Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1241/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 09 tháng 8 năm 2012 |
BAN HÀNH KẾ HOẠCH VỀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
Căn cứ Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Chương trình số 06/CTr/TU ngày 17/10/2011 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long về phát triển đô thị và nhà ở giai đoạn 2011 - 2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quyết định kèm theo Kế hoạch về phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố Vĩnh Long triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
VỀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 09/8/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hành động số 06/CTr/TU ngày 17/10/2011 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long về phát triển đô thị và nhà ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời nhằm triển khai thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2015. Cụ thể như sau:
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I. KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG VỀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2005 - 2010:
1. Dân số: Toàn tỉnh năm 2011 có 1.028.550 người, trong đó thành thị là: 159.230 người và nông thôn là: 869.320 người.
2. Về nhà ở đô thị và nông thôn:
- Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở, tỉnh có 272.181 hộ, trong đó 270.223 hộ có nhà ở, chiếm 99,3% và có 1.958 hộ không có nhà ở, chiếm 0,7%. Cụ thể như sau:
+ 43.710 hộ ở đô thị (42.949 hộ có nhà ở, chiếm 98,26%);
+ 228.471 hộ ở nông thôn (227.274 hộ có nhà ở, chiếm 99,48%).
- Tổng số nhà kiên cố, bán kiên cố trong toàn tỉnh: 202.312 căn đạt tỉ lệ 74.2% (trong đó: 40.907 căn ở đô thị, đạt tỉ lệ 94,4% nhà ở đô thị; 161.405 căn ở nông thôn, đạt tỷ lệ: 70,4% nhà ở nông thôn); nhà thiếu kiên cố, nhà tạm đơn sơ trên 50.000 căn, chiếm tỉ lệ 25,8 %, tập trung nhiều ở nông thôn.
- Nhà ở trên sông, kênh, rạch thuộc các đô thị (theo số liệu điều tra khảo sát của huyện, thành phố): 1.455 căn, hiện đã xuống cấp cần sớm di dời.
- Nhà ở cho các đối tượng xã hội: Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 318 căn nhà ở phục vụ cho khoảng 1.272 đối tượng là cán bộ công chức đang khó khăn về nhà ở; xây dựng được 20 ký túc xá (khoảng 1.181 phòng), bố trí cho 5.908 sinh viên ở; các doanh nghiệp cũng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân 206 căn hộ, bố trí cho 824 công nhân thuê ở; thực hiện hỗ trợ cho 6.083 hộ nghèo khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng được 43 cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 1, bố trí cho 6.305 hộ vào ở.
- Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh là 72,9m2/nhà (cụ thể: Ở đô thị 69,8m2/nhà và ở nông thôn 73,7m2/nhà). Diện tích nhà ở bình quân đầu người trên toàn tỉnh là 19,4 m2/người (ở đô thị: 14 m2/người và ở nông thôn: 21 m2/người).
II. ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:
a) Thuận lợi:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời cụ thể hoá đầy đủ các văn bản pháp luật của Trung ương, của Tỉnh uỷ đã ban hành trong lĩnh vực nhà ở, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sở, ngành chuyên môn, các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.
- Trên cơ sở hành lang pháp lý nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư triển khai nhanh các dự án phát triển nhà ở, nhiều dự án nhà ở thương mại, dự án khu dân cư, các trung tâm thương mại gắn liền với phát triển dân cư, khu tái định cư, dự án nhà ở xã hội, nhà trọ … đã được triển khai xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng đã đáp ứng cơ bản giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho nhân dân, các đối tượng cán bộ, công chức, người có thu nhập thấp trong tỉnh và góp phần phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại....
- Công tác quản lý phát triển nhà ở thời gian qua, đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục đầu tư và quy hoạch xây dựng được duyệt. Bộ máy quản lý nhà nước được củng cố, tăng cường đảm bảo nhiệm vụ được giao; cải cách thủ tục hành chính được đơn giản hơn đã góp phần phát huy hiệu quả trong xã hội và nhận thức cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao được thể hiện thông qua việc chấp hành pháp luật nhà nước trong lĩnh vực đô thị, nhà ở.
b) Khó khăn, vướng mắc: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực phát triển nhà cũng còn một số hạn chế cần được khắc phục:
- Quy hoạch xây dựng chi tiết các khu vực đô thị, cụm dân cư nông thôn vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa lập quy hoạch chi tiết nên việc phát triển nhà ở thiếu sự đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng;
- Số lượng dự án phát triển nhà ở mặc dù có tăng hơn, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch triển khai còn chậm, nhất là dự án phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp (như: Công nhân, sinh viên và cán bộ, công chức). Ngoài ra, còn nhiều nhà tạm bợ, nhà thiếu kiên cố, nhà xây dựng trên sông rạch khu vực đô thị và nông thôn, khu nhà ở phát triển tự phát, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh .v.v....
- Thiếu quỹ đất sạch, thiếu vốn để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội do cơ chế chính sách hỗ trợ chưa thật sự khuyến khích; thiếu chính sách tín dụng cho người thu nhập thấp vay vốn để xây dựng nhà ở. Tình hình lạm phát kéo dài, việc thắt chặt tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án phát triển nhà ở đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.
III. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2015:
Phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh là nhu cầu cần thiết của xã hội, nhằm đảm bảo chỗ ở cho nhân dân, nhưng phải phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng các điều kiện về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, tiện nghi và phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu; chú trọng tăng tỷ trọng nhà ở chung cư, đẩy mạnh việc phát triển quỹ nhà ở xã hội tại khu vực đô thị bằng nhiều nguồn vốn để cho thuê, thực hiện tốt chính sách về nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, từng bước xoá dần nhà ở tạm bợ khu vực đô thị và nông thôn.
Dự báo nhu cầu phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 (theo Phụ lục số I đính kèm).
Đáp ứng cơ bản nhu cầu có chỗ ở phù hợp của nhân dân, tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 9, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và Chương trình số 06/CTr/TU ngày 17/10/2011 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long về phát triển đô thị và nhà ở giai đoạn 2011 - 2015.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; di dời nhà ở trên sông, tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với các hộ gia đình sinh sống tại vùng lũ, các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm và các hộ gia đình thuộc diện nghèo tại khu vực nông thôn. Nâng cao dần chất lượng và mức độ tiện nghi của nhà ở; đa dạng hoá mô hình phát triển nhà ở, để đáp ứng nhu cầu nhà ở phù hợp với điều kiện của mọi tầng lớp nhân dân.
Phát triển nhà ở nông thôn gắn với việc phát triển và nâng cấp hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhằm từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng chỗ ở của người dân nông thôn. Nâng cao nhận thức, tổ chức hướng dẫn người dân xây dựng nhà ở đảm bảo chất lượng, có công trình phụ hợp vệ sinh, tách riêng nhà ở với khu vực chuồng trại, chăn nuôi và sản xuất.
I. CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN NHÀ Ở ĐẾN NĂM 2015:
- Đảm bảo toàn tỉnh có 85% nhà từ bán kiên cố trở lên (trong đó đảm bảo 100% gia đình chính sách, đảng viên có nhà từ bán kiên cố trở lên), khắc phục cơ bản nhà tạm bợ;
- Phấn đấu giảm 50% nhà ở trên sông tại các đô thị;
- Phấn đấu đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng:
+ 1.500 căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp đô thị từ các dự án phát triển nhà ở;
+ 55% sinh viên có nhu cầu được thuê nhà ở;
+ 50% công nhân khu công nghiệp tập trung được thuê nhà ở (trong đó trên 30% công nhân được thuê nhà từ các dự án nhà ở xã hội);
- Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt:
+ Khu vực đô thị: Đạt tiêu chuẩn diện tích sàn ≥ 15m2/người;
+ Khu vực nông thôn: Đạt tiêu chuẩn diện tích sàn ≥ 25m2/người (theo chỉ tiêu nông thôn mới);
- Phấn đấu giảm nhà ở khu vực nội đồng, không để phát sinh mới.
II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN MỤC TIÊU:
1. Xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở tạm, nhà thiếu kiên cố:
Tập trung triển khai các dự án phát triển nhà ở, các chương trình mục tiêu về phát triển nhà ở, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; khuyến khích, vận động trong nhân dân phát triển nhà ở riêng lẻ, cải tạo, sửa chữa nhà ở tạm, nhà thiếu kiên cố với tổng số khoảng: 43.800 căn. Chia ra: Thành phố Vĩnh Long khoảng: 7.178 căn (xây dựng mới: 3.000 căn; cải tạo, sửa chữa: 4.178 căn, các huyện khoảng: 36.622 căn; (xây dựng mới: 8.728 căn; cải tạo, sửa chữa: 27.894 căn).
Trong số đó, tiếp tục triển khai xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nhà tình nghĩa cho hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng theo Quyết định số 20/2000/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ khoảng 2.449 căn với tổng mức đầu tư khoảng: 43,66 tỷ đồng từ nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa và nguồn vốn ngân sách từ nguồn xổ số kiến thiết hỗ trợ.
2. Di dời nhà ở trên sông rạch khu vực đô thị và vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm: Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ phối hợp với chính quyền địa phương tập trung xây dựng hoàn thành 12 cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh và các khu tái định cư đã có dự án được phê duyệt để di dời: 2.350 hộ dân (trong đó: 727 căn nhà ở trên sông rạch tại các đô thị gồm: Thành phố Vĩnh Long 401 căn, các huyện 326 căn). Tổng mức đầu tư giai đoạn 2008 - 2013: 197,40 tỷ đồng (đã thực hiện đến năm 2011: 150,4 tỷ, giai đoạn 2012 - 2013 còn lại khoảng 47 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội).
3. Đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội:
a) Nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị: Triển khai đầu tư 12 dự án phát triển nhà ở thu nhập thấp đô thị, dự kiến bố trí cho khoảng: 1.957 hộ có nhu cầu nhà ở, đạt tỉ lệ 51,9% số hộ có nhu cầu. Chia ra: Thành phố Vĩnh Long: 1.377 căn, các huyện: 580 căn. Diện tích sàn xây dựng: 146.138 m2 sàn (trung bình 75m2/căn hộ kể cả diện tích phụ trợ và phục vụ). Tổng mức đầu tư: 638,75 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách và vốn doanh nghiệp, vốn dân...).
b) Nhà ở cho sinh viên, học sinh thuê: Tập trung triển khai 05 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở sinh viên trong các trường gồm: 730 căn, nhằm đáp ứng nhu cầu cho: 5.840 sinh viên thuê chỗ ở, diện tích sàn xây dựng khoảng: 45.032 m2 (tương đương 7,7m2 sàn xây dựng/sinh viên) với tổng mức đầu tư: 260 tỷ đồng (trong đó vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 226 tỷ), cụ thể: 80 căn ở Trường Cao đẳng (CĐ) Cộng đồng (đã phê duyệt dự án), 70 căn ở Trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long (đã phê duyệt dự án), 200 căn Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long (đang lập dự án), 140 căn Trường Đại học Xây dựng Miền Tây (đã có chủ trương đầu tư) và 240 căn Trường Đại học Cửu Long (đã phê duyệt dự án).
c) Nhà ở cho công nhân khu, cụm công nghiệp: Tập trung triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp Hoà Phú, khu công nghiệp Bình Minh: 03 dự án, gồm 812 căn hộ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 4.156 công nhân thuê nhà ở và đạt chỉ tiêu trên 30% (năm 2015) công nhân được thuê nhà từ các dự án nhà ở xã hội. Diện tích sàn xây dựng khoảng: 61.025 m2 (tương đương 14,6m2/người) với tổng mức đầu tư khoảng: 367,68 tỷ đồng (nguồn vốn doanh nghiệp và vốn vay).
4. Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở (theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2): Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho khoảng 4.849 hộ nghèo ở nông thôn theo chuẩn nghèo mới, giá thành xây dựng trung bình khoảng 20 triệu đồng/căn nhà với tổng kinh phí hỗ trợ và xây dựng mới khoảng 95,56 tỷ đồng (trong đó vận động tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, xã hội đóng góp để xây dựng mới nguyên căn khoảng 500 căn nhà cho hộ nghèo).
5. Phát triển nhà ở thương mại: Gồm 09 dự án, 1.592 căn hộ với 367.012m2 diện tích sàn xây dựng và tổng số vốn đầu tư khoảng: 1.018,11 tỷ đồng (vốn doanh nghiệp và vốn vay).
6. Di dời nhà ở khu vực nội đồng: Tiếp tục thực hiện chính sách di dời khoảng trên 2.000 hộ đang sống tạm bợ trong khu vực nội đồng về các khu cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ để đảm bảo điều kiện sống cho người dân.
III. KẾ HOẠCH VỀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN:
Tổng nguồn vốn: 2.470,75 tỷ đồng. Trong đó:
- Vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương (hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và vốn trái phiếu Chính phủ để phát triển nhà ở cho sinh viên): 255,52 tỷ đồng.
- Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh (thu tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, nguồn thu từ khai thác quỹ đất) để phát triển nhà ở xã hội, để thực hiện chương trình mục tiêu, hỗ trợ cho gia đình chính sách cải tạo xây dựng nhà ở và bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở khoảng: 153,38 tỷ đồng.
- Nguồn vốn từ ngân sách huyện, thành phố để xây dựng phát triển nhà ở cho cán bộ công chức cấp huyện có thu nhập thấp khoảng: 79,20 tỷ đồng.
- Nguồn vốn huy động khác (vốn của doanh nghiệp, vốn vay, vốn vận động trong cộng đồng, xã hội) để thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, chương trình mục tiêu, các chính sách hỗ trợ về nhà ở: 1.982,65 tỷ đồng.
IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN HÀNG NĂM:
1. Năm 2011 - 2012: Từng cấp chính quyền tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở; ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở xã hội; thông tin tuyên truyền vận động trong nhân dân tham gia thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh; hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở thu nhập thấp đô thị, nhà ở công nhân, một số dự án nhà ở thương mại và tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu.
2. Năm 2013: Triển khai thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân khu dân cư Phước Yên, nhà ở công nhân khu công nghiệp Bình Minh; nhà ở thu nhập thấp khu tái định cư P4; nhà ở xã hội khóm 2, phường 8, nhà ở cho cán bộ công chức của thành phố Vĩnh Long (khu dân cư P9), nhà ở thu nhập thấp của Công ty Hoàng Anh, khu nhà ở khóm 5, thị trấn Long Hồ, một số dự án nhà ở thương mại và tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2, hỗ trợ cho gia đình chính sách người có công và hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng số nguồn vốn ước khoảng: 937,85 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương: 9,84 tỷ, vốn ngân sách tỉnh: 28,99 tỷ, vốn ngân sách huyện - thành phố 27 tỷ, vốn huy động khác 872,02 tỷ đồng).
3. Năm 2014: Triển khai thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Hoà Phú của DNTN Ngọc Vân, thực hiện dự án nhà ở xã hội phường 9 (khu hành chính tỉnh), nhà ở sinh viên Trung cấp Nghề Vĩnh Long, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, các dự án nhà ở thu nhập thấp, dự án nhà ở thương mại và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, xã hội với tổng số nguồn vốn ước khoảng: 858,62 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương: 93,84 tỷ, vốn ngân sách tỉnh: 55,69 tỷ, vốn ngân sách huyện - thành phố 39,6 tỷ, vốn huy động khác 669,49 tỷ đồng).
4. Năm 2015: Triển khai thực hiện các dự án nhà ở thu nhập thấp các huyện, thực hiện dự án nhà ở sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính, Trường Đại học Cửu Long, tiếp tục thực hiện dự án nhà ở xã hội phường 9 (khu hành chính tỉnh) và các dự án nhà ở thương mại; thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, xã hội với tổng số nguồn vốn ước khoảng: 674,28 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương: 151,83 tỷ, vốn ngân sách tỉnh: 68,69 tỷ, vốn ngân sách huyện - thành phố 12,6 tỷ, vốn huy động khác 441,16 tỷ đồng). Cuối năm tổng kết chương trình, kế hoạch.
V. DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở GIAI ĐOẠN 2011 - 2015:
(Danh mục, kinh phí, nguồn vốn đầu tư các dự án: Phụ lục từ II đến VI kèm theo).
CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHÀ Ở
Triển khai thực hiện tốt 05 nhóm giải pháp đã nêu trong Chương trình số 06/CTr/TU ngày 17/10/2011 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long về phát triển đô thị và nhà ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011-2015, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
1. Về tuyên truyền vận động:
Chính quyền các cấp và các ngành có liên quan phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Vĩnh Long thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Chương trình số 06/CTr/TU ngày 17/10/2011 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long về phát triển nhà ở giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch phát triển nhà ở của UBND tỉnh rộng khắp để vận động nhân dân, các thành phần kinh tế thấy được tầm quan trọng của công tác phát triển nhà ở và tích cực tham gia thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; khuyến khích, động viên nhân dân tích luỹ vốn để xây dựng phát triển nhà ở mới và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa nhà ở tạm bợ, nhà ở thiếu kiên cố để đạt chỉ tiêu 85% hộ có nhà ở từ bán kiên cố trở lên (năm 2015). Vận động nhân dân sớm di dời nhà ở trên sông rạch, trong khu vực nội đồng về các cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ để cuộc sống tốt hơn.
2. Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách:
- Hàng năm, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố phải ban hành chỉ tiêu phát triển nhà ở và xác định đó là một trong các chỉ tiêu cơ bản trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thành phố để thực hiện.
- Các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực phát triển nhà ở như: Chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở xã hội; quy định và phân cấp cấp giấy phép xây dựng, thẩm định dự án phát triển nhà ở...; rà soát cải cách quy trình, thủ tục trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, quản lý đất đai, quản lý xây dựng và nhà ở nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển nhà ở và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuận lợi trong xin phép xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy hoạch. Hình thành quỹ phát triển nhà ở trực thuộc UBND tỉnh theo quy định của pháp luật về nhà ở để hỗ trợ nguồn vốn phát triển nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
3. Về quy hoạch - kiến trúc - hạ tầng kỹ thuật:
- Về quy hoạch: Các sở ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung cho công tác lập, rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị; đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, để làm cơ sở quản lý xây dựng và phát triển nhà ở theo quy hoạch. Quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, tận dụng hệ thống hạ tầng hiện có, gắn kết chặt chẽ giữa khu vực phát triển mới và các đô thị hiện hữu, phải bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Các địa phương phải có kế hoạch triển khai thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt, tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm tạo động lực để phát triển đô thị và nhà ở.
- Về kiến trúc nhà ở: Chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý kiến trúc, chú trọng phát triển kiến trúc phù hợp với chức năng, tính chất của từng đô thị và điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hoá, phong tục tập quán của địa phương; kết hợp hài hoà giữa kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống; bố trí đủ nguồn vốn để xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị ưu tiên cho các trục đường chính đô thị trên địa bàn tỉnh và các đường liên phường được đầu tư xây dựng mới tại thành phố Vĩnh Long để quản lý kiến trúc.
- Về hạ tầng kỹ thuật: Triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dưới nhiều hình thức và bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn doanh nghiệp, vốn vay... nhằm tạo động lực thu hút đầu tư phát triển đô thị và nhà ở.
4. Giải pháp về đất ở:
Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai để tạo nguồn thu phát triển đô thị và phát triển nhà ở. Từng cấp chính quyền cần xúc tiến triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt tại các địa phương, tổ chức giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch để kêu gọi nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2015 và các năm tiếp theo.
5. Giải pháp về vốn:
- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương vốn trái phiếu Chính phủ, kết hợp với vốn ngân sách tỉnh, huyện và nguồn vốn khác để thực hiện các chương trình mục tiêu; thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo, dự án xây dựng kè sông tại các đô thị, đề án chỉnh trang đô thị…
- Cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh, tiền thu được từ việc bán, cho thuê và cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ công chức khó khăn về nhà ở; bố trí vốn xây dựng nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; bố trí vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để lại cho tỉnh, huyện, thành phố cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất phát triển nhà ở theo quy hoạch.
- Huy động đa dạng các nguồn vốn, đặc biệt là vốn của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, và vốn trong cộng đồng, dân cư, hộ gia đình, cá nhân để phát triển nhà ở riêng lẻ, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp nhà ở thiếu kiên cố.
6. Về thu hút đầu tư:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế ưu đãi về đất đai, tài chính, thuế đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội phù hợp với các quy định của Chính phủ, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cơ chế cho các nhà đầu tư vay vốn theo lãi suất ưu đãi của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đối với các dự án phát triển nhà ở; hoặc làm đầu mối cho vay hợp vốn hay cùng hợp vốn với tổ chức tín dụng để cho các dự án phát triển nhà ở vay tiền.
7. Giải pháp tổ chức đồng bộ dịch vụ hỗ trợ trong khu nhà ở:
Các dự án phát triển khu nhà ở có quy mô lớn cần tổ chức đồng bộ một số dịch vụ hỗ trợ như nhà trẻ, khu vực dịch vụ thương mại…để phục vụ tốt cho khu nhà ở.
8. Về thực hiện các chương trình mục tiêu:
Các ngành liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc xây dựng các xã nông thôn mới, tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu: Xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở khu vực nông thôn, hỗ trợ cho gia đình chính sách xây dựng, cải tạo nhà ở để góp phần tăng tỷ lệ nhà trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn từ bán kiên cố trở lên.
9. Giải pháp phát triển thị trường bất động sản về nhà ở:
Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về giao dịch qua sàn đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở. Thực hiện chế tài đối với các bất động sản không giao dịch đúng theo quy định của pháp luật; quy định việc chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở phải thông báo công khai thông tin có liên quan đến dự án phát triển nhà ở trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các trụ sở làm việc để người dân dễ tiếp cận, kiểm tra, giám sát và có thể trực tiếp mua nhà ở với các chủ đầu tư, tránh đầu cơ; đẩy nhanh tốc độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để các hộ gia đình, cá nhân có điều kiện thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật và tạo điều kiện phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản nhà ở.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Kiện toàn tổ chức bộ máy:
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh để có kế hoạch cụ thể về phát triển nhà ở của tỉnh. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh với các Ban Chỉ đạo khác trong thực hiện các chính sách phát triển nhà ở.
- Chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển đô thị và nhà ở để tham mưu, chỉ đạo thực hiện kế hoạch hàng năm tại địa phương.
2. Phân công trách nhiệm:
2.1. Sở Xây dựng:
- Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh.
- Chủ trì phối hợp các sở, ngành có liên quan hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2011 - 2015 để triển khai thực hiện; rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng để bổ sung quỹ đất phát triển nhà ở theo kế hoạch được phê duyệt. Phối hợp nghiên cứu tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển nhà ở đạt kế hoạch.
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý và phát triển nhà ở của các địa phương; hướng dẫn các chủ đầu tư về trình tự, thủ tục lập và phê duyệt dự án đầu tư phát triển nhà ở, về thiết kế mẫu; hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các dự án phát triển nhà ở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
- Theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng. Tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đề xuất các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2.2. Sở Tài chính:
- Phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách tài chính về giá phù hợp để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở. Dự toán kinh phí tổng thể và hàng năm, trong đó có đề xuất cụ thể nguồn vốn đề nghị Chính phủ hỗ trợ và vốn ngân sách địa phương cho công tác phát triển nhà ở theo kế hoạch và các chương trình mục tiêu khác có liên quan đến việc phát triển nhà ở, ưu tiên sử dụng nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để bố trí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở. Tổ chức tiếp nhận, cấp phát nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ và vốn ngân sách để phát triển nhà ở và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán theo đúng quy định.
- Phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan xây dựng bảng giá nhà cho thuê; tổ chức thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội theo đề nghị của chủ đầu tư để trình UBND tỉnh phê duyệt.
2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư phát triển nhà ở để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật và hướng dẫn thực hiện, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối các nguồn ngân sách để bố trí vốn đầu tư cho các dự án: Quy hoạch phát triển nhà ở; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, khu đô thị mới; xây dựng nhà ở sinh viên và nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách. Cân đối bố trí vốn giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch cho các dự án phát triển nhà ở xã hội theo kế hoạch và danh mục được phê duyệt. Tổ chức vận động, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào việc đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội.
2.4. Cục Thuế tỉnh:
- Tham mưu đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với dự án phát triển nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật thuế và các văn bản pháp quy khác có liên quan.
- Tuyên truyền, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về chính sách thuế, chính sách ưu đãi thuế đối với dự án phát triển nhà ở để các nhà đầu tư thông hiểu và thực hiện. Kịp thời giải đáp, giải quyết hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền (đối với các trường hợp không thuộc thẩm quyền của Cục Thuế) giải đáp, giải quyết các vướng mắc về chính sách thuế, chính sách ưu đãi thuế đối với dự án phát triển nhà ở khi nhà đầu tư có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế khai thác tiềm năng đất đai để tạo nguồn thu phát triển nhà ở; tổ chức rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bổ sung quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội; các khu quy hoạch tái định cư; hỗ trợ cho các Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND huyện, thành phố Vĩnh Long và các tổ chức phát triển quỹ đất trong việc lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo quỹ đất sạch để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội. Nghiên cứu cải tiến các quy trình, thủ tục trong quản lý sử dụng đất đai.
2.6. Sở Lao động Thương binh Xã hội:
Phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, bình xét, lựa chọn và lập danh sách các hộ nghèo khó khăn về nhà ở theo chuẩn mới trình UBND tỉnh phê duyệt và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tổ chức rà soát, thống kê, tổng hợp nhu cầu về nhà ở người thu nhập thấp đô thị; xét duyệt các đối tượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm cơ sở cho việc xét cho thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp đô thị.
2.7. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long:
Phối hợp tổ chức vận động nguồn quỹ trong cộng đồng xã hội để xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết và hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở (theo chuẩn nghèo mới) xây dựng nhà ở; phối hợp với các ngành lao động thương binh và xã hội, Ban Dân tộc, các cơ quan, ban ngành có liên quan, UBND cấp huyện, thành phố tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
2.8. Đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Vĩnh Long:
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Vĩnh Long lập kế hoạch trình Ngân hàng Phát triển Việt Nam cung cấp tín dụng đầu tư nhà nước hàng năm cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, nhà ở thu nhập thấp đô thị, nhà ở cho sinh viên để thực hiện dự án nhà ở xã hội được duyệt; Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Vĩnh Long lập kế hoạch và trình Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam kịp thời cấp đủ nguồn vốn cho vay thực hiện Chương trình hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở;
- Hướng dẫn trình tự, thủ tục, tổ chức thực hiện việc cho vay tiền theo quy định.
2.9. UBND huyện - thành phố:
- Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Kế hoạch Chương trình phát triển đô thị và nhà nhà ở giai đoạn 2011 - 2015 của UBND tỉnh Vĩnh Long.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà ở trên địa bàn. Điều tra, thống kê nhu cầu nhà ở cho từng đối tượng; tổ chức lập, phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tại địa phương và tổ chức triển khai thực hiện.
- Tổ chức lập và triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn mới làm cơ sở cho việc phát triển nhà ở; phối hợp rà soát lại quy hoạch đã được phê duyệt, rà soát quỹ đất công để điều chỉnh bổ sung quỹ đất xây dựng phát triển nhà ở xã hội; hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án phát triển nhà ở.
- Củng cố, kiện toàn bộ máy để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và phát triển nhà ở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực phát triển nhà ở, kịp thời xử lý không để phát sinh thêm nhà ở mới trong khu vực nội đồng. Tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu và các chính sách hỗ trợ về nhà ở theo kế hoạch được duyệt.
2.10. Chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở:
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở cho sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở thu nhập thấp đô thị theo kế hoạch; tổ chức nghiệm thu, quản lý chất lượng công trình, thanh quyết toán theo quy định. Xây dựng phương án giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở thông qua sở, ngành liên quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Công tác báo cáo:
- Ngày 20 hàng tháng, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm lập báo cáo về tình hình triển khai và kết quả thực hiện các dự án phát triển nhà ở cho UBND huyện - thành phố và Sở Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.
- Ngày 23 hàng tháng, các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND huyện - thành phố có trách nhiệm tổng hợp, lập báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở gửi về Sở Xây dựng (thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
- Ngày 25 hàng tháng Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định.
Công tác báo cáo sơ kết, tổng kết hoặc đột xuất hàng năm do UBND tỉnh quyết định cụ thể.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở, các sở, ngành, địa phương nêu trên có khó khăn vướng mắc báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN |
- 1Quyết định 455/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 2Công văn 310/UBND-XD thực hiện chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 3Nghị quyết 85/NQ-HĐND năm 2013 thông qua Chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 4Quyết định 6336/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016-2020)
- 1Luật Nhà ở 2005
- 2Quyết định 20/2000/QĐ-TTg hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945 cải thiện nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở
- 6Quyết định 2127/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 455/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 8Công văn 310/UBND-XD thực hiện chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do tỉnh Bắc Giang ban hành
- 9Nghị quyết 85/NQ-HĐND năm 2013 thông qua Chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 10Quyết định 6336/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016-2020)
Quyết định 1241/QĐ-UBND năm 2012 về kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2015
- Số hiệu: 1241/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/08/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Nguyễn Văn Diệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra