Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1189/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 07 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHẢN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 Hướng dẫn xác định định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 tại Báo cáo thẩm định số/BCTĐ-HĐTĐ ngày 13/10/2017;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.             Phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với các nội dung chính như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm

- Quy hoạch sản xuất mía đường phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với quy hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp, chiến lược tái cấu trúc, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các quy định khác của toàn quốc, vùng và tỉnh Kon Tum, phát huy tiềm năng, lợi thế trong và ngoài nước trong điều kiện hội nhập.

- Quy hoạch phát triển mía đường phải đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước, từng bước hướng đến thị trường xuất khẩu: phát triển mía đường trên cơ sở nâng công suất nhà máy của Công ty cổ phần Đường Kon Tum theo hướng công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến nhằm đạt được lợi thế về quy mô nhưng phải phù hợp với tiềm năng của vùng nguyên liệu. Đầu tư phát triển đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu, chế biến đường, các sản phẩm sau đường và cạnh đường gắn với thị trường tiêu thụ; tận dụng tối đa phụ phẩm sau chế biến nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành đường.

- Quy hoạch phát triển mía đường phải dựa trên cơ sở sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, ổn định diện tích vùng nguyên liệu đã có; tích cực thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất hình thành các vùng nguyên liệu mía tập trung tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

- Quy hoạch phát triển sản xuất mía đường phải dựa trên cơ sở phát triển mối liên kết 4 nhà, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà chế biến đường và người sản xuất nguyên liệu; đi đôi với xây dựng cơ chế chính sách quản lý phù hợp, nâng cao sức cạnh tranh, tạo động lực phát triển mía đường trong tỉnh trong tình hình mới.

- Quy hoạch phải nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành có liên quan từ tỉnh, huyện đến xã.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

- Sử dụng hợp lý và khai thác hiệu quả quỹ đất để phát triển các vùng mía nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất mía với Công ty cổ phần Đường Kon Tum từ trồng mới, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung cơ giới hóa, nâng cao chất lượng và giá trị trên đơn vị diện tích và phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

- Tập trung phát triển công nghệ sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm mía nguyên liệu.

- Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.

- Gắn phát triển vùng mía nguyên liệu với phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, qua đó góp phần xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Phát triển vùng mía nguyên liệu: Đến năm 2020, phát triển diện tích mía toàn tỉnh 3.250 ha; năng suất bình quân đạt khoảng 70 tấn/ha; sản lượng đạt 227.500 tấn. Trữ lượng đường bình quân của mía nguyên liệu đạt 11 CCS; đến năm 2030 diện tích mía toàn tỉnh đạt 4.000 ha, năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha, sản lượng đạt 320.000 tấn; trữ lượng đường mía nguyên liệu đạt 12 CCS.

- Sản xuất các sản phẩm từ mía: Đến năm 2020 sản xuất 30.000 tấn đường kính trắng, 20.000 tấn mật rỉ; Đến năm 2030 sản xuất 40.000 tấn đường kính trắng, 30.000 tấn mật rỉ; 5.000 lít cồn thực phẩm; Phát điện: 6 MW/h.

II. Nhiệm vụ, giải pháp

1. Định hướng quy hoạch đất trong mía nguyên liệu

- Xác định hiện trạng: Kế thừa bản đồ và số liệu hiện trạng sử dụng đất năm 2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó đất trồng cây hàng năm là 148.108,01 ha và đất chưa sử dụng là 41.231,53 ha trên cơ sở bản đồ và số liệu đất trồng cây hàng năm và đất chưa sử dụng tiến hành chồng xếp bản đồ để đánh giá thích nghi phục vụ cho quy hoạch sử dụng đất; Ứng dụng công nghệ GIS trong đánh giá thích nghi tự nhiên phục vụ cho quy hoạch sử dụng đất phát triển cây mía ở tỉnh.

- Xác định vùng phát triển cây mía: Trên quan điểm phát triển bền vững, vùng phát triển cây mía được xác định như sau: Hiện trạng đang là đất trồng cây hàng năm khác và đất chưa sử dụng; có mức thích nghi S1, S2, S3 đối với cây mía; gần trục đường Giao thông chính để thuận tiện cho việc vận chuyển sản phẩm về nhà máy; không nằm trên các vùng đất quy hoạch khu công nghiệp quy hoạch với mục đích sử dụng khác.

- Định hướng quy hoạch phát triển sản xuất

+ Phát huy tối đa khả năng thích nghi tự nhiên của đất đai để bố trí đất trồng mía; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu (chuyển đổi từ các cây trồng hàng năm như trồng sắn, trồng ngô, trồng lúa rẫy, trồng đậu các loại, … sang trồng mía sử dụng ít nước hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn); thực hiện việc cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mía; Tổ chức liên kết xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía; áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tạo đất tại một số nơi có mức độ thích nghi S2, S3,... để đáp ứng đủ nguyên liệu cung cấp cho Công ty cổ phần Đường Kon Tum khi nâng công suất lên 3.000 tấn mía/ngày vào năm 2020 và đảm bảo hiệu quả sản xuất, lợi ích của nhân dân trong điều kiện biến đổi khí hậu.

+ Quy mô diện tích nguyên liệu mía cụ thể trên từng xã, phường, thị trấn tại Phụ biểu 01 kèm theo.

+ Về năng suất, sản lượng mía đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Năm

Chỉ tiêu

ĐVT

Tổng số

Tp Kon Tum

Đăk Hà

Đăk Tô

Sa Thầy

Kon Rẫy

Tu Mơ Rông

Năm 2020

Diện tích

Ha

3.250

1.995

200

300

300

205

250

Năng suất

Tấn/ha

70

72

67

67

70

65

64

Sản lượng

Tấn

227.500

143.640

13.400

20.100

21.000

13.325

16.035

Năm 2030

Diện tích

Ha

4.000

2.300

250

300

305

595

250

Năng suất

Tấn/ha

80

85

75

75

77

71

70

Sản lượng

Tấn

320.000

195.500

18.750

22.500

23.485

42.245

17.520

- Định hướng quy hoạch nhà máy chế biến: Quy hoạch vị trí nhà máy chế biến mía đường: Km số 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Công suất chế biến của nhà máy: Đến năm 2020: 3.000 tấn mía/ngày và nâng công suất lên 4.000 tấn mía/ngày vào năm 2030. Thời gian chế biến mía: Hoạt động liên tục 100 - 120 ngày/năm.

2. Giải pháp về khoa học, kỹ thuật và công nghệ

2.1. Về giống

a) Giải pháp trước mắt

- Tổ chức xây dựng lại Trại giống mía tại xã Đăk La thành trại giống mía công nghệ cao, có nhiệm vụ sản xuất các giống mía năng suất, chất lượng cao. Nâng cao năng lực sản xuất mía giống, đảm bảo cung ứng khoảng 60 - 80% giống mía trên địa bàn tỉnh.

- Quyết liệt chỉ đạo thực hiện cơ cấu giống hợp lý, có khả năng rải vụ chế biến tối đa và hiệu quả cao nhất cho vùng nguyên liệu của nhà máy chế biến. Tỷ lệ cơ cấu khuyến cáo như sau: (1)- Diện tích mía để ép đầu vụ: 25 - 30%, (2)- Diện tích mía để ép giữa vụ: 40 - 50 %, (3)- Diện tích mía để ép cuối vụ: 25 - 30%. Mỗi nhóm giống có từ 2 - 3 giống và mỗi giống dưới 30% tổng diện tích.

b) Giải pháp lâu dài

- Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chọn tạo giống, tuyển chọn giống và nhân nhanh giống mía chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng từng tiểu vùng sinh thái và biến đổi khí hậu để đưa vào sản xuất.

- Xây dựng mối liên kết 04 nhà để tổ chức sản xuất mía bền vững (UBND các xã, phường, thị trấn, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, Viện Nghiên cứu Mía Đường và nông dân).

- Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để nâng cao độ phì nhiêu đất tại các vùng trồng điểm.

- Ứng dụng các sản phẩm và biện pháp sinh học trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.

- Công nghệ tưới tiêu, thiết bị, công nghệ cơ giới hóa nhằm cải tiến kỹ thuật làm đất, tưới tiết kiệm và thu hoạch; Chuyển giao kỹ thuật thâm canh mía cho nông dân.

2.2. Về kỹ thuật thâm canh, chăm sóc mía

a) Giải pháp trước mắt

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cải tạo đất trồng mía tại một số xã có mức độ thích nghi S2, S3; Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mía trên địa bàn tỉnh.

- Bón phân cân đối, hợp lý theo nguyên tắc 04 đúng: Sử dụng phân bón hợp lý theo hiện trạng của từng loại đất, từng loại giống mía và giai đoạn sinh trưởng của cây mía. Bón phân cân đối sẽ có tác dụng tốt như: Ổn định và cải thiện độ phì đất, bảo vệ đất chống xói mòn, rửa trôi. Tăng năng suất chất lượng mía và bảo vệ được nguồn nước, hạn chế chất thải gây độc hại cho môi trường.

b) Giải pháp lâu dài

- Xây dựng và áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh hợp lý; áp dụng hệ thống quản lý dinh dưỡng tổng hợp và quản lý dịch hại tổng hợp trong trồng và chăm sóc mía; xây dựng và mở rộng mô hình áp dụng công nghệ cao trong thâm canh mía; tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất, chế biến, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm.

- Tăng cường đầu tư, củng cố và hoàn thiện hệ thống các công trình thủy lợi; hệ thống giao thông nội vùng phục vụ sản xuất mía nguyên liệu. Hoàn thành việc cơ giới hoá khâu làm đất, từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hoạch.

2.3. Về chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ

a) Giải pháp trước mắt

- Triển khai xây dựng các mô hình điểm về chuyển đổi các loại cây trồng hàng năm sang trồng mía đặc biệt tại các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.

- Ứng dụng cơ giới hóa: Các khâu trong quy trình sản xuất mía nguyên liệu như: Làm đất, rạch hàng, cắt hom, trồng, tấp gốc, xới đất làm cỏ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, bóc lá và nâng bốc mía,... hiện nay đều có thể ứng dụng cơ giới hóa vào thực hiện một cách đồng bộ, qua đó góp phần giải phóng sức lao động; giảm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong điều kiện sản xuất mía nguyên liệu tại Kon Tum, tùy theo điều kiện, mức độ tập trung quy mô diện tích của mỗi vùng sản xuất và khả năng đầu tư để từng bước áp dụng các loại máy móc, thiết bị có công suất tương ứng, phù hợp, như: máy trồng mía đa năng, máy làm cỏ, phun thuốc,...

b) Giải pháp lâu dài

Đầu tư công nghệ tưới tiên tiến vào sản xuất mía: Hiện nay, các công nghệ tưới như: tưới rãnh, tưới phun mưa và tưới lưu lượng thấp (phun mưa nhỏ, tưới nhỏ giọt) là các công nghệ tưới đang được sử dụng cho cây trồng cạn, trong đó có tưới cho cây mía. Khuyến cáo nông dân nên tận dụng các nguồn nước tưới cho mía (tùy vào từng điều kiện cụ thể của các vùng sản xuất để lựa chọn hình thức tưới phù hợp, hiệu quả) và áp dụng các biện pháp giữ ẩm đất (cày sâu, tủ gốc bằng xác thực vật, trồng cây phân xanh giữ ẩm, dùng màng phủ nông nghiệp cho mía trồng mới...) để nâng cao năng suất mía.

2.4. Về công tác khuyến nông

a) Giải pháp trước mắt: Công ty cổ phần đường Kon Tum gắn kết với Trung tâm Khuyến nông tỉnh bố trí kinh phí xây dựng và phổ biến nhằm nhân rộng các mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía, đặc biệt mô hình trồng giống mới có năng suất, chất lượng cao cho người trồng mía được biết để phát triển rộng rãi.

b) Giải pháp lâu dài: Tăng cường đào tạo cán bộ, đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao cho sản xuất mía trong thời kỳ hội nhập. Thường xuyên mở các lớp tập huấn để hướng dẫn, phổ biến quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh mía cho các hộ trồng mía nguyên liệu.

3. Giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

a) Giải pháp trước mắt: UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát các đường giao thông nội đồng vào vùng nguyên liệu mía bị hư hỏng nặng, đề xuất Công ty Cổ phần Đường Kon Tum hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp để phục vụ sản xuất; Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu mía ứng dụng công nghệ cao.

b) Giải pháp lâu dài

- Khuyến khích đầu tư để thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hệ thống công trình giao thông, điện, thủy lợi,… trong vùng quy hoạch vùng nguyên liệu mía.

- Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đầu tư hỗ trợ theo phương thức thỏa thuận với người trồng mía đối với các hạng mục công trình: Giao thông nội đồng, trạm bơm tưới nội đồng, kênh mương nội đồng, đào ao, đóng giếng và bãi tập kết mía nguyên liệu.

- Xây dựng tuyến đường tránh đi qua thành phố Kon Tum.

4. Giải pháp về cơ chế chính sách

a) Giải pháp trước mắt

- Thực hiện Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để cho doanh nghiệp thuê lại phát triển vùng nguyên liệu mía ứng dụng công nghệ cao (Năm 2017, Công ty cổ phần đường có kế hoạch dồn đổi, tích tụ 185 ha tại xã Kroong, thành phố Kon Tum; xã Đăk La, huyện Đăk Hà và xã Mo Ray, huyện Sa Thầy để thực hiện Dự án cánh đồng lớn mía ứng dụng công nghệ cao).

- Hỗ trợ dồn điền đổi thửa: UBND cấp xã nơi thực hiện dồn điền đổi thửa chủ động bố trí Ngân sách địa phương dùng cho các chi phí về văn phòng phẩm, in ấn, hội họp, vận động xã viên thực hiện dồn điền đổi thửa; UBND cấp huyện hỗ trợ kinh phí cho các ban chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa cấp xã, thị trấn để thực hiện công tác ngoại nghiệp và nội nghiệp của việc dồn điền đổi thửa; Người trồng mía tham gia thực hiện dồn điền đổi thửa.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang trồng mía (gồm đất mới khai hoang, đất phục hóa, đất đang trồng các loại cây trồng khác). Điều kiện để được hỗ trợ: tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có diện tích đất chuyển sang trồng mía phải có văn bản cam kết trồng mía liên tục trong 2 chu kỳ sản xuất (6 năm) và có xác nhận của UBND cấp xã.

- Đầu tư trồng mới mía: Đầu vụ trồng mới mía hàng năm, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum công bố công khai chính sách đầu tư hỗ trợ, ứng trước giống, vốn, vật tư của Công ty cho người trồng mía.

- Bảo hiểm giá mía: Tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm giá mía trên địa bàn toàn tỉnh, giá mua mía cây hàng năm phải được thông báo rộng rãi với người sản xuất. Trước khi vào vụ trồng mía hàng năm, việc ký kết hợp đồng mua bán mía giữa Công ty Cổ phần Đường Kon Tum với người trồng mía phải được thực hiện theo quy định.

b) Giải pháp lâu dài

- Thực hiện hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp vùng quy hoạch mía nguyên liệu trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các chính sách hiện hành của nhà nước.

- Tổ chức thực hiện các chính sách liên quan của Trung ương, các chính sách khuyến khích ưu đãi về phát triển vùng nguyên liệu mía đường của địa phương và các nhà máy đường.

- Chính sách hỗ trợ đầu tư để thực hiện các mô hình ứng dụng các biện pháp toàn diện về canh tác mía, về công tác tuyển chọn, khảo nghiệm và sản xuất thử các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với các vùng đất trồng mía ở Kon Tum. Người trồng mía được chuyển giao miễn phí các tiến bộ kỹ thuật về cây mía để áp dụng vào sản xuất.

- Chính sách tín dụng:

+ Chính sách đảm bảo tiền vay: Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

+ Chính sách bảo đảm tiền vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết: Áp dụng Điều 14 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

+ Chính sách bảo đảm tiền vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Áp dụng Điều 15 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

5. Giải pháp về thị trường, tiêu thụ và xúc tiến đầu tư

a) Giải pháp trước mắt

- Thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp cho công ty cổ phần Đường Kon Tum thuê lại quyền sử dụng đất của dân để xây dựng cánh đồng lớn; Hợp đồng lao động với người dân thực hiện sản xuất mía.

- Xây dựng Dự án cánh đồng lớn mía ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum. Năm 2017, trước mắt xây dựng 01 Dự án cánh đồng lớn mía ứng dụng công nghệ cao với quy mô 695 ha. Giai đoạn 2018 - 2020 xây dựng thêm 02 Dự án cánh đồng sản xuất mía lớn với quy mô khoảng 1.000 ha.

- Ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm với người dân theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Công ty Cổ phần Đường Kon Tum tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm giá mía; tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất mía;....

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Đường Kon Tum liên kết xây dựng bạn hàng chiến lược, xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa và tăng cường xúc tiến thương mại mía đường.

- Ban hành chính sách Quy định mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó có chính sách hỗ trợ cây mía.

b) Giải pháp lâu dài

- Tiếp tục thực hiện chính sách huy động vốn từ những nguồn xã hội hóa để xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu mía tập trung. Đầu tư hệ tưới ở những nơi có đủ kiện kiện và nguồn nước.

- Định hướng thị trường tiêu thụ, thị hiếu người tiêu dùng cho sản phẩm đường và sản phẩm sau đường, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm,...

- Tăng cường kiểm soát thực hiện quy định chất lượng chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Giải pháp về bảo vệ môi trường

a) Giải pháp trước mắt: Tận dụng tối đa các phế phụ phẩm của ngành đường để sản xuất các sản phẩm phụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

b) Giải pháp lâu dài: Công ty Cổ phần Đường Kon Tum cần tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, áp dụng các thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả thu hồi và chất lượng sản phẩm; lựa chọn bước đi hợp lý, chuyển đổi dần sang đường tinh luyện để phù hợp với thị trường; sớm hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất theo ISO, GMP, ... đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn hội nhập kinh tế thế giới; Đầu tư xây dựng tuyến đường tránh đi qua TP Kon Tum để giảm ô nhiễm do khói bụi; Nghiên cứu đầu tư xây dựng các điểm, cơ sở sơ chế, chế biến vệ tinh tại các địa phương sau đó chuyển sơ phẩm về nhà máy để chế biến tinh.

7. Giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ

a) Giải pháp trước mắt: Tiếp tục triển khai thực hiện QCVN 01-98:2012/BNNPTNT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu); Lắp đặt thêm các hệ thống cyclone ướt để xử lý bụi khói khi làm sạch mía nguyên liệu.

b) Giải pháp lâu dài: Cải tiến hoặc thay thế các thiết bị hiện có theo hướng nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên, vật liệu, năng lượng; Thay đổi công nghệ nhằm giảm hoặc không sử dụng các loại hóa chất trong quá trình chế luyện đường để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đến giai đoạn 2021 - 2022, Công ty CP Đường Kon Tum sẽ xây dựng Dự án lắp đặt hệ thống máy phát điện từ bã mía để phát điện bán ra ngoài và Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Cồn thực phẩm.

8. Giải pháp tuyên truyền, phổ biến

a) Giải pháp trước mắt: Sau khi Quy hoạch được thông qua, công bố Quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, nông dân trên địa bàn biết, thực hiện đúng Quy hoạch; Phổ biến chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 và Kế hoạch liên kết tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch dồn đổi tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao; Hướng dẫn nông dân ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản; ....

b) Giải pháp lâu dài: Tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất mía bền vững để người dân biết, học tập làm theo; Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng quy hoạch.

9. Nguồn vốn đầu tư

a) Nguồn vốn đầu tư

Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư Quy hoạch giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 602,41 tỷ đồng (giai đoạn 2017 - 2020: 122,41 tỷ đồng: giai đoạn 2021 - 2030: 480 tỷ đồng). Trong đó:

- Ngân sách nhà nước: Huy động vốn đầu tư từ Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thông qua các Chương trình, Dự án về khoa học công nghệ và phát triển mía đường: khoảng 2,45 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư cho các nhiệm vụ khuyến nông, ứng dụng công nghệ cao: khoảng 1,037 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 74 triệu đồng).

- Nguồn vốn từ Công ty cổ phần đường Kon Tum và nông dân trồng mía: khoảng 598,923 tỷ đồng.

b) Dự án ưu tiên đầu tư

- Dự án sản xuất và cải tạo giống mía.

- Dự án nâng cao công suất chế biến đường giai đoạn 2018 - 2025.

- Dự án cải tạo dây truyền chế biến đường, sản phẩm sau đường theo công nghệ hiện đại.

- Dự án phát triển vùng mía nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao.

- Dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía.

- Mô hình liên kết sản xuất gắn với chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả hoặc đất khác sang trồng mía.

- Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất cồn thực phẩm.

- Dự án lắp đặt hệ thống máy phát điện từ bã mía để phát điện bán ra ngoài.

- Dự án xây dựng tuyến đường liên xã Đoàn Kết - Vinh Quang.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Công bố, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng và điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách; giải quyết các vướng mắc đảm bảo thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt có hiệu quả.

- Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có liên quan để thực hiện việc lồng ghép các chương trình vốn đầu tư, đáp ứng yêu cầu vốn phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

- Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Dự án/Phương án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng các Dự án ưu tiên để thực hiện và thu hút các nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển cây mía bền vững.

- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất mía bền vững; mô hình sản xuất thử nghiệm, khảo nghiệm các giống mía mới, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Kon Tum.

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đánh giá chữ đường của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu (QCVN 01-98:2012/BNNPTNT).

- Định kỳ kiểm tra, báo cáo, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Quy hoạch để có sự điều chỉnh kịp thời. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Quy hoạch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu UBND tỉnh xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch phù hợp với các quy định hiện hành.

3. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối nguồn vốn tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định bố trí nguồn vốn thực hiện.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng thích nghi về cây mía.

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về môi trường đối với hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tiếp tục hướng dẫn thực hiện áp dụng tiêu chuẩn Quy chuẩn Quốc gia QCVN 01-98:2012/BNNPTNT cho sản phẩm đường; tăng cường biện pháp quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đường xuất khẩu.

- Ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển mía đường bền vững theo danh mục dự án, chương trình ưu tiên đầu tư tại Quy hoạch này.

6. Sở Công Thương

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan quan xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm đường và sản phẩm chế biến từ phế, phụ phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mía đường.

- Thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu.

7. Ngân hàng Nhà nước tỉnh

Tiếp tục hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh mía, đường theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

8. UBND các huyện, thành phố trong vùng quy hoạch

- Chủ trì triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý việc thực hiện quy hoạch thuộc địa bàn quản lý một cách có hiệu quả.

- Chỉ đạo các các Phòng ban liên quan, UBND các xã trong vùng quy hoạch và Công ty sản xuất mía đường liên doanh, liên kết và chỉ đạo nông dân sản xuất mía đảm bảo chỉ tiêu diện tích; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; hướng dẫn bà con nông dân tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư nhằm phát triển vùng mía nguyên liệu ổn định, bền vững.

- Quản lý, chỉ đạo thực hiện việc trồng mía theo đúng vùng quy hoạch trên địa bàn; giao chỉ tiêu kế hoạch, hướng dẫn cho các xã về diện tích, năng suất, sản lượng mía hàng năm; đôn đốc kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện.

- Tăng cường kinh phí khuyến nông hàng năm để thực hiện các mô hình: trồng mía thâm canh, trồng mía xen canh với các cây trồng họ đậu, trồng giống mía mới có năng suất và chất lượng cao, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa 1 vụ, 2 vụ lúa bấp bênh và các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía.

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thành lập mới các HTX chuyên canh mía, nhằm thúc đẩy sản xuất, dịch vụ và tiêu thụ mía cho nông dân.

9. Công ty cổ phần Đường Kon Tum

- Là chủ thể thực hiện Quy hoạch này, sau khi Quy hoạch được công bố, giao Công ty cổ phần Đường Kon Tum chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thông báo đến các xã, thôn, xóm có diện tích bố trí đất trồng mía nguyên liệu.

- Bám sát quy hoạch vùng nguyên liệu được phê duyệt để cùng chính quyền các địa phương, các ngành chỉ đạo, hướng dẫn nông dân vùng quy hoạch tổ chức trồng, chăm sóc, thu mua và chế biến. Đồng thời đầu tư cho nông dân vay vốn, vật tư phân bón, tổ chức sản xuất và cung ứng giống, hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao,... Ký kết hợp đồng thu mua bao tiêu sản phẩm cho người trồng mía nhằm quản lý tốt vùng nguyên liệu, không để xảy ra tình trạng tranh chấp nguyên liệu giữa các Công ty. Thực hiện bảo hiểm giá mía, giá mía bảo hiểm phải hợp lý, tương đương với giá mía nguyên liệu trên thị trường trong khu vực (cùng thời điểm), nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người trồng mía với Công ty.

- Xây dựng Dự án/Phương án cánh đồng lớn sản xuất mía gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ thực hiện theo Quyết định số 1478/QĐ-UBND ngày 06/12/2016 của UBND tỉnh về việc phê quyệt Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn đối với các sản phẩm hàng hóa có lợi thế trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2025.

- Chủ trì triển khai các Dự án ưu tiên đầu tư về nâng cao công suất chế biến đường giai đoạn 2018 - 2025; cải tạo dây truyền chế biến đường, sản phẩm sau đường theo công nghệ hiện đại; phát triển vùng mía nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao; cánh đồng lớn mía; xây dựng Nhà máy sản xuất Cồn thực phẩm; lắp đặt hệ thống máy phát điện từ bã mía để phát điện bán ra ngoài; xây dựng tuyến đường liên xã Đoàn Kết - Vinh Quang.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: CVP. PVPNNTN;
- Lưu: VT. NNTN4,5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Tuy

 

PHỤ BIỂU 01:

DỰ KIẾN QUY MÔ DIỆN TÍCH NGUYÊN LIỆU MÍA CỤ THỂ TRÊN TỪNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Kèm theo Quyết định số 1189/QĐ-UBND ngày 07/11/2017 của UBND tỉnh)

STT

HUYỆN/TP

Thích nghi S1, S2 đối với cây mía

Thực trạng năm 2016

Mục tiêu

Đất chưa sử dụng

Đất trồng cây hàng năm

Năm 2020

Năm 2030

I

THÀNH PHỐ KON TUM

11,56

6.741,65

1.507,00

1.995,00

2.300,00

1

Phường Quang Trung

 

27,18

16

16

16

2

Phường Duy Tân

 

27,33

3

3

3

3

Phường Quyết Thắng

 

1,91

 

 

 

4

Phường Trường Chinh

 

10,29

 

 

 

5

Phường Thắng Lợi

 

14,3

25

25

25

6

Phường Ngô Mây

 

106,68

22

35

50

7

Phường Thống Nhất

 

19,72

40

70

70

8

Phường Lê Lợi

 

31,41

12

12

25

9

Phường Nguyễn Trãi

 

95,32

132

132

132

10

Phường Trần Hưng Đạo

 

61,1

20

20

20

11

Xã Đăk Cấm

0,01

540,04

 

 

 

12

Xã Kroong

 

134,97

 

 

 

13

Xã Ngọc Bay

 

202,3

79

110

150

14

Xã Quang Vinh

 

84,37

26

26

26

15

Xã Đăk Blà

 

1.396,86

 

 

 

16

Xã Ia Chim

 

762,89

16

16

16

17

Xã Đăk Năng

 

444,11

40

200

247

18

Xã Đoàn kết

 

430,37

620

620

620

19

Xã Chưng Hreng

 

622,93

180

200

250

20

Xã Đăk Rơ Wa

 

647,39

250

385

500

21

Xã Hòa Bình

11,55

1.080,18

26

125

150

II

HUYỆN ĐĂK HÀ

37,18

2.882,69

32,1

200

250

1

Thị trấn Đăk Hà

 

0

 

 

 

2

Xã Hà Mòn

 

0

 

 

 

3

Xã Đăk La

 

320,9

20,1

50

50

4

Xã Đăk Uy

 

69,09

 

 

 

5

Xã Ngọc Wang

 

960,94

 

50

50

6

Xã Ngọc Réo

14,4

1.169,27

12

100

150

7

Xã Đăk Pxi

7,48

20,12

 

 

 

8

Xã Đăk Hring

 

123,3

 

 

 

9

Xã Đăk Mar

 

37,02

 

 

 

10

Xã Đăk Ngok

15,3

169,39

 

 

 

11

Xã Đăk Long

 

12,66

 

 

 

III

HUYỆN ĐĂK TÔ

99,34

2.934,17

9

300

300

1

Diên Bình

80,02

374,8

 

30

30

2

Pô Kô

19,32

2.257,70

 

30

30

3

Thị trấn Đăk Tô

 

54,25

9

60

60

4

Tân cảnh

 

247,42

 

30

30

5

Ngọc Tụ

 

 

 

50

50

6

Đăk Rơ nga

 

 

 

50

50

7

Đăk Trăm

 

 

 

50

50

IV

HUYỆN SA THẦY

1.789,01

13.686,41

117

300

305

1

Thị trấn Sa Thầy

 

389,28

 

 

 

2

Xã Rời Kơi

1.294,68

1.955,14

36

150

150

3

Xã Sa Nhơn

 

111,49

 

 

 

4

Xã Hơ Moong

 

2.970,49

 

20

20

5

Xã Mô Rai

213,36

697,35

64

65

65

6

Xã Sa Sơn

 

2.505,48

 

 

 

7

Xã Sa Nghĩa

 

198,69

 

 

 

8

Xã Sa Bình

 

835,78

17

30

30

9

Xã Ya Xiêr

59,43

2.503,84

 

25

30

10

Xã Ya Tăng

221,54

627,61

 

 

 

11

Xã Ya Ly

 

891,26

 

10

10

V

HUYỆN KON RẪY

2.557,62

6.176,40

46,4

205

545

1

Xã Đăk Kôi

0,1

 

 

 

 

2

Xã Đăk Ruồng

605,85

1.550,25

42,5

50

155

3

Xã Đăk Tờ Lung

671,85

579,06

 

40

100

4

Xã Đăk Tơ Re

753,73

2.553,99

 

45

140

5

Xã Tân Lập

344,37

754,92

3

20

50

6

Thị trấn Đăk Rve

76,53

476,1

0,9

50

100

7

Xã Đăk Pne

105,19

262,08

 

 

 

VI

HUYỆN TU MƠ RÔNG

0

0

0

250

250

1

Xã Đăk Rơ Ông

0

0

0

50

50

2

Xã Đăk Tờ Kan

0

0

0

200

200

TỔNG CỘNG

4.494,71

32.421,32

1.711,50

3.250,00

4.000,00

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1189/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 1189/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Đức Tuy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản