Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1214/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 19 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2016, TỈNH THÁI BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26/11/2014;

Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 59/TTr-SKHĐT ngày 13/5/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2016, tỉnh Thái Bình, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu xúc tiến đầu tư năm 2016

- Thu hút số dự án và vốn đầu tư tăng 10% trở lên so với 2015, trong đó:

+ Tập trung vào các dự án lớn, dự án vốn đầu tư nước ngoài.

+ Thu hút dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng như: Sông Trà, cầu Nghìn; các Cụm công nghiệp như: Vũ Thư, Tam Quang, Minh Lãng...

+ Kêu gọi thu hút đầu tư từ 1 đến 2 dự án kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp.

- Phấn đấu chỉ số cạnh tranh (PCI) của tính tăng 1-3 bậc so với năm 2015 và nằm ở nhóm Khá trong các tỉnh, thành phố.

2. Kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2016

2.1. Triển khai công tác xúc tiến đầu tư ở nước ngoài

a) Xây dựng bộ tài liệu và video phục vụ công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh bằng tiếng Nhật.

Cơ quan thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty cổ phần Tryfunds (Nhật Bản) và các sở, ban ngành liên quan.

b) Tổ chức chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản; triển khai ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với một tỉnh của Nhật Bản có những lợi thế và nhu cầu quan hệ phù hợp (trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản thực phẩm, thủy hải sản, thương mại, đào tạo và những lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm).

Cơ quan thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành Trung ương và các sở, ban ngành liên quan.

2.2. Tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước

a) Tham gia các Hội nghị Xúc tiến đầu tư trong nước do các Bộ, ngành Trung ương tổ chức nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư vào Thái Bình trên các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy nông nghiệp...

Cơ quan thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành Trung ương, đơn vị tư vấn.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc với các đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Thái Bình thăm quan, tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh. Chủ động liên hệ, đón tiếp, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào tỉnh.

c) Làm việc với các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Dầu khí, Điện lực, Than - Khoáng sản, Hóa chất... để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án của Tập đoàn tại tỉnh và tiếp tục vận động thu hút đầu tư vào tỉnh.

Cơ quan thực hiện: Sở Công Thương chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan.

2.3. Công tác tư vấn, vận động đầu tư

- Tăng cường liên hệ, tiếp xúc, vận động đầu tư, nhất là với cơ quan xúc tiến đầu tư của nước ngoài, các đại diện kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài; các đơn vị: Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... để thiết lập quan hệ hợp tác hỗ trợ cho tỉnh trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài và giới thiệu các dự án đầu tư vào Thái Bình.

- Giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm, các dự án nhà đầu tư quan tâm, cung cấp đầy đủ cụ thể các thông tin đáp ứng nhu cầu của Nhà đầu tư; nắm sát tiến độ triển khai của các dự án và tạo điều kiện thủ tục để thúc đẩy đầu tư (cả trước và sau khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu và làm việc).

- Chuẩn bị các chương trình, kế hoạch, tài chính cho các Đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh; triển khai có hiệu quả các hoạt động tư vấn, tạo môi trường thuận lợi và thủ tục nhanh gọn giúp các nhà đầu tư sớm triển khai nhanh các dự án đầu tư.

Cơ quan thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành của tỉnh.

- Cập nhật, chỉnh sửa, in ấn tài liệu xúc tiến đầu tư; tuyên truyền xúc tiến đầu tư trên các phương tiện thông tin truyền thông

Cơ quan thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong tỉnh, các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, các đơn vị tư vấn.

2.4. Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh

a) Tiếp tục triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Thái Bình với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về một số lĩnh vực:

- Tổ chức các lớp đào tạo cán bộ và doanh nghiệp về các lĩnh vực: Tạo môi trường chính sách thuận lợi và phát triển kinh tế địa phương; Xây dựng cơ hội, trao đổi, chia sẻ, hợp tác về khả năng tận dụng năng lực về công nghệ thông tin để tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nâng cao năng lực tổ chức đầu tư sản xuất kinh doanh và kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Bồi dưỡng kỹ năng kế toán, thuế và các Luật mới ban hành: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng....

- Tham gia các hội nghị, hội thảo và gặp gỡ trao đổi hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo các chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Cơ quan thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong tỉnh và các phòng, ban chuyên môn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

b) Cập nhật kịp thời các nội dung về cơ chế chính sách thu hút đầu tư trên trang Web của tỉnh, của Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu các thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh, các lĩnh vực, dự án kêu gọi, khuyến khích đầu tư của tỉnh.

Cơ quan thực hiện: Các sở, ngành của tỉnh.

c) Xây dựng phần mềm thông tin quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Cơ quan thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong tỉnh và các đơn vị tư vấn.

3. Dự kiến kinh phí xúc tiến đầu tư năm 2016 của tỉnh:

- Dự kiến tổng kinh phí: 2.592 triệu đồng (đã trừ tiết kiệm cải cách tiền lương).

- Nguồn kinh phí: Tại Quyết định số 3088/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016.

Trên cơ sở kinh phí được phân bổ, cần nghiên cứu huy động bổ sung các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 2. Căn cứ nội dung được phê duyệt tại Điều 1, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2016 đảm bảo thiết thực, phát huy hiệu quả và đáp ứng các mục tiêu yêu cầu đề ra.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc sở, ngành thuộc tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Thủ trưởng ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP;
- Lưu: VT, NV, TH, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Diên

 

DỰ KIẾN CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ KINH PHÍ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2016

(Kèm theo Quyết định số: 1214/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2016 của UBND tỉnh)

STT

Các hoạt động

Kinh phí
(đồng)

Đơn vị thực hiện

 

Kinh phí xúc tiến đầu tư 2016 (Theo QĐ 3088/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 của UBND tỉnh)

2.592.000.000

 

I

Hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài

1.902.000.000

 

 

1. Kinh phí xây dựng bộ tài liệu và video xúc tiến đầu tư bằng tiếng Nhật

1.264.734.600

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Công ty CP Tryfunds và các sở, ngành chức năng thực hiện

 

2. Chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản;

637.265.400

Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện sau khi có Quyết định cử đoàn của UBND tỉnh

II

Hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước

330.000.000

 

1

Duy trì hoạt động Cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư; cập nhật thông tin về tình hình đầu tư và cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư

80.000.000

Sở Kế hoạch và Đầu tư

2

Cập nhật, chỉnh sửa, In ấn tài liệu về xúc tiến đầu tư

150.000.000

Sở Kế hoạch và Đầu tư

3

Tuyên truyền xúc tiến đầu tư trên các phương tiện thông tin truyền thông

70.000.000

Sở Kế hoạch và Đầu tư

4

Nghiên cứu lập dự án tiền khả thi xây dựng hệ thống thông tin quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, phục vụ nhiệm vụ xúc tiến và thu hút đầu tư

30.000.000

Sở Kế hoạch và Đầu tư

III

Hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh

360.000.000

 

1

Hoạt động của Ban chỉ đạo, Bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh

60.000.000

Sở Kế hoạch và Đầu tư

2

Thực hiện các chương trình phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và kinh phí hỗ trợ các chương trình đào tạo Doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý tổ chức sản xuất kinh doanh.

300.000.000

Sở Kế hoạch và Đầu tư

2.1

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV Thái Bình trong bối cảnh việc Việt Nam tham gia vào TPP và AEC có hiệu lực:

70.000.000

 

Tổ chức 01 hội thảo về cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp khi Việt Nam gia nhập AEC và TPP

 

 

2.2

Tư vấn lập kế hoạch kinh doanh cho DN tại Thái Bình

80.000.000

 

Lựa chọn và tư vấn kinh doanh cho 02 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thái Bình để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN

40.000.000/DN

 

2.3

Cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về quản lý, kinh doanh và xúc tiến cho doanh nghiệp tỉnh Thái Bình:

60.000.000

 

1. Tổ chức 01 khóa đào tạo về Quản lý sản xuất hiệu quả.

30.000.000

 

2. Tổ chức 01 khóa đào tạo về Nâng cao năng lực quản lý cấp trung.

30.000.000

 

2.4

Cung cấp các kiến thức quản trị doanh nghiệp nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho DNNVV:

90.000.000

 

1. Tổ chức 01 khóa đào tạo về quản trị kinh doanh chuyên nghiệp

30.000.000

 

2. Tổ chức 01 khóa đào tạo về quản trị nhân sự dành cho cấp quản lý

30.000.000

 

3. Tổ chức 01 khóa đào tạo về kỹ năng tạo quyền lực và gây ảnh hưởng trong quản lý DNNVV

30.000.000