Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 125/2002/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 11 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM CÀNG XANH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2005
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 08/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999 – 2010;
Căn cứ Chỉ thị số 19/2001/CT/UB ngày 20 tháng 7 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội thành phố từ năm 2001 - 2005;
Căn cứ Quyết định số 1902/QĐ-UB ngày 5/5/2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành chương trình phát triển nông nghiệp – nông thôn ngoại thành giai đoạn 2002 – 2005;
Căn cứ Quyết định số 53/QĐ-UB ngày 21/5/2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện chương trình mục tiêu phát triển ngành thủy sản thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2002 đến năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 3825/QĐ-UB ngày 19/9/2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển ngành thủy sản thành phố Hồ Chí Minh năm 2002 – 2005;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 934/NN-PTNT/TS ngày 16 tháng 10 năm 2002 và Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố tại tờ trình số 4348/KHĐT-NNg ngày 28/10/2002,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay phê duyệt Chương trình phát triển nuôi tôm càng xanh trên địa bàn thành phố từ năm 2002-2005 (kèm theo quyết định này).
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các ngành, quận – huyện liên quan và các thành phần kinh tế nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư, đề án, đề tài, mô hình nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thực hiện Chương trình phát triển nuôi tôm càng xanh trên địa bàn thành phố từ năm 2002 – 2005 với các mục tiêu phấn đấu :
2.1. Phát triển 300 ha mặt nước nuôi tôm càng xanh.
2.2. Sản lượng trên 300 tấn/năm.
2.3. Sản xuất giống 50 triệu con/năm.
2.4. Xây dựng hoàn chỉnh mô hình nuôi tôm bền vững phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái ở từng vùng địa phương.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp
Sài Gòn, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển ngành thủy sản thành phố Hồ Chí Minh từ 2002 – 2005 và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận – huyện liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÔM CÀNG XANH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN NĂM 2002 – 2005
(Kèm theo Quyết định số 125 /2002/QĐ-UB ngày 07 tháng 11 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I. NHIỆM VỤ :
1. Góp phần chuyển đổi kinh tế nông nghiệp – nông thôn ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, tăng thêm thu nhập cho nông dân sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng nông thôn.
2. Xây dựng hệ thống giống tôm càng xanh, cung cấp con giống có chất lượng phục vụ cho chương trình nuôi tôm càng xanh, cung cấp con giống có chất lượng phục vụ cho chương trình nuôi tôm thuộc hệ thống công trình kênh Đông Củ Chi và các quận 9, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi.
3. Mục tiêu cụ thể :
3.1. Đến năm 2005 phát triển diện tích mặt nước 300 ha nuôi tôm càng xanh, trong đó 100 ha nuôi tôm càng xanh thâm canh ao – hồ và 200 nuôi tôm càng xanh ruộng lúa, mương vườn và các vùng nước tự nhiên (khoảng 1000 ha diện tích tự nhiên với khoảng 1000 hộ nuôi tôm càng xanh).
3.2. Sản lượng đạt 300 – 350 tấn/năm.
3.3. Sản xuất giống tôm càng xanh 50 – 60 triệu P12 – P15 (tương đương 25 – 30 triệu P45– 60, tỉ lệ ương sống 50%).
II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU :
1. Về quy hoạch vùng nuôi tôm càng xanh : Các quận – huyện (Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 9) phối hợp Sở Địa chính-Nhà đất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, rà soát lại quy hoạch đất nông nghiệp trước đây và nếu không phù hợp thì điều chỉnh trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm càng xanh hoặc nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa cụ thể các vùng :
- Huyện Củ Chi : tập trung các xã Phước Hiệp, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Phú Hòa Đông.
- Quận 9 : tập trung các phường Long Trường, Long Phước, Long Bình, Long Thạnh Mỹ.
- Huyện Bình Chánh : tập trung xã Bình Lợi và xã Phong Phú.
- Huyện Nhà Bè : tập trung các xã Long Thới, Phước Kiểng, Phú Xuân.
2. Sản xuất và dịch vụ về giống :
- Nhu cầu giống tôm càng xanh đến 2005 cần 50 – 60 triệu con với P15 mới đáp ứng đủ diện tích nuôi 300 ha. Vì vậy cần xây dựng và chuyển giao thêm 7 trại sản xuất giống tôm càng xanh, trong đó 6 trại sản xuất giống tôm càng xanh theo qui mô nông hộ và 1 trại sản xuất giống tôm càng xanh của doanh nghiệp Nhà nước. Địa điểm xây dựng trại sản xuất giống tôm càng xanh chủ yếu tập trung ở huyện Củ Chi và quận 9.
- Công suất thiết kế 2 triệu con P15/trại/năm : 4 trại (hộ gia đình); đạt 8 triệu con P15/năm.
- Công suất thiết kế 4 triệu con P15/trại/năm : 2 trại (hộ gia đình); đạt 8 triệu con P15/năm.
- Công suất thiết kế 15 triệu con P15/trại/năm : 1 trại (Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn).
- Xây dựng mạng lưới ương tôm giống vệ tinh từ P15 – P45 : 30 – 50 hộ.
- Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức tốt công tác kiểm định, kiểm dịch giống tôm càng xanh; kiểm tra và hướng dẫn các hộ nuôi tôm biết cách phòng tránh, phòng trị các loại bệnh thủy sản.
3. Về tiêu thụ sản phẩm : khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thu mua, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa thông qua Trung tâm giao dịch thủy sản Cần Giờ.
4. Về vốn đầu tư :
- Xây dựng các dự án nuôi tôm càng xanh tập trung : vốn vay theo chương trình kích cầu (công văn số 419/UB-CNN ngày 5/2/2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ lãi vay cho hộ nông dân thành phố phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp : bù lãi suất 4-7%/năm).
- Đối với doanh nghiệp xây dựng trại sản xuất giống được vay vốn theo chương trình kích cầu (quyết định số 81/2001/QĐ-UB ngày 19/9/2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý việc vay vốn, trả nợ vay, hỗ trợ lãi vay của các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu thông qua đầu tư của thành phố, ban hành kèm theo quyết định số 15/2000/QĐ-UB ngày 17/4/2000 của Ủy ban nhân dân thành phố : bù lãi suất 100%).
- Vay không thế chấp từ các Ngân hàng nông nghiệp với mức vay < 50 triệu đồng theo quy định hiện hành đối với các hộ nuôi tôm thương phẩm và ương giống từ P15 – P45.
- Vay các nguồn vốn khác như : quỹ vay vốn cho người nghèo, quỹ xóa đói giảm nghèo…. để nuôi tôm với lãi suất ưu đãi.
5. Về nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến ngư :
5.1. Về nghiên cứu khoa học công nghệ.
- Nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến nuôi tôm càng xanh như môi trường, và phòng trừ bệnh : chủ yếu là bệnh tôm đen mang, đóng rong.
- Nghiên cứu đề tài đơn tính đực trên tôm càng xanh đảm bảo tỉ lệ tôm thương phẩm đạt kích cỡ xuất khẩu cao trong ao nuôi.
- Nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp chuyên cho tôm càng xanh với khẩn phần dinh dưỡng thích hợp làm giảm hệ số thức ăn, giá thành hợp lý đảm bảo người nuôi có hiệu quả.
- Tiếp tục nghiên cứu và cải tiến một số quy trình nuôi và sản xuất giống tôm càng xanh có hiệu quả để chuyển giao cho nông dân.
- Ngoài ra tùy điều kiện cụ thể có thể tiếp nhận và nghiên cứu chuyển giao các quy trình hiệu quả từ nơi khác…
5.2. Về khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ
- Tập trung tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh cho vùng trọng điểm theo nhóm hộ, tổ nuôi tôm.
- Tập huấn và chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh qui mô nông hộ.
- Tiếp tục xây dựng các mô hình thử nghiệm, trình diễn nuôi thâm canh, bán thâm canh và sản xuất giống tôm càng xanh trong năm 2002 – 2003 ở quận 9, huyện Củ Chi (20 – 40 mô hình/quận – huyện) và các huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè (4 – 5 mô hình/quận – huyện).
- Tổ chức tham quan, hội thảo chuyên đề về nuôi, sản xuất giống tôm càng xanh.
- Mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và sản xuất giống tôm càng xanh cho các hộ khuyến nông và cộng tác viên phường – xã.
- Cử cán bộ chuyên ngành thủy sản đi đào tạo ngắn hạn ở các nước trong khu vực chuyên về sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm càng xanh.
III. CÁC DỰ ÁN CHỦ YẾU :
1. Dự án sản xuất giống tôm càng xanh :
1.1. Mục tiêu : 50 triệu con giống
1.2. Qui mô : 1 trại giống thủy sản nước ngọt ở huyện Củ Chi (Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), 5 – 7 cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh từ 2 – 4 triệu P15/trại.
1.3. Tổ chức thực hiện : Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, quận 9, huyện Củ Chi, Trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật – khuyến nông và các Chủ đầu tư (trong đó Trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật – khuyến nông đầu tư xây dựng 2 – 3 mô hình qui mô nông hộ ở Củ Chi và quận 9).
2. Dự án khuyến ngư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
2.1. Mục tiêu : Phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh đến 2005 là 300ha mặt nước, khoảng 1000 hộ tham gia.
2.2. Qui mô :
- Tập huấn, đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ nuôi tôm càng xanh cho 1000 hộ nông dân.
- Xây dựng các mô hình trình diễn, thực nghiệm nuôi tôm.
2.3. Tổ chức thực hiện : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật – khuyến nông, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các quận – huyện.
3. Dự án đầu tư phát triển hạ tầng nuôi tôm.
3.1. Qui mô :
- Nuôi ao hồ : 100 ha.
- Nuôi ruộng, mương vườn : 200 ha.
3.2. Tổ chức thực hiện : Các quận – huyện, Chủ đầu tư, trong đó tập trung dự án 50 ha của Củ Chi và 50 ha của quận 9 do Ủy ban nhân dân địa phương làm Chủ đầu tư.
4. Các đề tài nghiên cứu :
4.1. Nội dung nghiên cứu :
- Nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn công nghiệp tôm càng xanh.
- Nghiên cứu phòng trừ bệnh tôm càng xanh.
- Nghiên cứu chuyển đổi đơn tính đực
- Nghiên cứu công nghệ cải tiến qui trình sản xuất giống và nuôi tôm càng xanh.
4.2. Tổ chức thực hiện : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp và các địa phương liên quan.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
- Thành lập các tổ nuôi tôm càng xanh thông qua các câu lạc bộ khuyến nông địa phương.
- Trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật – khuyến nông phối hợp với các quận – huyện chọn hộ chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh; tập huấn kỹ thuật nuôi, chọn điểm xây dựng mô hình trình diễn đồng thời giúp các hộ nông dân xây dựng dự án vay vốn kích cầu xây dựng trại sản xuất giống tôm càng xanh.
- Các quận – huyện xây dựng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho khu vực nuôi tôm càng xanh tập trung trình Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Quyết định 53/2002/QĐ-UB triển khai Chương trình mục tiêu phát triển ngành thủy sản thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2002 đến năm 2005 do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 81/2001/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế quản lý việc vay vốn, trả nợ vay, hỗ trợ lãi vay của các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu thông qua đầu tư của thành phố kèm theo Quyết định 15/2000/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 15/2000/QĐ-UB về Quy chế quản lý việc vay vốn, trả nợ vay, hỗ trợ lãi vay của các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu thông qua đầu tư của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 5Quyết định 224/1999/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản thời kỳ 1999-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 909/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch gói hỗ trợ kỹ thuật - tài chính - thị trường cho sản phẩm tôm càng xanh giai đoạn 2015 - 2016 do tỉnh An Giang ban hành
Quyết định 125/2002/QĐ-UB phê duyệt Chương trình phát triển nuôi tôm càng xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2005 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 125/2002/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/11/2002
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Mai Quốc Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra