Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1220/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 20 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC GIAO NHIỆM VỤ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1112/TTr.SNN-CCTL ngày 14/4/2020 và đề nghị của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các cơ quan, đơn vị; các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã lập phương án phòng, chống thiên tai cụ thể của đơn vị mình; có kế hoạch và biện pháp chỉ đạo chặt chẽ; khẩn trương chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, lực lượng theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm chủ động ứng phó hiệu quả khi thiên tai xảy ra, khắc phục hậu quả kịp thời; sớm ổn định đời sống của nhân dân, ổn định sản xuất, kinh tế - xã hội cho các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây khác với Quyết định này đều bãi bỏ.

Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban chỉ đạo TW về PCTT (b/c);
- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, TT và TKCN (b/c);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (để phối hợp);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chánh VP UBND tỉnh;
- Viện KSND tỉnh;
- Văn phòng TT BCH PCTT & TKCN tỉnh;
- Lưu: VT, NN (M).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Trung

 

NHIỆM VỤ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ; CÁC SỞ, BAN, NGÀNH CẤP TỈNH VÀ UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ VÀ THỊ XÃ

(Kèm theo Quyết định số: 1220/QĐ-UBND ngày 20/4/2020 của UBND tỉnh Nghệ An)

I. NHIỆM VỤ CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH VÀ ĐÀI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN KHU VỰC BẮC TRUNG BỘ

1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh

- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ Phòng, chống thiên tai theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 của Luật Phòng, chống thiên tai;

- Xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

- Chỉ huy ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi địa phương;

- Kiểm tra, đôn đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị tại địa phương thực hiện nhiệm vụ Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN).

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời tổng hợp tình hình, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định các biện pháp đối phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra;

- Chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc và hướng dẫn các Sở, ngành, địa phương rà soát lại các chủng loại, phương tiện, vật tư cấp thiết phục vụ tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn hiện có, trên cơ sở đó để có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đồng thời chỉ đạo, tổ chức xây dựng danh mục các chủng loại, phương tiện, trang thiết bị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để chỉ đạo triển khai việc sản xuất, mua sắm theo quy định;

- Chỉ đạo rà soát các phương án, kế hoạch tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn, đảm bảo sát với tình hình thực tế của từng vùng, từng khu vực và đặc điểm diễn biến từng loại hình thiên tai để có biện pháp chủ động phòng ngừa và đối phó trong mọi tình huống; phối hợp tốt với các lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các tổ chức, cá nhân để thực hiện các quy định về tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn và giải quyết hậu quả của thiên tai;

- Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan liên quan trong công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn do thiên tai gây ra kịp thời và có hiệu quả. Tổng hợp tình hình, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định các biện pháp về tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

2. Đài Khí Tượng Thủy Văn Khu vực Bắc Trung Bộ

- Thực hiện nghiêm Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức việc thu thập và xử lý thông tin, thực hiện cảnh báo, dự báo và truyền tin thiên tai kịp thời về cho Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các Sở, ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động đối phó;

- Tổ chức quan trắc các yếu tố Khí tượng - Thủy văn đảm bảo chính xác, liên tục, cung cấp số liệu thông tin đầy đủ kịp thời để Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh có chủ trương, biện pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt hiệu quả cao nhất và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro thiên tai;

- Đảm bảo trực 24/24 giờ để dự báo, cảnh báo sớm về diễn biến của thiên tai kịp thời, chính xác. Thông báo hàng ngày cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh những nhận định dự báo để Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, tránh có hiệu quả.

II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH CẤP TỈNH

1. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để thực hiện tốt Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển;

- Rà soát, xây dựng các phương án bố trí, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng vùng, từng địa bàn để tham gia ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp về lũ, bão, các loại thiên tai khác và công tác tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn, đảm bảo quân đội là lực lượng chủ lực trong công tác này;

- Thực hiện tốt việc thông báo bão, Áp thấp nhiệt đới bằng biện pháp bắn pháo hiệu ở Hòn Mát (do bộ đội trên đảo bắn);

- Báo cáo với Bộ tư lệnh Quân khu IV tổ chức các Tiểu ban, lực lượng chủ lực, lập phương án lực lượng để hộ đê, hồ đập, hỗ trợ người và tài sản; giải quyết sự cố khi có thiên tai xảy ra. Báo cáo với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để xin tăng cường phương tiện và lực lượng tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn khi vượt quá khả năng cứu hộ - cứu nạn;

- Tổ chức thị sát các bãi tập kết, phương tiện đường bộ, đường không để xin phương tiện và lực lượng cứu hộ - cứu nạn khi có thiên tai cấp độ 3 trở lên xảy ra;

- Chủ động phối hợp với UBND cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Thủy lợi tổ chức tập huấn cho các lực lượng tuần tra, xung kích, ứng cứu khi có thiên tai xảy ra;

- Chủ động phối hợp cùng với ngành Công an để bảo vệ trật tự an ninh trên các địa bàn, bảo vệ an toàn các công trình phòng, chống thiên tai.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển;

- Chuẩn bị đầy đủ lực lượng và phương tiện để sẵn sàng triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở trên biển và đất liền khi có yêu cầu;

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản để nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện và ngư dân đánh bắt trên biển đã về, trên đường về, đã tìm nơi trú ẩn và đang gặp nạn trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới và các loại hình thiên tai khác trên biển;

- Thông báo vị trí và hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới và thông tin về thời tiết xấu đến tất cả các chủ phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển để phương tiện chủ động về bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn;

- Thực hiện tốt việc thông báo bão, Áp thấp nhiệt đới bằng biện pháp bắn pháo hiệu ở Thị xã Cửa Lò (do Hải đội 2 thực hiện);

- Kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển về bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn bằng các phương tiện thông tin hiện có của đơn vị;

- Kiên quyết ngăn chặn tàu thuyền ra khơi khi đã có Công điện chỉ đạo cấm biển của UBND tỉnh;

- Báo cáo kịp thời mọi thông tin về ứng phó với thiên tai cho Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh qua Văn phòng Thường trực.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tăng cường và củng cố hệ thống mạng thông tin phục vụ PCTT - TKCN, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Triển khai hợp đồng kịp thời với các cấp, các ngành và Văn phòng Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh để đặt các trang thiết bị thông tin theo yêu cầu;

- Phối hợp với các đơn vị liên quan để lập hệ thống vô tuyến dự phòng đảm bảo thông tin liên lạc khi cần thiết ở những vùng thường hay mất liên lạc (vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt...);

- Chuẩn bị phương án thông tin liên lạc lưu động để phục vụ cho Ban chỉ huy PCTT - TKCN các cấp chỉ huy, chỉ đạo ứng cứu các vùng bị sự cố thiên tai;

- Tăng cường tuyên truyền nhận thức cho người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan trong công tác Phòng, chống thiên tai;

- Truyền đạt kịp thời mọi mệnh lệnh, công điện của UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh đảm bảo đầy đủ, chính xác để các Sở, ngành, địa phương và toàn dân biết để chuẩn bị và đề phòng, ứng phó với thiên tai;

- Tuyên truyền Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Khí tượng Thủy văn; Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn Luật.

4. Công an tỉnh

- Huy động lực lượng, phương tiện giúp nhân dân trong việc sơ tán, chằng chống nhà cửa, sắp xếp vị trí neo đậu cho tàu thuyền, bảo vệ trật tự xã hội và bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai;

- Chỉ đạo các lực lượng của ngành, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các Sở, ban, ngành liên quan có phương án ứng phó với thiên tai góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản; bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn giao thông, các mục tiêu, công trình trọng điểm tại địa phương, an toàn xã hội tại địa bàn chịu ảnh hưởng của thiên tai;

- Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với thiên tai và sự cố nghiêm trọng khi có yêu cầu. Tham gia tổ chức sơ tán, cứu hộ - cứu nạn nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai kịp thời và hiệu quả;

- Kiên quyết không cho người và phương tiện tham gia giao thông vào những vùng, khu vực, tuyến đường đã bị nghiêm cấm;

- Cắt cử lực lượng thường xuyên túc trực, theo dõi các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường đang thi công để điều hành phân luồng hoặc cấm đường khi cần thiết;

- Phối hợp với ngành chức năng kiểm tra trách nhiệm, xử lý nghiêm các hành động phá hoại, vi phạm Luật Đê điều; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Khí tượng Thủy văn và Luật Thủy lợi.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

* Về Thủy lợi.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả: Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và Luật Thủy lợi và các Nghị định của Chính phủ: số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2019 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai;

- Đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc, UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện tu bổ đê điều, các công trình thủy lợi, theo kế hoạch được giao. Tiến hành kiểm tra đánh giá chất lượng, khả năng phòng, chống lũ của công trình để lập phương án Phòng chống thiên tai, bảo vệ các công trình thủy lợi. Xây dựng phương án xử lý, ứng phó khi xảy ra lũ vượt mức lũ lịch sử;

- Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Đê điều; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Khí tượng Thủy văn; Luật Thủy lợi. Lập phương án hộ đê, đập; đặc biệt với các tuyến đê trọng điểm;

- Kiểm tra và chỉ đạo thực hiện quy trình vận hành phòng, chống lũ, chống hạn các công trình như các cống: Diễn Thủy, Diễn Thành, Hiệp Hòa, Mụ Bà, Nam Đàn, Bến Thủy, Nghi Quang; các hồ: Vực Mấu, Khe Đá, Sông Sào; các trạm bơm tiêu úng Hưng Châu, Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên) và các trạm bơm tiêu úng của Thành phố Vinh;

- Phối hợp với Ban chỉ huy PCTT - TKCN các Nhà máy Thủy điện liên quan để vận hành chống hạn, xả lũ các hồ chứa và liên hồ chứa theo đúng Quy trình đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

- Kiện toàn Tiểu Ban kỹ thuật để thẩm định các phương án hộ đê, đập trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ để các ngành, các cấp tổ chức thực hiện các phương án đó có hiệu quả. Trực tiếp tham mưu và chịu trách nhiệm kỹ thuật, xử lý các sự cố công trình chống lũ, ngăn mặn, tiêu úng, thoát lũ;

- Phối hợp với các Ban, Ngành tổ chức tập huấn công tác phòng, tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

* Về Thủy sản.

- Theo dõi mọi diễn biến của thời tiết để thông tin kịp thời các hiện tượng: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, sương mù cho ngư dân hoạt động trên biển biết để chủ động tìm nơi trú tránh an toàn. Kiểm tra dụng cụ phòng hộ như: áo phao, phao cứu sinh, hệ thống thông tin liên lạc... đảm bảo tiêu chuẩn an toàn trước khi ra khơi;

- Tăng cường thông tin liên lạc, phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện và ngư dân hoạt động trên biển đã về, trên đường về, đã tìm nơi trú ẩn và đang gặp nạn trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới và các loại hình thời tiết nguy hiểm khác;

- Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng và UBND các huyện, thị ven biển lập phương án xây dựng vùng neo đậu các tàu thuyền bảo vệ an toàn cho người và phương tiện sản xuất của ngư dân;

- Hướng dẫn ngư dân cách neo đậu tàu thuyền để trú, tránh bão;

- Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức diễn tập công tác cứu nạn cho ngư dân trên biển và tổ chức các đội cứu hộ - cứu nạn;

- Có kế hoạch bảo vệ ao, hồ nuôi trồng thủy sản khi xảy ra lũ, bão;

- Kết hợp với các ngành chức năng hoàn chỉnh dần hệ thống đèn tín hiệu báo bão, áp thấp tại các cửa sông, bến cảng;

- Thực hiện tốt chế độ báo cáo chính xác, kịp thời mọi diễn biến trong bão về Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh và khi khẩn cấp có thể báo trực tiếp về Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (số 02 - Ngọc Hà - Ba Đình - Hà Nội; số điện thoại: 0243 733 5694; Fax: 0243 733 5701).

* Về Nông nghiệp.

- Tập trung chỉ đạo gieo cấy đúng thời vụ, nhất là lúa Hè Thu để tránh thiệt hại do thiên tai gây ra;

- Chỉ đạo thu hoạch nhanh, gọn các trà lúa Hè Thu trước ngày 15/9, có kế hoạch dự phòng thóc giống, cây con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y cho kế hoạch sản xuất sau thiên tai. Xây dựng phương án xử lý các ổ dịch cho gia súc và sâu bệnh đối với cây trồng sau thiên tai;

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất Nông nghiệp sau thiên tai, tổng hợp tình hình thiệt hại và tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ khắc phục thiệt hại theo Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 của UBND tỉnh Nghệ An Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và các quy định hiện hành khác;

- Phát hiện và xử lý kịp thời nồng độ mặn xâm nhập vào ruộng đồng khi có bão đổ bộ vào và hạn hán xảy ra;

- Có kế hoạch sơ tán, kê gác bảo vệ kho tàng, hàng hóa của các đơn vị trong ngành ở những vùng bị ngập lụt, chống tốc mái, dột ướt, chú ý các kho thuốc bảo vệ thực vật có ảnh hưởng độc hại;

- Triển khai kịp thời việc hỗ trợ của Nhà nước để phục vụ sản xuất sau mỗi đợt thiên tai.

* Về Lâm nghiệp.

- Có phương án hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các huyện trong việc khai thác, vận chuyển các loại vật tư phục vụ phòng, chống thiên tai như: tranh, tre, nứa, mét ...;

- Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng;

- Lập phương án neo chằng vật liệu, tránh tình trạng mất mát lâm sản khi có lũ ống, lũ quét xảy ra;

- Có kế hoạch cứu vớt, bảo vệ lâm sản khi bị trôi dạt trên các triền sông.

6. Sở Giao thông vận tải

- Lập phương án đảm bảo giao thông thông suốt khi có dự báo xuất hiện những hình thái thời tiết gây ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông của các phương tiện. Đặc biệt chú ý các vùng có địa hình thấp (đường giao thông thường bị ngập, lụt), vùng dễ xảy ra trượt lở đất, các vùng trọng điểm khi cần ứng cứu và chỉ đạo tốt các phương án đó;

- Hợp đồng với các đơn vị để chủ động điều phối phương tiện ứng cứu khi cần thiết;

- Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia ứng cứu và xử lý kịp thời các công trình cầu, đường và các công trình giao thông khác bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa, bão, nhất là các tuyến đường giao thông chính, quan trọng, quy định cấm những tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt, tuyến đò ngang, đò dọc khi có nguy cơ không đảm bảo an toàn đến tính mạng của người và phương tiện giao thông;

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham gia xử lý, bảo vệ các công trình giao thông theo phân cấp, phục vụ vận tải. Tham gia phối hợp ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn với các Sở, ngành khác theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Báo cáo kịp thời về thiệt hại và tình trạng của các tuyến đường giao thông khi thiên tai xảy ra;

- Tiếp tục tổ chức các lớp học thi bằng hoặc giấy chứng nhận tay nghề lái đò ngang, đò dọc trên trục đường giao thông thủy.

7. Các Sở: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt các nội dung sau:

- Chủ động lên phương án và dự phòng trang thiết bị, thuốc men để hỗ trợ cứu chữa người bị thương dùng cho các vùng bị thiên tai và xử lý dịch bệnh sau thiên tai;

- Điều phối, huy động lực lượng y bác sỹ tại các cơ sở y tế chữa bệnh, dịch vụ thuốc lưu động đến tại các vùng trọng điểm. Có kế hoạch ngăn ngừa, dập tắt các ổ dịch cho người, gia súc trước, trong và sau khi có thiên tai;

- Phổ biến cho cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường trước, trong, sau bão lụt và các thiên tai khác;

- Xử lý môi trường những vùng bị úng ngập, lũ, lụt và các thiên tai khác xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường.

8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Theo dõi sát tình hình diễn biến thiên tai để nắm chắc thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng cũng như tình hình thiếu đói của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai; tổng hợp tình hình, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh quyết định các biện pháp kịp thời nhằm sớm ổn định đời sống và sinh hoạt cho nhân dân, nhất là không được để người dân nào vùng bị thiên tai thiếu đói. Đồng thời hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện cứu trợ ở các địa phương, đảm bảo đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước về việc quản lý, sử dụng nguồn cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai của các địa phương, không để xảy ra thất thoát tiêu cực.

9. Sở Tài chính

- Thực hiện tốt Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động Tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn, ứng phó thiên tai, thảm họa theo quy định hiện hành của Nhà nước;

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan: Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, đề xuất mức hỗ trợ kịp thời, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

10. Sở Công Thương

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch, xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện; Tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh và các đơn vị liên quan trong công tác lập kế hoạch quản lý các hồ Thủy điện.

- Chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành liên hồ chứa; liên hồ chứa; chỉ đạo công tác hiện đại hóa, lắp đặt camera, thiết bị quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến, cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông tin về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan liên quan;

- Soát xét và chỉ đạo dự trữ hàng hóa thiết yếu, chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt; phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ khi thiên tai xảy ra; xây dựng phương án ổn định thị trường sau thiên tai.

11. Sở Xây dựng

- Cùng với các ngành, các địa phương tổ chức kiểm tra phân loại chất lượng công trình xây dựng cơ bản, nhà cửa, có kế hoạch tu bổ, sửa chữa, dỡ bỏ những công trình không an toàn hoặc có phương án sơ tán người và tài sản đối với những công trình không đủ sức chống đỡ thiên tai, nhất là trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trạm y tế và những công trình nhà cao tầng. Có phương án bảo vệ các công trình đang thi công dở dang khi có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra hệ thống cây xanh trên địa bàn, có phương án cắt tỉa trước mùa mưa, bão;

- Điều tra, khảo sát tác động của siêu bão tới nhà ở, công trình dân dụng và đề xuất các biện pháp kiểm định, đánh giá chất lượng nhằm gia cường khả năng chống bão cho các công trình dân dụng;

- Theo dõi và cập nhật chương trình xây dựng Chòi tránh lũ cho nhân dân vùng thường xuyên bị ngập trong mùa mưa lũ.

12. Công ty Điện lực Nghệ An

- Bảo vệ tốt đường dây cao thế, hạ thế, tránh tai nạn khi có thiên tai xảy ra;

- Có kế hoạch phân phối điện hợp lý, ưu tiên đảm bảo điện cho các trạm bơm chống úng: Hưng Châu, Hưng Lợi, Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên) và các trạm bơm tiêu úng của thành phố Vinh và điện thắp sáng cho các vùng trọng điểm. Trực 24/24h trong ngày để đóng, cắt điện kịp thời khi các sự cố thiên tai xảy ra;

- Đề xuất quy chế sử dụng điện thắp sáng cho các hộ dân vùng bị ngập do lũ trên các hệ thống sông chính trong tỉnh ứng với từng cấp báo động lũ;

- Phối hợp cùng với Ban Quản lý dự án Thủy điện 2 xây dựng phương án phòng, chống lũ cho công trình Thủy điện trên địa bàn tỉnh.

13. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm cho các Sở, ngành, địa phương đảm bảo cho lĩnh vực phòng, chống thiên tai;

- Rà soát, tổng hợp, cân đối đề xuất nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công để thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp bách, nhất là khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, xử lý sạt lở, di dân khẩn cấp, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai;

- Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương;

- Đề xuất kịp thời kinh phí cho những yêu cầu bức thiết của các địa phương khi có chủ trương của UBND tỉnh.

14. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tại các điểm trường đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện trường học an toàn trước thiên tai; phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương rà soát quy hoạch, xây dựng các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo kết hợp nới trú tránh, sơ tán phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, địa phương để đảm bảo an toàn cho người và công trình;

- Thực hiện tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng, chống thiên tai cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, từng bước lồng ghép vào chương trình giảng dạy kiến thức và kỹ năng về phòng chống thiên tai cho học sinh;

- Tùy thuộc vào tình hình, diễn biến của thiên tai tại từng địa phương hoặc khi có lệnh của cấp có thẩm quyền quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn;

- Kịp thời khắc phục các hư hỏng do thiên tai gây ra ở các điểm trường;

- Phối hợp với các ngành y tế, môi trường để đảm bảo vệ sinh môi trường sau thiên tai.

15. Sở Du lịch

- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các chủ khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú và kinh doanh du lịch, công ty lữ hành thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho khách du lịch khi có thiên tai; Đồng thời, thực hiện nghiêm việc chỉ dẫn, khuyến cáo, cảnh báo cho khách du lịch khi có tình huống thiên tai xảy ra;

- Lồng ghép một số nội dung phòng, chống thiên tai vào các chương trình lễ hội, văn hóa của đồng bào dân tộc.

16. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An

- Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thiên tai; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Bắc Trung Bộ để thông báo kịp thời các bản tin về thiên tai theo quy định tại Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và công tác chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh để các Sở, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, chống;

- Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tăng thời lượng, tần suất đưa tin kịp thời phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh và Ban chỉ huy PCTT - TKCN các cấp.

17. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội chữ thập đỏ tỉnh.

- Tuyên truyền, giáo dục cho mọi đoàn viên, hội viên quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ công tác theo Luật phòng, chống thiên tai;

- Làm tốt công tác cứu trợ nhân đạo khi có sự cố do thiên tai gây ra;

- Vận động và động viên đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác PCTT - TKCN; ứng cứu hộ đê, hồ đập, cứu tài sản, tính mạng của nhân dân ở vùng có sự cố xảy ra; ủng hộ đồng bào những vùng bị thiên tai trầm trọng;

- Kêu gọi tập thể, cá nhân trong nước và các tổ chức Quốc tế giúp đỡ tiền, hàng, lương thực,... cứu trợ nhân đạo cho cộng đồng dân cư với phương châm “Lá lành đùm lá rách”; “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”;

- Lập phương án chuyển hàng cứu trợ, phân phối cấp phát đúng đối tượng, công bằng, chú ý gia đình chính sách, các hộ nghèo, neo đơn theo quy định.

18. Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Nghệ An

Giải quyết cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác và các đơn vị kịp thời vay vốn mua sắm vật tư, hàng hóa cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai và khôi phục sản xuất sau thiên tai.

III. NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THÀNH, THỊ.

- Tiếp tục thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai;

- Tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan được quy định tại Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

- Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 của Luật Phòng, chống thiên tai;

- Hằng năm thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban PCTT - TKCN, tổ chức thường trực theo chế độ 12/24 giờ từ ngày 01/01 đến ngày 14/5 và thường trực theo chế độ 24/24 giờ từ ngày 15/5 đến 31/12;

- Xây dựng và phê duyệt kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai của địa phương;

- Chỉ huy và tổ chức ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai trong phạm vi cấp huyện;

- Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai;

- Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các Công điện, chỉ thị, công văn và chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh về công tác Phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

1. Trước khi thiên tai xảy ra:

- Tập trung hoàn thành dứt điểm các hạng mục tu bổ Đê điều và công trình Thủy lợi, công trình phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Các hạng mục công trình Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai được UBND tỉnh quyết định đầu tư đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Khẩn trương thi công các hạng mục công trình bằng các nguồn vốn hỗ trợ, cần ưu tiên những công trình xung yếu, trọng điểm về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai;

- Thực hiện công tác PCTT - TKCN trên địa bàn:

+ Kiểm tra xử lý các vi phạm theo: Luật phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Khí tượng Thủy văn; Luật Thủy lợi; tháo dỡ chướng ngại vật trên dòng chảy và các trục tiêu;

+ Kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình xây dựng cơ bản phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; lập phương án phòng, chống thiên tai; chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả phương án phòng chống thiên tai. Đặc biệt là phương án sơ tán người, tài sản và vật nuôi vùng ven biển, ven sông, ven suối, vùng hạ lưu các hồ đập và những nơi có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khi thời tiết diễn biến xấu có thể xảy ra;

+ Kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc nhằm đảm bảo hệ thống mang thông tin được thông suốt;

+ Tổ chức sửa chữa, xử lý ẩn họa các công trình hư hỏng trước mùa bão lũ, chú ý các hồ chứa nước do Hợp tác xã quản lý;

+ Tổ chức chỉ đạo sản xuất, thu hoạch vụ Hè - Thu - Mùa, thủy sản, giống, cây con đúng thời vụ;

+ Có phương án Phòng, chống lũ ống, lũ quét và chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ cho đời sống của nhân dân;

+ Lập phương án chống thiên tai cho ngư dân, tàu thuyền tìm nơi trú ẩn khi có thời tiết xấu xảy ra;

+ Kiểm tra chặt chẽ việc vận hành các tuyến đò ngang, đò dọc;

+ Thành lập các tổ, đội xung kích tại các thôn, bản để kịp thời tìm kiếm, cứu nạn cho người dân khi thiên tai xảy ra mà các lực lượng khác chưa kịp tiếp cận.

2. Trong thời gian thiên tai xảy ra:

- Theo dõi lượng mưa, mực nước tại các công trình; Nhất là các trạm đo tại các lưu vực của hồ Thủy lợi và Thủy điện;

- Triển khai phương án phòng, chống thiên tai, ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn;

- Tập trung xử lý sự cố trọng điểm, các công trình khi bị thiên tai uy hiếp;

- Báo cáo kịp thời tình hình về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh theo quy định;

- Sơ tán triệt để người, tài sản, vật nuôi ở trong vùng có nguy cơ xảy ra: lũ ống, lũ quét, bão, ATNĐ... để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Chú ý đến trường học, Trạm xá, Bệnh viện, gia đình chính sách, người neo đơn, già yếu;

- Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan để chủ động kịp thời ứng phó với diễn biến thực tế các tình huống thiên tai.

3. Sau thiên tai:

- Tập trung khôi phục (có trọng điểm) các công trình bị hư hỏng phục vụ cho công tác phục hồi dân sinh, kinh tế và an ninh, Quốc phòng, chống đỡ với các đợt thiên tai tiếp theo ở mức độ cao hơn;

- Tổng hợp tình hình thiệt hại báo cáo cho Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc các cấp phân phối hàng cứu trợ và kinh phí hỗ trợ (nếu có) đúng đối tượng, công bằng, kịp thời;

- Gieo trồng lại hoặc chăm bón các loại cây trồng bị thiệt hại do thiên tai gây ra và kịp thời ứng cứu, giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai;

- Xử lý môi trường những vùng bị ngập úng, lụt, bão...và các thiên tai hoặc thảm họa xảy ra để phòng dịch bệnh cho người và gia súc;

Tình hình thời tiết trong thời gian tới có thể diễn biến phức tạp, để đề phòng mọi tình huống xấu có thể xảy ra, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, các tổ chức quần chúng, các tổ chức xã hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng và phê duyệt phương án PCTT - TKCN thật cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”, phòng ngừa, tự cứu mình là chính; phát huy khả năng nội lực, đồng thời phối hợp với các lực lượng, các tổ chức cùng toàn dân làm tốt công tác Phòng, chống thiên tai; phục hồi nhanh chóng, có hiệu quả các sự cố thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1220/QĐ-UBND năm 2020 về giao nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 1220/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/04/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Đức Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/04/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản