Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 121/2003/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 121/2003/QĐ-TTG NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2003 PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH VAI TRÒ, CHỨC NĂNG VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN I (2003 - 2005)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn I (2003 - 2005).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
CHƯƠNG TRÌNH
NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH VAI TRÒ, CHỨC NĂNG VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 121/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)
I. BỐI CẢNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo cải cách hành chính nói chung và cải cách tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương để thực hiện Nghị quyết các Hội nghị Trung ương 3, Trung ương 8 Khoá VII và Trung ương 3, Trung ương 6 (lần 2), Trung ương 7 Khoá VIII của Đảng. Sau mỗi lần triển khai các Nghị quyết nói trên, bộ máy hành chính nhà nước đã từng bước tinh gọn, hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào sự đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên để đáp ứng với yêu cầu mới về quản lý kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX là hết sức cần thiết. Vì vậy, trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 (Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001), nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước là một trong bảy chương trình hành động có ý nghĩa quan trọng. Chương trình nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ năm 2003 đến năm 2010 được chia ra làm hai giai đoạn: giai đoạn I từ năm 2003 đến hết năm 2005 và giai đoạn II từ năm 2006 đến hết năm 2010 với những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn. Từ nay đến hết năm 2005 phải tập trung thực hiện có kết quả những nội dung cấp thiết đặt ra trong giai đoạn I (2003 - 2005). Trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm của giai đoạn này, tiếp tục xây dựng và thực hiện nội dung chương trình cho giai đoạn tiếp theo.
1. Những kết quả cơ bản về cải cách tổ chức bộ máy:
a) Đã từng bước có sự thay đổi quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan hành chính địa phương các cấp phù hợp với cơ chế mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức hành chính đã từng bước được đổi mới, điều chỉnh, bổ sung theo yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Kết quả rõ nét nhất là bộ máy hành chính nhà nước các cấp đã chuyển dần sang thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Cả về mặt nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn đã làm rõ hơn chức năng quản lý vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, các bộ đã tập trung nhiều hơn vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của cả nước và của từng ngành, từng vùng lãnh thổ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành và tổ chức thực hiện đối với toàn xã hội. Cơ quan hành chính địa phương cũng chuyển dần sang thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, tập trung vào công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tổ chức thực hiện cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường sự chỉ đạo, điều hành và thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện theo vai trò, chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.
Phân biệt và tách hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính ra khỏi hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để làm đúng vai trò, chức năng của cơ quan công quyền, giảm bớt sự can thiệp không đúng chức năng, thẩm quyền vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều này được thể hiện khá rõ thông qua tổ chức hoạt động của các Tổng công ty 90, 91 và đặc biệt là việc ban hành Luật Doanh nghiệp nhà nước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự phân cấp cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong các lĩnh vực đầu tư trong và ngoài nước, quản lý đất đai, thẩm định và quyết định thành lập các doanh nghiệp nhà nước, trong việc thành lập các hội, tổ chức phi Chính phủ v.v...
b) Đã tiến hành sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Chính phủ (bộ, cơ quan ngang bộ) và cơ quan thuộc Chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001; từng bước sắp xếp cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân làm cho tinh giản hơn trước và hoạt động có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả tốt hơn. Cụ thể là:
- Đã có sự điều chỉnh đáng kể về mô hình tổ chức Chính phủ, cơ cấu bên trong các bộ, ngành là chuyển từ mô hình tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước theo đơn ngành và chủ yếu đối với thành phần kinh tế nhà nước sang mô hình tổ chức bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong phạm vi cả nước, bao quát các thành phần kinh tế.
- Đã xác định được một số lĩnh vực trung ương cần quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc và phân cấp, chuyển giao một số nhiệm vụ và tổ chức về địa phương quản lý.
- Số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tinh giản, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn.
c) Phương thức hoạt động, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đã có những điều chỉnh theo hướng thực hiện phù hợp với vai trò, chức năng quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường, tham gia hội nhập quốc tế và khu vực.
Chính phủ đã có sự đổi mới và tập trung chỉ đạo, điều hành vĩ mô đối với toàn xã hội thông qua việc xây dựng và ban hành thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và kiểm tra thực hiện; hạn chế dần sự can thiệp vào vụ việc cụ thể thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
2. Những yếu kém tồn tại:
a) Hệ thống thể chế quy định về chức năng và nội dung hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chậm đổi mới, còn chồng chéo, trùng lắp, nhiều vấn đề chưa phù hợp với sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
b) Việc phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương còn chậm và hiệu quả thấp, thiếu rõ ràng và chưa hợp lý.
c) Tổ chức bộ máy hành chính vẫn nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, thiếu tính thống nhất cần thiết của hệ thống hành chính và chưa hợp lý theo cả chiều dọc và chiều ngang; hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; sự chỉ đạo điều hành còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với yêu cầu mới về phát triển kinh tế - xã hội.
3. Nguyên nhân các yếu kém:
a) Chưa có đủ cơ sở lý luận khoa học về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước khi chuyển sang nền kinh tế thị trường trong điều kiện duy nhất một Đảng cầm quyền; thiếu tổng kết rút kinh nghiệm một cách đầy đủ nghiêm túc để có những kết luận xác đáng về thay đổi tổ chức bộ máy làm cơ sở để kiện toàn được một hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước một cách căn bản có bước đi thích hợp phù hợp với hoàn cảnh thực tế trong từng giai đoạn.
b) Lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tổ chức bộ máy còn phân tán cục bộ thậm chí có lúc, có nơi lĩnh vực bị chia cắt, tùy tiện, khi thực hiện còn thiếu kiên quyết, thiếu trọng tâm và còn ngại khó khăn, phức tạp.
c) Do thiếu đồng bộ về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành và những quy định cần thiết về tiêu chí, quy trình để thành lập tổ chức mới, sắp xếp, điều chỉnh, giải thể các tổ chức cũ; cũng như các quy định về chế độ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước không còn phù hợp đối với yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy hiện nay.
II. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu
Mục tiêu của chương trình nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân; xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII theo hướng: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện chức năng xây dựng, ban hành thể chế, kế hoạch, chính sách, quản lý vĩ mô đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo, kiểm tra thực hiện; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp chính quyền; tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Yêu cầu:
a) Xác định được đúng và rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
b) Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức của Chính phủ, bộ máy hành chính của chính quyền địa phương theo tinh thần cải cách hành chính để phù hợp với cơ chế kinh tế mới; bảo đảm một nền hành chính trong sạch, hiện đại và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ máy của các cơ quan hành chính được điều chỉnh về cơ cấu trên cơ sở phân biệt rõ chức năng, phương thức hoạt động của các bộ phận tham mưu, thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công.
c) Đến năm 2005, về cơ bản xác định được rõ phân cấp quản lý hành chính nhà nước giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng lĩnh vực gì mà địa phương có thể thực hiện tốt và đã có khung pháp lý để điều chỉnh, kiểm soát thì tiến hành phân cấp. Việc phân cấp thẩm quyền phải rành mạch, gắn với trách nhiệm, điều kiện thực hiện và tăng cường kiểm tra.
d) Định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy hành chính chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn và chính quyền cơ sở. Cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân các cấp được tổ chức tinh gọn theo nguyên tắc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
III. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Để thực hiện được chương trình này, cần thiết phải xây dựng và chỉ đạo thực hiện các đề án sau:
Đề án 1: Phân cấp quản lý hành chính nhà nước giữa trung ương và địa phương
1. Mục tiêu của Đề án:
Phân cấp quản lý hành chính nhà nước giữa trung ương và địa phương nhằm quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp trong hệ thống hành chính nhà nước; phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền địa phương trong giải quyết công việc cho dân nhanh chóng, thuận lợi góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước.
2. Yêu cầu thực hiện Đề án:
a) Quán triệt quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất, có phân công, phân cấp rành mạch, bảo đảm quản lý thống nhất của Chính phủ về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kiểm tra, thanh tra; đồng thời phát huy được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong việc thực hiện mục tiêu phát triển và quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn.
b) Đảm bảo hiệu quả trong việc giải quyết công việc và phục vụ dân; việc nào, cấp nào thực hiện có hiệu quả hơn thì giao cho cấp đó; phân cấp phải rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp.
c) Phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, với đặc điểm của từng loại hình đơn vị hành chính đô thị, nông thôn và đồng bộ, ăn khớp giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan.
d) Đảm bảo tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, nguồn lực tài chính, nhân sự để thực hiện các công việc được phân cấp.
đ) Tăng cường trách nhiệm của Hội đồng nhân dân trong quyết định các nhiệm vụ được phân cấp; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị cơ sở và gắn với đổi mới cơ chế, chính sách.
3. Nội dung thực hiện Đề án:
a) Khảo sát, đánh giá thực trạng công tác phân cấp trung ương và địa phương; phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền địa phương.
b) Phân tích các nguyên nhân và trở ngại của phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan về nhận thức, quan điểm, thể chế, tổ chức chỉ đạo thực hiện.
c) Đề xuất nội dung phân cấp:
- Xác định rõ một số ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung thống nhất của trung ương được tổ chức quản lý theo ngành dọc (làm rõ điều kiện và tiêu chí).
- Xác định được mức độ phân cấp cho chính quyền địa phương theo các nhóm ngành, lĩnh vực. Các lĩnh vực phân cấp mạnh cho địa phương, các lĩnh vực phân cấp với mức độ hạn chế theo hướng:
+ Xác định những loại việc trung ương và cấp tỉnh, huyện không làm mà chỉ có cấp xã làm.
+ Xác định những loại việc mà trung ương và cấp tỉnh không làm mà chỉ có cấp huyện làm.
+ Xác định những loại việc mà trung ương không làm mà chỉ có cấp tỉnh làm.
+ Xác định những loại việc mà cả trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã cùng làm.
Các nội dung cần được phân cấp được chia thành 2 cấp: trung ương với cấp tỉnh, cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã và tập trung vào những lĩnh vực sau:
+ Kinh tế - kỹ thuật (tài chính - ngân sách; kế hoạch đầu tư; đất đai, xây dựng; các chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật).
+ Văn hóa xã hội (văn hóa, thông tin, thể thao; giáo dục - đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân; lao động - xã hội).
+ Tổ chức cán bộ (tổ chức cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công; biên chế; quản lý cán bộ, công chức, viên chức).
4. Phân công thực hiện:
Cơ quan chủ trì:
- Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ: có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện Đề án này và trực tiếp triển khai các việc quy định tại các điểm a, b khoản 5 Đề án 1.
- Từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, xây dựng đề án, phân cấp quản lý về ngành, lĩnh vực do mình phụ trách theo quy định tại điểm c khoản 5 Đề án 1.
Cơ quan phối hợp: các cơ quan liên quan và một số chính quyền địa phương.
5. Sản phẩm của Đề án:
a) Đề án về phân cấp trung ương và địa phương.
Thời gian hoàn thành: quý III năm 2003.
b) Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phân cấp trung ương và địa phương đối với ngành, lĩnh vực.
Thời gian hoàn thành: quý III năm 2003.
c) Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực (từng bộ, ngành trình Chính phủ phân cấp quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực mình phụ trách theo tiến độ quy định trong Nghị quyết của Chính phủ về phân cấp trung ương và địa phương), đảm bảo đến năm 2005 cơ bản hoàn thành việc phân cấp.
Thời gian hoàn thành: từ năm 2003 - 2005.
Đề án 2: Nghiên cứu, hoàn thiện cơ cấu tổ chức chính phủ; tiếp tục sắp xếp lại các cơ quan thuộc chính phủ giai đoạn 2006 - 2010
1. Mục tiêu của Đề án
Xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn và các giải pháp để hoàn thiện chức năng và cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII; tiếp tục sắp xếp các cơ quan thuộc Chính phủ giai đoạn 2006 - 2010.
2. Yêu cầu thực hiện Đề án:
a) Xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ gọn, nhẹ, hợp lý theo nguyên tắc Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng chủ yếu là quản lý vĩ mô toàn xã hội bằng pháp luật, chính sách, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện.
b) Giảm mạnh các cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Chỉ duy trì một số ít cơ quan thuộc Chính phủ có tính chất chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công việc quản lý vĩ mô của Chính phủ.
3. Nội dung thực hiện Đề án:
a) Khảo sát, thống kê các nhiệm vụ Chính phủ đang làm và phân tích đánh giá.
b) Xác định nội dung và phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ trong cơ chế thị trường.
c) Định rõ vai trò, chức năng của Chính phủ theo các cấp độ sau:
- Những việc nhất thiết Chính phủ phải làm và chỉ có Chính phủ làm.
- Những việc có cả Chính phủ và nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức phi Chính phủ cùng làm.
- Những việc Chính phủ có thể không tham gia làm.
- Những việc chỉ để cho nhân dân và các tổ chức phi Chính phủ làm.
- Phân tích việc phân công của Chính phủ đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về nội dung, phạm vi đối tượng quản lý nhà nước.
d) Xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XII.
4. Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ.
- Cơ quan phối hợp: các bộ, ngành có liên quan.
5. Sản phẩm của Đề án:
a) Báo cáo điều tra, phân tích về chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của Chính phủ và của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi có Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001.
Thời gian hoàn thành: năm 2005.
b) Tổng kết về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XI.
Thời gian hoàn thành: năm 2005.
c) Các giải pháp tiếp tục sắp xếp cơ quan thuộc Chính phủ giai đoạn 2006 - 2010.
Thời gian hoàn thành: năm 2005.
d) Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XII.
Thời gian hoàn thành: năm 2005.
Đề án 3: Nghiên cứu cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ
1. Mục tiêu của Đề án:
Xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn về sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giai đoạn 2003 - 2005 và làm tiền đề hoàn chỉnh cơ cấu bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ giai đoạn 2006 - 2010.
2. Yêu cầu thực hiện Đề án:
a) Tách tổ chức hành chính với tổ chức sự nghiệp công.
b) Định rõ tính chất và các loại hình tổ chức trực thuộc để tham mưu và thực thi pháp luật.
c) Cơ cấu bộ máy tinh gọn, hợp lý, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mỗi cơ quan.
3. Nội dung thực hiện Đề án:
a) Xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để sắp xếp các tổ chức làm nhiệm vụ tham mưu, thực thi pháp luật.
b) Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân loại tổ chức hành chính và sự nghiệp, dịch vụ công.
c) Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề và các viện nghiên cứu khoa học, bệnh viện thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
4. Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ.
- Cơ quan phối hợp: các bộ, ngành có liên quan.
5. Sản phẩm của Đề án:
a) Báo cáo đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của các đầu mối tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thời gian hoàn thành: quý I năm 2004.
b) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề và các viện nghiên cứu khoa học thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thời gian hoàn thành: quý I năm 2004.
c) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để sắp xếp các tổ chức làm nhiệm vụ tham mưu, thực thi pháp luật.
Thời gian hoàn thành: quý I năm 2004.
d) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân loại tổ chức hành chính và sự nghiệp dịch vụ công.
Thời gian hoàn thành: quý I năm 2004.
Đề án 4: Xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân các cấp
1. Mục tiêu của Đề án:
a) Xây dựng cơ sở thực tiễn và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ cho việc sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
b) Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã theo tinh thần Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
2. Nội dung thực hiện Đề án:
a) Khảo sát đánh giá thực trạng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân các cấp.
b) Xác định được đặc điểm, tính chất quản lý kinh tế - xã hội đối với chính quyền ở đô thị và nông thôn.
c) Xác định lại nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền ở đô thị và nông thôn; nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền cơ sở; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
3. Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ.
- Cơ quan phối hợp: ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các cơ quan liên quan và một số địa phương.
4. Sản phẩm của Đề án:
a) Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp (trước quý I năm 2004).
b) Đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân các cấp.
Thời gian hoàn thành: quý I năm 2004.
c) Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thời gian hoàn thành: quý II năm 2004.
d) Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thời gian hoàn thành: quý II năm 2004.
đ) Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân cấp xã.
Thời gian hoàn thành: quý II năm 2004.
Đề án 5: Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện
1. Mục tiêu của Đề án:
Hoàn thiện tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
2. Yêu cầu của Đề án:
a) Tổ chức cơ quan chuyên môn theo đa ngành, đa lĩnh vực.
b) Quy định các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân mà các địa phương cần thành lập và hướng dẫn tổ chức một số cơ quan chuyên môn để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với đặc điểm riêng của từng địa phương.
c) Xác định chức năng của từng cơ quan chuyên môn được rõ ràng, phân công rành mạch theo tinh thần cải cách hành chính.
3. Nội dung thực hiện Đề án:
a) Khảo sát đánh giá thực trạng hiện nay và kinh nghiệm thực hiện về tổ chức cơ quan chuyên môn.
b) Xây dựng mô hình tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện; quy định chức năng của các cơ quan chuyên môn.
4. Phân công thực hiện:
ư- Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ.
- Cơ quan phối hợp: các bộ có liên quan và một số địa phương.
5. Sản phẩm của Đề án:
a) Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn và kiến nghị hoàn thiện.
Thời gian hoàn thành: quý II năm 2004.
b) Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Thời gian hoàn thành: quý II năm 2004.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ.
- Cơ quan phối hợp: các bộ, ngành và một số địa phương.
2. Tiến độ thực hiện:
Thời gian của chương trình đã xác định trong từng đề án. Đến cuối năm 2005 tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình và tiếp tục xây dựng chương trình hành động cho giai đoạn II (2006 - 2010).
3. Nguồn lực để thực hiện chương trình:
- Về nhân lực: sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức hiện đang công tác trong lĩnh vực quản lý về tổ chức cán bộ của Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan; kết hợp tranh thủ sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn trong nước và nước ngoài khi triển khai thực hiện các đề án của chương trình.
- Về kinh phí để bảo đảm thực hiện chương trình:
Căn cứ vào chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí kinh phí ngân sách để bảo đảm thực hiện chương trình theo kế hoạch hàng năm của Bộ Nội vụ.
4. Ban Chủ nhiệm chương trình:
Lập Ban Chủ nhiệm chương trình gồm:
- Đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Chủ nhiệm chương trình.
- Các Phó Chủ nhiệm chương trình: một đồng chí Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và một đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính.
- Tổ thư ký gồm 2 cán bộ cấp Vụ của Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ), Vụ Cải cách hành chính (Văn phòng Chính phủ) và một số cán bộ, chuyên viên của Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Chính quyền địa phương, Viện Nghiên cứu khoa học tổ chức nhà nước, Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Vụ Cải cách hành chính, Vụ Pháp chế (Văn phòng Chính phủ), Vụ Pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp).
Quy chế hoạt động và tổ chức cụ thể của Ban Chủ nhiệm chương trình do Bộ Nội vụ ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính.
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Quyết định 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 4Quyết định 169/2003/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hoá Công sở của hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn I (2003-2005) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 121/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước giai đoạn I (2003-2005) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 121/2003/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/06/2003
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 69 đến số 70
- Ngày hiệu lực: 16/07/2003
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra