Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/2004/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 07 tháng 12 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG NHẬN BẢN ĐIỀU LỆ HỘI SINH VẬT CẢNH TỈNH BÌNH PHƯỚC.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003

- Căn cứ Điều lệ Hội Sinh vật cảnhViệy Nam đã dược Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) công nhận tại Quyết định số 148/TTCP-Tổng cộng ngày 11/8/1997.

- Căn cứ kết quả Đại hội thành lập Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2004 – 2009).

- Xét đề nghị của ông Trần Công Cảnh - Trưởng Ban vận động thành lập Hội Sinh vật cảnh tại tờ trình số 01/TTr-SVC ngày 01/11/2004

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Công nhận kèm theo Quyết định biên bản này “ Điều lệ Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước“ do Đại hội thành lập Hội Sinh vật cảnh tỉnh (nhiệm kỳ 2004 – 2009) thông qua ngày 01 tháng 8 năm 2004.

Điều 2: Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

ĐIỀU LỆ

HỘI SINH VẬT CẢNH TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 117/2004/QĐ-UB ngày 7/12/2004 của UBND tỉnh Bình Phước )

Chương I:

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Tên gọi của Hội là: Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước (dưới đây gọi tắt là Tỉnh hội).

Điều 2: Tôn chỉ mục đích của Tỉnh hội:

Ra sức giữ gìn, phát triển, nâng cao truyền thống văn hoá tốt đẹp của nhân dân trong lĩnh vực sinh vật cảnh, kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nước ngoài, góp phần tích cực vào việc:

- Bảo vệ và phát triển nền văn hoá đậm đà màu sắc dân tộc nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

- Bảo vệ cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lương cuộc sống của nhân dân, nhằm góp phần làm cho tỉnh nhà ngày càng tốt đẹp, văn minh.

Điều 3: Tỉnh hội là một tổ chức quần chúng tập hợp rộng rãi những người yêu thích sinh - vật - cảnh, những người sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ sinh vật cảnh, những nhà khoa học, mỹ thuật và nghệ nhân hoạt động cho sự bảo vệ và phát triển của sinh - vật - cảnh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh hội là thành viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước.

Địa điểm làm việc của Tỉnh hội: Tổ 9B, khu phố , thi trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Điều 4: Tỉnh hội có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản riêng theo quy định của Nhà nước.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 5: Tỉnh hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1/ Tuyên truyền, giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với việc bảo vệ và phát triển sinh vật cảnh, vận động hội viên và nhân dân tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ này trên địa bàn tỉnh.

2/ Phát triển và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, động viên nhiệt tình và khả năng lao động sáng tạo của hội viên, đoàn kết, giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến, ứng dựng thành tựu khoa học công nghệ mỹ thuật nhằm phát triển ngày càng phong phú và đa dạng, với chất lượng cao các sản phẩm sinh vật cảnh, mang lại đời sống văn hoá tươi vui, lành mạnh, lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho hội viên.

3/ Tổ chức các dịch vụ khoa học kỹ thuật, mỹ nghệ và các cơ sở sản xuất – kinh doanh phục vụ cho hoạt động sinh vật cảnh theo đúng qui luật của pháp luật.

4/ Kiến nghị với các cơ quan nhà nước những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và các biện pháp lớn nhằm bảo vệ và phát triển sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh.

5/ Xây dựng và phát triển các mối quan hệ quốc tế nhằm trao đổi thông tin kinh nghiệm, hợp tác và giúp đỡ nhau về các mặt, theo quy định của pháp luật.

Chương III:

TIÊU CHUẨN HỘI VIÊN

Điều 6: Tất cả các tổ chức, cá nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh đều có thể tham gia làm hội viên nếu:

- Tán thành tôn chỉ, mục đích, Điều lệ của hội.

- Nhiệt tình tham gia trong một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động của Hội.

- Tự nguyện xin gia nhập hội và sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở của Hội.

Hội viên tập thể xin gia nhập trên cơ sở tự nguyện của các thành viên của tổ chức mình.

Điều 7: Hội viên danh dự, hội viên tán trợ

1/ Hội viên danh dự: Là những người có danh tiếng, có uy tín lớn, nhiệt tình ủng hộ Tỉnh hội về mặt tinh thần, làm vẻ vang cho Hội.

2/ Hội viên tán trợ: Là những người tán thành tôn chỉ, mục đích, Điều lệ của Tỉnh hội, nhiệt tình giúp đỡ Tỉnh hội về vật chất, tài chính và tinh thần nhưng không có điều kiện tham gia trực tiếp hoạt động của Hội.

Hội viên danh dự, hội viên tán trợ không có quyền ứng cử, bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Tỉnh hội.

Điều 8: Nhiệm vụ của hội viên:

1/ Tích cực hoạt động trong tổ chức Hội, tuân thủ Điều lệ của Tỉnh hội và pháp luật của Nhà nước trong hoạt động sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh.

2/ Tích cực xây dựng Hội: tham gia đều đặn các kỳ sinh hoạt của Tỉnh hội, tuyên truyền tôn chỉ, mục đích, Điều lệ của Tỉnh hội, phát triển hội viên mới, mở rộng ảnh hưởng và uy tín của Hội.

3/ Đóng hội phí theo quy định

Điều 9: Quyền lợi của hội viên

1/ Tham gia mọi sinh hoạt và quyết định của Tỉnh hội theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

2/ Bầu cử vào các cơ quan của Tỉnh hội.

3/ Được Tỉnh hội phổ biến kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về khoa học, mỹ thuật sinh vật cảnh, dự các cuộc hội thảo, các lớp huấn luyện v.v…

4/ Đề xuất các sáng kiến để thực hiện tôn chỉ của Hội.

5/ Được Tỉnh hội tạo điều kiện thuận lợi (trong khả năng cho phép) trong mọi hoạt động sinh vật cảnh, nhất là trong các công trình nghiên cứu, sáng tạo và phát minh.

6/ Được cấp thẻ hội viên,

Điều 10: Tư cách hội viên chấm dứt khi:

1/ Giải thể hội

2/ Xin ra khỏi hội.

3/ Bị khai trừ khỏi hội khi hội viên vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước, Điều lệ hội.

Chương IV:

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 11: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tỉnh hội:

Tỉnh hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số.

Điều 12:

1/ Đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu (dưới đây gọi chung là đại hội) là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Tỉnh hội, cứ 05 năm tổ chức một lần.

Đại hội đại biểu gồm:

- Các ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh hội;

- Các đại biểu do các huyện, thị hội, chi hội chọn cử;

- Một số hội viên do Ban Chấp hành Tỉnh hội chọn cử (không quá 5% tổng số đại biểu).

2/ Đại hội có nhiệm vụ:

a. Thông qua báo cáo hoạt động của Tỉnh hội và Ban Chấp hành nhiệm kỳ qua và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Tỉnh hội nhiệm kỳ mới.

b. Thông qua báo cáo quyết toán tài chính và dự toán thu chi của Tỉnh hội.

c. Bầu cử Ban Chấp hành Tỉnh hội, Số lượng uỷ viên Ban Chấp hành do Đại hội đại biểu Tỉnh hội quyết định.

d. Cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

Điều 13: Sau khi kết thúc Đại hội, Ban Chấp hành Tỉnh hội có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả Đại hội về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) gồm:

- Điều lệ sửa đổi, bổ sung (nếu có) kèm theo biên bản thông qua Điều lệ sửa đổi, bổ sung.

- Biên bản bầu Ban lãnh đạo (có danh sách kèm theo)

- Chương trình hoạt động của Tỉnh hội

- Nghị quyết Đại hội

Điều 14: Nhiệm vụ của Ban Chấp hành Tỉnh hội:

Ban Chấp hành Tỉnh hội là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa 2 kỳ Đại hội có nhiệm vụ sau:

1/ Tổ chức thực hiện Điều lệ Tỉnh hội, Nghị quyết của Hội cấp trên, Nghị quýêt của Tỉnh hội.

2/ Quyết định các chương trình, hoạt động, mục tiêu phát triển sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh, kế hoạch tài chính hàng năm của Tỉnh hội.

3/ Bầu ra Chủ tịch và các Phó Chủ tịch trong số các uỷ viên của Ban Chấp hành cử một uỷ viên phụ trách công tác kiểm tra của Tỉnh hội (khi cần, có thể tổ chức tổ kiểm tra), phân công các uỷ viên phụ trách từng mặt công tác.

Điều 15: Uỷ viên kiểm tra có nhiệm vụ:

- Kiểm tra việc thi hành Nghị quyết của Đaị hội. Nghị quyết của Ban Chấp hành cấp trên và của cấp mình.

- Kiểm tra việc tuân thủ điều lệ Tỉnh hội

- Kiểm tra tài chính của Tỉnh hội.

Điều 16: Giữa hai kỳ Đại hội, việc thay đổi người trong Ban Chấp hành Tỉnh hội phải được 2/3 số uỷ viên trong Ban Chấp hành biểu quýêt tán thành, nhưng tổng số người bổ sung thay thế không vượt quá 1/3 tổng số uỷ viên của Ban Chấp hành đã được Đại hội bầu ra.

Chương V:

TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 17:

1/ Tỉnh hội tự chịu trách nhiệm về mặt tài chính.

2/ Kinh phí hoạt động của Tỉnh hội gồm các nguồn sau:

a. Hội phí do hội viên đóng góp

b. Các khoản đóng góp tự nguyện ủng hộ của hội viên.

c. Các hoạt động sản xuất, dịch vụ, kinh doanh sinh vật cảnh theo quy định của pháp luật.

d. Tài trợ cuả các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

3/ Chế độ thu chi để đảm bảo hoạt động của Tỉnh hội do Ban Chấp hành Tỉnh hội quyết định.

4/ Tổ chức công tác kế toán và quản lý tài chính thực hiện đúng các nguyên tắc tài chính hiện hành của Nhà nước, và báo cáo công khai trước Ban Chấp hành tỉnh hội và Đại hội.

Điều 18: Hội phí

Đóng hội phí là nghĩa vụ của người hội viên:

1/ Hội viên đóng hội phí một năm 1 hoặc 2 lần

2/ Từng cấp, sau khi thu hội phí, sẽ trích nộp trên quỹ Hội cấp trên một tỉ lệ % nhất định.

3/ Mức tiền niên phí và tỉ lệ trích nộp lên cấp trên sẽ do Ban Chấp hành Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam quyết định.

Chương VI

ĐIỀU KIỆN GIẢI THỂ VÀ GIẢI QUYẾT TÀI SẢN, TÀI CHÍNH

Điều 19: Hội bị giải thể trong các trường hợp sau:

1/ Hội không hoạt động liên tục 12 tháng.

2/ Khi có Nghị quyết của Đại hội về việc giải thể mà Ban lãnh đạo hội không chấp hành.

3/ Hoạt động của hội vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Điều 20: Hội tự giải thể, bị giải thể, tài sản tài chính của Tỉnh hội được giải quyết như sau:

1/ Tài sản, tài chính do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ, tài sản, tài chính do Nhà nước hổ trợ mà Tỉnh hội đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài sản và thanh toán các khoản nợ thì số tài sản, số dư tài chính còn lại do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định

2/ Đối với nguồn tài sản, tài chính tự có của Tỉnh hội, mà hội đã thực hiện đầy đủ về tài sản, số dư tài chính còn lại do Tỉnh hội quyết định theo quy định của pháp luật.

Chương VII

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 21: Hôị viên có thành tích được Tỉnh hội biểu dương, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 22: Hội viên vi phạm Điều lệ của Tỉnh hội và Nghị quyết của Đại hội, của Ban Chấp hành hội cấp trên, của Ban Chấp hành Tỉnh hội, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Hội thì tuỳ theo tính chất, mức độ mà chịu các hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Nếu cá nhân hoặc tập thể vi phạm pháp luật Nhà nước thì ngoài kỷ luật của Hội còn bị xử theo pháp luật nhà nước.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23: Bản Điều lệ này đã được Đại hội thành lập Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước (nhiệm kỳ 2004-2009) thông qua ngày 01/8/2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận.

Chỉ có Đại hội mới có quyền sửa đổi, bổ sung bản Điều lệ này.

Ban Chấp hành Tỉnh hội có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thi hành Điều lệ này./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 117/2004/QĐ-UB công nhận Điều lệ Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 117/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/12/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Tấn Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/12/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản