Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1265/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO CÁN BỘ, HỘI VIÊN CỰU CHIẾN BINH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2023-2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/62015 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Pháp lệnh Cựu chiến binh ngày 07 tháng 10 năm 2005;

Theo đề nghị của Một Cựu chiến binh Thành phố tại Tờ trình số 16/TTr-CCB ngày 12 tháng 01 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên Cựu chiến binh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025".

Điều 2. Hội Cựu chiến binh Thành phố chủ trì phối hợp các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể thuộc Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam;
- Thường trực Thành ủy, HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Phó Chủ tịch TT Lê Hồng Sơn;
- Thành viên HĐ PBGDPL Thành phố;
- Các Sở, ngành, đoàn thể Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, các PCVP; KGVX, NC.TH;
- Lưu VT. (2337)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO CÁN BỘ, HỘI VIÊN CỰU CHIẾN BINH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2023-2025
(Kèm theo Quyết định số 1265/QĐ-UBND ngày 28/02/2023 của UBND thành phố Hà Nội)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN

1. Cơ sở pháp lý

- Căn cứ Pháp lệnh Cựu chiến binh ngày 07 tháng 10 năm 2005:

- Căn cứ Hướng dẫn số 119/HD-CCB ngày 28/12/2021 của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam về việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 và những năm tiếp theo cho cán bộ, Hội viên Cựu chiến binh trên địa bàn toàn quốc.

- Căn cứ vào kết luận, chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố tại Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm của Hội đồng, trong đó giao Hội Cựu chiến binh thành phố xây dựng Đề án hoặc Kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho Cựu chiến binh Thủ Đô giai đoạn 2023-2025.

2. Cơ sở thực tiễn

Những năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã chú trọng trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và huy động nguồn lực hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, hội viên Cựu chiến binh Thủ đô; qua đó góp phần nâng cao trình độ hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho hơn 280.000 hội viên Cựu chiến binh.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho Cựu chiến binh cũng đã được cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp quan tâm tạo điều kiện cho Cựu chiến binh có cơ hội phát huy tiềm năng, sức sáng tạo đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, hội viên Cựu chiến binh vẫn còn nhiều hạn chế nhất là Cựu chiến binh - thương binh, dễ bị kích động, lôi kéo tham gia các hành động vi phạm pháp luật.

3. Một số kết quả hoạt động của Hội Cựu chiến binh Thành phố trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên Cựu chiến binh trên địa bàn Thành phố

Trong thời gian qua, các cấp Hội Cựu chiến binh đã chủ động, tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên. Tuyệt đại đa số Hội viên đã quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước: tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đảng, Chính quyền, Nhân dân và chế độ Xã hội chủ nghĩa; nhiều Hội viên Cựu chiến binh tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt và đề xuất các biện pháp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp nảy sinh từ cơ sở; góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, việc tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức và hội viên Hội Cựu chiến binh còn chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ, nên nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một số hội viên còn chưa đầy đủ, vẫn còn những trường hợp chưa thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cá biệt còn trường hợp vi phạm pháp luật. Một số báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của các cấp Hội chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong tình hình mới...

Chính vì vậy việc triển khai Đề án "Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, Hội viên Cựu chiến binh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025" sẽ góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên Cựu chiến binh Thủ đô.

II. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

1.1 Mục tiêu chung

- Nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của Cựu chiến binh trên địa bàn thành phố Hà Nội, qua đó giảm thiểu các hành vi, biểu hiện công thần dẫn đến vi phạm pháp luật liên quan đến Cựu chiến binh tại các quận, huyện, thị.

- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hội viên làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tư vấn pháp luật cho cán bộ, Hội viên Cựu chiến binh Thủ đô.

1.2. Một số chỉ tiêu cơ bản

1.2.1. Phấn đấu 100% báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ hội; 100% Hội viên Cựu chiến binh Thủ đô được tuyên truyền kiến thức pháp luật.

1.2.2. Thành lập 15 tổ nòng cốt - xung kích truyền thông cộng đồng tuyên truyền kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên Cựu chiến binh và nhân dân, gắn với hòa giải ở cơ sở, giải phóng mặt bằng, giải tỏa điểm nóng trên địa bàn khu dân cư (bước đầu làm điểm ở một số quận, huyện sau đó nhân rộng ra 30 quận, huyện, thị). Hàng năm các tổ nòng cốt - xung kích được tập huấn kiến thức, kỹ năng vận hành, quản lý và tổ chức hoạt động truyền thông tại cộng đồng.

1.2.3. 100% cán bộ Hội tham gia trong hệ thống chính trị tại cơ sở: tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận... được trang bị kiến thức về pháp luật, có kỹ năng lồng ghép nhiệm vụ chuyên môn với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho Cựu chiến binh và cộng đồng dân cư.

1.3.4. Phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn trường hợp Cựu chiến binh - Thương binh tụ tập đông người gây mất trật tự, an toàn xã hội trên địa Thủ đô.

2. Đối tượng thụ hưởng: Cán bộ, Hội viên Cựu chiến binh đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội.

3. Địa bàn thực hiện: Đề án triển khai tại 579 xã, phường thuộc 30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.

4. Nội dung hoạt động

4.1. Biên soạn tài liệu, tập huấn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Cựu chiến binh

- Xây dựng bộ tài liệu tập huấn pháp luật cung cấp cho cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật do các cấp Hội quản lý, cán bộ nòng cốt làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho Cựu chiến binh tại cơ sở.

- Rà soát, xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, Hội viên Cựu chiến binh

- Tổ chức 30 lớp tập huấn, kỹ năng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức pháp luật cho cán bộ Hội Cựu chiến binh, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thuộc các cấp Hội.

- Tổ chức các khóa tập huấn tại xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên của Hội Cựu chiến binh và các ban ngành liên quan. Tập trung bồi dưỡng, trang bị, cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân và Cựu chiến binh chấp hành pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở.

4.2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho Cựu chiến binh tại cộng đồng dân cư

- Tổ chức 30 buổi (mỗi một quận, huyện 01 buổi) tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật gắn với nhiệm vụ chính trị của Thành phố, công tác hòa giải tại cơ sở, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỷ cương hành chính và xây dựng chính quyền điện tử của Thành phố, dịch vụ công trực tuyến, thực hiện chính quyền đô thị, 02 bộ Quy tắc ứng xử, công tác phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em...

- Sử dụng có hiệu quả các kênh truyền thông đại chúng, kênh thông tin của Hội (trên Cổng thông tin điện tử của Hội Cựu chiến binh Thành phố, Bản tin Cựu chiến binh Thủ đô, Fanpage Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội), cơ quan báo chí, trang mạng xã hội (Zalo, Facebook...), các phương tiện truyền thông ở cơ sở để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên Cựu chiến binh trên địa bàn Thành phố.

- Tổ chức các đợt cao điểm truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhân dịp: “Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6”, “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người”, “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới 25/11”, “Ngày Pháp luật Việt nam 9/11” ...

- Phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương và Thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua các bài viết giải đáp pháp luật, phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật của cán bộ, Hội viên Cựu chiến binh, những tấm gương điển hình trong chấp hành pháp luật của cán bộ, Hội viên Cựu chiến binh, phê phán hành vi biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật; giới thiệu cách làm hiệu quả trong phổ biến giáo dục pháp luật của cán bộ, Hội viên Cựu chiến binh Thủ đô.

- Tổ chức các cuộc thi tuyên truyền tìm hiểu pháp luật bằng nhiều hình thức: Thi viết, thi trực tuyến (online) trên Fanpage “Hội Cựu chiến binh Thành phố”, thì dưới hình thức sân khấu hóa, xây dựng các videoclip tiểu phẩm tuyên truyền, phổ biến pháp luật.. thu hút đông đảo Cựu chiến binh và các tầng lớp nhân dân tham gia.

- Tổ chức 30 lớp truyền thông tại 30 quận, huyện thị về hướng dẫn xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số (Zalo, Fanpage...), chia sẻ, lan tỏa hoạt động của các tổ truyền thông; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật để triển khai mô hình hiệu quả.

4.3. Thành lập, nâng cao chất lượng các mô hình tuyên truyền, vận động Cựu chiến binh chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư

- Nghiên cứu xây dựng mô hình mới tủ sách pháp luật điện tử nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền pháp luật tới cán bộ, Hội viên Cựu chiến binh.

- Thành lập mới 15 tổ nòng cốt - xung kích tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, mà thành viên là Cựu chiến binh trong các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật gắn với hoạt động hòa giải cơ sở, giải phóng mặt bằng, giải tỏa điểm nóng trên địa bàn thành phố (làm điểm tại một số quận, huyện, thị xã tiến tới nhân rộng các các mô hình).

- Tập trung chỉ đạo, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình" Tổ phản ứng nhanh" của Cựu chiến binh là Thương binh thuộc Hội Cựu chiến binh quận Đống Đa, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng các mô hình tại 30 quận, huyện, thị xã.

- Tổ chức 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho các tổ nòng cốt, xung kích.

- Tổ chức hội nghị tọa đàm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình phù hợp với địa phương.

- Phát triển tài liệu hỗ trợ hoạt động của mô hình phù hợp với thực tế.

4.4. Tổ chức phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp luật lưu động cho Cựu chiến binh tại cộng đồng dân cư

Tổ chức 15 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, nội dung ngắn gọn, súc tích dễ hiểu, tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho Cựu chiến binh ở xa trung tâm thành phố, ở các địa bàn trọng điểm giải phóng mặt bằng, các điểm nóng, vùng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

4.5. Hoạt động phối hợp, giám sát Đề án

Hàng năm Hội Cựu chiến binh Thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án, ban hành các văn bản phục vụ việc quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.

- Chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát, đánh giá việc triển khai các nội dung Đề án trên cơ sở kế hoạch tháng, quý, năm.

- Tổ chức sơ kết 01 năm và tổng kết giai đoạn 2023 - 2025.

- Định kỳ hàng Quý có báo cáo đánh giá việc triển khai Đề án với các cấp, ngành có liên quan.

4.6. Tổ chức đánh giá tác động hiệu quả của Đề án

Hội Cựu chiến binh Thành phố tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sau 03 năm thực hiện Đề án “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên Cựu chiến binh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025”, đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho Cựu chiến binh; khen thưởng kịp thời với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình Đề án hàng năm hoặc theo chuyên đề.

5. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Đề án được cấp cho Hội Cựu chiến binh Thành phố (đơn vị được giao chủ trì Đề án) từ nguồn ngân sách Thành phố.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội Cựu chiến binh Thành phố

- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu, báo cáo UBND Thành phố triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên Cựu chiến binh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025”.

- Hàng năm chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hướng dẫn Hội Cựu chiến binh các quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND cùng cấp triển khai thực hiện các nội dung Đề án bảo đảm yêu cầu đề ra.

- Tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án: sơ kết, đánh giá hiệu quả của Đề án qua từng năm; giám sát, hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong triển khai Đề án; Tổng hợp, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố gửi về Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Thành ủy, UBND Thành phố theo quy định.

- Chủ động cung cấp thông tin về hoạt động triển khai và kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố cho các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, Thị xã, các cơ quan báo chí để thực hiện công tác thông tin tuyên truyền hiệu quả.

2. Các Sở, Ban, ngành của Thành phố

- Sở Tài chính xem xét, đề xuất bố trí kinh phí hàng năm để Hội Cựu chiến binh Thành phố thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định của pháp luật.

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Phối hợp, hỗ trợ triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông trong các chính sách đối với Thương binh, người có công, các chương trình phát triển kinh tế xã hội.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Hội Cựu chiến binh Thành phố và các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố, các cơ quan báo chí Trung ương ký chương trình phối hợp với Thành phố và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tích cực tuyên truyền kiến thức pháp luật và công tác triển khai Đề án trên địa bàn Thành phố; Phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Sở trong triển khai các nội dung Đề án.

- Sở Tư pháp: Phối hợp với Hội Cựu chiến binh Thành phố và các sở: ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, Hội viên Cựu chiến binh; tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản liên quan đến quyền lợi hợp pháp của Cựu chiến binh do Hội Cựu chiến binh Thành phố tham mưu, trình Ủy ban nhân dân Thành phố.

5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Giao cho Hội Cựu chiến binh các quận, huyện, thị xã là cơ quan tham mưu Xây dựng kế hoạch: chủ trì tham mưu, giúp việc UBND cùng cấp triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn.

- Kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án hàng năm, giai đoạn và xác định các giải pháp thực hiện Đề án giai đoạn tiếp theo.

- Chỉ đạo báo cáo kết quả thực hiện Đề án tại địa phương gửi về Hội Cựu chiến binh Thành phố tổng hợp báo cáo UBND Thành phố theo quy định, trong đó tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Đề án tại địa phương trước ngày 15/9 hàng năm, cập nhật bổ sung số liệu năm (thực hiện trước ngày 30/01 năm sau) và các báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

6. UBND Thành phố trân trọng đề nghị

- Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thành ủy và các Ban của Thành ủy tham mưu cho Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo cấp ủy và hệ thống chính trị Thành phố thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với Cựu chiến binh và phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Đề án này.

- HĐND Thành phố, các Ban của HĐND Thành phố tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện Đề án.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố phối hợp, hỗ trợ thực hiện các nội dung Đề án; Phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp giám sát quá trình triển khai thực hiện Đề án.

UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện Đề án, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc về Hội Cựu chiến binh Thành phố để tổng hợp, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo các quy định của pháp luật./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1265/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án "Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên Cựu Chiến binh trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025"

  • Số hiệu: 1265/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/02/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản