Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 1 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU GẠO VÀ NHẬP KHẨU PHÂN BÓN NĂM 1998

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 thàng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

I. XUẤT KHẨU GẠO:

Điều 1. Hạn ngạch xuất khẩu gạo 4,0 triệu tấn trong năm 1998 được giao như sau:

- Các địa phương: 2,8 triệu tấn (bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố).

- Các Công ty của Trung ương: 1,2 triệu tấn (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Căn cứ sản lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ, kết quả xuất khẩu gạo năm 1997 và sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mắt, Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định phân một lần 90% hạn ngạch xuất khẩu gạo nói trên cho các tỉnh, các doanh nghiệp Trung ương và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngay trong tháng 1 năm 1998 để tổ chức thực hiện.

Đến tháng 9 năm 1998, nếu tình hình sản xuất thuận lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc giao tiếp hạn ngạch xuất khẩu gạo còn lại của năm 1998.

Việc xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo giấy phép đầu tư được cấp.

Điều 2. Đối với gạo sản xuất ở miền Bắc và miền Trung: Cho phép các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu. Bộ Thương mại có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Điều 3. Đối với gạo sản xuất ở miền Nam: ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp năm 1997, nay mở rộng thêm:

+ Các tỉnh có sản lượng lúa trên 1 triệu tấn, nếu chưa có 02 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp, được bổ sung 01 doanh nghiệp.

+ Cho phép Tổng công ty thương mại tổng hợp Sài gòn, Tổng công ty vật tư nông nghiệp, Công ty xuất nhập khẩu ngũ cốc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nông trường Cờ Đỏ Cần Thơ được xuất khẩu gạo trực tiếp.

+ Ngoài số doanh nghiệp Nhà nước được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định theo quy định tại Điều này, Bộ Thương mại cho phép thí điểm một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh chế biến xay xát lúa gạo được xuất khẩu gạo trực tiếp nếu có đủ điều kiện.

Điều 4. Việc phân bổ hạn ngạch và điều chỉnh hạn ngạch xuất khẩu gạo (trong tổng hạn ngạch xuất khẩu gạo đã giao cho tỉnh) cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo là thành viên của Tổng công ty lương thực miền Nam, do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cụ thể.

Điều 5. Căn cứ tình hình cung cầu lương thực trong cả nước và diễn biến thị trường gạo thế giới, Bộ Tài chính điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu gạo phù hợp tình hình thực tế. Trước mắt áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu gạo là 0% để khuyến khích việc tiêu thụ lúa gạo ngay từ đầu năm 1998.

II. NHẬP KHẨU PHÂN BÓN:

Điều 6. Căn cứ chỉ tiêu nhập khẩu phân bón các loại năm 1998 (Phân ure 1.600.000 tấn: Phân DAP 300.000 tấn; Phân SA 250.000 tấn; Phân NPK 350.000 tấn; Phân KCL 240.000 tấn), Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ một lần chỉ tiêu nhập phân bón các loại cho các tỉnh và các doanh nghiệp Trung ương trong tháng 1 năm 1998 để các tỉnh và doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch nhập khẩu và tiêu thụ phân bón.

Điều 7. Để bảo đảm nhu cầu phân bón cho sản xuất trong cả nước, ngoài các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón trong năm 1997, bổ sung các doanh nghiệp sau đây được nhập khẩu phân bón:

- Công ty xuất nhập khẩu Khoáng sản (Minexport) Bộ Thương mại

- Tổng công ty hoá chất - Bộ Công nghiệp

- 01 doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Gia Lai

- 01 doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Nam Định

- Bộ Thương mại trình Thủ tướng Chính phủ cho phép một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh đủ điều kiện được nhập khẩu và kinh doanh phân bón.

Điều 8. Giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 300.000 tấn phân bón các loại cho Công ty thương mại và dịch vụ Hachimex Hải Phòng (ngoài chỉ tiêu nêu tại Quyết định này), để thực hiện phương án kinh doanh theo phương thức lập kho dự trữ thường xuyên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tại văn bản số 5271/KTTH ngày 20 tháng 10 năm 1997.

Căn cứ các quy định hiện hành, giao Bộ Thương mại và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc cho phép Công ty Liên doanh HYDRO AGRI Việt Nam (HAV) tổ chức tạo nguồn, đáp ứng nhu cầu phân bón ổn định cho các doanh nghiệp Việt Nam theo phương thức lập kho nói trên.

Điều 9. Đối với các loại phân bón đặc chủng khác trong nước chưa sản xuất (phân vi sinh, phân bón qua lá) đã được phép sử dụng tại Việt nam, các doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng phù hợp được nhập khẩu theo nhu cầu sản xuất và kinh doanh.

Đối với các loại phân hoá học là nguyên liệu sản xuất phân bón tổng hợp, giao Bộ Thương mại thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp cho phép một số doanh nghiệp quy định tại Điều 7 của Quyết định này bảo đảm nhập đủ nguồn nguyên liệu, cung ứng cho các cơ sở sản xuất phân bón trong nước đã được Bộ Công nghiệp cấp giấy phép sản xuất và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá;

Bộ Công nghiệp cần rà soát, chấn chỉnh lại các doanh nghiệp sản xuất phân bón tổng hợp, nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá và cân đối cung cầu về phân bón tổng hợp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Điều 10. Căn cứ Quyết định này và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại giao hạn ngạch xuất khẩu gạo và chỉ tiêu nhập phân bón năm 1998 cho các tỉnh, trong đầu tháng 2 năm 1998, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh thông báo tên doanh nghiệp và hạn mức xuất khẩu gạo , nhập khẩu phân bón theo quy định tại Điều 3Điều 7 của Quyết định này cho Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp trong chỉ đạo thực hiện.

Điều 11. Căn cứ Quyết định giao hạn ngạch xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón của Bộ Thương mại (cho các tỉnh, các doanh nghiệp của Trung ương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), Quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh (giao hạn ngạch xuất khẩu gạo và chỉ tiêu nhập khẩu phân bón cho các doanh nghiệp thuộc tỉnh), Tổng cục Hải quan hướng dẫn hải quan cửa khẩu làm thủ tục xuất - nhập hàng hoá cho các doanh nghiệp. Bãi bỏ việc cấp giấy phép xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón.

Điều 12. Đối với hạn ngạch xuất khẩu gạo và chỉ tiêu nhập khẩu phân bón năm 1997, các doanh nghiệp được phép thực hiện đến hết ngày 31 tháng 3 năm 1998.

Đối với những thị trường gạo trước đây đã giao cho một số doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp khác ký được hợp đồng có các điều kiện thương mại và giá có lợi theo chỉ đạo của Bộ Thương mại, thì cũng được phép trực tiếp xuất khẩu hoặc xuất khẩu qua khách hàng thứ ba vào các thị trường này.

Ngoài các doanh nghiệp được kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên, doanh nghiệp nhà nước khác tìm được thị trường mới và xét thấy nếu có hiệu quả thì Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiến nghị để Bộ Thương mại xem xét, giải quyết cho xuất khẩu.

Điều 13. ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo chặt chẽ các doanh nghiệp tổ chức mua hết lúa hàng hoá cho nông dân; xuất khẩu có hiệu quả và bảo đảm cung ứng kịp thời vật tư với giá cả hợp lý cho sản xuất nông nghiệp; kết hợp việc kinh doanh lương thực với việc cung ứng phân bón và các dịch vụ khác cho sản xuất nông nghiệp.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các chỉ tiêu xuất - nhập khẩu được giao; không cho phép mua bán, chuyển nhượng hạn ngạch dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều 14. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, bảo đảm cho các doanh nghiệp vay đủ vốn và kịp thời để mua lúa, gạo và nhập khẩu phân bón theo Quyết định này.

Điều 15. Thành lập Ban chỉ đạo để điều hành hoạt động xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón do một Thứ trưởng Bộ Thương mại làm Trưởng Ban, bao gồm đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan một số tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn và Hiệp hội xuất nhập khẩu lương thực Việt Nam.

Điều 16. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký đến hết ngày 31 tháng 3 năm 1999. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 12/1998/QĐ-TTg về điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón năm 1998 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 12/1998/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/01/1998
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 23/01/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản