Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1259/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 8 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA ỦY BAN HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30/6/1989 ;
- Căn cứ Nghị quyết số 109/HĐBT ngày 12/4/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp tổ chức biên chế hành chánh sự nghiệp và chủ trương kiện toàn tổ chức của thành phố ;
- Xét yêu cầu kiện toàn và hợp lý hóa tổ chức giúp UBND thành phố chỉ đạo tập trung thống nhất xuyên suốt lĩnh vực hợp tác đầu tư với nước ngoài theo đúng luật pháp và quy định của Chánh phủ;
- Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố ; Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay chuyển Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư thành phố (được thành lập theo Quyết định số 657/QĐ-UB ngày 20/11/1991 của UBND thành phố) thành Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố, có tên gọi giao dịch là : THE COOPERATION AND INVESTMENT COMMITTEE OF HO CHI MINH CITY - Tên viết tắt là CIC - HCMC.
Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố là đơn vị dự toán được cấp kinh phí, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản ở Ngân hàng để hoạt động theo quy định của Nhà nước.
Trụ sở làm việc đóng tại : 45 - 47 Bến Chương Dương, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố có chức năng : giúp UBND thành phố quản lý Nhà nước lĩnh vực hợp tác và đầu tư với nước ngoài trên địa bàn thành phố ; quản lý các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước phân công phân cấp ; làm gạch nối gắn với các tỉnh, thành trong quan hệ hợp tác và đầu tư với nước ngoài ; giúp UBND thành phố xem xét trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép các dự án đầu tư với nước ngoài ; giúp UBND thành phố phối hợp với các ngành Trung ương và địa phương trên địa bàn thành phố chuẩn bị các danh mục dự án để vận động, kêu gọi đầu tư, hướng dẫn xây dựng các dự án khi có đối tác đúng theo luật pháp và chánh sách đầu tư.
Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của UBND thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo về mặt chuyên môn nghiệp vụ của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.
Điều 2.- Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố có nhiệm vụ và quyền hạn như sau :
A- NHIỆM VỤ :
1- Căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố, của các địa phương trong khu vực, Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố phối hợp với các ngành, các đơn vị của Trung ương và của thành phố trên địa bàn, cũng như của các địa phương trong khu vực, để xây dựng và lựa chọn các dự án đầu tư có nhu cầu thiết thực về công nghệ, trang bị kỹ thuật tiên tiến, có sức hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
2.a- Phối hợp với các cơ quan có chức năng liên quan như các ngành và các tổ chức : kinh tế, kỹ thuật, quản lý đất đai, pháp lý, dịch vụ v.v... (kể cả của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố), giải quyết nhanh mọi thủ tục hàng chánh và pháp lý, áp dụng “thủ tục một cửa” tạo thuận lợi tối đa cho các chủ đầu tư.
b- Quan hệ thường xuyên và chặt chẽ với các ngành Trung ương trên địa bàn thành phố trong quá trình chuẩn bị các dự án, bảo đảm tính hợp lý của một cơ cấu kinh tế thống nhất và tiên tiến trên địa bàn thành phố ; cùng với các tỉnh, thành, phối hợp hỗ trợ lẫn nhau để tạo thêm thực lực, thế mạnh mới cho việc hợp tác và đầu tư với nước ngoài đạt hiệu quả cao.
3- Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố có nhiệm vụ quy trình hóa, cụ thể hóa các chủ trương chánh sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đầu tư, từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối để trình UBND thành phố ban hành ; tổ chức phổ biến, chỉ đạo thực hiện xuyên suốt đến các ngành, các cấp, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố là nơi tiếp nhận các dự án trong nước để giới thiệu tìm đối tác đầu tư nước ngoài, các dự án tiền khả thi và nội dung đàm phán khi có đối tác, các hồ sơ dự án của các chủ đầu tư nước ngoài, và hồ sơ dự án nộp theo văn bản số 1661/HTĐT-VP (về việc xem xét hồ sơ dự án đầu tư ở các Bộ và địa phương) của UBNN về Hợp tác và Đầu tư ngày 16/11/1992 ; tổ chức xem xét các dự án để giúp UBND thành phố quyết định.
Sau khi dự án được UBND thành phố chấp thuận, Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố sẽ hướng dẫn bên chủ dự án hoàn chỉnh dự án, chuẩn bị văn bản để UBND thành phố trình cấp có thẩm quyền xét cấp giấy phép đầu tư.
4- Tổ chức khai thác thông tin kinh tế, khoa học kỹ thuật, tìm hiểu, giới thiệu các Công ty nước ngoài và trong nước phục vụ cho các đơn vị kinh tế nghiên cứu, tìm đối tác trong hợp tác và đầu tư ; chủ động tổ chức vận động nước ngoài vào đầu tư tại thành phố bằng nhiều biện pháp : giới thiệu rộng rãi danh mục đầu tư, quan hệ các sứ quán, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức việt kiều có thiện chí để cung cấp và tiếp nhận thông tin về hợp tác và đầu tư ; tổ chức các đoàn đi nước ngoài để vận động, giới thiệu (kể cả triển lãm) về khả năng hợp tác và đầu tư ở thành phố v.v...
5- Chăm lo việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác hợp tác và đầu tư tinh thông về luật pháp, chánh sách đầu tư, hiểu biết về nghiệp vụ chuyên môn, có đủ trình độ ứng xử, khi tiếp xúc với nước ngoài.
B- QUYỀN HẠN :
1.a- Được UBND thành phố ủy quyền xem xét về mặt chủ trương khi chọn mục tiêu làm dự án, được xem xét nội dung đàm phán (theo Chỉ thị 01/CT-UB của UBND thành phố) để trình UBND thành phố chấp thuận về chủ trương trước khi đàm phán với nước ngoài của các thành phần kinh tế và các cấp trên địa bàn, kể cả các dự án phối hợp với khu vực để đầu tư với nước ngoài.
b- Hướng dẫn các đơn vị kinh tế có dự án đầu tư chọn đúng đối tác, bảo đảm nội dung và chất lượng đàm phán nhằm bảo đảm tính hiệu quả và lợi tích kinh tế xã hội của dự án.
2- Được UBND thành phố ủy quyền quan hệ với các ngành Trung ương trên địa bàn thành phố, với các tỉnh, thành, các đơn vị kinh tế kỹ thuật trong khu vực và trong cả nước, với các ngành, các quận, huyện, và mọi doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, cũng như với các tổ chức kinh tế, tập đoàn, công ty nước ngoài, để tìm hiểu, nghiên cứu các chương trình hợp tác và đầu tư giữa thành phố và các địa phương với nước ngoài.
3.a- Đối với các vấn đề cần thiết như : phổ biến các chỉ thị, chánh sách đầu tư, hoặc cần phối hợp các đề án có liên quan đến nhiều ngành nghề, Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố, sau khi xin ý kiến Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố được phép triệu tập các cuộc hội nghị mời các sở, ngành kinh tế, các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các cơ quan chức năng có liên quan, các UBND quận, huyện, các đơn vị đối tác, các tổ chức dịch vụ tư vấn đầu tư, các tổ chức pháp lý, xã hội có liên quan... (kể cả các đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố) họp bàn các vấn đề có liên quan đến hoạt động hợp tác và đầu tư với nước ngoài.
Khi cần, Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố được mời các đơn vị có liên quan cùng tiếp khách trong nước và nước ngoài nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách trong các vấn đề có liên quan đến hợp tác và đầu tư.
b- Đối với các mục tiêu dự án hoặc đối với các vấn đề quan trọng cần trao đổi ý kiến sâu để giúp Ủy ban nhân dân thành phố quyết định, Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố được quyền mời các thủ trương chủ dự án, các ban ngành liên quan, các chuyên gia giỏi họp bàn tư vấn.
4- Ủy ban Hợp tác và Đầu tư được yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan cử chuyên viên nghiệp vụ chuyên môn giỏi, tham gia đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước đối với các cơ sở đầu tư với nước ngoài trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
5.a- Được tham khảo các tư liệu, thông tin kinh tế do Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Cục Thống kê, Viện Kinh tế, Cục Thuế, Viện Quy hoạch thành phố... cung cấp.
b- Được yêu cầu các sở, ban, ngành, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, các quận, huyện, các doanh nghiệp, các chủ dự án cung cấp tài liệu, số liệu, dữ liệu cần thiết có liên quan đến việc xây dựng và quyết định các dự án (kể cả các đơn vị kinh tế Trung ương đóng trên địa bàn thành phố).
c- Được tham khảo các tư liệu, thông tin kinh tế do các tổ chức nghiên cứu kinh tế trong nước và kinh tế ngoài nước cung cấp.
Điều 3.- Để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo điều 1 và điều 2 của quyết định này, bộ máy tổ chức của Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố gồm có :
1- Ban Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố :
- Đồng chí Chủ nhiệm phụ trách chung, chịu trách nhiệm tổ chức và hoạt động của Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố.
- Các Phó Chủ nhiệm giúp Chủ nhiệm được Chủ nhiệm phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác của Ủy ban.
2- Bộ máy cơ quan Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố :
- Phòng Hành chánh.
- Phòng Kế hoạch và tiếp thị.
- Phòng Nghiên cứu hồ sơ.
- Phòng Quản lý đầu tư.
3- Tổ chức Hội đồng thẩm định các dự án đầu tưnước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố làm Phó Chủ tịch Thường trực của Hội đồng. Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng. (Có quyết định riêng về Hội đồng này).
Điều 4.- Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố có trách nhiệm sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan bố trí cán bộ, ổn định trụ sở làm việc, xác định tài sản, vốn quỹ, hồ sơ tài liệu về hợp tác và đầu tư trên nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả công tác cao.
Điều 5.- Quyết định này có hiệu lực kê từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 657/QĐ-UB ngày 20/11/1991 về việc thành lập Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư thành phố và các quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố có liên quan trái với quyết định này.
Điều 6.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư thành phố (cũ), Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và Đầu tư thành phố, Thủ trưởng các sở ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện và các đơn vị cơ sở có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 5986/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 657/QĐ-UB năm 1991 thành lập Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư - thành phố trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 2559/QĐ-UB-NC năm 1996 thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Quyết định 5986/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 657/QĐ-UB năm 1991 thành lập Ủy ban Hợp tác và Giám định đầu tư - thành phố trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 2559/QĐ-UB-NC năm 1996 thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 1259/QĐ-UB năm 1993 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban hợp tác và đầu tư thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 1259/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/08/1993
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra