Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 121/2007/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 09 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ HẠN CHẾ VÀ CẤP PHÉP CHO XE Ô TÔ VẬN TẢI LƯU THÔNG TRONG KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Xét đề nghị của Công an thành phố tại Tờ trình số 53/TT-CATP (PV11) ngày 21 tháng 8 năm 2007 và Sở Tư pháp tại Công văn số 2595/STP-VB ngày 06 tháng 9 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hạn chế và cấp phép cho xe ô tô vận tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký; bãi bỏ các Quyết định số 621/QĐ-UB ngày 11 tháng 02 năm 2003, Quyết định số 878/QĐ-UB ngày 07 tháng 3 năm 2003, Quyết định số 2390/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2003, Quyết định số 4565/QĐ-UB ngày 24 tháng 10 năm 2003, Quyết định số 262/2004/QĐ-UB ngày 29 tháng 11 năm 2004, Quyết định số 186/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2006 và các văn bản trước đây có nội dung liên quan đến Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Thủ trưởng các Sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
Như Điều 3;
Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
Thường trực Thành ủy;          
Thường trực HĐND. TP;
TTUB: CT, các PCT;
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP;
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
VPHĐ-UB: Các PVP;
Các Phòng CV, TTCB;
Lưu:VT, (ĐTMT-Thg) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

QUY ĐỊNH

VỀ HẠN CHẾ VÀ CẤP PHÉP CHO XE Ô TÔ VẬN TẢI LƯU THÔNG TRONG KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 121 /2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định về hạn chế xe ô tô vận tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép cho xe ô tô vận tải lưu thông và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc quản lý giao thông và tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Điều 2. Đối tượng và thời gian hạn chế lưu thông

1. Xe ô tô vận tải có tải trọng dưới 2,5 tấn hoặc có tổng trọng tải dưới 5 tấn (gọi là xe tải nhẹ) không được phép lưu thông vào khu vực nội đô thành phố buổi sáng từ 06 giờ đến 08 giờ, buổi chiều từ 16 giờ đến 20 giờ.

2. Xe ô tô vận tải có tải trọng trên 2,5 tấn hoặc có tổng trọng tải trên 5 tấn (gọi là xe tải nặng) không được phép lưu thông vào khu vực nội đô thành phố từ 06 giờ đến 21 giờ, trừ một số tuyến đường hành lang quy định tại Điều 4 Quy định này.

3. Các xe ô tô vận tải thuộc các ngành Quân đội, Công an, Phòng cháy chữa cháy, Thanh tra giao thông công chính khi làm nhiệm vụ, xe bán tải ca bin đôi không bị điều chỉnh bởi Quy định này.

Điều 3. Giới hạn khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh

1. Khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh được giới hạn như sau:

a) Hướng Bắc và hướng Tây: Đường Quốc lộ 1A (đoạn từ cầu Bình Phước đến giao lộ Quốc lộ 1A + đường Nguyễn Văn Linh).

b) Hướng Đông: Bờ sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Bình Phước đến cầu Tân Thuận).

c) Hướng Nam:

- Đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Tân Thuận đến Khu Chế xuất Tân Thuận).

- Đường Nguyễn Văn Linh (từ giao lộ Quốc lộ 1A + đường Nguyễn Văn Linh đến giao lộ đường Nguyễn Văn Linh + đường Huỳnh Tấn Phát).

2. Xe ô tô vận tải được lưu thông không hạn chế thời gian trên các tuyến vành đai giới hạn nêu trên.

Điều 4. Các tuyến hành lang được phép lưu thông từ 09 giờ đến 16 giờ

1. Xe tải nặng được phép lưu thông từ 09 giờ đến 16 giờ trên các tuyến đường hành lang được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy định này.

2. Giao Giám đốc Sở Giao thông - Công chính chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố, Công an thành phố tập hợp, điều chỉnh, thay đổi các tuyến đường, lộ trình cho xe tải nặng lưu thông được quy định tại Phụ lục.

Chương 2:

CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CẤP PHÉP LƯU THÔNG VÀO KHU VỰC NỘI ĐÔ THÀNH PHỐ

Điều 5. Các loại xe ô tô vận tải được cấp giấy phép lưu thông vào nội đô thành phố (cả ngày và đêm)

1. Xe phục vụ cho việc sửa chữa, xây dựng công trình điện của Công ty Điện lực thành phố, các doanh nghiệp có chức năng truyền tải, phân phối điện năng.

2. Xe phục vụ cho việc ứng cứu thông tin, xây dựng các công trình của bưu điện thành phố, sửa chữa các công trình thông tin liên lạc của các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh viễn thông và mạng thông tin trên địa bàn thành phố. Xe vận chuyển phát hành thư, báo, bưu phẩm, bưu kiện chuyên ngành bưu điện.

3. Xe phục vụ cho việc sửa chữa chiếu sáng công cộng, sửa chữa cầu đường khẩn cấp, cấp thoát nước, chăm sóc công viên cây xanh của các doanh nghiệp, xe ép rác.

4. Xe tải nhẹ chở hàng chuyển phát nhanh của các doanh nghiệp như: chở bưu phẩm, bưu kiện, hàng đóng gói, hàng phục vụ xuất nhập khẩu.

5. Xe tải nhẹ chuyên dùng chở tiền, vàng bạc đá quý của các doanh nghiệp.

6. Xe tải nhẹ chở con giống, cây giống, cá kiểng, hoa tươi.

7. Xe tải nhẹ vận chuyển thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm phục vụ các trung tâm xã hội, siêu thị, chợ, khu công nghiệp.

8. Xe của các ngành phục vụ kiểm tra an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng phục vụ phòng chống dịch bệnh, bệnh viện, trung tâm y tế.

9. Xe tải nhẹ phục vụ ngành đường sắt, hàng không.

10. Xe vận tải chở dụng cụ, thiết bị phục vụ các dịp lễ, Tết và lễ hội lớn của thành phố.

Điều 6. Các xe tải nặng, xe chuyên dùng được cấp giấy phép lưu thông từ 09 giờ đến 16 giờ

1. Xe chở bê tông tươi thi công các công trình trọng điểm, các công trình lớn không làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự nơi công cộng và không thể thi công vào ban đêm.

2. Xe đông lạnh, chở hàng thủy hải sản phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu, xe chở kem, xe chở hoa tươi, trái cây.

3. Xe chở hàng phục vụ bệnh viện, trường học, cây giống, con giống, vắc-xin, thực phẩm tươi sống.

4. Xe chở hàng hóa thực phẩm phục vụ ngành hàng không, đường sắt, các bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh ăn uống.

5. Xe chở chất thải nguy hại (theo Quyết định số 85/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố); Xe thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu, bùn nạo vét (theo Quyết định số 73/2007/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố).

6. Xe phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh từ khu vực nội đô ra ngoại ô thành phố.

7. Xe tải vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp nằm gần tuyến vành đai để phục vụ sản xuất kinh doanh không ảnh hưởng đến tình hình kẹt xe nội thị.

8. Xe chở nước sạch phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân.

9. Các xe chở rác bằng xe tải ben.

Điều 7. Giải quyết các trường hợp đột xuất

Giao cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét quyết định việc cấp giấy phép cho các trường hợp đột xuất, ngoài các trường hợp đã quy định tại Điều 5 và Điều 6 Quy định này, với thời hạn lưu thông không quá 05 (năm) ngày.

Chương 3:

THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ CẤP GIẤY PHÉP

Điều 8. Thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép

1. Thẩm quyền cấp giấy phép cho các đối tượng quy định tại các Điều 5, 6 và 7 Quy định này:

a) Công an thành phố thực hiện việc cấp giấy phép cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2007.

b) Sở Giao thông - Công chính thực hiện việc cấp giấy phép kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.

2. Thẩm quyền thu hồi giấy phép: Lực lượng Cảnh sát Giao thông thành phố, Thanh tra Giao thông - Công chính có thẩm quyền thu hồi giấy phép khi tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng một trong các nội dung quy định trong giấy phép.

Các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện hành vi thực hiện không đúng giấy phép có trách nhiệm thông báo cho lực lượng Cảnh sát Giao thông thành phố hoặc Thanh tra Giao thông - Công chính để xử lý theo thẩm quyền.

Điều 9. Trình tự cấp giấy phép

1. Hồ sơ cấp giấy phép bao gồm:

a) Công văn của cơ quan, tổ chức; Đơn của cá nhân có nhu cầu xin cấp phép, trình bày rõ lý do, số lượng phương tiện, địa điểm, lộ trình (có sơ đồ kèm theo), thời gian lưu thông cần được cấp phép.

b) Bản chụp Giấy Chứng minh nhân dân của chủ phương tiện (kèm bản chính để đối chiếu); Giấy ủy quyền (nếu chủ phương tiện không trực tiếp đến nộp hồ sơ); Giấy giới thiệu (nếu là cơ quan, tổ chức).

c) Bản chụp giấy tờ phương tiện (kèm bản chính để đối chiếu): Giấy chứng nhận đăng ký xe, Sổ kiểm định kỹ thuật.

d) Bản chụp Giấy phép đối với xe quá tải, quá khổ theo quy định (kèm bản chính để đối chiếu).

đ) Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hợp đồng thuê xe (kèm theo bản chính để đối chiếu).

2. Thời hạn giải quyết hồ sơ:

Thời hạn cấp giấy phép không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

3. Thời hạn của giấy phép:

Thời hạn của giấy phép được cấp theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân nhưng tối đa không quá sáu tháng.

4. Lệ phí cấp giấy phép:

Thực hiện theo quy định của Thông tư số 76/2004/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép

1. Tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép theo Quy định này và phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

2. Ban hành mẫu phù hiệu dán trên kính xe phía trước đối với các loại xe vận tải phương tiện được cấp phép để thuận tiện cho việc giám sát, kiểm tra.

3. Chỉ đạo và kiểm tra việc tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra khảo sát lộ trình lưu thông để cấp phép và phù hiệu cho từng phương tiện theo quy định nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống ùn tắc giao thông.

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan

1. Công an thành phố, Sở Giao thông - Công chính tổ chức kiểm tra việc thực hiện giấy phép và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

2. Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông - Công chính và Ủy ban nhân dân các huyện ngoại thành quy hoạch xây dựng các bến bãi đỗ xe tải ở các cửa ngõ ra vào thành phố phục vụ cho việc đậu xe trong giờ cấm xe tải vào khu vực nội đô thành phố.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Căn cứ nội dung Quy định này, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc các sở - ban - ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện theo chức năng và nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh, Sở Giao thông - Công chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở -ngành và các đơn vị có liên quan đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

PHỤ LỤC

CÁC TUYẾN HÀNH LANG XE Ô TÔ VẬN TẢI NẶNG ĐƯỢC PHÉP LƯU THÔNG TỪ 09 GIỜ ĐẾN 16 GIỜ
 (Ban hành kèm theo Quyết định số /2007/QĐ-UBND ngày tháng 9 năm 2007của Ủy ban nhân dân thành phố)

1. Hành lang 1: từ Xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - dạ cầu Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Trường Tộ - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh; Chiều ngược lại : Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận 1 - Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - cầu Sài Gòn - Xa lộ Hà Nội.

2. Hành lang 2: từ Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận 1 - Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - dạ cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ - vòng xoay Hàng Xanh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - cầu Bình Triệu 1 - Quốc lộ 13; Chiều ngược lại : Quốc lộ 13 - cầu Bình Triệu 2 - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - dạ cầu Sài Gòn - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Trường Tộ - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh; Xe có tổng trọng tải dưới 13 tấn: Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Điện Biên Phủ.

3. Hành lang 3: Dành riêng cho các loại xe bồn phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất (của Công ty xăng dầu Hàng không):

Đi: Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Điện Biên Phủ - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Trường Tộ - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát;

Về: Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót - Trường Sơn.

4. Hành lang 4: Đi đăng ký xe: từ Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - 282 Nơ Trang Long ra ngược lại.

5. Hành lang 5: Xe ô tô vận tải đi đăng kiểm tại Trạm đăng kiểm 50.03V số 380 đường số 2 (Văn Cao) quận Tân Phú: đi Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý - Bình Long về ngược lại.

6. Hành lang 6: Xe ô tô vận tải đi đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm XCG 50.01S số 189A Hòa Bình, quận Tân Phú:

a) Lộ trình 1: Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót - Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ - Xuân Diệu - Xuân Hồng - Trường Chinh - Lý Thường Kiệt -

343 Lạc Long Quân - Hòa Bình (Trung tâm đăng kiểm XCG 50.01S số 189A Hòa Bình); Về Hòa Bình - Lạc Long Quân - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh.

b) Lộ trình 2: Từ Quốc lộ 1A - Thoại Ngọc Hầu … Hòa Bình Trạm XCG 50.01S ra ngược lại.

7. Hành lang 7: Xe ô tô vận tải đi đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm XCG 50.02S số 343 Lạc Long Quân, quận 11:

a) Lộ trình 1: theo tuyến Trung tâm đăng kiểm XCG 50.01S .

b) Lộ trình 2: Từ Kinh Dương Vương - Hồng Bàng - Đường 3/2 - Lê Đại Hành - Âu Cơ - Lạc Long Quân - Trạm XCG 50.02S số 343 Lạc Long Quân, quận 11 ra ngược lại.

- Đường Kinh Dương Vương (đoạn từ Quốc lộ 1A đến giao lộ Nguyễn Văn Luông + Bà Hom (vòng xoay Phú Lâm)).

 - Đường Trần Xuân Soạn (đoạn từ Huỳnh Tấn Phát đến cầu Rạch Ông, quận 7).

 - Đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Kênh Tẻ phía quận 7).

- Đường Lê Văn Lương (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến Trần Xuân Soạn quận 7).

- Đường Phạm Thế Hiển (đoạn từ Âu Dương Lân đến đường Ba Tơ quận 8).

- Đường Phạm Hùng (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến Phạm Thế Hiển quận 8).

 - Đường Tạ Quang Bửu quận 8 (suốt tuyến ).

- Đường Quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến Phạm Thế Hiển).

- Đường vào Chợ đầu mối Bình Điền, huyện Bình Chánh (đoạn từ Nguyễn Văn Linh vào chợ đầu mối).

- Đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ Quốc lộ 1A vào Khu Công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú).

- Đường Tây Thạnh, quận Tân Phú (suốt tuyến).

- Đường Quang Trung, quận Gò Vấp (đoạn từ Quốc lộ 1A đến Thống Nhất).

- Đường Trường Chinh (đoạn từ ngã tư An Sương đến Tây Thạnh).

- Đường Hồ Học Lãm (đoạn từ Kinh Dương Vương đến An Dương Vương, quận 8)./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 121/2007/QĐ-UBND về hạn chế và cấp phép cho xe ô tô vận tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 121/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/09/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 61
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản