Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 131/2000/QĐ-UB

Ngày 11 tháng 12 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUI HOẠCH CÁC LÒ GIẾT MỔ GIA SÚC TẬP TRUNG TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ pháp lệnh Thú y ngày 15/2/1993;

Căn cứ Nghị định 93/CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành pháp lệnh Thú y và Thông tư Liên Bộ số 05/LB-TT ngày 24/5/1997 của Liên Bộ Thương Mại - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn điều kiện giết mổ, buôn bán và vận chuyển lợn, trâu, bò;

Xét tờ trình số 1855/NN&PTNT ngày 10/11/2000 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng về việc phê duyệt qui hoạch các lò giết mổ gia súc tập trung và quản lý giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2001-2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt qui hoạch các lò giết mổ gia súc tập trung từ năm 2001-2010 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với các nội dung chủ yếu sau:

1/ Mục tiêu dự án qui hoạch:

Xây dựng các lò giết mổ gia súc tập trung và quản lý giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm thực hiện theo đúng pháp lệnh Thú y và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Xây dựng đồng bộ và hoàn thành các lò giết mổ gia súc tập trung trên toàn bộ địa bàn các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đàlạt đảm bảo đến năm 2005 kiểm soát 70% số gia súc giết mổ và đến năm 2010 kiểm soát 100% số gia súc giết mổ trên địa bàn toàn tỉnh.

Quản lý và ngăn ngừa có hiệu quả việc lây lan dịch bệnh cho gia súc.

Đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

2/ Số lượng và qui mô các lò giết mổ tập trung:

Qui mô các lò giết mổ gia súc tập trung phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Có đầy đủ mặt bằng để bố trí các công trình phục vụ việc giết mổ gia súc, xử lý chất thải, khu nuôi nhốt gia súc chờ giết mổ theo đúng qui chuẩn tại quyết định số 99/QĐ ngày 20/2/1995 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) "V/v ban hành quy định về vệ sinh thú y đối với lò mổ gia súc.

Số lượng các lò giết mổ gia súc tập trung từ năm 2001 đến 2010 là 27 địa điểm, cụ thể:

Giai đoạn 2001-2002: Xây dựng 11 lò mổ gia súc tập trung tại thành phố Đàlạt, thị xã Bảo Lộc và các thị trấn của các huyện với các qui mô:

Loại 200 - 300 con/ ngày.

Loại 100 - 200 con/ ngày.

Giai đoạn 2003-2005: Xây dựng 16 lò giết mổ gia súc tại các thị tứ, khu vực tập trung dân cư của các huyện, vùng ngoại vi thành phố Đàlạt và thị xã Bảo Lộc với các qui mô:

Loại 50 - 100 con/ ngày.

Loại 30 - 50 con/ ngày.

Qui mô đất đai xây dựng: Tùy thuộc vào qui mô giết mổ gia súc để xác định qui mô diện tích đất hợp lý.

Diện tích tối thiểu từ 1000 - 2000 m2.

Tổng diện tích đất tối thiểu để xây dựng lò giết mổ gia súc giai đoạn 2001-2010 là 49.500 m2.

3/ Tổng vốn đầu tư và hình thức đầu tư:

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2001-2005: 8,80 tỷ đồng

Trong đó:

Năm 2001-2002: 5,75 tỷ đồng

Năm 2002-2005: 3,05 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư: Bằng các nguồn vốn ngân sách, vốn của các doanh nghiệp, vốn của tư nhân và các nguồn vốn khác, trong đó nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các lĩnh vực:

Qui hoạch và xây dựng các dự án.

Hỗ trợ đền bù, giải tỏa để giải phóng mặt bằng.

Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực giết mổ gia súc tập trung và xử lý môi trường.

4/ Các giải pháp thực hiện dự án:

Huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, bao gồm xây dựng các lò giết mổ gia súc theo qui hoạch đã được phê duyệt.

Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương xây dựng các lò giết mổ gia súc giai đoạn 2001-2010 của tỉnh Lâm Đồng.

Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, giải thích, vận động để các hộ kinh doanh giết mổ gia súc và mọi người dân hiểu về tầm quan trọng của việc xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung, việc sử dụng nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sức khỏe của nhân dân để mọi người tự giác chấp hành.

Chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp hành chính để bắt buộc các hộ kinh doanh giết mổ gia súc đưa gia súc vào giết mổ tại các lò mổ.

Chi cục Thú y có trách nhiệm huy động lực lượng cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở để kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ gia súc đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm một cách đồng bộ và có hiệu quả.

Điều 2: Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Vật giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Địa chính, Sở Xây dựng, Sở Khoa học - Công nghiệp và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình cùng với các ngành, địa phương và đơn vị có liên quan có trách nhiệm căn cứ vào đề án qui hoạch các lò giết mổ gia súc tập trung đã được phê duyệt để bố trí nguồn vốn, mặt bằng, thẩm định các dự án thiết kế xây dựng công trình và các điều kiện liên quan khác để thực hiện dự án.

Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Vật giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Địa chính, Sở Xây dựng, Sở Khoa học - Công nghiệp và Môi trường, Sở Thương mại, Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Sĩ Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 131/2000/QĐ-UB phê duyệt qui hoạch các lò giết mổ gia súc tập trung từ năm 2001 đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 131/2000/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/12/2000
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Hoàng Sĩ Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản