Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2008/QĐ-UBND | Gia Nghĩa, ngày 14 tháng 5 năm 2008 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐÁNH SỐ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08/3/2006 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 172/TTr-SXD ngày 02/4/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; các quy định trước đây trái với quy chế ban hành kèm theo quyết định này đều bị bãi bỏ.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ ĐÁNH SỐ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2008 của UBND tỉnh Đăk Nông)
Đối tượng được đánh số và gắn biển số nhà bao gồm: nhà ở, công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là nhà), trừ các loại nhà xây dựng không phép hoặc trái phép trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; nhóm nhà, ngôi nhà tại khu vực đô thị và điểm dân cư trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Quy chế này quy định về nguyên tắc đánh số nhà; gắn biển số nhà; cấu tạo các loại biển số nhà; xử lý các tồn tại về đánh số và gắn biển số nhà.
1. "Đánh số nhà" là việc xác định số nhà theo các nguyên tắc quy ước thống nhất.
2. "Gắn biển số nhà" là việc xác định để gắn biển số vào vị trí lắp đặt biển số nhà theo nguyên tắc thống nhất.
3. "Ngôi nhà" là công trình xây dựng có mái và kết cấu bao che, dùng để ở hoặc dùng vào mục đích khác.
4. "Nhóm nhà" là tập hợp nhiều ngôi nhà có vị trí gần nhau, được xắp xếp theo những nguyên tắc nhất định và cách biệt với những ngôi nhà khác bởi hàng rào, đường giao thông.
5. "Hẻm chính" là lối đi lại trong cụm dân cư có một đầu thông ra đường (nhánh của đường).
6. "Hẻm phụ" là lối đi lại hẹp trong cụm dân cư có một đầu thông ra hẻm chính, không trực tiếp thông ra đường.
7. "Nhà mặt đường" là nhà có cửa ra vào chính được mở ra đường. "Nhà trong hẻm chính" hoặc "Nhà trong hẻm phụ" là nhà có cửa ra vào chính được mở ra hẻm chính hoặc hẻm phụ.
Mục 1. NGUYÊN TẮC ĐÁNH SỐ NHÀ, SỐ CĂN HỘ
Điều 4. Nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và nhà trong hẻm chính, trong hẻm phụ.
1. Đánh số nhà mặt đường và nhà trong hẻm chính, hẻm phụ được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3 ...., n) với số thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7...), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8...).
2. Chiều đánh số nhà
a) Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc (ngoài các nguyên tắc trên thì tùy theo đặc trưng của từng đô thị, địa phương có thể quy định cụ thể chiều đánh số nhà của các tuyến đường liên hệ với khu trung tâm và đường trong khu trung tâm đô thị sao cho thực hiện việc đánh số đơn giản, dễ nhận biết);
b) Trường hợp hẻm chính chỉ có một đầu thông ra đường thì lấy chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu hẻm chính sát với đường đến nhà cuối hẻm chính. Trường hợp hẻm chính đặt tên theo đường và hẻm chính thông qua đường cả hai phía, thì lấy chiều từ nhà đầu hẻm chính sát với đường mà hẻm chính mang tên đến cuối hẻm chính bên kia.
Trường hợp hẻm phụ chỉ có một đầu thông ra hẻm chính thì chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu hẻm phụ sát với hẻm chính đến nhà cuối hẻm phụ;
c) Đối với hẻm chính hoặc hẻm phụ chưa có tên thì lấy chiều đánh số được áp dụng theo nguyên tắc quy định tại điểm b khoản này và tên hẻm chính hoặc hẻm phụ được lấy theo số nhà mặt đường nằm kề ngay trước đầu hẻm chính hoặc hẻm phụ đó.
Mục 2. NGUYÊN TẮC ĐÁNH TÊN ĐỐI VỚI NHÓM NHÀ, NGÔI NHÀ TRONG KHU NHÀ
Điều 5. Nguyên tắc đánh tên nhóm nhà
Trong một khu có nhiều nhà tạo thành các nhóm nhà không được đặt tên (đường, hẻm chính, hẻm phụ) thì cần phải đánh tên nhóm nhà theo quy định sau:
1. Việc đánh tên nhóm nhà áp dụng chữ cái in hoa của tiếng Việt (A, B, C...) sắp xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái Tiếng Việt với chiều theo nguyên tắc sắp xếp của các nhóm nhà trong khu vực đó.
2. Trường hợp khu nhà trong một biển số nhà, có nhiều nhóm nhà thì chiều đánh tên nhóm nhà được bắt đầu từ nhóm nhà nằm gần lối vào khu nhà đi dần vào phía cuối khu nhà. Trường hợp các nhóm nhà nằm 2 bên trục đường giao thông nội bộ thì chiều đánh tên nhóm nhà cũng xác định theo phương pháp này, các nhóm nhà nằm phía bên trái đường nội bộ đánh tên A, C, Đ, G, I,…, các nhóm nhà phía bên phải đường nội bộ đánh tên B, D, E, H, K....
Điều 6. Nguyên tắc đánh tên ngôi nhà trong một nhóm nhà.
Tên ngôi nhà trong nhóm nhà được viết bằng tên ghép của tên nhóm nhà và số thứ tự của ngôi nhà trong nhóm nhà đó (ví dụ: A10, B15, C4.....). Trong đó, tên nhóm nhà được xác định theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này; số thứ tự của ngôi nhà được dùng là các số tự nhiên (1, 2, 3..., n). Chiều đánh số thứ tự của ngôi nhà trong mỗi nhóm nhà được xác định theo nguyên tắc sắp xếp các ngôi nhà trong nhóm nhà đó.
Điều 7. Gắn biển số nhà tại đường, hẻm chính, hẻm phụ.
1. Mỗi nhà mặt đường, nhà trong hẻm chính, trong hẻm phụ được gắn 1 biển số nhà. Trường hợp một nhà có nhiều cửa ra vào từ nhiều đường, hẻm chính, hẻm phụ khác nhau thì biển số nhà được gắn ở cửa chính. Nếu nhà có cửa chính ở tại góc hai đường, hẻm chính, hẻm phụ thì nhà đó được đánh số và gắn biển theo đường, hẻm chính, hẻm phụ lớn hơn.
2. Biển số nhà được gắn tại cửa đi sát hè hoặc lòng đường, phía trên giữa cửa đi chính. Trường hợp nhà có hàng rào sát hè hoặc lòng đường thì biển số nhà được gắn tại cột trụ cổng chính, phía bên trái (theo chiều từ phía ngoài vào nhà) ở độ cao dễ nhìn.
Điều 8. Gắn biển tên nhóm nhà, ngôi nhà.
1. Biển tên nhóm nhà được đặt tại một góc của nhóm nhà đó, trên vỉa hè gần với đường phố lớn nhất.
2. Biển tên ngôi nhà được đặt tại mặt đứng và hai bức tường đầu hồi của ngôi nhà (với những ngôi nhà có diện tích xây dựng nhỏ ≤ 200m2 thì không cần thiết phải đặt biển tên tại hai bức tường đầu hồi). Tại mặt đứng, biển được đặt tại vị trí tầng 1 trong trường hợp nhà một tầng, tại tầng 2 trong trường hợp nhà nhiều tầng. Tại bức tường đầu hồi, biển được đặt tại vị trí có độ cao bằng hai phần ba chiều cao nhà trong trường hợp nhà cao từ mười bảy mét (17m) trở xuống; được đặt vị trí có độ cao chín mét (9m) trong trường hợp nhà cao trên mười bảy mét.
Điều 9. Các loại biển được sử dụng gồm 04 loại sau đây.
1. Biển số nhà mặt đường;
2. Biển số nhà trong hẻm chính, nhà trong hẻm phụ;
3. Biển tên nhóm nhà;
4. Biển tên ngôi nhà;
Điều 10. Cấu tạo các loại biển
1. Màu sắc và chất liệu của biển: Các loại biển nêu tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 của Quy chế này có nền màu xanh lam sẫm, chữ và số màu trắng, đường chỉ viền màu trắng; được làm bằng sắt tráng men hoặc nhôm lá dập, dày 1 mm;
2. Kích thước của từng loại biển:
a) Biển số nhà mặt đường:
Biển có 1 hoặc 2 chữ số (chiều rộng x chiều cao): 200 mm x 150 mm;
Biển có 3 chữ số: 230 mm x 150 mm;
Biển có 4 chữ số: 260 mm x 150 mm;
b) Biển số nhà trong hẻm chính, nhà trong hẻm phụ:
Biển có 1,2 hoặc 3 chữ số (chiều rộng x chiều cao): 230 mm x 180 mm;
Biển có 3 chữ số và một chữ cái: 260 mm x 180 mm;
c) Biển số căn hộ (hoặc phòng):
Biển có 3 chữ số (chiều rộng x chiều cao): 170 mm x 100 mm;
Biển có 4 chữ số: 190 mm x 100 mm;
d) Biển tên nhóm nhà: 650 mm x 650 mm;
đ) Biển tên ngôi nhà (chiều rộng x chiều cao): 850 mm x 650 mm;
3. Cách ghi trên biển số: Đối với các loại biển quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 2 điều này thì ghi theo quy định tại Phụ lục 2 của Quy chế này.
XỬ LÝ TỒN TẠI VỀ ĐÁNH SỐ VÀ GẮN BIỂN SỐ NHÀ
Điều 11. Việc đánh số và gắn biển số nhà theo quy định tại Quy chế này áp dụng đối với những khu vực mới xây dựng. Đối với phố cũ, khu vực đã có số nhà trước đây, nếu tỷ lệ đánh số và gắn biển số nhà chiếm 80 - 90% thì giữ nguyên theo biển số cũ, nhưng phải gắn lại biển số nhà đúng hình dáng kích thước quy định theo Quy chế.
Điều 12. Đánh số nhà đối với trường hợp nhà mặt đường (hoặc nhà trong hẻm chính, trong hẻm phụ) được xây mới, xây dựng lại trên đất của khuôn viên nhà cũ:
1. Trường hợp nhà xây mới xen trên đất của khuôn viên nhà cũ thì đánh số nhà đó bằng tên ghép của số nhà cũ và một chữ cái in hoa của tiếng Việt (ví dụ: A). Nếu có nhiều nhà mới thì việc ghi chữ cái in hoa tiếng Việt theo thứ tự A, B, C ..., Y và xác định chiều theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Quy chế này; trường hợp nhà tại khu vực quy định tại Điều 11 Quy chế này thì chiều đánh số nhà theo hiện trạng.
2. Trường hợp nhà được xây dựng lại trên đất khuôn viên nhiều nhà cũ thì nhà được mang số của nhà cuối cùng của dãy nhà cũ bị phá dỡ của đường (hoặc hẻm chính, hẻm phụ) đó.
Điều 13. Trường hợp một nhà mặt đường (hoặc nhà trong hẻm chính, trong hẻm phụ) được phân chia thành hai nhà do phát sinh thêm chủ sở hữu mới thì một nhà được mang tên số nhà cũ và một nhà được đánh số bằng tên ghép của số nhà cũ và một chữ cái in hoa tiếng Việt (A). Nếu được phân chia thành nhiều nhà mặt đường thì việc ghi chữ cái in hoa tiếng Việt theo thứ tự A, B, C..., Y và xác định chiều theo quy tắc quy định tại Điều 4 của Quy chế này; trường hợp nhà tại khu vực quy định tại Điều 11 Quy chế này thì chiều đánh số nhà theo hiện trạng.
Điều 14. Trường hợp một đường cũ phân chia thành nhiều đường mới hoặc nhiều đường được nhập thành đường phố mới thì các nhà mặt đường phải được đánh số và gắn biển số nhà theo quy định tại Điều 4 và Điều 7 của Quy chế này nhưng biển số nhà cũ vẫn được giữ lại trong thời hạn hai năm và được gắn phía dưới biển số nhà mới.
Điều 15. Đánh số nhà bổ sung tại đường, phố đang xây dựng dở dang
1. Trường hợp đường có ít nhà mới được xây thêm thì nhà mới xây được đánh số theo số nhà chính kèm chữ số bằng chữ cái tiếng Việt theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 12 của Quy chế này.
2. Trường hợp đường, phố có nhiều nhà mới được xây thêm và có nhiều nhà đánh số sai nguyên tắc thì thực hiện đánh lại số nhà của cả đường, phố.
Điều 16. Kinh phí và mức thu lệ phí
1. Kinh phí để đánh số nhà; kinh phí gắn biển số (bao gồm biển số nhà, biển số căn hộ; biển tên nhóm nhà, ngôi nhà) sử dụng từ nguồn thu chi phí cấp biển số nhà và lệ phí cấp biển số nhà (lệ phí cấp mới biển số nhà là: 20.000đ, lệ phí cấp lại là: 10.000đ).
2. Mức chi trực tiếp cho việc sản xuất và lắp đặt biển số nhà, căn hộ không quá mức quy định về lệ phí cấp biển số nhà.
3. Việc quản lý kinh sử dụng lệ phí cấp biển số nhà thực hiện theo quy định quản lý sử dụng lệ phí hiện hành.
Điều 17. Chủ sở hữu nhà hoặc người đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm nộp chi phí và lệ phí cấp biển số nhà. Trường hợp không xác định được chủ sở hữu thì người đang sử dụng có trách nhiệm nộp lệ phí cấp biển số nhà.
Điều 18. Trường hợp nhà ở vị trí mặt đường (hoặc nhà trong hẻm chính, trong hẻm phụ) chưa được gắn biển (do xây mới, xây dựng lại hoặc phát sinh thêm nhà của chủ sở hữu khác) tại khu vực đã thực hiện việc đánh số và gắn biển số nhà thì chủ sở hữu nhà (hoặc người sử dụng) phải làm đơn đề nghị gắn biển số nhà gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp phường).
Điều 19. Người sử dụng nhà có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ biển số nhà đã được gắn. Khi biển số nhà bị hư hỏng, bị mất, chủ sở hữu nhà (hoặc người sử dụng) phải làm đơn đề nghị gắn biển số nhà hoặc thay biển số mới gửi phòng Quản lý đô thị đối với thị xã, phòng Hạ tầng hoặc phòng Công thương đối với các huyện. Không được dùng biển số nhà sai quy định, không được để nhà thiếu biển số. Trường hợp nhà có treo biển hiệu mà ghi địa chỉ khác với biển số nhà được gắn theo quy định của Quy chế này thì phải sửa đổi biển hiệu cho phù hợp.
Điều 20. Người có hành vi vi phạm quy định của Quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.
Điều 21. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Chỉ đạo phòng chức năng có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai công tác việc đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn để quản lý;
b) Ủy quyền cho trưởng phòng phòng Quản lý đô thị đối với thị xã, phòng hạ tầng hoặc phòng Công thương đối với các huyện ký giấy chứng nhận biển số nhà theo quy định.
2. Trách nhiệm của các phòng ban cấp huyện (phòng Quản lý đô thị đối với thị xã, phòng Hạ tầng hoặc phòng Công thương đối với các huyện):
a) Xây dựng, phân vùng đô thị - điểm dân cư nông thôn trên địa bàn cần đánh số và gắn biển số nhà, lập sơ đồ gắn biển số nhà và kế hoạch thực hiện trình UBND huyện phê duyệt;
b) Cấp chứng nhận số nhà cho các hộ được gắn biển theo quy định của Quy chế này để chủ sở hữu (hoặc người sử dụng) dùng khi cần thiết. Mẫu chứng nhận số nhà được quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này. Giấy chứng nhận số nhà không thay thế cho việc công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng (giấy chứng nhận số nhà là căn cứ để các đơn vị có liên quan điều chỉnh và cập nhật trong công tác quản lý trật tự hành chính xã hội và các giấy tờ có liên quan trong các giao dịch dân sự);
c) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sáu tháng một lần về kết quả thực hiện đánh số và gắn biển số nhà;
d) Thanh tra, xử lý các vi phạm về quản lý đánh số và gắn biển số nhà theo thẩm quyền.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp phường, xã:
a) Phối hợp với phòng Quản lý đô thị đối với thị xã, phòng Hạ tầng hoặc phòng Công thương triển khai thực hiện đánh số, gắn biển số nhà và trao chứng nhận biển số nhà cho các hộ trên địa bàn;
b) Tuyên truyền, phổ biến và đôn đốc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn chấp hành quy định về đánh số và gắn biển số nhà;
c) Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn theo thẩm quyền; báo cáo và kiến nghị xử lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện những trường hợp vượt quá thẩm quyền.
Điều 22. Trình tự thủ tục cấp biển số nhà
1. Đối với việc triển khai đồng loạt:
a) Chủ sở hữu (người sử dụng nhà) có phiếu đề nghị (theo mẫu tại phụ lục 3) cấp biển số nhà gửi Ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn;
b) Ủy ban nhân dân cấp phường, xã, thị trấn tổng hợp, chuyển phòng Quản lý đô thị đối với thị xã, phòng Hạ tầng hoặc phòng Công thương đối với các huyện cấp biển số nhà theo quy định;
c) Phòng Quản lý đô thị đối với thị xã, phòng Hạ tầng hoặc phòng Công thương tiến hành khảo sát cấp biển số nhà theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt;
d) Thời gian thực hiện theo kế hoạch được duyệt.
2. Cấp đổi, cấp lại và cấp riêng lẻ biển số nhà:
a) Chủ sở hữu (người sử dụng nhà) có phiếu đề nghị cấp đổi, cấp lại biển số nhà (theo mẫu tại phụ lục số 3 - 4) gửi trực tiếp phòng Quản lý đô thị đối với thị xã, phòng Hạ tầng hoặc phòng Công thương đối với các huyện thụ lý cấp đổi, cấp lại và cấp riêng lẻ biển số nhà;
b) Từ lúc nhận đủ hồ sơ phòng Quản lý đô thị đối với thị xã, phòng Hạ tầng hoặc phòng Công thương đối với các huyện cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và biển số nhà trong thời gian không quá 07 ngày làm việc. Cấp riêng lẻ giấy chứng nhận và biển số nhà trong thời gian không quá 20 ngày làm việc;
c) Chủ sở hữu (người sử dụng nhà) có trách nhiệm đóng các khoản chi phí - lệ phí trước khi nhận biển số nhà.
Điều 23. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn.
- 1Quyết định 22/2012/QĐ-UBND về Quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 37/2013/QĐ-UBND Quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 3Quyết định 04/2014/QĐ-UBND về Quy chế Đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 1Quyết định 05/2006/QĐ-BXD ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật xây dựng 2003
- 4Quyết định 22/2012/QĐ-UBND về Quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- 5Quyết định 37/2013/QĐ-UBND Quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 6Quyết định 04/2014/QĐ-UBND về Quy chế Đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội
Quyết định 12/2008/QĐ-UBND ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
- Số hiệu: 12/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/05/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
- Người ký: Đặng Đức Yến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra