bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, bao gồm, các ngành nghề sau:

- Điện và Điện tử;

- Công nghệ sinh học;

- Thực phẩm, tiêu dùng nhanh;

- Kho vận;

- Cơ khí chính xác, chế tạo máy;

- Dược phẩm; thiết bị và sản phẩm y tế;

- Vật liệu mới;

- Tài chính, ngân hàng, phần mềm dữ liệu;

- Trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm đo lường;

- Công nghệ thông tin, cơ khí, chế tạo máy, thiết bị sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải, gia công lắp ráp ô tô, xe máy;

- Công nghiệp điện tử và sản phẩm điện gia dụng;

- Công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản xuất khẩu;

- Công nghiệp về bao bì (giấy, kim loại, chất dẻo), bao bì cao cấp;

- Công nghiệp may mặc xuất khẩu; da giày (giới hạn số lượng công nhân dưới 5000 người);

- Một số dịch vụ phục vụ hoạt động khu công nghiệp (văn phòng, hội nghị, căn tin,...);

- Một số ngành công nghiệp khác sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại.

6. Thời hạn quy hoạch

Thời hạn quy hoạch được xác định trên cơ sở kế hoạch thực hiện quy hoạch theo Điều 48 Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014.

7. Động lực phát triển của khu vực lập quy hoạch

Khu công nghiệp Phú Bài là Khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế, với vị trí tiếp giáp với tuyến đường tránh Quốc lộ 1 và có vị trí thuận lợi trên tuyến đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan nối 3 tỉnh, thành phố miền Trung là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đã Nẵng. Do đó, với việc đưa vào vận hành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào năm 2021, sẽ tạo ra các động lực để phát triển kinh tế miền Trung, trong đó Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giải quyết các nhu cầu đầu tư xây dựng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất, hướng đến hình thành khu công nghiệp hiện đại, xanh, sạch và phát triển bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

8. Các nội dung điều chỉnh quy hoạch

- Điều chỉnh quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch từ 515,3 ha thành 497,55 ha (phù hợp với quy mô Khu công nghiệp Phú Bài đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tại Văn bản số 962/TTg-KTN ngày 19 tháng 6 năm 2014).

- Điều chỉnh phạm vi ranh giới lập quy hoạch nhằm phù hợp với hiện trạng sử dụng đất theo hướng giảm khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng, tránh ảnh hưởng tác động tới dòng chảy của sông Phú Bài và kết nối giao thông khu vực giai đoạn IV với Tỉnh lộ 15, đường tránh Quốc lộ 1A. Định hướng trong tương lai khi tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan hoàn thành, hướng kết nối ra Tỉnh lộ 15 sẽ tiếp cận đường cao tốc nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh.

- Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng để đảm bảo giữ lại khu vực nghĩa địa tập trung có quy mô và các công trình tâm linh, tạo được sự đồng thuận của người dân trong khu vực quy hoạch, tăng khả năng thu hút đầu tư cho Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV.

9. Quy hoạch sử dụng đất và định hướng các khu chức năng

- Cơ cấu sử dụng đất:

TT

Loại đất

Quy hoạch đã phê duyệt

Quy hoạch điều chỉnh

Thay đổi (Tăng/Giảm)

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

1

Đất điều hành và dịch vụ

10,94

2,12

19,06

3,83

8,12

2

Đất nhà máy, xí nghiệp

290,62

56,40

292,52

58,79

1,90

3

Đất kho bãi

9,60

1,86

18,14

3,65

8,54

4

Đất cây xanh, mặt nước

87,07

16,90

83,02

16,69

-4,05

5

Đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật

9,41

1,83

6,62

1,33

-2,79

6

Đất giao thông

107,66

20,89

78,19

15,71

-29,47

 

Tổng

515,30

100,00

497,55

100,00

-17,75

- Định hướng các khu chức năng: Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế được chia thành 02 phân khu chức năng, làm cơ sở quản lý, lập quy hoạch chi tiết hoặc phân khu theo từng giai đoạn phát triển như sau:

Khu công nghiệp phía Bắc (đợt 1), bao gồm các chức năng chính: Nhà máy xí nghiệp sản xuất, kho bãi, khu hành chính công cộng, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh công viên ven sông Phú Bài, sông Phú Bài và hành lang bảo vệ sông.

Khu công nghiệp phía Nam (đợt 2), bao gồm các chức năng chính: Nhà máy xí nghiệp sản xuất, khu hành chính công cộng, dịch vụ, cây xanh công viên tập trung, khu hạ tầng đầu mối kỹ thuật, kho bãi…

Bảng Quy hoạch sử dụng đất theo đợt

TT

Chức năng sử dụng

Diện tích (ha)

Tỷ lệ (%)

A

Khu công nghiệp phía Bắc (đợt 1)

 

 

A1

Đất điều hành và dịch vụ

1,73

2,01

A2

Đất nhà máy xí nghiệp

34,22

39,85

A3

Đất kho bãi

6,10

7,10

A4

Đất cây xanh, mặt nước

12,67

14,75

A5

Đất sông và hành lang bảo vệ

13,35

15,55

A6

Đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật

1,23

1,43

A7

Đất giao thông

16,57

19,30

 

Tổng diện tích đợt 1

85,87

100

B

Khu công nghiệp phía Nam (đợt 2)

 

 

B1

Đất điều hành và dịch vụ

17,33

4,21

B2

Đất nhà máy xí nghiệp

258,30

62,74

B3

Đất kho bãi

12,04

2,92

B4

Đất cây xanh, mặt nước

57,00

13,85

B5

Đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật

5,39

1,31

B6

Đất giao thông

61,62

14,97

 

Tổng diện tích đợt 2

411,68

100

 

Tổng diện tích cả 2 đợt

497,55

 

10. Tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan

a) Bố cục không gian kiến trúc toàn khu:

- Không gian kiến trúc, cảnh quan khu công nghiệp: Được tạo lập và gắn kết hài hòa với nhiều cây xanh, mặt nước nhằm tạo ra môi trường làm việc tốt cho người lao động, bao gồm khu vực hành chính, dịch vụ công cộng; khu vực nhà máy, nhà xưởng sản xuất; khu vực nhà kho, bến bãi; khu vực cây xanh cảnh quan, công viên tập trung.

- Trục không gian chính khu công nghiệp:

Trục Bắc Nam: Đường trục chính Bắc Nam của khu công nghiệp nối với đường tránh Quốc lộ 1A; đây là đường trục chính của Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV - đợt 1 có mặt cắt ngang rộng 36m, tạo trục cảnh quan từ tuyến giao thông đối ngoại vào khu công nghiệp.

Trục Đông Tây: Đường trục chính Đông Tây của Khu công nghiệp nối với Tỉnh lộ 15; đây là đường trục chính của Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV - đợt 2 có mặt cắt ngang rộng 61,5m. Bố trí dải cây xanh cách ly kết hợp kênh thoát nước mưa giữa làn đường chính và đường gom, dải cây xanh giữa đường gom và khu vực nhà máy, hình thành trục không gian xanh cho Khu công nghiệp và khu vực.

- Không gian cửa ngõ và điểm nhấn khu công nghiệp: Bố trí khu công trình hành chính dịch vụ tại khu vực đường trục chính nối từ đường tránh Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 15 vào Khu công nghiệp, là vị trí thuận lợi để tiếp cận từ các hướng. Khu công trình hành chính dịch vụ này là công trình điểm nhấn kiến trúc có tính chất cửa ngõ của Khu công nghiệp.

b) Các quy định về chỉ tiêu quy hoạch, không gian kiến trúc cảnh quan

- Các khu vực xây dựng nhà máy, kho tàng:

Mật độ xây dựng tối đa: 60%;

Tầng cao trung bình: 03 tầng;

Tầng cao tối đa: 07 tầng;

Hệ số sử dụng đất: 2,4 lần.

- Các khu vực trung tâm điều hành và dịch vụ:

Mật độ xây dựng tối đa: 50%;

Tầng cao tối đa: 09 tầng;

Tầng cao trung bình: 05 tầng;

Hệ số sử dụng đất: 3,0 lần.

- Các khu vực công trình hạ tầng kỹ thuật:

Mật độ xây dựng tối đa: 50%;

Tầng cao tối đa: 03 tầng;

Tầng cao trung bình: 01 tầng;

Hệ số sử dụng đất: 01 lần.

- Các khu vực công viên, cây xanh:

Mật độ xây dựng tối đa: 5%;

Tầng cao tối đa: 01 tầng;

Tầng cao trung bình: 1 tầng;

Hệ số sử dụng đất: 0,05 lần.

Ghi chú: Chiều cao xây dựng và mật xây dựng tương ứng các công trình xây dựng nhà máy, kho tàng cụ thể phải đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

11. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật

a) Quy hoạch giao thông:

* Các tuyến đường nằm ngoài ranh giới khu công nghiệp và có ảnh hưởng trực tiếp đến kết nối liên vùng và sự phát triển của khu công nghiệp: Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Huế; Tỉnh lộ 15 tiếp giáp tại phía Tây khu vực quy hoạch có lộ giới được xác định theo quy hoạch giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Mạng lưới các tuyến trong khu công nghiệp:

- Đường đối ngoại:

Mặt cắt 1-1: Là trục đối ngoại và trục chính khu công nghiệp giai đoạn IV - đợt 2; quy mô mặt cắt ngang rộng 61,50m (7m 11,25m 25m 11,25m 7m);

Mặt cắt 4-4: Là trục đối ngoại và trục chính khu công nghiệp giai đoạn IV - đợt 1; quy mô mặt cắt ngang rộng 36,00m (5m 11m 4m 11m 5m).

- Đường khu vực công nghiệp:

Mặt cắt 2-2: Mặt cắt ngang rộng 29,00m (7m 7,5m 7,5m 7m);

Mặt cắt 3-3: Mặt cắt ngang rộng 24,50m (7m 5,25m 5,25m 7m);

Mặt cắt 5-5: Đường khu vực khu công nghiệp thuộc giai đoạn IV - đợt 1, mặt cắt ngang rộng 19,50m (4m 5,75m 5,75m 4m);

Mặt cắt 6-6: Đường bao quanh ranh giới khu công nghiệp, mặt cắt ngang rộng 20,00m (bao gồm đường bao dân sinh và hành lang cách ly khu công nghiệp).

* Công trình phục vụ giao thông:

- Bãi đỗ xe kết hợp cùng khu bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đỗ xe;

- Các bãi đỗ xe khác được bố trí trong các nhà máy, xí nghiệp, trong khuôn viên khu công cộng dịch vụ của khu công nghiệp.

b) Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật:

* San nền:

- Đối với khu vực giai đoạn IV - đợt 1: Giữ nguyên nền san gạt Hxd ≥ 4,30m, san lấp cục bộ đảm bảo thoát nước cho toàn khu vực.

- Cao độ khống chế các khu vực xây dựng mới (khu vực giai đoạn IV - đợt 2) như sau:

Khu vực công trình dịch vụ, phụ trợ:

Hxd ≥ 6,00m;

Khu vực công nghiệp:

Hxd ≥ 6,50m;

Khu vực kho tàng, bến bãi:

Hxd ≥ 7,00m;

Khu vực công viên, cây xanh:

Hxd ≥ 5,0m.

* Thoát nước mưa:

- Sử dụng hệ thống thoát nước riêng;

- Bố trí 02 tuyến kênh tiêu nước mưa với kích thước BxH=15mx2m chạy dọc tuyến đường mặt cắt 1-1, hệ thống cống nhánh đấu nối vào tuyến kênh tiêu nước mưa sau đó thoát ra sông Phú Bài;

- Bố trí các cống thoát nước mưa có kích thước D600-D2500 dọc các trục giao thông thoát ra trục kênh tiêu nước mưa sau đó thoát ra sông Phú Bài;

- Toàn bộ khu công nghiệp được chia làm 02 lưu vực thoát nước chính:

Lưu vực 1 là phần phía Bắc bao gồm toàn bộ diện tích khu vực khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV - đợt 1 diện tích khoảng 86 ha, hướng thoát chính ra sông Phú Bài;

Lưu vực 2 là phần phía Nam bao gồm toàn bộ diện tích khu vực khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV - đợt 2 diện tích khoảng 412 ha, hướng thoát ra hệ thống kênh tiêu nước chạy dọc tuyến đường trục chính khu công nghiệp (mặt cắt giao thông 1-1) sau đó thoát về sông Phú Bài.

- Kè chống sạt lở và bảo vệ bờ sông Phú Bài và xung quanh khu vực quy hoạch (đối với khu vực có địa hình phức tạp).

c) Quy hoạch cấp điện và chiếu sáng:

* Nguồn điện:

- Nhu cầu cấp điện cho khu vực quy hoạch khoảng 62MW;

- Nguồn cung cấp điện: Lắp đặt mới trạm biến áp 110/22KV Phú Bài 2 có công suất 2x40MVA theo tiểu dự án Trạm biến áp 110KV Khu công nghiệp Phú Bài 2 và đấu nối thuộc dự án lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Đức (dự án thành phần 2, giai đoạn 2) đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2306/QĐ-BCT ngày 29 tháng 6 năm 2018 để cung cấp điện cho Khu công nghiệp. Trong giai đoạn đầu, sử dụng nguồn cung cấp điện được lấy từ trạm 110KV hiện có ở Khu công nghiệp giai đoạn I, II, III.

* Mạng lưới điện trung áp: Sử dụng cấp điện áp chuẩn 22KV cấp điện cho các phụ tải trong khu vực, các xuất tuyến được lấy từ trạm 110/22KV nằm ở phía Đông Bắc khu vực. Các tuyến cáp 22KV được bố trí đi ngầm.

* Chiếu sáng đường: Nguồn cấp cho chiếu sáng đèn đường sẽ được lấy từ các trạm biến áp gần nhất cho từng khu vực đảm bảo chiều dài tuyến ≤ 1.500m; Đèn đường sử dụng loại đèn LED công suất bóng từ 150w-200w.

d) Quy hoạch cấp nước:

- Nhu cầu cấp nước trung bình của khu vực quy hoạch khoảng 5.900 m3/ng.đ.

- Nguồn nước: Xác định theo Quy hoạch cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Giai đoạn đầu khi hạ tầng cấp nước từ nhà máy nước tập trung chưa xây dựng, sử dụng nguồn cấp nước từ nhà máy nước Phú Bài (cấp nước cho khu công nghiệp Phú Bài) và các nguồn có sẵn; giai đoạn dài hạn khi hạ tầng cấp nước theo quy hoạch được đầu tư hoàn thiện, tiến hành đấu nối nguồn bổ sung phục vụ nhu cầu khu vực quy hoạch.

- Mạng lưới đường ống: Mạng lưới đường ống chính trong khu vực được thiết kế dạng mạng vòng kết hợp mạng nhánh, kích thước từ D110-D400, đảm bảo cấp nước liên tục, an toàn, đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước cho các đối tượng và phù hợp với khu vực thiết kế.

- Hệ thống cấp nước chữa cháy được thiết kế kết hợp với hệ thống cấp nước chính. Họng cứu hoả được bố trí trên các tuyến ống D110 trở lên; khoảng cách tối đa giữa các họng cứu hỏa là 150m.

e) Quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:

* Thoát nước thải:

- Dự báo lượng nước thải phát sinh trung bình của khu vực quy hoạch khoảng 5.700 m3/ng.đ.

- Giải pháp thiết kế:

Toàn bộ nước thải thuộc Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV - đợt 1 được thu gom và đưa về trạm xử lý nước thải thuộc Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn II theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ- BTNMT ngày 28 tháng 02 năm 2019;

Toàn bộ nước thải thuộc Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV - đợt 2 sẽ được thu gom và xử lý tại trạm xử lý nước thải được xây dựng mới tại khu đất hạ tầng kỹ thuật của khu quy hoạch với công suất khoảng 7.600 m3/ng.đ.

- Xây dựng hồ chỉ thị sinh học môi trường với dung tích chứa khoảng 40.000m3/ng.đ (diện tích khoảng 02 ha) trong phần đất hạ tầng kỹ thuật của trạm xử lý nước thải để lưu giữ nước thải công nghiệp sau khi đã qua hệ thống xử lý nước thải của khu vực quy hoạch trong vòng ít nhất 05 ngày trước khi xả thải ra môi trường theo quy định tại Quyết định số 69/2017/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành “Quy định về việc xây dựng và vận hành hồ chỉ thị sinh học môi trường trong quản lý nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Tận dụng nước thải sau xử lý lưu giữ trong hồ chứa để phục vụ nhu cầu tưới cây, rửa đường, dự phòng cứu hỏa, giảm áp lực cung cấp nước sạch cho khu vực thiết kế.

* Quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường:

- Khối lượng chất thải rắn phát sinh khu vực khoảng 80 tấn/ngày.

- Chất thải rắn sau khi được thu gom, phân loại theo quy định sẽ đưa về xử lý tại khu xử lý rác tập trung theo quy hoạch.

- Chất thải rắn độc hại các nhà máy phải có phương án xử lý riêng.

* Nghĩa trang: Khoanh vùng, trồng cây xanh cách ly, chấm dứt việc phát triển mới các nghĩa địa trong khu vực quy hoạch. Khi có nhu cầu thu hồi đất, các nghĩa địa hiện trạng sẽ chuyển đến các khu nghĩa trang tập trung theo quy hoạch.

g) Quy hoạch thông tin liên lạc:

Xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc đảm bảo các nhu cầu sử dụng theo từng khu vực và từng giai đoạn; hệ thống đường ống thông tin liên lạc được thiết kế đi ngầm, gồm các hệ thống cống, bể cáp và hầm cáp chạy trên vỉa hè.

h) Đánh giá môi trường chiến lược:

* Giải pháp bảo vệ môi trường trong kỳ quy hoạch

- Các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Đường giao thông, bãi đỗ xe, trạm xử lý nước thải,... tạo lập thêm không gian xanh và có hành lang cách ly giữa các công trình công cộng với các công trình này như: Đảm bảo cách ly cây xanh đối với công trình ven trục giao thông tối thiểu 2m; vùng đệm khu xử lý nước thải sẽ xây dựng hàng rào quanh công trình, trồng cây xanh với chiều rộng 10m; trồng cây xanh bao phủ bãi đỗ xe, bố trí khuất tầm mắt không gây ảnh hưởng đến khu dân cư.

- Bảo vệ và khống chế ô nhiễm môi trường đất bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường đất và thông tin về nguồn gây ô nhiễm đất. Bố trí thêm các điểm quan trắc ở các khu vực quy hoạch chịu tác động tổng hợp của nước thải và chất thải công nghiệp.

- Bảo vệ và khống chế ô nhiễm môi trường nước: Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải từ các vực sản xuất, xử lý đạt tiêu chuẩn mới được phép xả ra nguồn tiếp nhận. Thực hiện đồng bộ các dự án thoát nước kết hợp tổ chức đường giao thông, hệ thống thu gom nước thải,… không để xả thải trực tiếp vào nguồn nước.

- Bảo vệ và khống chế ô nhiễm chất thải rắn: Áp dụng quy trình phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại ngay tại nguồn để việc xử lý đạt hiệu quả.

- Bảo vệ và khống chế ô nhiễm không khí - tiếng ồn: Hạn chế ô nhiễm không khí, tiếng ồn và ùn tắc thông qua việc sử dụng đất hợp lý về việc xây dựng các công trình giao thông.

* Giải pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu: Thiết lập kế hoạch, kiểm soát, giám sát chất lượng môi trường nước, đất, không khí, tiếng ồn, chất thải rắn định kỳ dựa trên các chỉ tiêu quan trắc thực tế.

i) Các hạng mục ưu tiên đầu tư:

- Tổ chức cắm mốc giới theo đồ án quy hoạch chung đã được phê duyệt.

- Ưu tiên lập các quy hoạch phục vụ phát triển công nghiệp như: Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV đợt 1; Quy hoạch phân khu 1/2000 Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV đợt 2; mở rộng và nâng cấp tuyến đường Tỉnh lộ 15 và đường tránh Quốc lộ 1A.

- Lập dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt.

Điều 2. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, giao trách nhiệm các cơ quan liên quan thực hiện các công việc sau:

1. Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Hương Thủy, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức công bố quy hoạch để các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan biết, thực hiện.

2. Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh có trách nhiệm chuyển giao các bản vẽ quy hoạch được duyệt để các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý theo quy định (bao gồm: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Hương Thủy, UBND xã Thủy Phù, Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Thừa Thiên Huế); Thực hiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu hiện trạng và đồ án quy hoạch trên vào cơ sở dữ liệu GISHue theo quy định tại Điều 11 của Quyết định số 1422/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Quy định thu thập, cập nhật, quản lý, tích hợp, khai thác và sử dụng dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh và các quy định khác có liên quan.

3. Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, UBND thị xã Hương Thủy, các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND xã Thủy Phù thực hiện chức năng quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng công trình theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh và các quy định pháp luật hiện hành.

4. Nghiêm cấm việc thay đổi đồ án quy hoạch đã được phê duyệt. Mọi sự điều chỉnh, thay đổi phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2006 của UBND tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy; Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: CVP và các PCVP;
- Lưu VT, QHXT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1316/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn IV, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 1316/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/06/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Ngọc Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản