Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 12/2016/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHUẨN HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO VÀ HỘ CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH TIẾP CẬN ĐA CHIỀU CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội và kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương; phục vụ xây dựng chuẩn nghèo thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 699/TTr-LĐTBXH ngày 30/3/2016 và Báo cáo thẩm định số 595/STP-VBPQ ngày 06/4/2016 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Các tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020

1. Các tiêu chí về thu nhập

a) Chuẩn nghèo: 1.100.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.400.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

b) Chuẩn cận nghèo: 1.500.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.950.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

2. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản

a) Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

b) Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Điều 2. Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều của thành phố Hà Nội áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020

1. Hộ nghèo

1.1. Khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

a) Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 1.100.000 đồng trở xuống.

b) Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.100.000 đồng đến 1.500.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

1.2. Khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

a) Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 1.400.000 đồng trở xuống.

b) Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.400.000 đồng đến 1.950.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

2. Hộ cận nghèo

2.1. Khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.100.000 đồng đến 1.500.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

2.2. Khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.400.000 đồng đến 1.950.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

3. Hộ có mức sống trung bình

3.1. Khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.300.000 đồng.

3.2. Khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.950.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Điều 3. Mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình quy định tại Điều 2 Quyết định này là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố; hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn 2016-2020.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương lập danh sách chính thức các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thu thập thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo và cập nhật phần mềm quản lý dữ liệu.

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo hàng năm, trình UBND Thành phố phê duyệt.

- Tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND Thành phố tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan đề xuất, bố trí ngân sách phục vụ kế hoạch giảm nghèo và các cơ chế, chính sách liên quan đối với hộ nghèo, cận nghèo.

3. Ban Dân tộc Thành phố

Chủ trì nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016-2020; Đề xuất giải pháp giảm nghèo bền vững, giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản phù hợp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

4. Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu, đề xuất với UBND Thành phố các chương trình, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững và phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện.

5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

- Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều.

- Ban hành Quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình hàng năm để làm căn cứ thực hiện các chính sách.

- Tổ chức thu thập thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo và cập nhật phần mềm quản lý dữ liệu.

- Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo hàng năm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế hàng năm; Xác nhận hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình để được hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Trưởng Ban Dân tộc; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 5;
- VP Chính phủ; (để báo cáo)
- Bộ LĐTB&XH; (để báo cáo)
- TT Thành ủy, TT HĐND TP; (để báo cáo)
- Đoàn ĐBQH TP; (để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- UB MTTQ TP;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ TP;
- Website Chính phủ;
- Cổng TTĐT TP;
- Trung tâm TH-Công báo;
- Báo: HNM, KTĐT, Phân xã HN, Đài PTTH HN;
- VPUB: Đ/c PCVP P.V.Chiến, các phòng VX, KT, TH;
- Lưu VT, VX(Ngọc).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 12/2016/QĐ-UBND về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 12/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/04/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Đức Chung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản