Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1213/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 29 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 17/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu;

Theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại Văn bản số 1248/BCH-TM ngày 22/5/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- UBQG ứng phó PCTT và TKCN (để b/c);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh (để chỉ đạo);
- Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh (để t/hiện);
- CVP, PCVP UBND tỉnh (để theo dõi);
- Các Sở: Công thương; Tài chính; Nội vụ; Y tế; TN-MT; TT-TT; GTVT; K.HCN (để t/hiện);
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (để t/hiện);
- BCH BĐBP tỉnh, Công an tỉnh (để t/hiện);
- Công ty CP ĐT-MT Đắk Lắk (để t/hiện);
- UBND huyện, tx, tp (để t/hiện);
- Các phòng: NNMT, CN, KT;
- Lưu: VT, NC (S_20b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Cảnh

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Kèm theo Quyết định số 1213/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Mục tiêu

Chủ động ứng phó kịp thời và phối hợp hiệu quả khi có sự cố tràn dầu (SCTD) xảy ra trên địa bàn tỉnh; giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về con người, môi trường, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân do sự cố tràn dầu gây ra.

2. Giải pháp

- Bảo đảm lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng, kịp thời ứng phó hiệu quả ở một số khu vực có nguy cơ xảy ra SCTD trên địa bàn tỉnh.

- Hoàn chỉnh hệ thống cơ chế, chính sách, lực lượng làm nòng cốt cho hoạt động ứng phó SCTD trên địa bàn tỉnh.

- Trang bị và hoàn thiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố.

3. Đối tượng

a) Các đối tượng có khả năng gây ra sự cố tràn dầu:

- Các kho, xí nghiệp xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

- Các hoạt động vận chuyển, lưu trữ, sử dụng xăng dầu.

- Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

b) Các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình ứng phó sự cố tràn dầu:

- Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh.

- Các Sở: Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Nội vụ; Y tế; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải; Khoa học công nghệ.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Dân quân, Tự vệ; các đơn vị của Quân khu và Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn tỉnh.

- Công an tỉnh.

- Công ty cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk.

4. Phạm vi

- Phạm vi về không gian: Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

- Phạm vi về thời gian: Giai đoạn 2020 - 2030.

II. DỰ KIẾN MỘT SỐ TÌNH HUỐNG SỰ CỐ TRÀN DẦU

1. Tràn dầu kho chứa.

2. Tràn dầu tại các cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu.

3. Tràn dầu do các phương tiện vận chuyển gặp sự cố.

4. Tràn dầu không rõ nguyên nhân.

III. LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

1. Lực lượng

a) Chỉ huy, chỉ đạo chung: Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

b) Lực lượng nòng cốt:

- Các sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

- Các đội ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Dân quân, Tự vệ.

- Công an tỉnh.

- Công ty cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk.

c) Các lực lượng có thể huy động thêm:

- Các đơn vị Quân đội của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn tỉnh.

- Các tổ chức đoàn thể, xâ hội của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố.

- Cộng đồng dân cư nơi xảy ra SCTD.

d) Nguồn lực bên ngoài: Trong trường hợp xảy ra sự cố vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huy động thêm lực lượng từ các tỉnh lân cận.

2. Phương tiện bảo đảm: Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả SCTD.

IV. CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA SỰ CỐ TRÀN DẦU

1. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu xây dựng kế hoạch ứng phó SCTD theo phân cấp; chỉ đạo công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, diễn tập ứng phó SCTD theo quy định.

- Kiểm tra các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ sở hoạt động xăng dầu triển khai thực hiện quy định ứng phó SCTD theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó tràn dầu các cấp.

- Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu mua sắm đầu tư trang thiết bị ứng phó SCTD.

- Hàng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá công tác khắc phục, ứng phó SCTD, định kỳ báo cáo kết quả về hoạt động khắc phục, ứng phó SCTD trên địa bàn tỉnh và báo cáo đột xuất khi có tình huống xảy ra SCTD với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Là Cơ quan Thường trực ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh, tham mưu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu hoàn thiện hệ thống tổ chức ứng phó SCTD theo phân cấp.

- Tiến hành thẩm định kế hoạch ứng phó SCTD của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường ứng phó, khắc phục hậu quả SCTD.

- Tham mưu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổng hợp kết quả hoạt động ứng phó, khắc phục SCTD hàng năm trên địa bàn tỉnh; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

3. Sở Công Thương

- Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh xăng dầu xây dựng kế hoạch ứng phó SCTD trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

- Phối hợp với các địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với các cơ sở, dự án thuộc phạm vi quản lý để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra SCTD.

- Chủ trì hướng dẫn nội dung xây dựng kế hoạch ứng phó SCTD cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh; tiến hành thẩm định kế hoạch ứng phó SCTD của các cơ sở hoạt động xăng dầu thuộc cấp tỉnh quản lý tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị ứng phó SCTD của Sở Công thương và triển khai các đơn vị thuộc quyền đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị theo nhiệm vụ được giao.

- Hàng năm, tham mưu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục giải quyết hậu quả SCTD, chỉ đạo các cơ sở tổ chức diễn tập từ 3 đến 5 năm một lần; phối hợp và làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường ứng phó, khắc phục hậu quả SCTD.

- Hàng năm, tổng hợp kết quả công tác khắc phục, ứng phó SCTD báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) theo quy định.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Xây dựng, cập nhật bản đồ nhạy cảm môi trường các khu vực trên địa bàn tỉnh để phục vụ phòng ngừa, ứng phó SCTD.

- Ban hành các văn bản về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả; việc sử dụng Danh mục chất phân tán, chất hấp thụ dầu được phép sử dụng tại Việt Nam. Thẩm định và phê duyệt kế hoạch theo quy định ngành.

- Hướng dẫn việc khắc phục sự cố môi trường do tràn dầu; hướng dẫn việc lập hồ sơ, yêu cầu các công ty, cơ sở... bồi thường thiệt hại do SCTD gây ra.

- Thường xuyên kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu xây dựng kế hoạch và thực hiện các nội dung biện pháp phòng ngừa SCTD theo lĩnh vực phụ trách.

- Hàng năm, tổng hợp kết quả công tác khắc phục, ứng phó SCTD báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) theo quy định.

5. Sở Giao thông vận tải

- Hướng dẫn xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng phó SCTD đối với phương tiện chở dầu, hóa chất độc hại và kế hoạch hoạt động chuyển tải dầu theo quy định.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với các phương tiện chở dầu, hóa chất độc hại, để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra SCTD.

- Hàng năm, tổng hợp kết quả công tác khắc phục, ứng phó SCTD báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) theo quy định.

6. Công an tỉnh

- Hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp khi xảy ra SCTD theo quy định của pháp luật.

- Kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn về công tác phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

7. Các sở, ngành của tỉnh có liên quan

a) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực ứng phó SCTD.

b) Sở Nội vụ phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai đề án hệ thống tổ chức ứng phó SCTD từ nay đến năm 2030 và các năm tiếp theo khi có quy định và hướng dẫn của Trung ương.

c) Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo kinh phí hoạt động ứng phó SCTD theo quy định của pháp luật.

d) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân về phòng chống và ứng phó SCTD.

8. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch ứng phó SCTD (gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thẩm định) trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh xăng dầu xây dựng kế hoạch ứng phó SCTD, thẩm định và phê duyệt theo quy định.

- Kiểm tra, giám sát công tác phòng ngừa và thực hiện kế hoạch ứng phó SCTD tại các cơ sở, đơn vị do cấp mình quản lý.

- Bố trí ngân sách đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị ứng phó SCTD, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền, cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu thuộc địa bàn mua sắm phương tiện, trang thiết bị theo quy định.

- Hàng năm tổ chức tập huấn, huấn luyện về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả SCTD tại địa phương; tổ chức diễn tập từ 3 đến 5 năm một lần; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của SCTD để bảo vệ môi trường chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó sự cố tại các địa phương.

- Hàng năm, sơ kết, tổng kết đánh giá công tác khắc phục, ứng phó SCTD; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện của địa phương về Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) theo quy định.

9. Các cơ sở hoạt động, kinh doanh xăng dầu

- Xây dựng kế hoạch ứng phó SCTD trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch.

- Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện đảm bảo phòng ngừa và luôn sẵn sàng ứng phó, khắc phục SCTD tại cơ sở.

- Hàng năm tổ chức tập huấn, huấn luyện về phòng ngừa và ứng phó SCTD.

- Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của SCTD để bảo vệ môi trường chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó sự cố tại địa phương khi được huy động.

- Hàng năm, sơ kết, tổng kết đánh giá công tác khắc phục, ứng phó sự cố tràn dầu, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện tại cơ sở lên cấp có thẩm quyền theo quy định.

V. CÔNG TÁC ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

1. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

- Tiếp nhận thông tin và xác minh thông tin.

- Sơ bộ đánh giá tính chất, phạm vi, mức độ và hậu quả có thể của SCTD.

- Triển khai phương án, biện pháp ứng phó khẩn cấp với sự cố.

- Thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan về biện pháp, phương án phối hợp ứng phó khẩn cấp, ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động triển khai ứng phó.

- Chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện của các sở, ban, ngành và các địa phương, các cơ sở hoạt động xăng dầu tập trung ứng phó SCTD.

- Chỉ đạo việc điều tra, xác minh SCTD, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh về biện pháp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

- Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, kiến nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xem xét, huy động thêm lực lượng, phương tiện tăng cường ứng cứu.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Huy động lực lượng, phương tiện, trang bị của cơ quan, đơn vị thuộc quyền tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả SCTD.

- Hiệp đồng với các đơn vị của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn tham gia ứng cứu; phối hợp với công an triển khai lực lượng chốt chặn, bảo vệ hiện trường.

3. Sở Công Thương

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các lực lượng của địa phương triển khai lực lượng, phương tiện tham gia bơm hút, quây chặn thu gom dầu và khắc phục hậu quả môi trường.

4. Sở Giao thông vận tải

- Triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng khác tham gia bơm hút, quây chặn thu gom dầu và khắc phục môi trường.

- Phối hợp với lực lượng công an chỉ dẫn, phân luồng giao thông đi qua các khu vực xảy ra sự cố bảo đảm an toàn khu vực xảy ra sự cố; giám sát chặt chẽ các hoạt động bơm dầu và vận chuyển dầu trên địa bàn.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với các sở, ngành, đìa phương liên quan điều tra, đánh giá xác định thiệt hại do SCTD gây ra và điều tra, xác minh SCTD không rõ nguyên nhân; phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan xây dựng kế hoạch phục hồi môi trường do tràn dầu và lập hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường.

- Hướng dẫn sử dụng danh mục chất phân tán, chất hấp thụ dầu được phép sử dụng để ứng phó SCTD.

6. Sở Y tế

- Cử lực lượng tham gia ứng phó SCTD, xây dựng và đề xuất với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh các phương án sử dụng lực lượng, phương tiện y tế bảo đảm cho công tác cứu hộ và ứng phó sự cố.

- Triển khai tổ y tế cơ động đến hiện trường để sơ cấp cứu cho những người bị nạn và chuyển những bệnh nhân nặng lên tuyến trên.

7. Công an tỉnh

- Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở có liên quan khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện phòng cháy chữa cháy dập tắt đám cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

- Tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, không cho người và các phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực sự cố; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.

- Nắm chắc tình hình, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực xảy ra sự cố cháy, nổ và tràn dầu.

- Hướng dẫn phân luồng giao thông bảo đảm giao thông an toàn khu vực xảy ra sự cố.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương điều tra làm rõ nguyên nhân tràn dầu, cháy, nổ và xử lý theo quy định của pháp luật.

8. Các sở, ngành của tỉnh có liên quan

- Thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác ứng phó SCTD.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi xảy ra sự cố triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan trong công tác ứng phó SCTD và khắc phục hậu quả môi trường.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ đạo các ban, ngành, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn phối hợp triển khai thực hiện công tác ứng phó SCTD đạt kết quả.

- Khi xảy ra sự cố nghiêm trọng, thành lập Sở chỉ huy hiện trường; thành phần gồm: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, đại diện các ban, ngành của địa phương, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn để chỉ huy trực tiếp công tác ứng phó và tham gia đề xuất các biện pháp ứng phó SCTD.

- Báo cáo nguyên nhân, quy mô SCTD với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nhanh chóng triển khai lực lượng và phương tiện, trang bị dùng mọi biện pháp ngăn chặn và thu dầu không để tràn dầu ra ngoài môi trường.

- Triển khai lực lượng Công an, Quân đội tổ chức chốt chặn bảo vệ hiện trường không cho người và phương tiện vào khu vực xảy ra sự cố, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; điều tiết giao thông thông suốt không để bị ùn tắc.

- Tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tham gia ứng phó sự cố.

- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá ô nhiễm đất và nguồn nước, không khí xung quanh khu vực xảy ra sự cố; khuyến cáo người dân ở xung quanh khu vực xảy ra sự cố các biện pháp ứng phó kịp thời, bảo đảm sức khỏe; triển khai thu gom rác thải nhiễm dầu vào khu vực tập kết và xử lý theo quy định hiện hành.

- Chỉ đạo cơ sở xảy ra sự cố phối hợp với các lực lượng khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu và khắc phục môi trường; bảo đảm kinh phí chi trả, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm tràn dầu gây ra theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, đánh giá xác định thiệt hại và lập hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để truy tìm xác minh nguyên nhân tràn dầu không rõ nguồn gốc để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tổng hợp kết quả ứng phó sự cố báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo quy định.

10. Các cơ sở hoạt động, kinh doanh xăng dầu

- Khi có tình huống tràn dầu xảy ra dẫn đến sự cố cháy nổ tại cơ sở, chủ cơ sở phải nhanh chóng thông báo, báo cáo đến các cơ quan chức năng có liên quan và tổ chức lực lượng, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp ứng phó SCTD, chữa cháy kịp thời.

- Bảo đảm kinh phí chi trả cho lực lượng tham gia ứng phó SCTD, đồng thời bồi thường thiệt hại về môi trường, tài sản của Nhà nước và nhân dân do cơ sở gây ra theo quy định của pháp luật.

VI. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

1. Công tác ứng phó sự cố tràn dầu

- Lãnh đạo, chỉ đạo chung: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp.

- Cơ quan Thường trực: Cơ quan Quân sự các cấp.

2. Thời gian xây dựng và cập nhật kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu

- Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch ứng phó SCTD các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở hoạt động xăng dầu có nguy cơ xảy ra SCTD mức trung bình (có lượng dầu tràn từ 20 tấn đến 500 tấn) xong trước tháng 6/2020;

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt kế hoạch ứng phó SCTD các cơ sở hoạt động, kinh doanh xăng dầu có nguy cơ xảy ra SCTD mức nhỏ (có lượng dầu tràn dưới 20 tấn) xong trước tháng 7/2020.

Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch ứng phó SCTD cấp mình trình phê duyệt và triển khai thực hiện theo đúng quy định. Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương, tiến hành điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) để xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1213/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 1213/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/05/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Võ Văn Cảnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản