Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 1179/TC-KBNN

Hà Nội , ngày 05 tháng 12 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI ĐẤU THẦU TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ, TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28-10-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 72-CP ngày 26-7-1994 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Phát hành trái phiếu Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 120-CP ngày 17-9-1994 của Chính phủ ban hành Quy chế tạm thời về việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước;
Sau khi trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời đấu thầu các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thi hành Quy chế này. Cục trưởng Cục Kho bạc Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính vật giá có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện Quy chế này.

 

 

BỘ TÀI CHÍNH  




Hồ Tế   

 

QUY CHẾ

TẠM THỜI ĐẦU THẦU TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ, TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆPNHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1179-TC/KBNN ngày 5-12-1994 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Điều 1. Các thuật ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:

1- Đấu thầu trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước (sau đây gọi chung là trái phiếu) là một hình thức phát hành trái phiếu có mức lãi suất được hình thành thông qua kết quả đấu thầu.

2- Lãi suất chỉ đạo là mức lãi suất đặt thầu tối đa của trái phiếu, do cơ quan tổ chức đấu thầu công bố trong thông báo đấu thầu.

3- Lãi suất cố định là mức lãi suất trái phiếu được dùng để tính tiền lãi trả cho người sở hữu trái phiếu khi đến hạn thanh toán lãi và do cơ quan tổ chức đấu thầu công bố trong thông báo đấu thầu.

4- Lãi suất đặt thầu là mức lãi suất trái phiếu do đơn vị tham gia đấu thầu (gọi tắt là đơn vị đặt thầu) đưa ra, được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) năm và được ấn định phần thập phân tối đa là hai con số sau đơn vị phần trăm. Các mức lãi suất đưa ra quá hai con số thập phân sau đơn vị % hoặc vượt quá mức lãi suất chỉ đạo sẽ không được chấp nhận.

5- Khối lượng đặt thầu là tổng giá trị trái phiếu mà đơn vị đặt thầu cam kết mua theo mức lãi suất đặt thầu.

6- Khối lượng trúng thầu là giá trị trái phiếu đơn vị đặt thầu được quyền mua theo kết quả đấu thầu.

7- Giá phát hành trái phiếu là số tiền mà đơn vị trúng thấu phải thanh toán cho ban tổ chức đấu thầu căn cứ theo kết quả đấu thầu.

8- Tiền ký quỹ là số tiền mỗi đơn vị đặt thầu phải ứng trước cho cơ quan tổ chức đấu thầu để được tham gia đấu thầu, mức tối thiểu bằng 5% trên khối lượng dự định đặt thầu và không được tính lãi trong thời gian ký quỹ. Số tiền ký quỹ này sẽ được sử dụng (một phần hoặc toàn bộ) để mua trái phiếu (nếu trúng thầu), hoặc chuyển trả cho người đấu thầu (nếu không trúng thầu), hoặc được sử dụng để nộp tiền phạt chậm thanh toán cho cơ quan tổ chức đấu thầu.

Điều 2. Cơ quan tổ chức đấu thầu bao gồm:

Bộ Tài chính đối với các loại trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trung ương đối với tín phiếu Kho bạc phát hành qua Ngân hàng Nhà nước.

Các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính quyết định đối với trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc đấu thầu trái phiếu:

1- Bí mật về mọi thông tin đặt thầu của các đơn vị đặt thầu.

2- Tổ chức đấu thầu công khai, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các đơn vị đặt thầu.

3- Đơn vị trúng đấu thầu có quyền hạn và trách nhiệm mua trái phiếu theo khối lượng và lãi suất trúng thầu.

Điều 4. Đối tượng tham gia đấu thầu trái phiều bao gồm:

Các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực và thành phần kinh tế, kể cả các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư...

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Pháp lệnh Ngân hàng.

Điều 5. Các đơn vị đặt thầu phải có đủ các điều kiện sau đây:

1- Có tư cách pháp nhân, được thành lập theo pháp luật hiện hành của Việt Nam.

2- Có tài khoản tiền đồng Việt Nam mở tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

3- Nộp tiền ký quỹ vào một tài khoản theo yêu cầu của cơ quan tổ chức đấu thầu trái phiếu trước ngày mở thầu một ngày theo quy định tại điểm 8, Điều 1 của Quy chế này.

4- Có khối lượng đặt thầu tối thiểu theo quy định của cơ quan tổ chức đấu thầu.

5- Chấp hành đầy đủ các thủ tục và quy định của Quy chế này và các thông báo cụ thể của cơ quan tổ chức đấu thầu.

Điều 6. Khối lượng đặt thầu tối thiểu của mỗi đơn vị đặt thầu trong một đợt đấu thầu trái phiếu do cơ quan tổ chức đấu thầu xác định và công bố, riêng đấu thầu tín phiếu Kho bạc (ngắn hạn) do liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước quy định và công bố. Khối lượng đặt thầu tối đa không vượt quá tổng mức vốn cần huy động theo thông báo đấu thầu.

Điều 7. Thông báo đấu thầu trái phiếu:

Trước mỗi đợt tổ chức đấu thầu trái phiếu 7 ngày, cơ quan tổ chức đấu thầu trái phiếu phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin cần thiết về đợt đấu thầu, bao gồm:

Loại trái phiếu đấu thầu: Kỳ hạn; mệnh giá; lãi suất cố định; lãi suất chỉ đạo của đợt đấu thầu.

Tổng mức vốn cần huy động.

Thời hạn đăng ký đấu thầu.

Địa chỉ cơ quan nhận đơn đăng ký và phiếu đặt thầu.

Ngày mở thầu và địa điểm tổ chức đấu thầu.

Khối lượng đặt thầu tối thiểu.

Địa điểm nộp tiền ký quỹ.

Hình thức thanh toán khối lượng trái phiếu trúng thầu.

Thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn.

Các thông tin khác có liên quan.

Điều 8. Các đơn vị đặt thầu phải có đơn đăng ký đấu thầu theo mẫu quy định gửi đến cơ quan tổ chức đấu thầu chậm nhất trước ngày mở thầu 2 ngày làm việc (gửi trực tiếp hoặc thông qua FAX đường bưu điện).

Điều 9. Đặt thầu: Các đơn vị đặt thầu phải có phiếu đặt thầu gửi đến cơ quan tổ chức đặt thầu trước 12 giờ của ngày mở thầu. Các phiếu đặt thầu được gián kín trong bì thư niêm phong và được bỏ vào trong hòm phiếu đặt thầu. Hòm phiếu đặt thầu đóng kín 5 mặt, mặt thứ sáu có khe vừa đủ để bỏ phiếu đặt thầu, có khoá. Không một phiếu đặt thầu nào được rút lại hoặc được sửa đổi sau khi đã được gửi cho cơ quan tổ chức đấu thầu.

Điều 10. Mở thầu: Vào 12 giờ của ngày đấu thầu, cơ quan tổ chức đấu thầu tiến hành mở các phiếu đặt thầu, phân loại phiếu hợp lệ và không hợp lệ. Tất cả các phiếu đặt thầu không đúng quy định đều không có giá trị tham gia đấu thầu và được chuyển trả lại cho đơn vị đặt thầu ngay sau khi công bố kết quả trúng thầu.

Điều 11. Xác định khối lượng trúng thầu:

Khối lượng trúng thầu được tính theo thứ tự tăng lên của lãi suất đặt thầu: Tức là từ lãi suất đặt thầu thấp nhất đến lãi suất đặt thầu cao trong phạm vi lãi suất chỉ đạo cho đủ khối lượng vốn cần huy động.

Trường hợp tại mức lãi suất trúng thầu cao nhất, khối lượng đặt thầu vượt quá mức vốn huy động thì khối lượng trúng thầu sẽ được phân chia cho mỗi phiếu đặt thầu theo tỷ lệ thuận với khối lượng đặt thầu của từng phiếu tại mức lãi suất đó.

Điều 12. Xác định giá phát hành trái phiếu: Việc xác định giá phát hành trái phiếu được thực hiện theo các phương thức sau đây:

Phương thức 1: Giá phát hành theo phương thức chiết khấu.

Theo phương thức này, thay vì thanh toán lãi, giá phát hành được tính thấp hơn giá trị trái phiếu và được hoàn trả theo giá trị trái phiếu khi đến hạn. Công thức tính giá phát hành trái phiếu như sau:

Trong đó:

G : Giá phát hành.

MG: Giá trị khối lượng trái phiếu trúng thầu.

Lst: lãi suất trái phiếu trúng thầu của mỗi đơn vị đặt thầu.

T: Kỳ hạn của trái phiếu.

Phương thứ 2: Giá phát hành theo phương thức lãi suất cố định.

Theo phương thức này, người sở hữu trái phiếu được thanh toán tiền lãi khi đến hạn thanh toán theo mức lãi suất cố định của trái phiếu, giá phát hành trái phiếu được tính căn cứ vào lãi suất cố định và lãi suất trúng thầu của từng đơn vị theo công thức sau:

Trong đó:

G = Giá phát hành.

MG = Giá trị khối lương trái phiếu trúng thầu.

Lst = Lãi suất trúng thầu.

LsCĐ = Lãi suất cố định.

T = Kỳ hạn của trái phiếu.

n = Số lần trả lãi trong kỳ hạn trái phiếu.

Điều 13. Thông báo kết quả đấu thầu:

Kết quả đấu thầu được thông báo vào cuối ngày mở thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng, được niêm yết công khai tại ban tổ chức đấu thầu và gửi cho tất cả các đơn vị đặt thầu vào ngày tiếp theo sau ngày mở thầu.

Nội dung thông báo kết quả đấu thầu gồm có:

Số lượng phiếu đặt thầu hợp lệ, không hợp lệ; số phiếu trúng thầu.

Tổng khối lượng trái phiếu trúng thầu, khối lượng trái phiếu trúng thầu thấp nhất và cao nhất.

Lãi suất trúng thầu thấp nhất và cao nhất, bình quân.

Kết quả trúng thầu của các đơn vị (lãi suất, khối lượng trái phiếu trúng thầu, giá phát hành) sẽ được thông báo trực tiếp cho từng đơn vị trúng thầu.

Điều 14. Thanh toán khối lượng trái phiếu trúng thầu:

Tất cả các đơn vị trúng thầu đều phải có trách nhiệm thanh toán bằng séc hoặc chuyển khoản một lần toàn bộ khối lượng trái phiếu đã trúng thầu trong phạm vi 2 ngày làm việc sau ngày đấu thầu.

Ngày phát hành trái phiếu được ấn định vào ngày thứ 2 kể từ sau ngày đấu thầu. Đồng thời đơn vị trúng thầu nhận được chứng chỉ trái phiếu hoặc được cấp giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu (nếu là hình thức trái phiếu ghi số).

Các đơn vị trúng thầu chậm thanh toán từ 1 đến 5 ngày sau thời gian thanh toán quy định nói trên sẽ bị phạt chậm thanh toán theo chế độ phạt chậm thanh toán trích từ tiền ký quỹ. Nếu quá 5 ngày chưa thanh toán thì coi như đơn vị đặt thầu đã từ bỏ khối lượng trúng thầu và toàn bộ số tiền ký quỹ của đơn vị được nộp cho ngân sách Nhà nước.

Điều 15. Thanh toán trái phiếu khi đến hạn:

Chủ sở hữu trái phiếu được cơ quan phát hành trái phiếu hoặc cơ quan đại lý thanh toán đầy đủ tiền gốc, lãi trái phiếu theo chế độ quy định.

Điều 16. Cơ quan phát hành trái phiếu thành lập Ban tổ chức đấu thầu trái phiếu.

Ban tổ chức đấu thầu trái phiếu có từ 5 đến 7 người, bao gồm Trưởng ban, Phó trưởng ban, các uỷ viên và thư ký. Đối với Ban tổ chức đấu thầu trái phiếu của doanh nghiệp Nhà nước cần có sự tham gia của Bộ Tài chính.

Tất cả các thành viên của Ban tổ chức đấu thầu trái phiếu phải tuyệt đối giữ bí mật về các thông tin của đơn vị đặt thầu và các thông tin nội bộ của đợt đấu thầu trái phiếu.

Ban tổ chức đấu thầu có nhiệm vụ:

Chuẩn bị và công bố các nội dung liên quan đến đợt đấu thầu.

Hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện của các đơn vị tham gia đặt thầu.

Tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của các đơn đăng ký và phiếu đặt thầu.

Tổ chức mở thầu, xác định khối lượng trúng thầu và giá phát hành.

Công bố kết quả đấu thầu.

Giải quyết những đơn thư khiếu nại.

Điều 17. Toàn bộ chi phí có liên quan đến việc tổ chức đấu thầu trái phiếu được tính vào chi phí phát hành trái phiếu theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 18. Các đơn vị tham gia đặt thầu được phép khiếu nại về các vấn đề có liên quan đến việc tổ chức đấu thầu trái phiếu. Trong 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, cơ quan tổ chức đấu thầu phải có ý kiến trả lời cụ thể cho người khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại không thoả mãn có quyền khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Điều 19. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được áp dụng chung cho việc đấu thầu các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước.

Đối với tín phiếu Kho bạc phát hành qua Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức đấu thầu được thực hiện theo Quy chế này và hướng dẫn cụ thể của liên Bộ Ngân hàng Nhà nước - Bộ Tài chính./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1179/TC-KBNN năm 1994 về quy chế tạm thời đấu thầu trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành

  • Số hiệu: 1179/TC-KBNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/12/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Hồ Tế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 05/12/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản