Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1254/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 “NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN TRONG Y TẾ VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CHĂM SÓC SỨC KHỎE”, MÃ SỐ: KC.10/21-30

BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN ngày 12/3/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tổ chức quản lý các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia;

Căn cứ Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại Công văn số 1066/TTg-KGVX ngày 05/8/2021;

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030: “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe” (sau đây gọi tắt là Chương trình), mã số: KC.10/21-30. Mục tiêu, nội dung, dự kiến sản phẩm, yêu cầu đối với sản phẩm khoa học và chỉ tiêu đánh giá của Chương trình quy định tại Phụ lục kèm theo.

Điều 2. Cơ chế quản lý và tài chính của Chương trình được thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Ban Chủ nhiệm Chương trình, Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thtướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ trưởng (đ báo cáo);
- UBND các tnh, thành ph;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban KHCNMT của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đng;
- Lưu VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Tùng

 

PHỤ LỤC

MỤC TIÊU, NỘI DUNG, DỰ KIẾN SẢN PHẨM, YÊU CẦU ĐỐI VỚI SẢN PHẨM KHOA HỌC VÀ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 “NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN TRONG Y TẾ VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CHĂM SÓC SỨC KHỎE”, MÃ SỐ: KC.10/21-30
(Kèm theo Quyết định số 1254/QĐ-BKHCN ngày 14 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

I. Mục tiêu

1. Ứng dụng và phát triển được các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y tế, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, một số lĩnh vực đạt trình độ các nước tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh, góp phần chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

2. Làm chủ được công nghệ tiên tiến phát triển một số sản phẩm hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe có chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

II. Nội dung

1. Nghiên cứu các giải pháp/quy trình công nghệ tiên tiến để dự phòng các bệnh mới nổi, bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, bệnh do yếu tố môi trường; các giải pháp ứng phó trong y học khẩn cấp và cấp cứu trong thảm họa.

2. Nghiên cứu ứng dụng, phát triển các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân:

- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ ghép mô, bộ phận cơ thể người: tiếp tục nghiên cứu quy trình ghép mô, bộ phận cơ thể người và các giải pháp, kỹ thuật nâng cao chất lượng ghép; nghiên cứu tạo nguồn mô/tạng sinh học và vật liệu thay thế, tạng nhân tạo sử dụng trong ghép mô/tạng.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào, tế bào gốc trong điều trị các bệnh không đáp ứng hoặc kém đáp ứng với các biện pháp điều trị kinh điển; chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ.

- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử, công nghệ gen và protein trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh.

- Nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

- Nghiên cứu ứng dụng và phát triển y học hạt nhân, xạ trị trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

- Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật ít xâm lấn trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI, Big Data trong chẩn đoán, điều trị, tiên lượng và phòng bệnh.

3. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe với chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

III. Dự kiến sản phẩm

1. Các giải pháp/quy trình công nghệ tiên tiến để dự phòng các bệnh mới nổi, bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, bệnh do yếu tố môi trường; các giải pháp ứng phó trong y học khẩn cấp và cấp cứu trong thảm họa.

2. Các giải pháp/quy trình kỹ thuật tiên tiến đề nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh.

- Các giải pháp/quy trình kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người và các giải pháp, kỹ thuật nâng cao chất lượng ghép; tạo nguồn mô/tạng sinh học và vật liệu thay thế, tạng nhân tạo ứng dụng trong ghép mô/tạng.

- Các giải pháp/quy trình kỹ thuật sử dụng tế bào, tế bào gốc trong điều trị các bệnh không đáp ứng hoặc kém đáp ứng với các biện pháp điều trị kinh điển; chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ.

- Các giải pháp/quy trình ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử, công nghệ gen và protein trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh.

- Các giải pháp/quy trình kỹ thuật kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

- Các giải pháp/quy trình kỹ thuật ứng dụng y học hạt nhân, xạ trị trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

- Các giải pháp/quy trình kỹ thuật ít xâm lấn trong chẩn đoán và điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ.

- Các giải pháp/quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ AI, Big Data trong chẩn đoán, điều trị, tiên lượng và phòng bệnh.

3. Các quy trình ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển các sản phẩm hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe (sinh phẩm, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vật tư y tế, thiết bị y tế, ...) đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

IV. Yêu cầu đối với sản phẩm khoa học

Tạo ra các giải pháp, quy trình công nghệ, quy trình kỹ thuật ở mức tiên tiến, một số lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe đạt trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Một số công nghệ, sản phẩm hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe có chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

V. Chỉ tiêu đánh giá

1. Về ứng dụng vào thực tiễn:

- 80% công nghệ, sản phẩm tạo ra có tính năng kỹ thuật, chất lượng tương đương với công nghệ, sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

- 80% số nhiệm vụ có kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh.

2. Về trình độ khoa học:

- 100% số nhiệm vụ có kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành được phê duyệt theo Quyết định của Hội đồng giáo sư nhà nước.

- Ít nhất 30% số nhiệm vụ có bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí thuộc danh mục Web of Science/Scopus.

3. Về sở hữu trí tuệ:

Ít nhất 30% số nhiệm vụ có đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích) được chấp nhận, trong đó 10% số nhiệm vụ có bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích được công nhận.

4. Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:

80% số nhiệm vụ có tham gia đào tạo sau đại học, trong đó 20% số nhiệm vụ có tham gia đào tạo tiến sĩ.

5. Về cơ cấu nhiệm vụ:

10% số nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1254/QĐ-BKHCN năm 2022 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe”, mã số: KC.10/21-30 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 1254/QĐ-BKHCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/07/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Trần Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản