Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1269/QĐ-UBND

Thành phố hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Bộ Luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1613/TTr-SLĐTBXH ngày 19 tháng 01 năm 2017;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, PCT/TT, VX;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Ủy ban MTTQVN/TP và các Đoàn thể TP;
- VP HĐND. TP và các Ban HĐND. TP
- TANDTP, VKSNDTP;
- VPUB: PVP/VX
- Các Phòng CV;
- Lưu: VT, (VX/Th2) XP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Liêm

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1269/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố )

Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích gần 2.100 km2, dân số hơn 10 triệu người, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm kinh tế của cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nên thu hút nhiều người dân đến sinh sống, làm việc, học tập; trong đó có trẻ em đi cùng gia đình, người thân hoặc di dân tự phát. Theo thống kê của quận - huyện (tính đến quý 2/2016), Thành phố có hơn 1,4 triệu trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm khoảng 14% dân số), gần 350 nghìn người đăng ký tạm trú dưới 15 tuổi[1].

Trong những năm qua, Thành phố đã triển khai thực hiện Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010 (theo Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 (theo Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Thành phố nhận thức rõ vai trò, vị trí, tiềm lực phát triển về kinh tế, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Kết quả đã trợ giúp, can thiệp cho 100% trẻ em lang thang, trong đó hỗ trợ hồi gia và ổn định cuộc sống cho hơn 86% số trường hợp được can thiệp; kéo giảm, duy trì tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn 4,3%; hơn 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, chăm sóc để phục hồi; tỷ suất trẻ em lang thang còn 0,058/10.000 em. Ngoài ra, Thành phố thường xuyên chỉ đạo quận - huyện tăng cường rà soát, xử lý các trường hợp sử dụng lao động trong độ tuổi trẻ em, lao động cưỡng bức nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu việc sử dụng lao động trong độ tuổi trẻ em.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và thực trạng thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chương trình như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao nhận thức và năng lực của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ, trẻ em và người chưa thành niên về các chính sách pháp luật liên quan đến lao động trẻ em.

- 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện được can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng: Trẻ em và người chưa thành niên tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, trẻ em bỏ học, vào đời sớm; cha mẹ, người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ gia đình và khu vực kinh tế phi chính thức trên phạm vi thành phố Hồ Chí Minh.

2. Phạm vi thực hiện: Chương trình được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố; ưu tiên những quận - huyện; phường - xã - thị trấn có số lượng lớn trẻ em nhập cư, trẻ em cư trú cùng người không có quan hệ nhân thân, các địa bàn tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi chính thức có nguy cơ sử dụng lao động trong độ tuổi trẻ em và người lao động chưa thành niên.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Hoạt động 1: Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động sớm, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

a) Chỉ tiêu: 80% cán bộ phụ trách công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em cấp thành phố và quận - huyện; 80% cán bộ phụ trách công tác trẻ em, thường trực Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn; 70% cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ - chăm sóc trẻ em (viết tắt là cộng tác viên dân số - trẻ em); 80% người sử dụng lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phi chính thức; 70% thành viên Ban Điều hành khu phố, ấp, tổ dân phố; 70% trẻ em nhập cư từ 10 đến 15 tuổi và người chưa thành niên (từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi); 70% cán bộ các ngành, các tổ chức có liên quan, người dân tại cộng đồng, cha mẹ và trẻ em được nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

b) Nội dung hoạt động:

(i) Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm tạo mối quan tâm, thúc đẩy sự thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

(ii) Phát hành tài liệu, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa và can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

(iii) Tổ chức các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học, người sử dụng lao động, đặc biệt tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình.

(iv) Tăng cường phối hợp liên ngành để xây dựng tài liệu truyền thông cho đối tượng nêu tại Điểm a Khoản 1 Mục III Kế hoạch này.

(v) Thực hiện các chuyên trang, chuyên mục về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

c) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Liên minh hợp tác xã thành phố, Liên đoàn lao động thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Thành đoàn, các ban, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện.

2. Hoạt động 2: Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên phụ trách công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em tại quận - huyện, phường - xã - thị trấn; thanh tra viên về chính sách lao động cấp thành phố về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động sớm, trẻ em có nguy cơ lao động và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

a) Chỉ tiêu:

- 100% quận - huyện, phường - xã - thị trấn bố trí đủ cán bộ phụ trách công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em; củng cố, kiện toàn và vận hành có hiệu quả Ban Điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp quận - huyện và Ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp phường - xã - thị trấn.

- 80% cán bộ phụ trách công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em quận - huyện, phường - xã - thị trấn và cộng tác viên dân số - trẻ em tại khu phố, ấp, tổ dân phố được đào tạo, tập huấn trong chương trình.

- 100% đội ngũ cán bộ, thanh tra viên thanh tra về lao động trẻ em cấp Thành phố được tập huấn các nội dung có liên quan đến phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em.

b) Nội dung hoạt động:

(i) Củng cố và phát huy vai trò của Ban Điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em quận - huyện, Ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em phường - xã - thị trấn trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát.

(ii) Phối hợp xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho các đối tượng là cán bộ, cộng tác viên phụ trách công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em các cấp.

(iii) Phối hợp xây dựng tài liệu và tổ chức lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, thanh tra viên thanh tra về lao động trẻ em cấp thành phố về phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.

c) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và các Sở, ngành, tổ chức xã hội có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện.

3. Hoạt động 3: Thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em.

a) Chỉ tiêu: 90% người lao động dưới 18 tuổi, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật được tập huấn các kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng; 50% trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật được học văn hóa, học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp; 50% hộ gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật được hỗ trợ những kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập; 80% người sử dụng lao động trong độ tuổi trẻ em và người chưa thành niên được tập huấn các kiến thức pháp luật có liên quan.

b) Nội dung hoạt động

(i) Xây dựng tài liệu tập huấn về các kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng sống, kỹ năng tham gia các hoạt động xã hội cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; giúp cho người lao động chưa thành niên nắm bắt một cách đầy đủ và chính xác nhất về các quy định, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về lĩnh vực lao động việc làm đặc thù dành cho người chưa thành niên.

(ii) Xây dựng danh mục các địa chỉ cần thiết, hỗ trợ can thiệp cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (chính sách hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp theo quy định của pháp luật).

(iii) Tổ chức các hoạt động trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập và không để trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật.

(iv) Hỗ trợ người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ gia đình có trẻ em học nghề và tham gia lao động cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất, tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật.

- Địa bàn thực hiện:

+ Giai đoạn 1 (2017 - 2018): triển khai thí điểm tại 05 quận - huyện có tỷ lệ trẻ lang thang, lao động trẻ em ở mức cao: quận Bình Tân, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Thủ Đức và huyện Củ Chi.

+ Giai đoạn 2 (2018 - 2020): triển khai thực hiện 19 quận - huyện còn lại.

c) Cơ quan thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Thành đoàn, Công an thành phố, Trung tâm trợ giúp pháp lý và Ủy ban nhân dân các quận - huyện.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan để tạo cơ sở pháp lý cho việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; đặc biệt, quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ em; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.

2. Triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức; giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện cuộc sống.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức.

4. Vận động sự tham gia của các tổ chức, xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân trong việc thực hiện chương trình; lồng ghép nội dung hoạt động của chương trình vào hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm để thực hiện công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em.

6. Lồng ghép các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực bảo vệ - chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố để đạt được mục tiêu của Chương trình.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Chương trình phòng, ngừa giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 gồm:

- Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

- Tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

- Các nguồn hợp pháp khác.

2. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại chương trình này, hàng năm các cơ quan, đơn vị lập dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện chương trình cùng với thời điểm lập dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, các cơ quan và tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện và điều phối các hoạt động của chương trình; tổ chức thực hiện các nội dung đã được phân công trong chương trình theo quy định hiện hành; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện chương trình và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố; tham mưu tổ chức Hội nghị sơ kết (cuối năm 2018) và Hội nghị tổng kết Chương trình (cuối năm 2020).

2. Giao Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tăng cường hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em; đề xuất hình thức, mức xử lý theo quy định của pháp luật những trường hợp vi phạm quyền trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến bảo vệ - chăm sóc trẻ em; tổ chức nâng cao năng lực, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế về bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện dự án đã được phân công trong chương trình theo quy định hiện hành.

3. Giao Công an thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa tội phạm lạm dụng, bóc lột sức lao động, xâm hại trẻ em; phối hợp với các đơn vị thực hiện các nội dung được phân công trong Chương trình triển khai đạt hiệu quả các mục tiêu đề ra.

4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo, đài thành phố xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các chương trình phát thanh, truyền hình với nhiều hình thức phong phú đa dạng, nội dung phù hợp để vận động toàn xã hội nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em.

5. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan hướng dẫn các Sở, ngành, quận - huyện bố hợp lý nhân sự phụ trách công tác bảo vệ - chăm sóc trẻ em.

6. Giao Liên đoàn Lao động thành phố tăng cường hướng dẫn, truyền thông, giáo dục chính sách, pháp luật về lao động trẻ em cho người lao động trên địa bàn thành phố.

7. Giao Liên minh Hợp tác xã thành phố triển khai Chương trình đến các Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình là thành viên nhằm bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về lao động trẻ em.

8. Giao Ủy ban nhân dân quận - huyện tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hằng năm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em phù hợp với Chương trình này và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Chương trình này với các chương trình khác có liên quan trên địa bàn; triển khai các mô hình phù hợp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em có nguy cơ và trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật; đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em; kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật; chủ động bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện Chương trình; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chương trình tại địa phương; thực hiện chế độ báo cáo hàng năm, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình trên địa bàn theo quy định hiện hành.

9. Đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh triển khai Chương trình đến các doanh nghiệp nhằm tuyên truyền, phòng ngừa sử dụng lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên phối hợp tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cha mẹ, người sử dụng lao động và trẻ em nâng cao nhận thức về các chính sách pháp luật liên quan đến lao động trẻ em nhằm phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn thành phố.

11. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Thành đoàn, Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Nông dân thành phố, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, Hội bảo trợ trẻ em thành phố và các tổ chức xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tham gia tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; tham gia xây dựng pháp luật, chính sách và giám sát việc thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật./.