Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1280/QĐ-UB

Hải Dương, ngày 22 tháng 5 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ KHEN THƯỞNG THI ĐUA

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị định 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, đối tượng và các hình thức khen thưởng;

- Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy chế khen thưởng thi đua” được thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2: Giao cho Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh hướng dẫn thực hiện Quy chế này.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND – UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thường trực thuộc Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh thi hành quyết định này.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Nhưng

 

QUY CHẾ

KHEN THƯỞNG THI ĐUA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1280/QĐ-UB ngày 22 tháng 5 năm 2001 của UBND tỉnh Hải Dương)

- Căn cứ Nghị định số 61/HĐBT ngày 16 tháng 6 năm 1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp.

- Căn cứ Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, đối tượng và các hình thức khen thưởng.

Để đánh giá ghi nhận công lao thành tích của các tập thể, cá nhân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương, phát huy truyền thống cách mạng và cổ vũ tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, động viên mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức chính trị, xã hội, mọi thành phần kinh tế lập công xuất sắc vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Quy chế Khen thưởng thi đua này quy định các tiêu chuẩn, hình thức, chế độ, thủ tục về công tác thi đua khen thưởng thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Khen thưởng thi đua là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, nhằm biểu dương, tôn vinh công trạng các cá nhân, tập thể trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

UBND tỉnh khuyến khích mọi công dân, mọi tổ chức chính trị xã hội và các thành phần kinh tế phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tính năng động sáng tạo, vươn lên lập nhiều thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì quê hương Hải Dương giàu đẹp văn minh.

Điều 2: Khen thưởng phải bảo đảm chính xác kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương. Mỗi hình thức khen thưởng phải đặt mục đích giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng con người mới, động viên về tinh thần là chính, kết hợp với khuyến khích bằng lợi ích vật chất hoặc các chính sách ưu đãi, phù hợp vói chế độ quy định của Nhà nước và khả năng của địa phương.

Điều 3: UBND tỉnh thống nhất quản lý công tác khen thưởng thi đua trên địa bàn, công nhận quyền khen thưởng và được khen thưởng, đảm bảo quyền lợi của mọi cá nhân, tập thể được khen thưởng.

Chương II

TIÊU CHUẨN, ĐỐI TƯỢNG VÀ HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

Điều 4: Tiêu chuẩn khen thưởng thực hiện theo Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ.

Điều 5: Đối tượng khen thưởng:

1- Công dân của tỉnh Hải Dương không phân biệt tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, thành phần xã hội, tín ngưỡng, trình độ văn hóa, thời gian cư trú, nếu đủ tiêu chuẩn đều được UBND tỉnh xét khen thưởng.

2- Các đoàn thể chính trị xã hội UBND tỉnh khen những thành tích xuất sắc đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng.

3- Các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế – xã hội và các hoạt động nhân đạo, từ thiện khác.

Điều 6:

1- UBND tỉnh xét trình các hình thức khen thưởng sau:

- Trình Chủ tịch nước tặng:

+ Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương sao vàng (các hình thức của LLVT có quy định riêng).

+ Các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVT, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân.

- Trình Thủ tướng Chính phủ tặng: Cờ thi đua xuất sắc hàng năm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.

2- UBND tỉnh xét khen:

- Cờ thi đua xuất sắc hàng năm.

- Bằng khen

- Các danh hiệu thi đua sau:

+ Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (5 năm xét 2 lần vào năm thứ ba và năm cuối của kế hoạch năm năm)

+ Danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu” (đối với thương binh), 5 năm xét một lần.

+ Danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu” (đối với gia đình liệt sĩ) 5 năm xét một lần.

+ Danh hiệu “ Chính quyền trong sạch vững mạnh”, mỗi năm xét một lần.

+ Danh hiệu “Cơ quan trong sạch vững mạnh”, mỗi năm xét một lần.

+ Danh hiệu “Làng văn hoá” (Khu dân cư văn hoá), mỗi năm xét một lần. Sau 5 năm kiểm tra và quyết định công nhận lại.

+ Giải thưởng Côn sơn về Văn học nghệ thuật và Khoa học công nghệ 5 năm xét một lần (có quy định cụ thể riêng).

+ Giải thưởng báo chí Nguyễn Lương Bằng, 5 năm xét một lần (có quy định cụ thể riêng).

3- Cấp sở, ngành và UBND huyện, thành phố xét và quyết định công nhận:

- Công nhận tập thể lao động giỏi

- Cá nhân lao động giỏi

- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở

- Chính quyền trong sạch vững mạnh cấp huyện (đối với huyện, TP)

- Tặng giấy khen của sở, ngành, UBND huyện, thành phố

4- Cấp cơ sở (xã, phường, doanh nghiệp, trường học... ) Mỗi năm xét một lần và quyết định khen thưởng trong các kỳ tổng kết, các đợt thi đua các danh hiệu sau:

- Công nhận tập thể lao động giỏi

- Công nhận cá nhân lao động giỏi

- Tặng giấy khen.

Chương III

THỦ TỤC XÉT DUYỆT, MỨC THƯỞNG VÀ TỔ CHỨC TRAO TẶNG

Điều 7: Thủ tục xét duyệt:

- Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc cấp giấy khen của cấp mình, làm thủ tục trình cấp trên khen thưởng cho các tập thể, cá nhân thuộc phạm vi của mình quản lý.

- Hồ sơ xét duyệt thực hiện theo điều 11 của Quy chế này.

- Khi đề nghị UBND tỉnh khen thưởng Hội đồng thi đua xếp danh sách theo thứ tự từ thành tích cao trở xuống để tiện cho việc duyệt.

Điều 8: Thời gian trình Nhà nước xét khen thưởng

Hàng năm tỉnh sẽ trình Nhà nứôc khen vào các đợt

+ Đợt 1: Trước ngày 20/3 để xét vào đợt 1/5

+ Đợt 2: Trước ngày 20/6 để xét vào dịp 2/9

+ Đợt 3: Trước ngày 30/9 để xét vào dịp 20/11

Có thể trình 1 đợt nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm..

- Đối với những thành tích đột xuất tỉnh sẽ trình kịp thời sau khi Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh kiểm tra, xác minh cụ thể.

- Trường hợp các Bộ, ngành Trung ương trình Nhà nước và Chính phủ khen thưởng cho tập thể, cá nhân của đơn vị trực thuộc trong địa bàn tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh sẽ có văn bản hiệp y khi Bộ, ngành chủ quản đề nghị.

Điều 9: Thời gian xét khen thưởng

- UBND tỉnh xét tặng cờ “Thi đua xuất sắc”. Bằng khen và các danh hiệu thi đua cấp tỉnh nhân dịp tổng kết hàng năm vào 15/01 đến hết tháng 02 năm sau, cho các đơn vị xuất sắc tiêu biểu.

- Xét khen thưởng khi tổng kết các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn của Nhà nước, của tỉnh, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân lập thành tích đột xuất.

Điều 10: Mức tiền thưởng kèm theo các hình thức khen được thực hiện theo Nghị định 56/1998/NĐCP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

1- Mức thưởng tiền cho các đơn vị, tập thể và cá nhân đoạt giải trong các lĩnh vực, văn hoá nghệ thuật, giáo dục, thể dục thể thao quy định cụ thể như sau:

a)

Đoạt giải quốc tế mang tính toàn cầu:

 

 

 

Cá nhân

-

Giải nhất

10.000.000 đ

-

Giải nhì

8.000.000 đ

-

Giải ba

6.000.000 đ

-

Giải khuyến khích

3.000.000 đ

b)

Đoạt giải quốc tế mang tính khu vực

 

 

 

Cá nhân

-

Giải nhất

5.000.000 đ

-

Giải nhì

4.000.000 đ

-

Giải ba

3.000.000 đ

-

Giải khuyến khích

2.000.000 đ

c)

Đoạt giải chính thức quốc gia

 

 

 

Tập thể

Cá nhân

-

Giải nhất (HCV)

3.000.000 đ

2.000.000 đ

-

Giải nhì (HCB)

2.000.000 đ

1.000.000 đ

-

Giải ba (HCĐ)

1.000.000 đ

700.000 đ

-

Giải khuyến khích

500.000 đ

500.000 đ

d)

Đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh: (Giành riêng ngành Giáo dục - Đào tạo)

-

Giải nhất

500.000 đ

 

-

Giải nhì

300.000 đ

 

-

Giải ba

100.000 đ

 

2- Các huấn luyện viên, thầy giáo, cô giáo trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng tập thể và cá nhân đoạt giải được thưởng bằng một mức thưởng cao nhất của cá nhân vận động viên, học sinh của mình đạt được.

3- Giải thưởng Văn học nghệ thuật, Khoa học công nghệ và giải thưởng báo chí Nguyễn Lương Bằng của tỉnh được quy định riêng.

4- Trường hợp đột xuất có thành tích đặc biệt xuất sắc trên mọi lĩnh vực hoạt động hoặc lập chiến công trên mặt trận phòng, chống tội phạm bảo vệ ANTQ, khắc phục thiên tai... Mức thưởng do Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cụ thể.

Điều 11: Hồ sơ đề nghị khen thưởng

a) Đối với các hình thức khen của UBND tỉnh

1- Tờ trình của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cấp sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

2- Bản thành tích (đối với trường hợp đề nghị tặng cờ, Bằng khen) hoặc bản sao quyết định đoạt giải thưởng quốc gia.

3- Biên bản họp Hội đồng thi đua khen thưởng của cấp đề nghị khen thưởng.

4- Ý kiến nhận xét của lãnh đạo ngành hoặc UBND huyện, thành phố nơi đơn vị đóng trụ sở.

b) Đối với các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước và Chính phủ

1) Báo cáo thành tích (đóng thành quyển)

2) Bản tóm tắt thành tích

3) Tờ trình của Giám đốc sở, ngành, người đứng đầu các đoàn thể, chủ tịch UBND huyện, thành phố.

4) Xác nhận của cơ quan Thuế, nhà nước và Bảo hiểm xã hội tỉnh (đối với các doanh nghiệp).

5) Biên bản xét duyệt của Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh.

Mỗi cá nhân, tập thể đề nghị Nhà nước khen nộp về tỉnh 2 bộ hồ sở (bản chính). Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh tập hợp hồ sơ của toàn tỉnh để hội đồng xét sau đó trình UBND tỉnh trước khi làm các thủ tục tiếp theo trình Chính phủ.

c) Hồ sơ đề nghị phong tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước:

(Có hướng dẫn riêng cho từng loại)

Điều 12: Tổ chức đón nhận các hình thức khen thưởng

1- UBND tỉnh:

- Tổ chức đón nhận các hình thức của Nhà nước trao tặng cho tỉnh.

- Họp báo, công bố quyết định của Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, Anh hùng lao động cho các tập thể, cá nhân trong tỉnh.

- Tổ chức lễ trao Huân chương các loại cho các đồng chí là Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, các uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và tương đương.

- Cử đại diện của UBND tỉnh dự và trao tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương các loại khi các ngành, đơn vị đón nhận.

2- Các cấp các ngành, các đơn vị:

- Tổ chức lễ đón nhận và mời lãnh đạo UBND tỉnh trao các danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương lao động cho các tập thể và cá nhân.

- Tổ chức đón nhận và mời đại diện UBND huyện, thành phố hoặc Giám đốc Sở, ngành trao cờ, Bằng khen của Chính phủ và các hình thức khen thưởng của UBND tỉnh tặng.

(Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh sau khi nhận được lịch tổ chức trao tặng danh hiệu của các cấp, các ngành sẽ báo cáo mời lãnh đạo UBND đến dự và trao tặng. Trường hợp lãnh đạo tỉnh vắng mặt có thể uỷ nhiệm cho Chủ tịch UBND huyện, thành phố hoặc Giám đốc Sở, ngành trao tặng danh hiệu thi đua cho các tập thể và cá nhân).

- Trường hợp các danh hiệu thi đua đã được tỉnh trao tặng thì cấp dưới không tổ chức đón nhận nữa mà chỉ thông báo ở các Hội nghị thích hợp.

- Thứ tự trao tặng danh hiệu thi đua trong buổi lễ:

+ Hình thức khen thưởng cao trao tặng trước, hình thức khen thưởng thấp trao tặng sau, trao cho tập thể trước, cá nhân sau. Tuỳ theo tình hình cụ thể có thể trao tất cả hoặc trao đại diện.

Chương IV

TỔ CHỨC BỘ MÁY CÔNG TÁC THI ĐUA KHEN THƯỞNG

Điều 13: Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng được tổ chức thống nhất từ tỉnh đến các cơ sở, ngành, các huyện, thành phố, các xã, phường, cơ quan, xí nghiệp, trường học. Hội đồng TĐKT của các cấp chính quyền làm tư vấn cho chính quyền cùng cấp. Hội đồng TĐKT của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học... làm tư vấn cho Thủ trưởng cấp mình.

- Chủ tịch Hội đồng: Là thủ trưởng cơ quan, ban ngành, Chủ tịch UBND cùng cấp.

- Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Chánh Văn phòng HĐND – UBND, Chủ tịch công đoàn ngành, cơ sở, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam đảm nhiệm.

- Thành viên Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo một số ngành kinh tế, tổng hợp, nội chính và một số thành viên khác.

- Giúp việc Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh là Phòng thi đua khen thưởng trực thuộc Văn phòng HĐND – UBND tỉnh.

- Đối với các ngành, các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ cụ thể bố trí một Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng hoặc một cán bộ chuyên trách làm uỷ viên Thường trực Hội đồng nằm trong Văn phòng.

- Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp chính quyền, cơ quan và doanh nghiệp có quy chế làm việc do Hội đồng quy định.

Điều 14: Nguồn tiền thưởng

- Nguồn tiền thưởng được quản lý thống nhất. Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh có tài khoản riêng đặt tại Văn phòng HĐND – UBND tỉnh, do Chủ tịch Hội đồng làm chủ tài khoản.

- Hội đồng TĐKT được phép huy động tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân để bổ sung vào quỹ khen thưởng, qua hệ thống quản lý tài chính hiện hành.

- Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh thực hiện theo quy định của Nghị định 59/CP ngày 30/10/1996 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Chương V

XỬ LÝ THU HỒI CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

Điều 15: Thu hồi các hình thức khen thưởng và các danh hiệu thi đua khi các tập thể và cá nhân khai không đúng thành tích mà được khen thưởng hoặc được tặng các danh hiệu thi đua. Cấp nào ra quyết định khen thưởng hoặc tặng danh hiệu, cấp đó ra quyết định thu hồi.

- Việc thu hồi các hình thức khen thưởng của Nhà nước do UBND tỉnh trình cấp đã ra quyết định khen thưởng.

- Nếu vi phạm nghiêm trọng chế độ khen thưởng thì cùng với việc thu hồi hình thức khen thưởng còn bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.

- Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

- Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc các ngành, các cấp phản ánh về Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1280/QĐ-UB năm 2001 về Quy chế khen thưởng thi đua do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 1280/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/05/2001
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Trọng Nhưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/05/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 14/12/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản