Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 120/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHONG TẶNG DANH HIỆU "NGHỆ NHÂN HÀ NỘI" VÀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGHỆ NHÂN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 132/2000/TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 41/2002/TTLT/BNN-BLĐTBXH-BVHTT ngày 30/5/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và một số chính sách đối với Nghệ nhân;
Xét đề nghị của Chủ tịch Liên minh các HTX Thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 261/LMHTXHN ngày 17 tháng 9 năm 2003.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" và một số chế độ đối với Nghệ nhân.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thành phố, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố, Giám đốc các Sở Ngành liên quan, Chủ tịch UBND Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

QUY CHẾ

PHONG TẶNG DANH HIỆU "NGHỆ NHÂN HÀ NỘI" VÀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ VỚI NGHỆ NHÂN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 120/2003/QĐ-Uỷ ban Hành chính ngày 02 tháng 10 năm 2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội) 

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét chọn, phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" và một số chế độ áp dụng đối với người được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội".

2. Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân là cá nhân, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, đang tham gia hoạt động, sản xuất trong các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ truyền thống của Thủ đô.

Điều 2. Danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội"

Danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phong tặng, là sự ghi nhận công lao đóng góp của những người thợ giỏi đang cống hiến trí tuệ, tài năng, sức lực cho việc duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống của Thủ đô; là phần thưởng cao quý nhằm tôn vinh những người thợ đã sáng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, có giá trị kỹ, mỹ thuật cao phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu.

Điều 3. Nguyên tắc của việc phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội".

1. Việc xét chọn, phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" tiến hành định kỳ hai năm một lần.

2. Danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" chỉ phong tặng một lần cho một người.

3. Việc phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" do Hội đồng xét chọn và Hội đồng thẩm định danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội xét chọn và thẩm định hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT TẶNG DANH HIỆU "NGHỆ NHÂN HÀ NỘI"

Điều 4. Tiêu chuẩn "Nghệ nhân Hà Nội"

Nghệ nhân Hà Nội là người có đủ các tiêu chuẩn sau:

1. Là thợ giỏi được đồng nghiệp thừa nhận, có thâm niên trong nghề tối thiểu mười năm, có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, sáng tác được các mẫu sản phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao mà người thợ khác không làm được.

2. Là người sáng tạo ra được những sản phẩm tinh xảo, đã được tặng giải thưởng trong các cuộc thi, Triển lãm, Hội chợ trong nước và quốc tế; hoặc có những tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật đặc biệt được Hội đồng thẩm định danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" công nhận.

3. Là người chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín nghề nghiệp được Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn hoặc cơ quan, doanh nghiệp đang quản lý xác nhận.

4. Là người có công đóng góp trong việc giữ gìn, phát triển nghề nghiệp; góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Điều 5. Hồ sơ xét phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội"

Hồ sơ xét phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" gồm:

1. Đơn đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân (theo mẫu).

2. Bản tóm tắt lý lịch (theo mẫu) có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn hoặc cơ quan quản lý trực tiếp.

3. Bản thành tích (theo mẫu) có xác nhận của Hội nghề nghiệp (nếu có) của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn hoặc của cơ quan quản lý trực tiếp.

4. Bản sao các giấy chứng nhận, huy chương, giải thưởng đạt được trong các cuộc thi, Triển lãm, Hội chợ trong nước và quốc tế kèm ảnh chụp sản phẩm được giải hoặc các tác phẩm có giá trị nghệ thuật đặc biệt.

Điều 6. Trình tự xét phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội"

1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi có ngành nghề quy định tại khoản 2- Điều 1 của Quy chế này tổ chức thông báo, lập danh sách và xác nhận vào hồ sơ của người đề nghị xét phong tặng, gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ lên Ủy ban nhân dân quận, huyện (sau đây gọi chung là cấp huyện).

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện thông qua hồ sơ và danh sách đề nghị do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi lên, xác nhận vào danh sách những người đề nghị phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" trình Ủy ban nhân dân Thành phố.

3. Những nơi có Hội nghề nghiệp của những ngành nghề quy định tại khoản 2- Điều 1 Quy chế này có quyền lợi và nghĩa vụ tham gia với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc lập danh sách và xác nhận hồ sơ của người đề nghị xét phong tặng.

Điều 7. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng xét chọn và Hội đồng thẩm định danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội"

1. Hội đồng xét chọn, Hội đồng thẩm định danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định thành lập.

2. Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng xét chọn, Hội đồng thẩm định do Liên minh hợp tác xã Thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan xây dựng, trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét ban hành.

Chương 3:

QUYỀN LỢI, TRÁCH NHIỆM CỦA "NGHỆ NHÂN HÀ NỘI"

Điều 8. Quyền lợi của Người được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội"

Người được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" có các quyền lợi sau đây:

1. Được Ủy ban nhân dân Thành phố cấp giấy chứng nhận "Nghệ nhân Hà Nội" kèm theo phần thưởng bằng tiền hoặc hiện vật tương đương với mức thưởng cho Nghệ sỹ ưu tú là 2.000.000 đồng, được tặng một biểu trưng và một huy hiệu "Nghệ nhân Hà Nội".

2. Được tổ chức truyền, dạy nghề trực tiếp; được miễn các loại thuế trong hoạt động truyền và dạy nghề theo quy định của pháp luật.

3. Được Thành phố hỗ trợ chi phí tập huấn trong nước hàng năm và hỗ trợ chi phí thuê một gian hàng tiêu chuẩn để trưng bày các sản phẩm do chính Nghệ nhân làm ra khi tham dự các Hội chợ, Triển lãm có ngành nghề phù hợp theo kế hoạch được duyệt của Liên minh HTX Thành phố Hà Nội.

4. Được xem xét vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất để đầu tư nghiên cứu chế thử sản phẩm, hoặc các tác phẩm, công trình văn hóa có giá trị cao.

5. Được tham gia các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, cải tiến mẫu mã, tạo dáng sản phẩm, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Thành phố.

6. Những Nghệ nhân được Ủy ban nhân dân Thành phố phong tặng trước đây (từ năm 1959 đến 1988) nay vẫn tiếp tục hoạt động nghề nghiệp, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, làm giấy đề nghị giải quyết chế độ và thủ tục theo khoản 2, 3, 4 tại Điều 5 của Quy chế này để được hưởng các quyền lợi nêu trên.

Điều 9. Trách nhiệm của Người được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội"

Người được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" có trách nhiệm:

1. Tham gia duy trì, phát triển nghề nghiệp, góp phần đào tạo, truyền nghề cho con, cháu và thợ mới.

2. Cung cấp tài liệu, phổ biến kinh nghiệm, tham gia các hoạt động liên quan đến nghề nghiệp, trưng bày giới thiệu sản phẩm mới tại Hội chợ, Triển lãm trong nước và quốc tế.

3. Tham gia việc thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng sản phẩm, bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Trường hợp người được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị tước bỏ danh hiệu và mọi quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các tổ chức, doanh nghiệp

1. Liên minh HTX Thành phố Hà Nội là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" có trách nhiệm:

a) Giới thiệu danh sách thành viên Hội đồng xét chọn danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" cho mỗi đợt phong tặng.

b) Chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu, các vấn đề liên quan đến phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" để báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

c) Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ thuật, mỹ thuật cho nghệ nhân; phối hợp với các ngành tổ chức Hội thi thợ giỏi định kỳ, tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm; đề xuất việc thành lập Hội nghệ nhân, thợ giỏi Thành phố Hà Nội để tiến hành hoạt động trao đổi kinh nghiệm, phát huy khả năng nghệ nhân trong việc khôi phục, phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống của Thủ đô.

d) Xây dựng kế hoạch tài chính phục vụ cho hoạt động phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" của Thành phố và quyền lợi, chế độ của các Nghệ nhân hàng năm trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

Là đầu mối tiếp nhận kinh phí từ Ngân sách Thành phố và các nguồn khác để chi cho các hoạt động liên quan đến Nghệ nhân và quyết toán với cơ quan tài chính theo quy định của pháp luật.

2. Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố hướng dẫn thủ tục khen thưởng cho Nghệ nhân Hà Nội theo quy định của Quy chế này.

3. Sở Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn việc thực hiện chế độ chính sách liên quan cho Nghệ nhân.

4. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Văn hóa - Thông tin chịu trách nhiệm phối hợp cùng các ngành liên quan đánh giá những tư liệu, sản phẩm, công trình của người được xét tặng; hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động sản xuất của các Nghệ nhân.

5. Sở Tài chính - Vật giá bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức phong tặng danh hiệu và thực hiện chế độ có liên quan cho Nghệ nhân theo Quy chế này.

6. Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn trên địa bàn trong việc tuyên truyền, phổ biến Quy chế; hướng dẫn lập và xác nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

7. Các Hội nghề nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập, các doanh nghiệp có ngành nghề được quy định tại Điều 1 của Quy chế này hướng dẫn thành viên làm thủ tục, tham gia với Ủy ban nhân dân xã trong việc lập danh sách và xác nhận vào hồ sơ của người đề nghị xét phong tặng.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế này nếu có vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

2. Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hà Nội tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy chế này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 120/2003/QĐ-UB ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" và một số chế độ đối với Nghệ nhân do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 120/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/10/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Hoàng Văn Nghiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/10/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản