Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2005/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU ĐÔ THỊ MỚI TÂY HỒ TÂY, TỈ LỆ 1/2000 (PHẦN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT VÀ GIAO THÔNG)
Địa điểm: Quận Cầu Giấy, Quận Tây Hồ, Huyện Từ Liêm - Thành phố Hà Nội
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ Quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28 tháng 12 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ xây dựng về việc ban hành Quy định lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị;
Xét đề nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc tại Tờ trình số 2641/TTr-QHKT ngày 30 tháng 12 năm 2004,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Hồ Tây tỉ lệ 1/2000 (phần quy hoạch sử dụng đất và giao thông) do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập và hoàn thành tháng 11/2004 với các nội dung chính như sau:
1. Vị trí, phạm vi, ranh giới và quy mô:
1.1- Vị trí: Khu đô thị mới Tây Hồ Tây nằm phía Tây Bắc Thành phố Hà Nội, kề cận phía tây Hồ Tây, thuộc địa giới hành chính các Phường: Nhật Tân, Bưởi, Xuân La - Quận Tây Hồ; các Phường Nghĩa Đô, Nghĩa Tân - Quận Cầu Giấy; các Xã Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh - Huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
1.2- Phạm vi và ranh giới:
+ Phía Đông giáp đường Lạc Long Quân và bờ Hồ Tây.
+ Phía Tây giáp đường Phạm Văn Đồng (đường Vành đai 3).
+ Phía Bắc giáp đê phân lũ (đường Nguyễn Hoàng Tôn).
+ Phía Nam giáp đường Hoàng Quốc Việt.
1.3- Quy mô:
+ Tổng diện tích khu vực quy hoạch: 847,41 ha.
+ Quy mô dân số (dự kiến theo quy hoạch) khoảng 78 000 người
2. Mục tiêu:
- Xây dựng một khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, trong đó có khu Trung tâm Tây Hồ Tây, một trong những trung tâm lớn của Thủ đô Hà Nội với chức năng là Trung tâm Hành chính trong đó có Trụ sở của một số cơ quan Trung ương, Trung tâm Giao dịch Tài chính, Thương mại và Trung tâm Văn hóa của Thành phố; phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể Hà Nội đến năm 2020.
- Xác định quỹ đất hiện có, đề xuất quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khớp nối hạ tầng các khu dân cư hiện có, các dự án đã và đang triển khai trong khu vực, đảm bảo cho sự phát triển bền vững giữa đô thị mới và khu dân cư cũ.
- Tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan cho khu vực phía Tây Hồ Tây, theo hướng đô thị hiện đại, hài hoà giữa các công trình và thiên nhiên.
- Đề xuất danh mục các dự án đầu tư phát triển nhằm thu hút và khuyến khích các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để nhanh chóng phát triển khu đô thị mới Tây Hồ Tây.
- Đồ án quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để lập các dự án đầu tư xây dựng và làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đồng thời làm cơ sở triển khai quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cho các dự án trong khu vực.
3. Nội dung quy hoạch chi tiết:
3.1- Quy hoạch Kiến trúc:
a. Quy hoạch sử dụng đất:
Với quy mô nghiên cứu khoảng 847,41ha, Quy hoạch sử dụng đất được chia ra thành 17 ô giới hạn bởi các đường cấp thành phố, liên khu vực, khu vực và phân khu vực. Với các chức năng sử dụng đất chính như sau:
BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT TRONG PHẠM VI NGHIÊN CỨU
| Tổng diện tích đất trong phạm vi nghiên cứu | 847,41 | ha | 100,00 | % |
| Trong đó: |
|
|
|
|
1/ | Đất an ninh quốc phòng | 12,79 | ha | 1,51 | % |
2/ | Đất cơ quan, Viện nghiên cứu, trường đào tạo | 36,90 | ha | 4,35 | % |
3/ | Đất công nghiệp, kho tàng | 2,30 | ha | 0,27 | % |
4/ | Đất hạ tầng kỹ thuật đầu mối | 3,37 | ha | 0,40 | % |
5/ | Đất cây xanh cách ly | 6,40 | ha | 0,76 | % |
6/ | Đất cây xanh, công viên thành phố, khu vực | 42,02 | ha | 4,96 | % |
7/ | Hồ điều hòa | 28,73 | ha | 3,39 | % |
8/ | Đất di tích, tôn giáo | 10,67 | ha | 1,26 | % |
9/ | Đất công cộng thành phố, khu vực | 87,88 | ha | 10,37 | % |
10/ | Đất hỗn hợp | 20,24 | ha | 2,39 | % |
11/ | Đất các dự án đã được lập quy hoạch | 89,83 | ha | 10,60 | % |
12/ | Đất đường giao thông thành phố, liên khu vực, khu vực, phân khu vực, nhánh (ngoài đơn vị ở) | 164,19 | ha | 19,38 | % |
13/ | Đất trường trung học phổ thông | 4,12 | ha | 0,49 | % |
14/ | Đất đơn vị ở | 337,97 | ha | 39,88 | % |
BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT ĐƠN VỊ Ở
| Tổng diện tích đất đơn vị ở | 337,97 | ha | 100,00 | % |
| Trong đó: |
|
|
|
|
1/ | Đất đường giao thông, bãi đỗ xe đơn vị ở | 35,40 | ha | 10,49 | % |
| Bao gồm: |
|
|
|
|
| Đất đường nhánh (trong đơn vị ở) | 33,47 | ha |
|
|
| Đất bãi đỗ xe | 1,93 | ha |
|
|
2/ | Đất cây xanh, thể dục thể thao đơn vị ở | 21,74 | ha | 6,42 | % |
3/ | Đất công trình công cộng, hành chính, giải quyết chuyển đổi lao động việc làm cho địa phương | 10,54 | ha | 3,12 | % |
4/ | Đất trường học, nhà trẻ, mẫu giáo | 25,54 | ha | 7,56 | % |
5/ | Đất ở | 244,75 | ha | 72,42 | % |
Trong khu vực Trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây bố trí bãi đỗ xe ngầm hoặc cao tầng, đảm bảo quy mô theo quy định tại Quyết định số 165/2003/QĐ-UB ngày 02/12/2003 của UBND Thành phố Hà Nội, vị trí của các bãi đỗ xe sẽ được xác định theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.
b. Tổ chức không gian quy hoạch - kiến trúc:
Trọng tâm bố cục không gian trong quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Hồ Tây là khu Trung tâm hành chính, trong đó có trụ sở của một số cơ quan Trung ương, trung tâm giao dịch tài chính, thương mại và trung tâm văn hóa của Thành phố với các công trình kiến trúc hiện đại, bề thế tạo dựng bộ mặt kiến trúc đô thị ở khu vực trung tâm. Từ đó hình thành hệ thống quảng trường trung tâm, kết nối với không gian cây xanh mặt nước Hồ Tây thông qua hệ thống cây xanh có chiều rộng khoảng 100m,. Dưới quảng trường trung tâm và trục chính nối ra Hồ Tây tổ chức bãi đỗ xe ngầm kết hợp với các công trình thương mại dịch vụ. Về phía Tây khu vực trung tâm hành chính, chính trị của Thành phố và quảng trường trung tâm là hệ thống công viên cây xanh kết hợp hồ điều hòa: Công viên Hữu Nghị và Công viên tượng đài Thành phố vì Hòa bình, tạo môi trường khí hậu trong lành cho khu đô thị.
Từ Trung tâm hành chính là trọng tâm bố cục không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan của Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, hình thành các tổ hợp công trình theo trục trung tâm nối ra Hồ Tây, trên nguyên tắc đối xứng, tạo sự nghiêm trang bề thế của khu trung tâm. Kết thúc trục trung tâm ra Hồ Tây là tổ hợp công trình công cộng, khách sạn, dịch vụ lớn, vừa là điểm nhấn cho trục trung tâm Tây Hồ Tây vừa tạo cảnh quan cho Hồ Tây.
Khu đô thị mới nằm phía Nam khu trung tâm được tổ chức theo hình thức quần thể cao tầng, biệt thự nhà vườn, diện tích khoảng 300 - 400m2/biệt thự nhà vườn, hình thành các lõi, trục cây xanh vui chơi giải trí kết hợp đường đi bộ và bể bơi, thể dục thể thao, bãi đỗ xe...
Các khu vực cải tạo xây dựng có tầng cao bình quân 2,5 - 9 tầng.
c. Các dự án chính trong khu vực nghiên cứu.
* Các dự án cải tạo xây dựng:
- Dự án cải tạo xây dựng khu vực làng Xuân Đỉnh.
- Dự án cải tạo xây dựng khu vực làng Xuân La - Xuân Đỉnh.
- Dự án cải tạo xây dựng khu vực làng Cổ Nhuế - Nghĩa Tân.
- Dự án cải tạo xây dựng khu vực Nghĩa Đô - Nghĩa Tân.
Các dự án cải tạo xây dựng này dự kiến được thực hiện theo cơ chế xã hội hoá. Nhà nước, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, người dân cùng tham gia đầu tư nâng cấp đường làng, ngõ xóm và cải tạo xây dựng nhà ở của mình theo quy hoạch. Các quỹ đất trống nằm xen kẽ được giao cho địa phương quản lý là quỹ đất để chuyển đổi lao động việc làm cho người dân và các nhu cầu xã hội của địa phương.
* Các dự án xây dựng mới:
Các dự án xây dựng mới chủ yếu nằm trong khu vực trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây theo nguyên tắc: Các dự án, công trình có khả năng thu hồi vốn và có khả năng sinh lời được thực hiện phương thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hình thành các trục giao thông, hệ thống quảng trường trung tâm, công trình công cộng, phúc lợi xã hội… nhằm dễ dàng thu hút đầu tư.
3. 2- Quy hoạch mạng lưới giao thông:
- Mạng đường chính thành phố, liên khu vực và đường khu vực trong khu vực Tây Hồ Tây tuân thủ: hướng tuyến, vị trí tuyến và quy mô mặt cắt ngang đường trong quy hoạch chung thành phố và quy hoạch chi tiết các quận, huyện liên quan đã được phê duyệt. Điều chỉnh để dịch chuyển vị trí tuyến đường phía Bắc trục trung tâm hành chính (nối từ Công viên Hữu nghị ra đường Lạc Long Quân) khoảng 78m về phía Nam.
- Mạng đường phân khu vực có mặt cắt ngang đường áp dụng có bề rộng từ 25 - 30m, lòng đường 4 làn xe (4´3,75m), vỉa hè mỗi bên rộng 5 - 7,5m.
- Mạng đường nhánh nằm trong khu vực trung tâm được nghiên cứu cụ thể ở giai đoạn thiết kế quy hoạch chi tiết, có thể bổ sung, điều chỉnh trên cơ sở tuân theo Quy chuẩn và Tiêu chuẩn quy phạm hiện hành.
- Bãi đỗ xe: Được xác định cụ thể khi lập các dự án đầu tư xây dựng, có thể xây dựng thành gara cao tầng hoặc ngầm, để đáp ứng yêu cầu và phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt.
- Đường sắt đô thị bố trí trên tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, đường Vành đai 2 và trên đường Phạm Văn Đồng. Vị trí đỗ chính được xác định trong dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị .
- Mạng lưới xe buýt công cộng với các điểm đỗ xe buýt được thiết kế kết hợp với thiết kế vỉa hè của các tuyến đường phố theo quy hoạch này.
- Các nút giao thông khác cốt được xác định cụ thể theo dự án riêng.
Điều 2:
- Sở Quy hoạch Kiến trúc chịu trách nhiệm, kiểm tra, xác nhận hồ sơ, bản vẽ kèm theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu Đô thị mới Tây Hồ Tây tỉ lệ 1/2000 (Phần Quy hoạch sử dụng đất và giao thông) trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký Quyết định này; Chủ trì phối hợp với UBND các Quận: Cầu Giấy, Tây Hồ, UBND Huyện Từ Liêm và Ban Quản lý ĐT&XD khu đô thị mới Hà Nội tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết được duyệt cho các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện.
- Căn cứ Thông tư số 10/TT-BXD ngày 8/8/2000 của Bộ Xây dựng, Ban Quản lý ĐT&XD khu đô thị mới Hà Nội có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với đồ án quy hoạch chi tiết này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Giao Chủ tịch UBND các Quận: Tây Hồ, Cầu Giấy, Chủ tịch UBND Huyện Từ Liêm phối hợp với các Sở, Ngành chức năng của Thành phố chỉ đạo UBND các Phường: Nghĩa Đô, Nghiã Tân, Bưởi, Nhật Tân, Xuân La, các Xã: Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Ưu tiên, phục vụ chuyển đổi lao động việc làm, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của địa phương (được xác định trong đồ án quy hoạch).
- Chủ tịch UBND các Quận: Tây Hồ, Cầu Giấy, Huyện Từ Liêm chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch được duyệt và xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Giao thông Công chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu Đô thị mới Hà Nội; Chủ tịch UBND Quận Cầu Giấy và Chủ tịch UBND các Phường: Nghĩa Đô, Nghiã Tân; Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ và Chủ tịch UBND các Phường: Bưởi, Nhật Tân, Xuân La; Chủ tịch UBND Huyện Từ Liêm và Chủ tịch UBND các Xã: Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1Quyết định 14/2002/QĐ-UB phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận Tây Hồ giai đoạn 2001 - 2010 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 27/2007/QĐ-UBND Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ, tỷ lệ 1/500 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 1Quyết định 14/2002/QĐ-UB phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận Tây Hồ giai đoạn 2001 - 2010 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 165/2003/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 3Nghị định 91-CP năm 1994 ban hành điều lệ quản lý quy hoạch đô thị
- 4Quyết định 108/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 5Thông tư 10/2000/TT-BXD hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành
- 6Pháp lệnh về Thủ đô Hà Nội năm 2000
- 7Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 8Quyết định 322-BXD/ĐT năm 1993 về quy định lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
- 9Quyết định 27/2007/QĐ-UBND Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ, tỷ lệ 1/500 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Quyết định 13/2005/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu Đô thị mới Tây Hồ Tây, tỉ lệ 1/2000 (Phần Quy hoạch Sử dụng đất và Giao thông) Địa điểm: Quận Cầu Giấy, Quận Tây Hồ, Huyện Từ Liêm- Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 13/2005/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/02/2005
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/02/2005
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra