Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 122-HĐBT

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 1987

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ NĂM 1989

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tổ chức tổng điều tra dân số vào năm 1989, nhằm thu thập số liệu chính xác về dân số lao động toàn xã hội phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số nước ta; kiểm điểm tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dân số, lao động; trên cơ sở đó đáp ứng yêu cầu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội thời kỳ từ năm 1990 đến năm 2000.

Trước mắt, tổ chức điều tra thử vào cuối năm 1987 và đầu năm 1988 để rút kinh nghiệm.

Điều 2. Nội dung điều tra gồm những nội dung chính sau đây:

1. Dân số chia theo nam, nữ, tuổi, dân tộc, thành thị - nông thôn.

2. Trình độ học vấn của nhân dân.

3. Hiện trạng lao động. Số người nghỉ hưu trí.

4. Tình trạng hôn nhân.

5. Tình hình sinh, chết và phát triển dân số (điều tra chọn mẫu).

Điều 3. Trách nhiệm của các ngành:

- Tổng cục Thống kê xây dựng phương án tổng điều tra dân số và tổ chức điều tra thử.

- Các Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Ngoại giao cùng Tổng cục Thống kê xây dựng kế hoạch điều tra số nhân khẩu do ngành quản lý theo yêu cầu chung của cuộc điều tra.

- Bộ nội vụ củng cố công tác đăng ký hộ tịch, hộ khẩu phục vụ công tác tổng điều tra dân số.

- Ban tổ chức của Chính phủ, Bộ nội vụ, Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước cung cấp những tài liệu chính xác về ranh giới lãnh thổ hành chính để lập bản đồ, sơ đồ điều tra và bảng kê số nhà, số hộ, số người.

- Tổng cục Thống kê cùng Bộ tài chính, Bộ vật tư, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ văn hoá lập dự trù và cấp kinh phí, Vật tư cần thiết phục vụ tổng điều tra dân số năm 1989 và điều tra thử.

Tổng cục Bưu điện bảo đảm yêu cầu thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời trong quá trình tổng điều tra dân số.

- Các cơ quan tuyên truyền (Bộ thông tin, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam ...) phối hợp chặt chẽ với Tổng cục thống kê, các địa phương mở đợt tuyên truyền sâu rộng phục vụ cuộc tổng điều tra dân số.

Điều 4. Thành lập Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số ở các cấp như sau:

a) Ở Trung ương, Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số Trung ương giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện phương án tổng điều tra dân số.

Thành phần gồm:

Trưởng ban: đồng chí Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Phó ban thường trực: đồng chí Lê Văn Toàn, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê.

Các uỷ viên: - Đồng chí Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng Bộ nội vụ,

- Đồng chí Trần Đình Hoan, Thứ trưởng Bộ lao động - thương binh và xã hội.

Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số Trung ương dựa vào bộ máy của Tổng cục Thống kê để hoạt động.

b) Ở địa phương, Ban chỉ đạo điều tra dân số tỉnh (thành phố, đặc khu) cấp huyện (quận) giúp uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố, đặc khu), cấp huyện (quận) thực hiện phương án điều tra dân số của cấp có thẩm quyền.

Thành phần gồm Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Uỷ ban Nhân dân các cấp làm trưởng Ban, thủ trưởng ngành thống kê làm phó Ban, Thủ trưởng các ngành Công an, kế hoạch, lao động và đại diện các đoàn thể quần chúng làm uỷ viên. Ban chỉ đạo điều tra dân số ở địa phương chủ yếu dựa vào bộ máy của cơ quan Thống kê để hoạt động.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Hùng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 122-HĐBT năm 1987 về tổng điều tra dân số năm 1989 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 122-HĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/08/1987
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản