Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1280/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 04 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC, ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CẤP TỈNH KHI XÉT DANH HIỆU “CHIẾN SỸ THI ĐUA CẤP TỈNH” VÀ ĐỀ NGHỊ PHONG TẶNG DANH HIỆU “CHIẾN SỸ THI ĐUA TOÀN QUỐC”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tại Công văn số 79/TĐKT-VN ngày 28 tháng 6 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xét, công nhận sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu cấp tỉnh khi xét danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh” và đề nghị Thủ tướng Chính phủ phong tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh; Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Đức Cường

 

QUY ĐỊNH

VỀ XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC, ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CẤP TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1280/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2011 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định tổ chức thực hiện việc xét duyệt, công nhận sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, bao gồm các nội dung như: đối tượng xem xét, tiêu chuẩn, nội dung báo cáo, thời gian nộp hồ sơ xét duyệt, công nhận và phân loại sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu cấp tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tất cả các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, sự nghiệp, khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể và cán bộ, nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; cán bộ, công nhân các doanh nghiệp của tỉnh, Trung ương đóng trên địa bàn.

Điều 3. Nguyên tắc xét, công nhận sáng kiến

Việc xét duyệt, công nhận sáng kiến cấp tỉnh được thực hiện trên nguyên tắc: công khai, công bằng, kịp thời, khách quan. Quá trình xem xét phải căn cứ vào phong trào thi đua. Các cá nhân khi đề nghị xét duyệt, công nhận sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu phải đăng ký danh hiệu thi đua, nếu không đăng ký danh hiệu thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu và danh hiệu thi đua.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, PHÂN LOẠI VÀ QUY TRÌNH XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC, ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CẤP TỈNH

Điều 4. Điều kiện, tiêu chuẩn

1. Sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu phải là những việc làm có nội dung rõ ràng, có tính sáng tạo do cá nhân chủ trì hoặc một tập thể thực hiện theo sự phân công nhiệm vụ của Thủ trưởng hoặc độc lập đề xuất thực hiện.

2. Sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý, đổi mới phương pháp làm việc và đã được áp dụng có hiệu quả trong năm hoặc có tính khả thi để áp dụng trong công tác của từng đơn vị, trong phạm vi ngành, tỉnh hoặc toàn quốc, được cấp có thẩm quyền chấp thuận ban hành bằng văn bản.

3. Xây dựng mới hoặc điều chỉnh các đề án, chủ trương, chính sách áp dụng trong toàn tỉnh, toàn quốc hoặc trong cơ quan, đơn vị trực thuộc để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

4. Đề xuất một sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu nhằm khắc phục những tồn tại trong thực tiễn quản lý hành chính nhà nước, tài chính nhằm đổi mới phương pháp lãnh đạo, quản lý điều hành, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chấp thuận và ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện.

5. Đề xuất một sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu nhằm cải tiến quy trình, thủ tục để thực hiện công việc một cách khoa học, cải tiến lề lối làm việc, cải tiến các thủ tục hành chính… đã được cho phép thực hiện mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tạo thuận lợi, tiết kiệm về kinh phí và thời gian.

6. Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ, phương pháp mang lại hiệu quả cao như: áp dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO… được tập thể thống nhất đề xuất, lãnh đạo cơ quan phụ trách công nhận và thực hiện thường xuyên, thông suốt, sai sót trong phạm vi cho phép, bảo đảm tốt mục tiêu, yêu cầu của đề án đề ra.

7. Có mưu trí, sáng tạo chiến đấu, phục vụ chiến đấu mang lại hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Điều 5. Phân loại sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu

Tùy theo mức độ, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu để phân ra 3 loại:

1. Sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu loại A: Nội dung sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu phải được các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh, các ngành chuyên môn của tỉnh hoặc toàn khối thi đua trong tỉnh vận dụng một cách hợp lý, mang lại hiệu quả cao.

2. Sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu loại B: Nội dung sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu có thể vận dụng trong toàn tỉnh, khối thi đua cấp tỉnh hoặc cho một số cơ quan, đơn vị vận dụng một cách hợp lý.

3. Sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu loại C: Nội dung sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu chỉ vận dụng trong phạm vi hẹp như ở đơn vị cơ sở hoặc cho một số đơn vị cơ sở vận dụng một cách hợp lý.

Trường hợp trong cùng một thời điểm mà đơn vị có nhiều cá nhân đều có ba năm liền đạt Chiến sỹ thi đua cơ sở, đưa vào diện xét đề nghị danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, hoặc hai lần đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, đưa vào diện xét đề nghị danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, thì xem xét đến cá nhân có sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu theo thứ tự ưu tiên: từ loại A, đến loại B, đến loại C.

Điều 6. Quy trình xét công nhận

1. Ngay từ đầu năm, cá nhân phải có đăng ký danh hiệu thi đua. Qua thực tiễn công tác trong năm, cá nhân có sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu mang lại hiệu quả cao, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đăng ký thi đua, thì cuối năm cá nhân đó làm báo cáo tóm tắt nội dung sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu… đề nghị cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý xem xét trình Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh xét duyệt, công nhận sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu để xét đề nghị công nhận.

Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh tổ chức họp xem xét và tiến hành biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc hình thức giơ tay trực tiếp. Các sáng kiến, kinh nghiệm được công nhận là sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu phải có ít nhất là 90% trở lên thành viên Hội đồng có mặt đồng ý và được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận.

2. Những sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu được thực hiện trong năm đạt hiệu quả thì được tính trong năm đó. Nếu năm sau cũng sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu đó tiếp tục được đổi mới áp dụng vào thực tiễn và đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với năm trước thì sẽ tiếp tục được xem xét.

3. Những sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu viết ra trên lý thuyết nhưng chưa được áp dụng vào thực tiễn thì chưa thuộc diện được xem xét; các tiểu luận, luận văn tốt nghiệp ở các lớp học không được thuộc diện xem xét.

4. Những cá nhân có Quyết định công nhận sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu thì mới đủ điều kiện để đề nghị xét, công nhận Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và đề nghị Thủ tướng Chính phủ phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm tổ chức xem xét, công nhận

Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo trong quá trình xét duyệt, công nhận các sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu đã đạt tiêu chuẩn.

Khi tổ chức họp xét sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh mời thêm lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cùng tham gia.

Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng có trách nhiệm tổng hợp, trình Hội đồng các sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu để Hội đồng xem xét.

Các Sở, Ban ngành, đoàn thể; các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp thành lập Hội đồng Khoa học, sáng kiến cấp cơ sở.

Điều 8. Thời gian gửi hồ sơ

Thời gian gửi hồ sơ đề nghị xét, công nhận sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu về Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh trước ngày 30 tháng 12 hàng năm. Riêng hệ thống giáo dục quốc dân, thời gian nộp hồ sơ chậm nhất vào ngày 25 tháng 6 hàng năm.

Điều 9. Điều khoản thi hành

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành, đoàn thể; Giám đốc các doanh nghiệp và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai và thực hiện Quy định này trong cơ quan, đơn vị mình.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề nảy sinh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đề xuất lên Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) để nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1280/QĐ-UBND năm 2011 quy định về xét duyệt, công nhận sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu cấp tỉnh khi xét danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh” và đề nghị phong tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” do tỉnh Quảng Trị ban hành

  • Số hiệu: 1280/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/07/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đức Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/07/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản