Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1188/QĐ-UBND

ngày 02 tháng 05 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN KHUYẾN NÔNG HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 176/2010/NQ-HĐND ngày 02/7/2010 của HĐND tỉnh Đồng Nai về chuẩn nghèo và Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định 52/2011/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 902/TTr-SNN ngày 23/4/2012 về việc thông qua Dự án Khuyến nông cho người nghèo giai đoạn 2012 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án Khuyến nông hỗ trợ cho người nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 với các nội dung chủ yếu sau

1. Mục tiêu của Dự án

1.1. Mục tiêu tổng quát

Thông qua việc tập huấn và thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm trang bị kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người nghèo, hộ nghèo để biết bố trí và áp dụng vào phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập. Góp phần cùng với các chương trình khác nhằm thực hiện mục tiêu chung của toàn tỉnh là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 1,5%.

1.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

- Có 5.000 hộ hưởng lợi từ dự án thông qua việc tập huấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Trong số này có 1.480 hộ được hỗ trợ giống, vật tư để sản xuất nông nghiệp.

- Từng bước hình thành hệ thống mạng lưới cộng tác viên nhân dân, thực hiện chuyển giao kỹ thuật sản xuất bằng phương thức cầm tay, chỉ việc.

2. Đối tượng và phạm vi thực hiện dự án

- Dự án được thực hiện trong 04 năm (2012 - 2015) trên phạm vi các huyện và thị xã Long Khánh.

- Đối tượng hưởng lợi là những hộ nghèo thuộc đối tượng chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh, có đủ điều kiện trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp (có lao động và đất sản xuất) nhưng thiếu kiến thức, kinh nghiệm và điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Trong đó, chú trọng ưu tiên cho vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc bản địa.

- Nhằm bảo đảm cho nông dân nắm được quy trình trồng trọt, chăn nuôi, tích lũy vốn, kinh nghiệm, biết tính toán đầu tư hiệu quả… để nông dân thoát nghèo bền vững: Hộ được chọn thực hiện mô hình nuôi gà, trồng lúa, trồng bắp và trồng mía được hỗ trợ liên tiếp 02 chu kỳ; mô hình nuôi dê và nuôi bò hỗ trợ một lần.

3. Kinh phí dự án

a) Nguồn vốn thực hiện Dự án từ ngân sách Nhà nước: 15.048.400.000 đồng (mười lăm tỷ không trăm bốn mươi tám triệu bốn trăm nghìn đồng)

- Năm 2012: 3.959.630.000 đồng.

- Năm 2013: 4.069.430.000 đồng

- Năm 2014: 3.631.050.000 đồng.

- Năm 2015: 3.388.290.000 đồng.

Trong đó:

+ Tập huấn kỹ thuật: 1.525.950.000 đồng.

+ Hỗ trợ sản xuất: 12.550.000.000 đồng.

+ Chi phí quản lý và phụ cấp cho cộng tác viên khuyến nông cơ sở: 972.450.000 đồng.

b) Vốn đối ứng của dân: 18.554.700.000 đồng (gồm các khoản công lao động, chi phí vật tư, khấu hao chuồng trại).

4. Hiệu quả kinh tế và xã hội của dự án

4.1. Hiệu quả kinh tế

- Qua tính toán, những hộ trực tiếp thực hiện mô hình thu lợi bình quân như sau:

+ Mô hình nuôi gà: 1,5 triệu đồng/chu kỳ.

+ Mô hình nuôi dê: 9 triệu đồng/năm (năm thứ 2).

+ Mô hình nuôi bò: 8 - 12 triệu đồng/năm (năm thứ 3).

+ Mô hình trồng lúa: 1,2 triệu đồng/vụ.

+ Mô hình trồng bắp: 5,2 triệu đồng/vụ.

+ Mô hình trồng mía: 9 triệu đồng/vụ.

- Ngoài ra, người dân còn có nguồn thu nhập qua công lao động, các sản phẩm phụ khác như phân chuồng và các phụ phẩm nông nghiệp khác.

4.2. Hiệu quả xã hội

Ngoài những lợi ích về kinh tế, qua thực hiện các mô hình nêu trên, hộ nghèo tận dụng được lao động nhàn rỗi, các nguyên vật liệu sẵn có để sản xuất. Điều quan trọng là nắm bắt được kỹ thuật, kinh nghiệm để tổ chức sản xuất các chu kỳ tiếp theo, giúp gia đình ổn định cuộc sống, từng bước tiến tới thoát nghèo bền vững.

- Việc thực hiện dự án góp phần ổn định cuộc sống, giảm nghèo cho nhân dân vùng dự án, nhất là các xã nghèo, vùng nghèo,... hiện đời sống còn khó khăn.

- Việc thực hiện thành công dự án sẽ góp phần thiết thực tạo được lòng tin của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án về thực hiện chính sách an sinh xã hội xóa đói giảm nghèo mà Đảng và Nhà nước ta đề ra.

- Thành công của dự án là ngoài việc giúp người nghèo có thêm thu nhập, nâng thêm hiểu biết về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

5. Các giải pháp

5.1. Giải pháp chọn hộ thực hiện

Hộ tham gia dự án phải đảm bảo các tiêu chí sau:

- Là hộ nghèo có tên trong danh sách hộ nghèo năm đầu giai đoạn 2011 -2015 theo chuẩn nghèo được quy định tại Nghị quyết số 176/2010/NQ-HĐND ngày 02/7/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh, ưu tiên hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có chủ hộ là nữ.

- Hộ tham gia dự án phải làm đơn tự nguyện xin đăng ký tham gia dự án và cam kết thực hiện đúng những nội dung dự án quy định.

- Hộ tham gia dự án phải được chính quyền địa phương bình xét công khai, dân chủ để chọn hộ.

- Có tinh thần học hỏi, cầu tiến để thoát nghèo.

- Có đủ điều kiện thực hiện mô hình (phải có đất đai, chuồng trại nuôi, có lao động, chịu khó chăn nuôi sản xuất...) và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật thực hiện mô hình do dự án tổ chức.

- Hộ có đủ điều kiện được vay vốn hộ nghèo (nếu có nhu cầu) hoặc có nguồn vốn tự có để đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của dự án.

- Sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ nông dân khác.

5.2. Giải pháp về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất

a) Giống

- Trên lĩnh vực trồng trọt: Ứng dụng các giống đã qua chọn tạo, nhập nội có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp điều kiện sinh thái của từng vùng.

- Trên lĩnh vực chăn nuôi: Ứng dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chú trọng sử dụng các nguồn giống hiện có tại địa phương.

b) Kỹ thuật sản xuất

- Ứng dụng theo quy trình sản xuất hiện hành của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai.

- Đối với mô hình chăn nuôi gà, dê và bò sẽ hướng dẫn cho người dân kỹ thuật về biện pháp phòng dịch, vệ sinh thú y, kỹ thuật phối giống nhân đàn và các quy định của Pháp lệnh thú y.

- Phương thức hướng dẫn hộ dân thực hiện mô hình:

+ Tập huấn kỹ thuật theo từng chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi (03 lần tập huấn).

+ Thực hiện phương thức cầm tay, chỉ việc trong suốt quá trình thực hiện mô hình của hộ dân.

5.3. Giải pháp tài chính

a) Kinh phí dự án

- Hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước: 15.048.400.000 đồng.

- Vốn đối ứng thực hiện Dự án: 18.554.700.000 đồng (gồm các khoản công lao động, chi phí vật tư, khấu hao chuồng trại của các hộ tham gia Dự án).

b) Cơ chế tài chính

- Thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 102/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 20/8/2007, số 44/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 29/3/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và hướng dẫn số 125/HD-SLĐTBXH-STC ngày 22/7/2009 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính về triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tỉnh Đồng Nai.

- Qua tính toán, việc triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò là đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững, ít rủi ro. Tuy nhiên, vốn cho mô hình này cần từ 8 triệu đến 12 triệu trong khi đó theo quy định suất đầu tư cho hộ nghèo không vượt quá 5 triệu đồng/hộ. Vì vậy, để triển khai mô hình này cần có sự phối hợp hỗ trợ từ các nguồn vốn vay khác.

- Hàng năm, căn cứ vào tình hình cụ thể, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cân đối lại kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Cơ quan chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai có trách nhiệm thành lập Ban Quản lý Dự án để quản lý, điều hành, theo dõi việc thực hiện dự án.

2. Đơn vị thực hiện dự án: Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai

Trung tâm Khuyến nông có trách nhiệm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện.

3. Các cơ quan phối hợp thực hiện

Các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong tỉnh, Ngân hàng Chính sách Xã hội, chính quyền địa phương, cán bộ giảm nghèo tại xã, Trung tâm Giáo dục cộng đồng thuộc dự án cùng tham gia hỗ trợ để thực hiện.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội Nông dân tỉnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh; Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Vĩnh