Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2009/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 13 tháng 05 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP-TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH HẢI DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Xét đề nghị của Giám đốc sở Công Thương tại tờ trình số: 17/TT-SCT ngày 13 tháng 4 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về việc công nhận làng nghề Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương"
Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phổ biến, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số: 3798/2003/QĐ-UB ngày 18 tháng 9 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc Ban hành Quy định (tạm thời) về tiêu chuẩn làng nghề Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Công Thương, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
V/V CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành theo Quyết định số:13/2009/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định một số nội dung về tiêu chuẩn, trình tự xét duyệt công nhận làng nghề, quyền lợi và trách nhiệm của các làng nghề công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các tổ chức cá nhân hộ gia đình trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngành nghề, phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (gọi tắt là làng nghề) là làng (thôn, khu dân cư) có ngành nghề sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) phát triển ở các hộ gia đình trở thành nguồn thu nhập cao của người dân trong làng;
2. Làng nghề truyền thống là làng nghề đã hình thành trên 30 năm, sản phẩm có tính riêng biệt, mang tính đặc thù của địa phương, có giá trị văn hóa cao;
3. Làng nghề cổ truyền là làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển trên 100 năm, sản phẩm mang bản sắc văn hóa của địa phương.
Điều 3. Mục đích, yêu cầu của việc phát triển làng nghề
1. Việc công nhận làng nghề nhằm khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia xây dựng, phát triển ngành nghề nông thôn, khôi phục làng nghề truyền thống, du nhập nghề mới sản xuất CN - TTCN trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tăng cường công tác quản lý nhà nước về CN - TTCN trên địa bàn tỉnh.
2. Việc phát triển ngành nghề nông thôn, công nhận làng nghề CN-TTCN phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường chung của từng vùng, từng làng, xã (phường, thị trấn) và gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chính sách ưu đãi đối với làng nghề.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Tiêu chuẩn làng nghề:
Một làng được công nhận là làng nghề CN - TTCN của tỉnh Hải Dương khi đủ các điều kiện sau:
1. Chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; các quy định của chính quyền địa phương, có hình thức tổ chức phù hợp; phát triển ngành nghề gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng làng văn hóa của địa phương, giữ gìn vệ sinh môi trường.
2. Số hộ gia đình hoặc lao động làm nghề CN - TTCN ở làng đạt từ 25% trở lên so với tổng số hộ hoặc lao động của làng;
3. Doanh thu từ sản xuất CN - TTCN ở làng chiếm tỷ trọng từ 30% trở lên so với tổng doanh thu của làng trong năm;
4. Thu nhập bình quân năm của một lao động ở làng nghề sản xuất CN - TTCN phải cao hơn thu nhập bình quân của lao động trong xã từ 10% trở lên;
5. Hoạt động sản xuất kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh môi trường chung, nhất là về hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý rác thải và nước thải.
6. Làng nghề truyền thống và làng nghề cổ truyền sẽ được xem xét đề nghị công nhận cho từng trường hợp cụ thể, chú trọng đến giá trị kinh tế và văn hóa của sản phẩm;
Các tiêu chuẩn trên của làng đạt ổn định từ 3 năm trở lên sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét công nhận làng nghề;
Điều 5. Đặt tên làng nghề:
Tên gọi của làng nghề phải được gắn tên làng với tên nghề chính của làng.
1. Nếu nghề truyền thống, nghề cổ truyền còn duy trì và phát triển thì lấy tên nghề đó đặt tên cho làng nghề;
2. Nếu làng có nhiều ngành nghề phát triển, sản phẩm nghề nào nổi tiếng nhất thì lấy tên nghề đó đặt tên cho làng nghề; hoặc trong làng có nhiều nghề mới, chưa có sản phẩm nghề nào nổi tiếng thì lấy tên nghề có giá trị sản xuất và thu nhập cao nhất để đặt tên làng nghề;
3. Việc đặt tên làng nghề do nhân dân của làng bàn bạc, thống nhất báo cáo chính quyền địa phương (xã, phường; huyện, thành phố) đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét công nhận.
Điều 6. Quy trình xét duyệt, công nhận làng nghề.
1. Các làng (thôn) có nghề sản xuất CN - TTCN phát triển (kể cả nghề truyền thống, cổ truyền và nghề mới) đăng ký xây dựng làng nghề, lập mẫu biểu báo cáo, theo các tiêu chuẩn quy định, có văn bản đề nghị xét công nhận làng nghề.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có văn bản đề nghị, gửi Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (qua phòng Công Thương huyện, phòng Kinh tế thành phố) để xác nhận và gửi hồ sơ về Sở Công Thương.
3. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xét công nhận làng nghề.
4. Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh xét tặng danh hiệu làng nghề và cấp Bằng công nhận làng nghề công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp kèm theo tiền thưởng cho các làng đạt tiêu chuẩn.
5. Làng nghề nào 3 năm liền không đạt các tiêu chuẩn nêu tại Điều 4 Qui định này thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi Quyết định công nhận làng nghề.
Điều 7. Trách nhiệm của làng nghề.
1. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái tham gia xây dựng, phát triển ngành nghề, làng nghề, gắn với việc xây dựng làng văn hóa, làng an toàn và các phong trào xã hội khác;
2. Xây dựng làng nghề tiếp tục phát triển; động viên các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài làng tham gia đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển các mặt hàng mà pháp luật không cấm, góp phần xây dựng kinh tế địa phương giàu mạnh, hoàn thành tốt các nghĩa vụ với Nhà nước;
3. Thường xuyên đầu tư nghiên cứu cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, du nhập nghề mới, sản phẩm mới và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa.
4. Chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định hiện hành của địa phương. Hàng năm báo cáo tình hình và kết quả hoạt động của làng nghề với Sở Công Thương.
5. Thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh môi trường, bảo đảm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của làng nghề bền vững.
Điều 8. Quyền lợi của làng nghề.
1. Được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề kèm theo tiền thưởng 20 triệu đồng; Được ghi tên làng và tên nghề chính của làng vào bằng công nhận làng nghề.
2. Được từng bước hỗ trợ xây dựng cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng: đường giao thông, hệ thống lưới điện, cấp, thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường... theo từng dự án của mỗi làng;
3. Được hỗ trợ kinh phí đầu tư khoa học - kỹ thuật, đổi mới qui trình công nghệ sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của làng theo kế hoạch khoa học công nghệ hàng năm được tỉnh duyệt;
4. Được hỗ trợ, khuyến khích du nhập và đào tạo phát triển nghề mới, củng cố và phát triển nghề truyền thống từ kinh phí khuyến công hàng năm;
5. Được hỗ trợ, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, các HTX và hiệp hội trong làng nghề làm đầu mối cho việc tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm;
6. Được hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, quảng bá sản phẩm của làng nghề và tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh từ kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh;
7. Được hưởng chính sách khuyến công, vay vốn tín dụng ưu đãi, ưu tiên trong việc giải quyết đất đai, được thuê đất với mức giá thấp nhất theo khung giá thuê đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định;
8. Được xét khen thưởng và được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 9. Trách nhiệm của các cấp chính quyền.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn công tác khôi phục, xây dựng, phát triển và quản lý làng nghề; đồng thời tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp, hộ gia đình và người làm nghề hiểu rõ đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển làng nghề và nội dung quy định này để tích cực thực hiện.
Điều 10. Trách nhiệm của các Sở, ngành.
Các Sở, ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc phát triển ngành nghề nông thôn, khôi phục và phát triển làng nghề theo quy định và thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cấp bằng công nhận làng nghề CN - TTCN.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Giám đốc Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn và triển khai thực hiện quy định này. Hàng năm tiến hành tổng hợp kết quả khôi phục, xây dựng và phát triển làng nghề báo cáo Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh gắn liền với công tác của ngành và các địa phương.
Điều 12. Trong quá trình thực hiện quy định này, các ngành, địa phương cần thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm; Nếu có điều khoản nào chưa phù hợp thì kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện./
Quyết định 13/2009/QĐ-UBND về Quy định công nhận làng nghề Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương
- Số hiệu: 13/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/05/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
- Người ký: Nguyễn Thị Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra