Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1242/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 03 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH GIẢM KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ TRÁM LẤP GIẾNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 57/2015/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Chương trình hành động số 13-CTrHĐ/TU ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 5927/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2018;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 44/TTr-STNMT-TNNKS ngày 03 tháng 01 năm 2018 về việc ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 (đính kèm Phụ lục).

Điều 2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nội dung Kế hoạch.

Điều 3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực phụ trách theo dõi việc thực hiện Kế hoạch theo phân công, có trách nhiệm tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm về kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và đề xuất điều chỉnh, bổ sung những nội dung, giải pháp cụ thể trong trường hợp cần thiết, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Các Đoàn thể thành phố;
- VPUB: các PVP;
- Các Phòng CV, TTCB;
- Lưu: VT. (ĐT-TNC) TV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Vĩnh Tuyến

 

KẾ HOẠCH

GIẢM KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÀ TRÁM LẤP GIẾNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Theo kết quả điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến cuối năm 2016 và số liệu cấp phép khai thác nước dưới đất của Sở Tài nguyên và Môi trường đang quản lý, nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố hiện nay là 716.581 m3/ngày. Nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Quy hoạch cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu:

Từ nay đến năm 2025, giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố còn 100.000 m3/ngày đêm, đồng thời thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước.

2. Yêu cầu:

- Bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất phải gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

- Giảm lưu lượng khai thác không gây gián đoạn việc cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất.

- Cung cấp nước sạch cho người dân, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, lưu lượng và áp lực nước theo yêu cầu.

- Nâng cao ý thức người dân, cộng đồng trong việc sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất là hộ gia đình

- Thực hiện tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; tác hại của việc sử dụng nguồn nước dưới đất có chất lượng không đạt yêu cầu theo quy định.

- Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; giải pháp đảm bảo chất lượng, lưu lượng, áp lực nước cho hộ dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố.

- Xây dựng kế hoạch trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng.

2. Nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất trong các khu chế xuất - khu công nghiệp

- Xây dựng lộ trình và giải pháp cấp nước thay thế nguồn nước dưới đất.

- Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; giải pháp đảm bảo chất lượng, lưu lượng, áp lực nước cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố.

- Kiểm soát chặt chẽ đối tượng sử dụng nước do tính chất và yêu cầu nguồn nước có tính chất đặc thù như sản xuất nước giải khát, bia, thực phẩm, dược phẩm, chế biến thủy hải sản, dệt nhuộm,...

- Xây dựng kế hoạch trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác.

3. Nhóm đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất bên ngoài các khu chế xuất - khu công nghiệp không phải hộ gia đình

- Xây dựng lộ trình và giải pháp cấp nước thay thế nguồn nước dưới đất.

- Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng nước cấp của thành phố; giải pháp đảm bảo chất lượng, lưu lượng, áp lực nước cho tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố.

- Kiểm soát chặt chẽ đối tượng sử dụng nước do tính chất và yêu cầu nguồn nước có tính chất đặc thù như sản xuất nước giải khát, bia, thực phẩm, dược phẩm, chế biến thủy hải sản, dệt nhuộm,...

- Xây dựng kế hoạch trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác.

4. Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên

- Xác định lưu lượng, số lượng giếng khai thác thực tế.

- Lập phương án sử dụng giếng khai thác; quy trình kiểm soát và quản lý hệ thống giếng dự phòng.

- Xây dựng chế độ báo cáo định kỳ về tình hình khai thác, bảo dưỡng giếng.

- Xây dựng lộ trình và giải pháp thay thế nguồn nước cấp từ nguồn nước dưới đất.

- Xây dựng kế hoạch trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác.

5. Thực hiện lộ trình giảm lượng khai thác nước dưới đất đến năm 2025 (Theo Phụ lục đính kèm)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quan trắc và công bố chất lượng nguồn nước dưới đất, cảnh báo cho tổ chức, cá nhân đang khai thác nước dưới đất.

b) Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn, các đơn vị cung cấp nước trên địa bàn thành phố, các cơ quan Báo, đài thành phố thực hiện tuyên truyền các quy định về khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước dưới đất; tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; kiến thức về các tác hại của việc sử dụng nước có chất lượng không đạt yêu cầu theo quy định.

c) Lập Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất chi tiết hàng năm để Ủy ban nhân dân các địa phương, các Sở, ban, ngành có liên quan làm cơ sở triển khai thực hiện.

d) Lập Kế hoạch trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác.

đ) Chủ trì, phối hợp kiểm tra nguồn sử dụng nước của các tổ chức, cá nhân, xử lý vi phạm theo quy định.

e) Chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân đang khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố thực hiện lộ trình giảm lượng khai thác nước dưới đất đến năm 2025.

g) Phối hợp các tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất để kinh doanh, phân phối lại cho người khác sử dụng, lập quy trình kiểm soát khai thác nước dưới đất đối với các giếng phục vụ cấp nước an toàn cho thành phố.

h) Tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với những trường hợp cấp phép khai thác nước dưới đất thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác.

i) Căn cứ thực tiễn về tình hình ô nhiễm môi trường, nguồn nước thải ô nhiễm xâm nhập vào nguồn nước dưới đất, khai thác nước dưới đất tràn lan dẫn đến hiện tượng sụt lún xảy ra ngày càng nghiêm trọng; việc sử dụng nguồn nước dưới đất không qua xử lý phục vụ cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày luôn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người dân; rà soát cơ sở pháp lý, trình Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất cấp thẩm quyền ban hành vùng cấm khai thác nước dưới đất, áp dụng cho tất cả quy mô khai thác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

k) Chủ trì giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Sở Tài chính

a) Phối hợp, hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên, các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất chuyển đổi sang sử dụng nguồn nước cấp của thành phố.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý và bảo vệ nguồn nước dưới đất.

4. Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố

Thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng nguồn nước cấp của thành phố, nguồn nước dưới đất khai thác để đảm bảo đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn nước dùng cho sinh hoạt.

5. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố

a) Tổ chức tuyên truyền pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đang khai thác nước dưới đất trong khu chế xuất - khu công nghiệp.

b) Thường xuyên giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp có khai thác nước dưới đất trong các khu chế xuất - khu công nghiệp.

c) Xây dựng kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất của các công ty kinh doanh hạ tầng khu chế xuất - khu công nghiệp, các công ty hoạt động trong khu chế xuất - khu công nghiệp đến năm 2025.

6. Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên

a) Xây dựng kế hoạch cung cấp nước sạch cho thành phố đến năm 2025, đảm bảo lưu lượng, chất lượng và áp lực nước cấp theo quy định.

b) Xây dựng kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất của đơn vị đến năm 2025 theo lộ trình giảm khai thác kèm theo Kế hoạch này.

c) Xác định số lượng, lập danh mục các công trình tiếp tục khai thác, các công trình chuyển qua dự phòng nhằm đảm bảo an ninh nguồn cấp nước của thành phố; xây dựng phương án quản lý và quy trình vận hành các trạm đang khai thác, các trạm dự phòng, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

d) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất chuyển đổi sang sử dụng nguồn nước cấp của thành phố.

7. Ủy ban nhân dân quận - huyện, Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn

a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn theo phân cấp và theo các quy định của pháp luật hiện hành.

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện lộ trình giảm lượng khai thác nước dưới đất kèm theo Kế hoạch này và Kế hoạch trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác.

c) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng nguồn nước dưới đất; tác hại của việc sử dụng nguồn nước dưới đất có chất lượng không đạt yêu cầu theo quy định; phổ biến các quy định pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp.

d) Phối hợp các đơn vị cung cấp nước thực hiện việc cung cấp nước sạch cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; kiểm tra, giám sát chất lượng, lưu lượng, áp lực nguồn nước cấp của thành phố để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân, doanh nghiệp.

8. Các tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước dưới đất.

b) Thực hiện nghĩa vụ trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không được cấp phép khai thác, sử dụng theo quy định.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện: từ ngân sách thành phố và các nguồn thu khác của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành./.

 

PHỤ LỤC

LỘ TRÌNH GIẢM LƯỢNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố)

STT

Nội dung thực hiện

Hiện nay (m3/ngày)

Mục tiêu (m3/ngày)

Đến cuối năm 2018

Đến cuối năm 2019

Đến cuối năm 2020

Giai đoạn 2021 - 2023

Giai đoạn 2024 - 2025

 

Tổng lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố

716.581

487.000

310.000

200.000

150.000

100.000

1

Lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình

355.859

231.000

146.000

76.000

52.000

28.000

2

Lượng khai thác nước dưới đất trong khu chế xuất - khu công nghiệp

58.150

40.000

22.000

12.000

10.000

8.000

3

Lượng khai thác nước dưới đất bên ngoài khu chế xuất-khu công nghiệp không phải hộ gia đình

172.572

116.000

52.000

42.000

38.000

34.000

4

Lượng khai thác nước dưới đất của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên

130.000

100.000

90.000

70.000

50.000

30.000

Trong đó:

1. Đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất là hộ gia đình:

a) Đến cuối năm 2018:

- Thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng.

- Giảm lượng khai thác nước dưới đất và thực hiện trám lấp các giếng ở các khu vực đã có nước cấp của thành phố, gồm: Quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, một phần huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

b) Đến cuối năm 2019:

- Thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng.

- Giảm lượng khai thác nước dưới đất và thực hiện trám lấp các giếng ở các khu vực đã có nước cấp của thành phố, gồm: huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

c) Đến cuối năm 2020:

Giảm lượng khai thác nước dưới đất và thực hiện trám lấp các giếng ở các khu vực đã có nước cấp của thành phố, gồm: huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

d) Giai đoạn 2021 - 2023; 2024 - 2025:

Giảm lượng khai thác nước dưới đất và thực hiện trám lấp các giếng ở các khu vực đã có nước cấp của thành phố, gồm: huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

2. Đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất trong các khu chế xuất - khu công nghiệp:

a) Đến cuối năm 2018:

- Thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác.

- Giảm lượng khai thác nước dưới đất sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các công ty kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, thay thế bằng hệ thống nước cấp của thành phố.

b) Đến cuối năm 2019:

Giảm lượng khai thác nước dưới đất sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các công ty kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, thay thế bằng hệ thống nước cấp của thành phố.

c) Đến cuối năm 2020:

- Chấm dứt khai thác nước dưới đất sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các công ty kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất, thay thế bằng hệ thống nước cấp của thành phố.

- Giảm lượng khai thác nước dưới đất phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nguồn nước có tính đặc thù.

d) Giai đoạn 2021 - 2023; 2024 - 2025:

Giảm lượng khai thác nước dưới đất phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nguồn nước có tính đặc thù.

3. Đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất bên ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp không phải hộ gia đình:

a) Đến cuối năm 2018:

- Thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác.

- Chấm dứt khai thác nước dưới đất tại các khu vực đã có nguồn nước cấp của thành phố phục vụ sinh hoạt; giảm lượng khai thác nước dưới đất phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

b) Đến cuối năm 2019:

- Thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác.

- Giảm lượng khai thác nước dưới đất phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

c) Đến cuối năm 2020:

- Chấm dứt khai thác nước dưới đất tại các khu vực đã có nguồn nước cấp của thành phố phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

- Giảm lượng khai thác nước dưới đất phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nguồn nước có tính đặc thù.

d) Giai đoạn 2021 - 2023; 2024 - 2025:

Giảm lượng khai thác nước dưới đất phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nguồn nước có tính đặc thù.

4. Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên:

a) Đến cuối năm 2018:

- Thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác.

- Xác định, lập các trạm cấp nước an toàn của thành phố.

- Giảm lượng khai thác nước dưới đất đối với các trạm có lưu lượng khai thác lớn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước dưới đất; ngừng khai thác các trạm tại các khu vực đã có mạng cấp nước của thành phố; chuyển qua chế độ dự phòng đối với các trạm giếng thuộc kế hoạch cấp nước an toàn của thành phố.

b) Đến cuối năm 2019:

Giảm lượng khai thác nước dưới đất đối với các trạm cố lưu lượng khai thác lớn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước dưới đất; ngừng khai thác các trạm tại các khu vực đã có mạng cấp nước của thành phố; chuyển qua chế độ dự phòng đối với các trạm cấp nước thuộc kế hoạch cấp nước an toàn của thành phố.

c) Đến cuối năm 2020:

Giảm lượng khai thác nước dưới đất đối với các trạm có lưu lượng khai thác lớn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước dưới đất; ngừng khai thác các trạm ở các khu vực đã có mạng cấp nước của thành phố; chuyển qua chế độ dự phòng đối với các trạm giếng thuộc kế hoạch cấp nước an toàn của thành phố.

d) Giai đoạn 2021 - 2023:

- Giảm lượng khai thác nước dưới đất đối với các trạm có lưu lượng khai thác lớn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước dưới đất.

- Giảm lượng khai thác nước dưới đất các trạm cấp nước phục vụ cho vùng sâu, vùng xa huyện Bình Chánh.

- Tiếp tục chuyển qua chế độ dự phòng đối với các trạm cấp nước thuộc kế hoạch cấp nước an toàn của thành phố.

đ) Giai đoạn 2024 - 2025:

Còn lại các trạm cấp nước thuộc kế hoạch cấp nước an toàn của thành phố./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1242/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025

  • Số hiệu: 1242/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/03/2018
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Vĩnh Tuyến
  • Ngày công báo: 01/06/2018
  • Số công báo: Số 34
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản