Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

SỐ: 117-CP

Hà Nội, ngày 13  tháng 6  năm 1972

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆNH NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG TRONG THỜI CHIẾN

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào điều 21 của Hiến pháp nước Việt-nam dân chủ cộng hòa quy định nghĩa vụ lao động của công dân;
Căn cứ vào điều 2 Nghị quyết số 102-NQ/TVQH ngày 21-4-1965 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt-nam dân chủ cộng hòa giao cho “Hội đồng Chính phủ đặt kế hoạch động viên cục bộ và lãnh đạo thực hiện kế hoạch ấy để vừa bảo đảm tăng cường lực lượng quốc phòng đến mức cần thiết, vừa bảo đảm xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân theo kế hoạch Nhà nước”;
Để động viên toàn dân đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, bảo đảm nhu cầu lao động phục vụ chiến đấu và xây dựng kinh tế trong tình hình cả nước có chiến tranh;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong thời chiến.

Điều 2. Các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phổ biến rộng rãi, tổ chức và kiểm tra việc thi hành Điều lệnh này trong ngành mình hoặc địa phương mình.

Điều 3. – Bộ trưởng Bộ Lao động có trách nhiệm chỉ đạo công tác huy động, phân phối, tuyển dụng, trưng tập và điều chỉnh nhân lực theo những quy định của Điều lệnh này; nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành những chính sách, chế độ cụ thể và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Điều lệnh.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

ĐIỀU LỆNH

VỀ NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG TRONG THỜI CHIẾN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 117-CP ngày 13-6-1972 của Hội đồng Chính phủ)

Điều 1. – Trước tình hình hiện nay của nước ta, mọi công dân trong tuổi lao động và có sức lao động đều phải được động viên để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Mọi công dân phải đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết, làm tròn nghĩa vụ lao động, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội; phải nghiêm chỉnh tuân theo lệnh động viên thời chiến của Nhà nước; phải đem hết sức mình thực hiện tốt mọi nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, sản xuất và công tác.

Điều 2. – Công nhân và viên chức Nhà nước phải làm tròn chức trách của mình với năng suất lao động và hiệu suất công tác cao; phải tuyệt đối phục tùng lệnh điều động, công tác của cấp trên, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật lao động, bảo đảm ngày công, giờ công theo chế độ, sẵn sàng làm thêm giờ khi cần thiết; không được tự ý bỏ việc hoặc thôi việc.

Công nhân và viên chức đã về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động, nếu còn có khả năng phục vụ, thì khi cần thêít có thể được Nhà nước gọi trở lại làm việc.

Điều 3. Xã viên hợp tác xã phải làm tròn nghĩa vụ lao động của xã viên theo đúng điều lệ và nội quy của hợp tác xã; phải làm đủ số ngày công được giao với năng suất lao động cao, đồng thời phải làm tròn nghĩa vụ lao động theo lệnh huy động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 4. Những người không làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã đều có nghĩa vụ tham gia lao động có ích cho xã hội theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Điều 5. – Mọi công dân có sức lao động đều phải nghiêm chỉnh chấp hành lệnh huy động và lệnh trưng tập của Nhà nước, đi phục vụ bất cứ công việc nào của Nhà nước giao cho, đặc biệt là những công việc khẩn cấp như phòng và chống địch họa, thiên tai.

Điều 6. – Những người có sức lao động mà không có nghề làm ăn chính đáng, không chịu lao động và không chấp hành lệnh huy động lao động của Nhà nước thì Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra lệnh buộc người ấy lao động có ích cho xã hội theo chế độ lao động bắt buộc từ 6 tháng đến 2 năm.

Điều 7. – Những người có sức lao động được Nhà nước huy động thì được hưởng các chế độ và chính sách lao động hiện hành của Nhà nước về các mặt lao thù lao, chăm sóc sức khỏe, bảo hộ lao động, nhằm bảo đảm cho người lao động chiến đấu, sản xuất và công tác tốt.

Điều 8. – Mọi người công dân trong tuổi lao động đều phải đăng ký trong danh sách lao động do cơ quan Nhà nước lập.

Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm tổ chức đăng ký, thống kê, nắm chắc lực lượng lao động trong địa phương mình để sẵn sàng bảo đảm cung ứng đủ cho các nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sản xuất.

Điều 9. Quyền huy động và trưng tập lao động trong thời chiến quy định như sau:

a) Việc huy động nhân lực hoặc điều chỉnh lao động từ nơi thừa sang nơi thiếu:

- Trong phạm vi lực lượng biên chế của ngành quản lý nào thì do thủ trưởng ngành ấy ra lệnh.

- Trong phạm vi lực lượng biên chế của địa phương quản lý và trong nhân dân một địa phương thì do Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra lệnh.

- Nếu điều chỉnh lao động từ ngành này sang ngành khác, từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác thì do Thủ tướng Chính phủ ra lệnh.

b) Việc huy động khẩn cấp nhân lực để đề phòng hoặc chống địch họa và thiên tai do Chủ tịch Ủy ban hành chính các cấp ra lệnh theo chế độ huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực ở địa phương đã ghi trong Nghị định số 232-CP ngày 24-11-1965 của Hội đồng Chính phủ.

c) Việc trưng tập công dân đi phục vụ cho nhu cầu của cả nước do Thủ tướng Chính phủ ra lệnh. Việc trưng tập công dân đi phục vụ cho nhu cầu của địa phương do Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra lệnh.

Điều 10. – Việc huy động lao động phải hết sức nghiêm túc, chặt chẽ và khẩn trương, theo quyết định của cấp có thẩm quyền và căn cứ vào chính sách, chế độ của Nhà nước.

Thủ trưởng các đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm tính toán đúng yêu cầu, tổ chức và sử dụng tốt sức lao động để đạt hiệu quả thiết thực không được lãng phí sức lao động; phải chấp hành đúng đắn các chính sách và chế độ của Nhà nước đối với người lao động.

Điều 11. – Nghiêm cấm lạm dụng chức quyền, huy động bừa bãi, gây lãnh phí sức lao động của nhân dân và vi phạm quyền lợi chính đáng của người công dân.

Nghiêm cấm tuyển người không có chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hoặc không có quyết định của cấp có thẩm quyền, tuyển người tự tiện bỏ việc trong thời chiến hoặc bị kỷ luật buộc phải thôi việc trong thời chiến.

Nghiêm cấm việc cho công nhân hoặc viên chức thôi việc trái với quy định hiện hành của Nhà nước.

Nghiêm cấm các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, các hợp tác xã và mọi người khác lợi dụng tình hình thời chiến tự ý nâng giá tiền công trái với quy định của Nhà nước.

Điều 12. – Những cán bộ và công dân có thành tích xuất sắc trong việc chấp hành Điều lệnh này sẽ được khen thưởng. Những người vi phạm Điều lệnh, tùy theo lỗi nặng, nhẹ, sẽ bị xử lý theo kỷ luật lao động của Nhà nước hoặc bị truy tố trước Tòa án.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 117-CP năm 1972 về Điều lệnh nghĩa vụ lao động trong thời chiến do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 117-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/06/1972
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản