Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/QĐ-UBDT

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA ỦY BAN DÂN TỘC

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 84/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Nghị định số 10/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra công tác dân tộc;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và Chánh Thanh tra Ủy ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

Thanh tra Ủy ban Dân tộc (sau đây gọi là Thanh tra Ủy ban) là tổ chức thuộc Ủy ban Dân tộc, có chức năng giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (sau đây gọi là Bộ trưởng, Chủ nhiệm) quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực công tác dân tộc theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Ủy ban chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Ủy ban có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Thanh tra Ủy ban Dân tộc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.

2. Trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác thanh tra năm; quyết định thanh tra đột xuất và thanh tra lại theo quy định của pháp luật.

3. Trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác về công tác thanh tra khi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao;

Tham mưu giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra công tác dân tộc.

4. Thanh tra hành chính đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc theo quy định của pháp luật.

5. Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về công tác dân tộc; việc thực hiện chính sách, pháp luật, trong lĩnh vực công tác dân tộc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân liên quan; việc thực hiện các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc và đề xuất Bộ trưởng, Chủ nhiệm các biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

6. Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với vụ việc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc khi cần thiết. Quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao.

7. Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực công tác dân tộc cho thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra của Ủy ban Dân tộc và cơ quan chuyên môn làm công tác dân tộc cấp tỉnh. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Tổng kết công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.

8. Thường trực công tác phòng, chống tham nhũng, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện hành vi tham nhũng; tổ chức thanh tra, kiểm tra đề xuất với Bộ trưởng, Chủ nhiệm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các tập thể, cá nhân có hành vi tham nhũng theo quy định.

Thường trực tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; theo dõi đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Ủy ban Dân tộc.

9. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học khi được Bộ trưởng. Chủ nhiệm Ủy ban giao;

10. Tổng hợp báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định.

11. Quản lý, phân công nhận xét, đánh giá, theo dõi việc chấp hành nội quy và hiệu quả công tác của công chức thuộc Thanh tra Ủy ban; quản lý tài sản được Ủy ban Dân tộc giao cho Thanh tra Ủy ban. Quản lý, sử dụng kinh phí thu hồi sau thanh tra đúng quy định của pháp luật. Đề xuất việc thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức thuộc biên chế của Thanh tra Ủy ban, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm quyết định.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Thanh tra Ủy ban có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ và thanh tra viên, công chức làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên.

Chánh Thanh tra Ủy ban do Bộ trưởng, Chủ nhiệm bổ nhiệm và miễn nhiệm sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ theo quy định, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thanh tra Ủy ban.

Các Phó Chánh Thanh tra Ủy ban do Bộ trưởng, Chủ nhiệm bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Chánh Thanh tra Ủy ban. Phó Chánh Thanh tra Ủy ban giúp Chánh Thanh tra Ủy ban phụ trách một số lĩnh vực công tác của Thanh tra Ủy ban và chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Ủy ban và pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Lãnh đạo các phòng có Trưởng phòng và các Phó Trưởng phòng, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Chánh Thanh tra Ủy ban, chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra Ủy ban về tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của phòng theo quy định và theo phân công quản lý của lãnh đạo Thanh tra Ủy ban

2. Các phòng nghiệp vụ

a) Phòng Tổng hợp (Phòng nghiệp vụ 1);

b) Phòng Tiếp dân, xử lý đơn thư, giám sát và xử lý sau thanh tra (Phòng nghiệp vụ 2);

c) Phòng Thanh tra chuyên ngành (Phòng nghiệp vụ 3);

d) Phòng Thanh tra hành chính và phòng, chống tham nhũng (Phòng nghiệp vụ 4);

3. Chánh Thanh tra Ủy ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra; quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng nghiệp vụ thuộc Thanh tra Ủy ban. Xây dựng Quy chế làm việc của Thanh tra Ủy ban trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm phê duyệt.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 384/QĐ-UBDT ngày 08/12/2008 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Ủy ban Dân tộc.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Chánh Thanh tra Ủy ban, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Chánh Văn phòng Ủy ban và Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Thanh tra CP;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm;
- Các Thứ trưởng, PCN;
- Các Vụ, đơn vị thuộc UBDT;
- Cơ quan dân tộc cấp tỉnh;
- Website Ủy ban Dân tộc;
- Các phòng nghiệp vụ thuộc TTr;
- Lưu: VT, TTr(05b).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Giàng Seo Phử

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 130/QĐ-UBDT năm 2013 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Ủy ban Dân tộc

  • Số hiệu: 130/QĐ-UBDT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/03/2013
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Giàng Seo Phử
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản