Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 1248/2007/QĐ-BKH

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KHUNG THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA THỜI KỲ 2006 - 2010

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 150/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện “Chiến lược quốc gia về vay và trả nợ nước ngoài đến năm 2010”;
Căn cứ Quyết định số 290/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời kỳ 2006 - 2010”;
Căn cứ Quyết định số 94/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010”;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Thông tư số 04/2007/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (Ban hành kèm theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ);
Căn cứ Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Khung theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006 - 2010 (sau đây gọi tắt là Khung theo dõi và đánh giá ODA) kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vấn đề khó khăn vướng mắc, các Bộ, ngành và địa phương phản ánh gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND, Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Lưu: VT, KTĐN.

BỘ TRƯỞNG




Võ Hồng Phúc

 

KHUNG THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA THỜI KỲ 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1248/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

LỜI NÓI ĐẦU

Để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2006 - 2010, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương tiếp tục thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đi đôi với việc nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm khả năng trả nợ.

Các nhà tài trợ tiếp tục cam kết mạnh mẽ cung cấp ODA cho Việt Nam, nhất là sau khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo dự kiến, trong thời kỳ 5 năm 2006 - 2010, các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam khoảng 19 - 21 tỷ USD vốn ODA. Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 đề ra nhiệm vụ giải ngân 11 tỷ USD trong số vốn cam kết này.

ODA là nguồn tài chính công của Chính phủ, với các khoản vốn vay ưu đãi bình quân chiếm khoảng 80% cơ cấu vốn ODA dành cho Việt Nam, do vậy cần thiết phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi và đánh giá việc sử dụng vốn ODA ở tất cả các cấp (Ban quản lý chương trình, dự án (gọi tắt là Ban QLDA), Chủ dự án, Cơ quan chủ quản, Cơ quan quản lý nhà nước về ODA), từ phía các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng người thụ hưởng ODA và từ phía các nhà tài trợ nhằm bảo đảm tối đa hóa trách nhiệm giải trình, hiệu quả viện trợ và an toàn nợ quốc gia.

Tại Quyết định số 150/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện “Chiến lược quốc gia về vay và trả nợ nước ngoài đến năm 2010”, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng “Khung theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006 - 2010”; xây dựng phương pháp luận và quy trình đánh giá tác động của các dự án đầu tư xây dựng sau khi hoàn thành (sau đây gọi tắt là Khung theo dõi và đánh giá ODA).

Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ xây dựng, vận hành và hoàn thiện hệ thống quốc gia về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA; chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ, khai thác có hiệu quả hệ thống này.

Quyết định số 94/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 - 2010” đề ra nhiệm vụ tăng cường công tác theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA với 4 hoạt động chính, gồm: (i) Xây dựng kho dữ liệu về ODA, (ii) Quy chế chia sẻ thông tin về ODA giữa các cơ quan Việt Nam và nhà tài trợ, (iii) Xác định các chỉ tiêu về ODA để đưa vào hệ thống các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của Thống kê quốc gia và (iv) Thể chế hóa hệ thống theo dõi và đánh giá dự án ODA.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA trong thời gian qua, những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thí điểm việc thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá ODA ở một số Bộ, ngành và địa phương[1], tham khảo kinh nghiệm về theo dõi và đánh giá dự án của một số nước trên thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Khung theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA, kèm theo Kế hoạch hành động nhằm thiết lập và vận hành Hệ thống quốc gia về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006 - 2010.

Khung theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA được xây dựng trên cơ sở:

- Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010;

- Định hướng Quản lý nợ nước ngoài đến năm 2010 (theo Quyết định số 135/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ);

- Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời kỳ 2006 - 2010” (theo Quyết định số 290/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ);

- Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời kỳ 2006 - 2010” ban hành kèm theo Quyết định số 94/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;

- Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

- Thông tư số 04/2007/TT-BKH ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 131/2007/NĐ-CP ngày 9 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA;

- Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA;

- Những kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thí điểm thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá ODA tại 6 Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế) và 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi)[2].

I. THỰC TRẠNG THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thu hút và sử dụng một khối lượng vốn ODA tương đối lớn để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc sử dụng ODA trong thời gian qua về cơ bản có hiệu quả, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; tăng cường năng lực thể chế và con người.

Một trong nhiều nguyên nhân sử dụng ODA có hiệu quả là công tác theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA đã được đặt ra và từng bước được hoàn thiện, góp phần cải thiện tình hình thực hiện chương trình, dự án, thúc đẩy giải ngân vốn ODA.

Những kết quả chủ yếu đạt được trong công tác theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA trong thời gian qua bao gồm:

Thứ nhất, công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA đã từng bước được thể chế hóa và hoàn thiện thông qua các Nghị định của Chính phủ, các văn bản pháp quy của các cơ quan có liên quan về quản lý và sử dụng vốn ODA. Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA đã quy định việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống quốc gia về theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA, chia sẻ thông tin về ODA giữa các cơ quan Việt Nam và các nhà tài trợ, khai thác có hiệu quả hệ thống này. Để tăng cường công tác theo dõi và giám sát tình hình thực hiện dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH quy định chế độ báo cáo dựa trên hệ thống mẫu biểu được hài hòa hóa với các nhà tài trợ.

Thứ hai, thông qua việc thực hiện thí điểm công tác theo dõi, đánh giá dự án tại 6 Bộ và 7 tỉnh, thành phố đã xây dựng được phương pháp và kỹ năng theo dõi và đánh giá dự án đồng thời thu được những kinh nghiệm và bài học cần thiết để triển khai công tác theo dõi, đánh giá chương trình dự án ODA trên diện rộng, tiến tới xây dựng một hệ thống quốc gia về theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA vận hành một cách chuyên nghiệp và ổn định lâu dài.

Công tác đánh giá chương trình, dự án ODA trong quá trình thực hiện cũng như đánh giá tác động sau khi dự án hoàn thành, kể cả đánh giá chung với các nhà tài trợ bước đầu được triển khai, nhất là đối với một số chương trình, dự án có quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải, cấp nước đô thị, điện nông thôn, y tế,…

Thứ ba, quan hệ hợp tác với các nhà tài trợ đã được đẩy mạnh trong lĩnh vực theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển năng lực theo dõi và đánh giá cũng như thực hiện một số đánh giá chung.

Thứ tư, trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan đến theo dõi và đánh giá dự án nói chung, đánh giá tình hình thực hiện Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ nói riêng.

Tuy đã đạt được những tiến bộ nhất định, song công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và yếu kém. Đó là:

- Một hệ thống quốc gia đồng bộ về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA chưa được thiết lập và vận hành dựa trên các nguyên lý, phương pháp luận và thể chế thống nhất.

- Thiếu một cơ cấu tổ chức có tính hệ thống xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở chuyên trách về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng trong việc theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA ở các cấp còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực và kỹ năng chuyên môn, kể cả chuyên gia độc lập về theo dõi và đánh giá dự án.

- Chưa có một cơ sở dữ liệu quốc gia về ODA để phục vụ công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA cũng như phục vụ nhu cầu thông tin về nguồn vốn này, kể cả phản ánh nguồn và việc sử dụng vốn ODA trong Hệ thống Thống kê quốc gia về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

II. KHUNG THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA

Mục tiêu của Khung theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006 - 2010 là xác định những định hướng chiến lược của công tác theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA và những hoạt động chủ yếu cần thực hiện nhằm xây dựng, vận hành và hoàn thiện hệ thống quốc gia về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA và để thực hiện 4 nhiệm vụ đề ra trong Quyết định số 94/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Để đạt được mục tiêu trên, Khung theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006 - 2010 bao gồm hai nội dung chủ yếu sau đây:

a) Định hướng chiến lược theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006 - 2010 (sau đây gọi tắt là Định hướng chiến lược).

b) Chương trình hành động thực hiện Định hướng chiến lược trong thời kỳ 2006 - 2010 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động).

2.1. Định hướng chiến lược

Định hướng chiến lược nhằm xác định những mục tiêu và nội dung có tính chiến lược làm cơ sở để xây dựng và vận hành hệ thống quốc gia về theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA trong thời kỳ 2006 - 2010 và từng bước hỗ trợ phát triển hệ thống theo dõi và đánh giá đầu tư công.

Định hướng chiến lược bao gồm 7 mục tiêu:

Mục tiêu 1. Xây dựng hệ thống thông tin thống nhất để đảm bảo vận hành hệ thống quốc gia về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA:

a) Thống nhất hệ thống chỉ tiêu quốc gia về theo dõi và đánh giá ở các cấp (Ban QLDA, Chủ dự án, Cơ quan chủ quản và Cơ quan quản lý nhà nước về ODA):

Về phương thức, công cụ trao đổi thông tin, dữ liệu:

- Xác định và thiết lập hệ thống các chỉ tiêu thống nhất về theo dõi các chương trình, dự án ODA ở từng cấp;

- Xác định và thống nhất hệ thống các chỉ tiêu áp dụng cho đánh giá đầu kỳ, đánh giá giữa kỳ, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động đối với các chương trình, dự án ODA;

- Thống nhất phương pháp luận, quy trình thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin, dữ liệu ở từng cấp và cách thức tích hợp và phản hồi thông tin, dữ liệu về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA.

b) Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, dữ liệu trong hệ thống quốc gia về theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA:

- Xây dựng các tiêu chuẩn về trao đổi thông tin, dữ liệu theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA giữa cấp Ban QLDA, Chủ dự án, Cơ quan chủ quản và Cơ quan quản lý nhà nước về ODA theo hướng tích hợp từ dưới lên và phản hồi từ trên xuống;

- Xây dựng các tiêu chuẩn thống nhất về phần mềm thu thập, lưu trữ, xử lý, tổng hợp và truyền tải thông tin, số liệu phục vụ công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA, đảm bảo việc tích hợp thông tin báo cáo và phân tích tình hình thực hiện và đánh giá chương trình, dự án ODA;

- Xây dựng hệ thống mã hóa thống nhất các chương trình, dự án ODA phù hợp với hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân để phục vụ công tác phân tích danh mục các chương trình, dự án ODA ở cấp quốc gia, cấp ngành, lãnh thổ và tổng hợp các chỉ tiêu thống kê định kỳ về tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA để phản ánh vào Hệ thống Thống kê quốc gia về tình hình phát triển kinh tế - xã hội;

- Duy trì và phát triển trang tin điện tử (Website) về Theo dõi và Đánh giá chương trình, dự án ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ công tác truyền thông, đào tạo và tăng cường năng lực, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về theo dõi và đánh giá, chia sẻ các bài học đúc kết thông qua việc thiết kế và thực hiện các chương trình, dự án ODA.

Về thể chế trao đổi thông tin, dữ liệu:

- Thực hiện các quy định của Thông tư số 04/2007/TT-BKH ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA, trong đó có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mối quan hệ và cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cấp trong quá trình theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA;

- Thực hiện chế độ cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA trên cơ sở hệ thống biểu mẫu báo cáo thống nhất được áp dụng chung giữa phía Việt Nam và các nhà tài trợ theo Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ODA phục vụ công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA cũng như nhu cầu thông tin đối với nguồn vốn này;

- Quy định việc sử dụng thông tin, số liệu và kết quả theo dõi, đánh giá các chương trình và dự án ODA phục vụ công tác quản lý và ra quyết định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý và sử dụng hiệu quả vốn ODA;

- Quy định việc sử dụng thông tin, số liệu và kết quả theo dõi, đánh giá các chương trình, dự án ODA trong công tác nghiên cứu, truyền thông và phổ biến những kinh nghiệm và thực tiễn tốt về quản lý và sử dụng ODA.

Mục tiêu 2: Lựa chọn và sử dụng các phương pháp, công cụ theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA tiên tiến và thường xuyên cập nhật để phù hợp với điều kiện của Việt Nam:

a) Áp dụng các công cụ theo dõi tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ODA ở các cấp, bao gồm Công cụ theo dõi tiến độ thống nhất ở cấp Ban QLDA (AMT), Công cụ theo dõi danh mục ở cấp Cơ quan chủ quản (PMT), Công cụ theo dõi danh mục ở cấp quốc gia (NMT) và áp dụng các phương pháp và chuẩn mực đánh giá dự án theo hướng dẫn của Tổ chức OECD - DAC.

b) Thực hiện chương trình công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA:

Thiết lập hệ thống thông tin kết nối giữa Ban QLDA, Chủ dự án, Cơ quan chủ quản và Cơ quan quản lý nhà nước về ODA để phục vụ các hoạt động theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA, đồng thời tạo điều kiện cho các cá nhân, các tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông có thể tiếp cận được hệ thống thông tin này.

c) Áp dụng công cụ AMT để các Ban QLDA chuẩn bị cho Chủ dự án báo cáo cơ quan chủ quản về tiến độ thực hiện chương trình, dự án ODA. Công cụ AMT đủ linh hoạt và có khả năng mở rộng để đáp ứng yêu cầu đa dạng của các cơ quan Việt Nam và nhà tài trợ.

d) Áp dụng công cụ PMT để Cơ quan chủ quản tổng hợp tình hình thực hiện danh mục chương trình, dự án ODA do mình quản lý và lập báo cáo tổng hợp về tình hình vận động, thu hút và quản lý vốn ODA theo quy định hiện hành.

đ) Áp dụng công cụ NMT ở cấp Cơ quan quản lý nhà nước về ODA (Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính) để các cơ quan này có thể tổng hợp, phân tích và đánh giá tình hình thu hút và sử dụng ODA nói chung và tình hình giải ngân và nợ ODA nói riêng.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư sử dụng công cụ NMT để tổng hợp kế hoạch giải ngân vốn ODA hàng năm và lập báo cáo toàn diện về tình hình vận động, thu hút và quản lý vốn ODA ở cấp quốc gia và báo cáo đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ODA trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành;

- Bộ Tài chính sử dụng công cụ NMT để đánh giá tình hình giải ngân và nợ ODA cũng như khả năng trả nợ đến hạn để thực hiện Chiến lược vay và trả nợ nước ngoài đến năm 2010 trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện hành;

- Cập nhật tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA ở cấp quốc gia trên website về theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA.

e) Xây dựng Trung tâm nguồn quốc gia về lưu trữ thông tin, dữ liệu, các tài liệu về theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA.

- Xây dựng quy định về lưu trữ thông tin (cứng và mềm) về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA;

- Đưa Trung tâm nguồn quốc gia vào hoạt động phục vụ công tác quản lý ODA và đáp ứng yêu cầu công tác thống kê quốc gia về ODA cũng như nhu cầu truyền thông về ODA.

Mục tiêu 3. Chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA:

a) Tăng cường hệ thống tổ chức tại các đơn vị đầu mối về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA ở các cấp.

b) Chuyên nghiệp hóa công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA:

- Xác định việc theo dõi và đánh giá là hoạt động mang tính chuyên nghiệp cao trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công;

- Xây dựng tiêu chuẩn công nhận những người làm công tác theo dõi và đánh giá chuyên nghiệp;

- Phát triển mạng lưới các cán bộ nguồn về theo dõi và đánh giá, làm nền tảng tiến tới việc thành lập Hiệp hội nghề nghiệp của những người làm công tác theo dõi và đánh giá. Trước mắt trong năm 2008 với sự hỗ trợ của VAMESP II, thành lập Câu lạc bộ những người làm công tác theo dõi và đánh giá;

- Phát triển quan hệ hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để chia sẻ thông tin và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực theo dõi và đánh giá.

c) Tăng cường năng lực cán bộ làm công tác theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA, bao gồm:

- Lồng ghép nội dung theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA vào chương trình đào tạo về quản lý dự án;

- Xây dựng chương trình và tài liệu đào tạo chuẩn cho những người làm công tác theo dõi và đánh giá chương trình, dự án chuyên nghiệp;

- Biên soạn và phát hành sổ tay hướng dẫn thể chế và kỹ năng theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA; giới thiệu các phương pháp và công cụ theo dõi và đánh giá;

- Đào tạo về theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA chuyên nghiệp có cấp chứng chỉ.

Mục tiêu 4. Đảm bảo ngân sách cho các hoạt động theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA:

a) Quy định về nguồn và kinh phí cho công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA ở các cấp.

b) Quy định về nguồn và kinh phí cho công tác đánh giá tác động (đánh giá chương trình, dự án ODA sau khi hoàn thành).

Mục tiêu 5. Phối hợp với các nhà tài trợ trong công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA:

a) Phối hợp với các nhà tài trợ hài hòa và thống nhất phương pháp và công cụ sử dụng trong hoạt động theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA.

b) Thiết lập cơ chế phối hợp song phương và đa phương với các nhà tài trợ trong công tác theo dõi đánh giá.

c) Hợp tác với các nhà tài trợ trong công tác đánh giá các chương trình, dự án ODA:

- Hợp tác với các nhà tài trợ tổ chức đánh giá độc lập đối với một số chương trình dự án ODA;

- Hợp tác với các nhà tài trợ đánh giá tác động đối với một số chương trình, dự án ODA;

d) Hợp tác tăng cường năng lực theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA.

Mục tiêu 6. Sử dụng kết quả theo dõi và đánh giá để quản lý theo kết quả phát triển:

a) Đảm bảo khả năng tiếp cận và chia sẻ thông tin về tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA thông qua các kết quả theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA: tất cả các cơ quan, tổ chức, nhà tài trợ, các cơ quan truyền thông đều có thể dễ dàng tiếp cận và chia sẻ thông tin theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA.

b) Ban hành các quy định về cơ chế phản hồi thông tin đối với các vấn đề cần can thiệp và xử lý nhờ kết quả của công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA: xây dựng những quy định về phản hồi thông tin phát hiện trong quá trình theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA của từng cấp trong hệ thống quốc gia về theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA.

Mục tiêu 7. Lồng ghép và sử dụng công cụ, kỹ năng, kinh nghiệm của hệ thống theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA để hỗ trợ phát triển hệ thống theo dõi và đánh giá đầu tư công:

Trên cơ sở phát triển và vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA, từng bước hỗ trợ việc phát triển và vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá đầu tư công trong thời kỳ sau năm 2010.

2.2. Chương trình hành động

Chương trình hành động thực hiện Khung Theo dõi và Đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006 - 2010 nêu tại Phụ lục kèm theo tập trung vào những nội dung ưu tiên trên cơ sở Định hướng chiến lược nêu tại Mục 2.1.

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN KHUNG THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA THỜI KỲ 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1248/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

NỘI DUNG CÔNG VIỆC

CƠ QUAN CHỦ QUẢN

CƠ QUAN PHỐI HỢP

THỜI GIAN HOÀN THÀNH

KẾT QUẢ DỰ KIẾN

1. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin ODA thống nhất để đưa hệ thống theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA vào vận hành.

 

 

 

 

1.1. Thể chế hóa công tác theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA, bao gồm:

- Hệ thống chỉ tiêu và chế độ theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ở 3 cấp: Cấp chủ chương trình, dự án; Cấp cơ quan chủ quản và Cấp cơ quan quản lý nhà nước về ODA.

- Mẫu biểu thu thập thông tin và dữ liệu về tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA.

- Chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA và các nhà tài trợ quan tâm.

Tháng 7 năm 2007

Ban hành các văn bản pháp quy về theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA:

- Nghị định số 131/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA (đã ban hành).

- Thông tư số 04/2007/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 131/2006/NĐ-CP của Chính phủ (đã ban hành).

- Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA (đã ban hành).

1.2. Ban hành chế độ thống kê định kỳ về tình hình tiếp nhận và sử dụng ODA để phản ánh vào Hệ thống Thống kê quốc gia về tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA và các nhà tài trợ quan tâm.

Quý II năm 2008

Tổng cục Thống kê ban hành chế độ báo cáo thống kê định kỳ về tình hình tiếp nhận và sử dụng ODA trong Hệ thống Thống kê quốc gia về tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

1.3. Phát triển Cổng điện tử về Theo dõi và Đánh giá chương trình, dự án ODA với cơ sở dữ liệu về ODA và chế độ công bố và chia sẻ thông tin, dữ liệu về ODA.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA và các nhà tài trợ quan tâm.

Quý II năm 2008

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định về chế độ công bố và chia sẻ thông tin, dữ liệu về ODA và Cổng điện tử về Theo dõi và Đánh giá ODA đi vào hoạt động.

2. Phát triển công cụ theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA ở cả 3 cấp: Cấp chủ dự án; Cấp cơ quan chủ quản và Cấp cơ quan quản lý nhà nước về ODA.

 

 

 

 

2.1. Ban hành sổ tay hướng dẫn công tác theo dõi và đánh giá ODA.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA và các nhà tài trợ quan tâm.

Quý I năm 2008

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành sổ tay hướng dẫn công tác theo dõi và đánh giá ODA.

2.2. Xây dựng và áp dụng mẫu đánh giá thống nhất với nhà tài trợ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA và các nhà tài trợ quan tâm.

Quý III năm 2008

 

2.3. Xây dựng hệ thống xếp hạng dự án trên cơ sở kết quả đánh giá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA và các nhà tài trợ quan tâm.

Quý III năm 2008

 

2.4. Cài đặt phần mềm để áp dụng công nghệ thông tin trong công tác theo dõi và đánh giá dự án ở cả 3 cấp: Cấp chủ dự án; Cấp cơ quan chủ quản; Cấp cơ quan quản lý nhà nước về ODA (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA và các nhà tài trợ và VAMESP II (gia hạn).

Quý II năm 2008

Tất cả các Chủ dự án/Ban QLDA, cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính được cài đặt phần mềm theo dõi và đánh giá dự án.

2.5. Xây dựng Trung tâm nguồn quốc gia về theo dõi và đánh giá dự án trên cơ sở Cổng điện tử về Theo dõi và Đánh giá chương trình, dự án ODA (Trung tâm nguồn ảo).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA và các nhà tài trợ quan tâm.

Quý II năm 2008

Trung tâm nguồn ảo về theo dõi và đánh giá dự án đi vào hoạt động.

3. Phát triển năng lực theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

 

 

 

 

3.1. Đưa nội dung theo dõi và đánh giá dự án vào chương trình đào tạo quản lý dự án ODA do Chương trình CCBP thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thông qua Chương trình CCBP)

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA.

Theo chương trình đào tạo quản lý dự án do Chương trình CCBP thực hiện

Các khóa đào tạo về quản lý dự án được tổ chức.

3.2. Xây dựng khuyến nghị về tổ chức bộ máy theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA ở các cấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA.

Quý IV năm 2007

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những khuyến nghị về tổ chức bộ máy theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ở các cấp.

3.3. Hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ về theo dõi và đánh giá dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án/Ban QLDA.

Quý II năm 2008

Câu lạc bộ được thành lập và đi vào hoạt động.

3.4. Hỗ trợ thành lập Hiệp hội nghề nghiệp những người làm công tác theo dõi và đánh giá dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan.

Quý II năm 2009

Hiệp hội được thành lập và đi vào hoạt động

4. Bảo đảm tài chính cho công tác theo dõi và đánh giá dự án.

 

 

 

 

4.1. Bổ sung định mức chi phí theo dõi và đánh giá dự án.

Bộ Tài chính

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan.

Quý II năm 2008

Bộ Tài chính ban hành quy định về định mức chi phí theo dõi và đánh giá dự án

4.2. Xây dựng kế hoạch tài chính bảo đảm thực hiện đánh giá tác động chương trình, dự án ODA.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

Hàng năm theo tiến độ tổng hợp Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đánh giá tác động các chương trình, dự án ODA.

5. Đánh giá tác động một số chương trình, dự án ODA và hiệu quả thu hút và sử dụng ODA 5 năm 2006 - 2010.

 

 

 

 

5.1. Đánh giá tác động một số dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ có liên quan.

6 tháng cuối năm 2008

Báo cáo kết quả đánh giá trình Thủ tướng Chính phủ và gửi các nhà tài trợ.

5.2. Đánh giá tác động một số dự án trong lĩnh vực năng lượng điện.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ có liên quan.

6 tháng cuối năm 2008

Báo cáo kết quả đánh giá trình Thủ tướng Chính phủ và gửi các nhà tài trợ.

5.3. Đánh giá tác động một chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế.

Bộ Y tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ có liên quan.

6 tháng đầu năm 2008

Báo cáo kết quả đánh giá trình Thủ tướng Chính phủ và gửi các nhà tài trợ.

5.4. Đánh giá tác động một chương trình, dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ có liên quan.

6 tháng cuối năm 2008

Báo cáo kết quả đánh giá trình Thủ tướng Chính phủ và gửi các nhà tài trợ.

5.5. Đánh giá tác động một chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xóa đói, giảm nghèo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ có liên quan.

6 tháng cuối năm 2008

Báo cáo kết quả đánh giá trình Thủ tướng Chính phủ và gửi các nhà tài trợ.

5.6. Đánh giá hiệu quả ODA hỗ trợ thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính

Các Bộ, ngành, địa phương và nhà tài trợ.

Quý I năm 2010 

Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và phục vụ việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; gửi nhà tài trợ.

6. Sử dụng kết quả hoạt động của hệ thống theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ODA hỗ trợ phát triển hệ thống theo dõi và đánh giá đầu tư công.

 

 

 

 

6.1. Công bố các báo cáo theo dõi tình hình thực hiện, các báo cáo đánh giá chương trình, dự án ODA và báo cáo kết quả đánh giá tác động trên cổng điện tử về Theo dõi và Đánh giá chương trình, dự án ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành và địa phương và nhà tài trợ

Định kỳ và đột xuất

Các báo cáo được công bố thường xuyên.

6.2. Tổng kết hoạt động của hệ thống theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA và khuyến nghị phát triển hệ thống theo dõi và đánh giá đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các Bộ, ngành và địa phương và các nhà tài trợ

Quý I năm 2010

Những khuyến nghị về phát triển hệ thống theo dõi và đánh giá đầu tư công.

 


[1] Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực theo dõi và đánh giá dự án Việt Nam - Ôxtrâylia”. Giai đoạn II (gọi tắt là VAMESP-II) do Chính phủ Ôxtrâylia tài trợ.

[2] Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực theo dõi và đánh giá dự án Việt Nam - Ôxtrâylia”. Giai đoạn II (gọi tắt là VAMESP-II) do Chính phủ Ôxtrâylia tài trợ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1248/2007/QĐ-BKH ban hành khung theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2006 - 2010 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 1248/2007/QĐ-BKH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/10/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Võ Hồng Phúc
  • Ngày công báo: 12/11/2007
  • Số công báo: Từ số 770 đến số 771
  • Ngày hiệu lực: 27/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản