Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1256/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC VÙNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm các nội dung chính sau:

1. Tên Chương trình và cơ quan quản lý Chương trình

a) Tên Chương trình: Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây viết tắt là Chương trình).

b) Cơ quan quản lý Chương trình: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát: Thúc đẩy và tạo điều kiện liên kết giữa các vùng, miền nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; từ đó tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- Hoàn thành 1.020 dự án chuyển tiếp với năng lực tăng thêm khoảng 5.518 km đường giao thông, 80 cầu có quy mô vừa, 68.970 ha diện tích tưới, 11 bệnh viện cấp tỉnh, huyện, 37 trường đại học, dạy nghề, trung tâm huấn luyện cấp tỉnh, 107 trung tâm hành chính, trụ sở quản lý nhà nước của các địa phương tập trung ở các đơn vị hành chính mới tách, lập.

- Đầu tư mới 392 dự án giao thông với 3.110 km đường, 22 cầu; 63 dự án thủy lợi quy mô lớn có sức lan tỏa vùng, tăng thêm 99,000 ha diện tích tưới, hỗ trợ hoàn thành 10 trường đại học của địa phương; xây dựng mới 45 dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của các tỉnh, huyện mới chia tách.

- Đầu tư 56 kho lưu trữ chuyên dụng cấp tỉnh, trong đó 48 kho được hỗ trợ xây dựng mới, 4 kho được hỗ trợ cải tạo và 4 kho được hỗ trợ mua sắm thiết bị bảo quản tài liệu.

3. Phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện của Chương trình:

a) Phạm vi:

- Các địa phương, các vùng theo các Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh các vùng gồm: Trung du và miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

- Ngành, lĩnh vực: Ưu tiên hỗ trợ các dự án thuộc các ngành giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo, quản lý nhà nước.

b) Đối tượng:

Ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, có tính liên vùng và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 phải có trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung chủ yếu vào các công trình kết cấu hạ tầng sau:

- Các dự án giao thông đầu mối, dự án kết nối liên tỉnh, liên vùng của địa phương; đường giao thông kết nối với đường cao tốc, đường quốc lộ, khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu công nghệ cao), cửa khẩu biên giới quan trọng, cảng biển, cảng hàng không.

- Các dự án thủy lợi có quy mô lớn, tác động lan tỏa rộng.

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường đại học công lập, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho các khu đại học do địa phương quản lý năm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của các tỉnh, huyện mới chia tách.

- Các kho lưu trữ chuyên dụng do địa phương quản lý theo Quyết định số 1784/QĐ-TTg ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ.

c) Thời gian thực hiện Chương trình: Từ năm 2016 đến hết năm 2020.

4. Nguyên tắc và định mức hỗ trợ:

a) Nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ:

- Hỗ trợ cho các địa phương khó khăn về ngân sách, điều kiện cơ sở hạ tầng kém phát triển.

- Các dự án có tác động lan tỏa lớn, phát huy hiệu quả đồng bộ các công trình, dự án cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng; các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm vùng, liên vùng, kết nối đường cao tốc, đường vành đai, đường đến các cửa khẩu, đường ven biển; các dự án tạo điều kiện thu hút các nguồn lực khác để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương, vùng.

b) Định mức hỗ trợ:

- Quy mô dự án: Chỉ hỗ trợ các dự án khởi công mới từ nhóm B trở lên, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Mức hỗ trợ tối đa là 100% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới giai đoạn 2016 - 2020. Tùy theo tính chất đặc thù của từng dự án và khả năng cân đối ngân sách, các địa phương có thể bố trí từ ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ.

5. Tổng vốn thực hiện Chương trình:

a) Tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình là 189.337 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương: 101.841 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương: 61.000 tỷ đồng.

- Vốn ODA: 26.496 tỷ đồng.

b) Trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ bổ sung thêm nguồn vốn phù hợp để thực hiện Chương trình, đảm bảo mục tiêu đề ra.

6. Các giải pháp thực hiện Chương trình:

a) Giải pháp về chính sách:

- Rà soát, đánh giá để xác định các ưu tiên đầu tư trong quá trình phân bổ nguồn vốn của Chương trình, gắn với quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cụ thể của từng dự án, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của chương trình.

- Tăng cường phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích của Chương.

b) Giải pháp về nguồn lực:

Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm bố trí vốn kịp thời, đầy đủ để thực hiện các dự án của Chương trình; trong đó, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác từ các thành phần kinh tế.

c) Giải pháp về thực hiện, quản lý, giám sát Chương trình:

- Thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả đầu tư của các dự án thuộc Chương trình.

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống tin học hóa, phần mềm quản lý danh mục dự án đầu tư kết nối từ trung ương đến địa phương thực hiện Chương trình.

d) Giải pháp về hợp tác quốc tế:

Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trên các lĩnh vực kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính nhằm tăng thêm nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả của Chương trình.

7. Tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì:

- Tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

- Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật liên quan hướng dẫn thực hiện Chương trình.

- Hướng dẫn các cơ quan, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và các vấn đề liên quan nhằm thống nhất thực hiện Chương trình;

- Phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện Chương trình.

- Xây dựng, tổng hợp kế hoạch trung hạn và hàng năm đối với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

- Phối hợp với Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn thực hiện Chương trình trong kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư công hàng năm; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án của Chương trình.

- Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất các chính sách đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chương trình.

- Tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức và cán bộ liên quan trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Chương trình.

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

b) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện Chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, hàng năm.

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình ở địa phương.

- Xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp chung theo quy định.

- Quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương do địa phương quản lý; định kỳ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tiến độ thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình tại địa phương theo quy định.

- Lập, xây dựng, thẩm định và phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án thuộc Chương trình trình các cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.

- Tổ chức vận hành khai thác, sử dụng và bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: CN, NN, KGVX, QHĐP, QHQT, NC, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KTTH (3).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1256/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1256/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/08/2017
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản