Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 115/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 8 năm 1986

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CƯ TRÚ, RA VÀO, HOẠT ĐỘNG TRONG KHU VỰC NỘI THỦY VÀ CÁC XÃ GIÁP BIỂN THUỘC HUYỆN DUYÊN HẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc Hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
- Căn cứ Nghị định số 203/CP ngày 11 tháng 11 năm 1982 của Hội đồng Chánh phủ về giao thông vận tải đường biển; Nghị định số 30/CP và 31/CP ngày 29 tháng 1 năm 1980 của Hội đồng Chánh phủ về quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quyết định số 13/HĐBT ngày 11 tháng 2 năm 1986 của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường bảo vệ chủ quyền và an ninh các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; Nghị định số 104/CP ngày 27 tháng 6 năm 1964 của Hội đồng Chánh phủ và điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu;

- Để bảo đảm an ninh chính trị - trật tự xã hội, an ninh quốc phòng khu vực biên phòng biển thuộc thành phố Hồ Chí Minh ;

- Theo đề nghị của đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự và đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp thành phố ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành bản quy định về việc cư trú, ra vào và hoạt động trong khu vực biên phòng biển (gồm khu vực nội thủy và các xã giáp biển thuộc huyện Duyên Hải), thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các văn bản trước đây của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, Giám đốc Công an, Giám đốc Hải quan, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc Sở Thủy sản, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

BẢN QUY ĐỊNH

VIỆC CƯ TRÚ, RA VÀO, HOẠT ĐỘNG TRONG KHU VỰC NỘI THỦY VÀ CÁC XÃ GIÁP BIỂN THUỘC HUYỆN DUYÊN HẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Ban hành theo quyết định số 115/QĐ-UB ngày 2/8/1986 của UBND Thành phố)

Phần I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Phạm vi khu vực biên phòng, biển thuộc thành phố Hồ Chí Minh quản lý như sau :

- Chiều rộng : Giữa cửa Soài Rạp giáp tỉnh Tiền Giang ở phía Nam làm điểm mốc chạy dài ra hướng Đông Bắc và đến giữa cửa sông Cái Mép giáp xã Phước Hòa Châu Thành - tỉnh Đồng Nai và xã Long Sơn - Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

- Chiều sâu : Từ ranh giới hành chánh của các xã có bờ biển là : Lý Nhơn, Đồng Hòa, Cần Thạnh, Thạnh An thuộc huyện Duyên Hải, đến hết phạm vi nội thủy.

Điều 2.- Mọi người cư trú, ra, vào, hoạt động ở khu vực trên đều có trách nhiệm bảo vệ an ninh chính trị - trật tự xã hội, an ninh quốc phòng khu vực biên phòng biển của thành phố , nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản pháp lý, quy định của Ủy ban nhân dân thành phố về bảo vệ chủ quyền vùng biển.

Điều 3.- Các chủ phương tiện đang lưu hành, hoạt động trong khu vực biên phòng biển của thành phố phải thực hiện đầy đủ các thủ tục mà Nhà nước đã quy định. Cấm sử dụng các phương tiện sai mục đích, thể lệ, công dụng của nó (trừ trường hợp cấp cứu).

Phần II

CƯ TRÚ KHU VỰC BIÊN PHÒNG BIỂN

Điều 4.- Mọi công dân cư trú tại các xã giáp biển hoặc trên các tàu thuyền đều phải đăng ký hộ khẩu theo đúng quy định hiện hành và sinh hoạt trong tổ nhân dân nơi mình cư trú. Công dân từ 15 tuổi trở lên phải có chứng minh nhân dân do cấp có thẩm quyền cấp.

Điều 5.- Những người không được cư trú trong khu vực biên phòng biển phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định số 123/CP ngày 8/7/1966 của Hội đồng Chánh phủ; những người nước ngoài cư trú và làm ăn sinh sống ở Việt Nam phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định số 122/CP ngày 25/4/1977 của Hội đồng Chánh phủ. Nếu cố tình vi phạm thì tùy mức độ sẽ bị xử lý hành chánh, trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy tố ra Tòa án.

Điều 6.- Các cơ quan đơn vị của Trung ương hoặc địa phương : nằm trong khu vực biên phòng biển phải được phép của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải và đăng ký nhân khẩu tại cơ quan Công an huyện nếu là thường trú, tại công an xã nếu là tạm trú.

- Công an huyện và công an các xã giáp biển phải thường xuyên thông báo cho đồn biên phòng khu vực mình về tình hình nhân khẩu thường trú, tạm trú và các diễn biến khác về hộ tịch, hộ khẩu để có biện pháp phối hợp quản lý và bảo vệ trật tự trị an.

- Các cơ quan, xí nghiệp, nông trường, các trường, trại đang hoạt động thường xuyên ở khu vực biên phòng biển phải báo cáo danh sách cán bộ, công nhân viên cho công an huyện Duyên Hải, phải có xác nhận của cơ quan đơn vị chủ quản.

- Các đơn vị quân đội, công an đến công tác ở khu vực giáp biển cần báo cáo cho công an huyện Duyên Hải nơi đến, mục đích và thời gian công tác.

Phần III

RA, VÀO KHU VỰC BIÊN PHÒNG BIỂN

Điều 7.- Cán bộ, công nhân viên Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, hải quan đến hoạt động công tác ở khu vực biên phòng, phải :

- Có giấy giới thiệu, giấy công tác của cơ quan có thẩm quyền cấp, phải trình báo với cơ quan hữu quan nơi đến công tác.

- Chấp hành đúng quy định ở khu vực biên phòng biển, chịu sự hướng dẫn, kiểm soát của đồn biên phòng và công an xã.

- Khi ra khỏi khu vực biên phòng biển phải báo cho công an hoặc đồn biên phòng biết.

Điều 8.- Những công dân khác khi vào hoặc ra khỏi khu vực biên phòng phải xuất trình các loại giấy tờ cho công an, hoặc đồn biên phòng như sau :

+ Giấy chứng nhận của chánh quyền địa phương chủ quản từ quận, huyện trở lên cấp.

+ Giấy chứng minh nhân dân.

- Nếu là người nơi khác đến và cần thiết phải ở lại khu vực biên phòng biển phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đăng ký khai báo tạm trú.

- Riêng công dân các xã giáp ranh xã biên phòng biển (kể cả xã giáp ranh của tỉnh khác) thường có quan hệ họ hàng, đi lại làm ăn hàng ngày thì mang giấy chứng minh nhân dân. Nhưng trong trường hợp có lý do chính đáng phải ở lại khu vực biên phòng đều phải đăng ký khai báo tạm trú.

Điều 9.- Đối với cá nhân hoặc cơ quan, xí nghiệp, đơn vị đến tham quan nghỉ mát trong khu vực biên phòng biển phải chấp hành các quy định sau :

+ Phải được phép của công an huyện Duyên Hải và trình báo với công an xã hoặc đồn biên phòng nơi tham quan nghỉ mát.

+ Mọi người đều phải có giấy chứng minh nhân dân.

+ Phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát theo quy định.

- Cấm chụp ảnh, quay phim các khu vực quân sự và kinh tế quan trọng đã được quy định.

Điều 10.- Người và phương tiện hành nghề trên biển, ra vào cửa sông, cửa lạch và vận chuyển hàng hóa qua khu vực biên phòng biển phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định sau đây :

1/ Thể lệ về giao thông vận tải đường thủy, chịu sự hướng dẫn, kiểm soát theo chức năng của đồn biên phòng, công an, hải quân, hải quan, y tế, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định :

- Đối với các phương tiện thuộc thành phố đi lại trên biển so Sở Giao thông vận tải thành phố quản lý kỹ thuật, kiểm tra an toàn, đăng ký biển số và cấp giấy phép đi lại.

- Riêng đối với loại phương tiện đánh cá có chiều dài đường nước thiết kế 20 mét trở xuống do Sở Thủy sản thành phố thống nhất quản lý kỹ thuật, kiểm tra an toàn, đăng ký và cấp giấy phép đi lại.

2/ Trang bị vũ khí tự vệ trên các tàu thuyền và phương tiện hành nghề trong khu vực biên phòng biển đều phải có giấy phép và quyết định trang bị của Bộ Chỉ huy quân sự hoặc Công an tỉnh, thành phố, đặc khu ; vũ khí phải được thống kê kiểm loại số lượng, chất lượng và người sử dụng.

Cấm sử dụng súng, chất nổ bừa bãi trong khu vực biên phòng biển.

3/ Hàng hóa trên các phương tiện vận tải phải có giấy phép mang hàng, lệnh xuất kho và bản hợp đồng vận chuyển. Khi chở hàng cấm do Nhà nước quy định phải có giấy phép của cấp có thẩm quyền.

Điều 11.- Người và phương tiện nước ngoài khi ra, vào vùng biển khu vực biên phòng phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị định số 30/CP ngày 29/1/1980 của Hội đồng Chánh phủ về quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Các tàu thuyền đánh cá nước ngoài phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị định số 31/CP ngày 29/1/1980 của Hội đồng Chánh phủ quy định việc tàu thuyền đánh cá nước ngoài tiến hành hoạt động nghề cá trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phần IV

CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG KHU VỰC BIÊN PHÒNG BIỂN

Điều 12.- Người và phương tiện đi lại, hoạt động hành nghề trên biển phải có sổ đăng ký hành nghề, giấy chứng nhận hành nghề trên biển, giấy phép sử dụng phương tiện theo quy định chung. Tàu thuyền dưới 1 tấn và trẻ em dưới 14 tuổi không được ra khơi.

Điều 13.- Các đơn vị quân đội, công an và mọi người cư trú, đi lại, hoạt động trong khu vực biên phòng biển phải đề cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên phòng biển. Mọi công dân khi phát hiện các hành vi tình báo, gián điệp, biệt kích, tổ chức trốn đi nước ngoài, các vụ xâm nhập trái phép vùng biển và bờ biển phải kịp thời báo cho đồn biên phòng, hoặc công an, chánh quyền địa phương, đồng thời có trách nhiệm tham gia bao vây, truy bắt, trừng trị bọn chống trả, bàn giao người và tang vật đã bắt giữ cho bộ đội hoặc công an ở nơi gần nhất.

Điều 14.- Mọi công dân không được quan hệ giao dịch, buôn bán, đổi chác bất cứ thứ gì với tàu thuyền nước ngoài, có trách nhiệm đấu tranh ngăn chặn, tố giác những người vi phạm cho chánh quyền, công an hoặc bộ đội biên phòng.

- Trường hợp ra biển bị địch bắt, tuyệt đối không được khai báo điều gì lộ bí mật của Nhà nước. Khi trở về phải báo cáo thật thà với chánh quyền, bộ đội biên phòng và công an ở địa phương.

Điều 15.- Cấm các tàu thuyền của tư thương, của Nhà nước hoặc của tập thể mua bán thủy sản trên biển; mọi trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo thông tư số 04/TS-VTTT-VG ngày 5/10/1981 của Bộ Thủy sản hướng dẫn quản lý thị trường đối với sản phẩm và vật tư thủy sản.

Điều 16.- Mọi tổ chức, mọi người khi phát hiện có người, phương tiện bị tai nạn phải nhanh chóng dùng mọi biện pháp để cứu nạn.

Điều 17.- Khi phát hiện phương tiện, vật phẩm vô chủ trôi dạt trên biển, trên sông lạch, bến bãi trong khu vực biên phòng biển, mọi người phải có trách nhiệm bảo quản nguyên vẹn và báo ngay cho chánh quyền địa phương hoặc đồn biên phòng, công an nơi gần nhất để xử lý.

Điều 18.- Tất cả các chủ phương tiện hành nghề trên biển, cửa sông phải chấp hành đúng thông tư số 20/TT ngày 25/5/1979 của Bộ Nội vụ và những quy định sau đây :

1/ Chỉ được neo đậu, lưu trú tại các bến bãi quy định và đúng vị trí của từng loại phương tiện.

2/ Khi ra, vào phải xuất trình đầy đủ giấy tờ và chịu sự kiểm soát, quản lý của trạm kiểm soát biên phòng hoặc công an nơi có bến bãi đậu.

3/ Khi neo đậu không được tụ tập buôn bán, quay phim, vẽ cảnh, gây nổ hoặc những hành vi phá hoại, gây rối trật tự và làm ô nhiễm môi trường sống.

4/ Những phương tiện chở chất độc, chất cháy, chất nổ phải treo ký hiệu, khi đến bến bãi phải báo cáo ngay cho đồn biên phòng, công an để bố trí neo đậu ở nơi quy định riêng và tự mình phải tổ chức bảo vệ chu đáo.

5/ Chủ các phương tiện nơi khác đến, khi cần lưu trú ban đêm hoặc ban ngày phải khai báo hộ khẩu, nếu lưu trú thường xuyên phải có sổ hộ khẩu, phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đăng ký quản lý hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng.

6/ Phải đề cao tinh thần trách nhiệm và tinh thần đoàn kết trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trong quản lý lưu trú tại các bến bãi đậu.

7/ Đến 22 giờ người lưu trú tại bến bãi phải có mặt trên phương tiện, ai không có tên trong danh sách không được xuống phương tiện.

8/ Ngưới không có nhiệm vụ không được phép đi lại trên bến đậu và không từ phương tiện này qua phương tiện khác khi quá 22 giờ đêm.

9/ Người trên các phương tiện lưu trú bị mắc bệnh nhất là bệnh truyền nhiễm, bị ngộ độc hoặc đã chết, phải báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm quản lý bến bãi đậu để giải quyết kịp thời.

Điều 19.- Kiểm soát và xử lý :

1/ Đồn, trạm biên phòng có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Nhà nước về kiểm soát người, phương tiện đi trên biển, ra, vào cửa sông, cửa lạch và neo đậu ở bến bãi.

- Các lực lượng khác hoạt động theo chức năng chuyên môn trong khu vực được phân công phải có cờ hiệu của ngành, trang phục dấu hiệu, phù hiệu đúng quy định.

2/ Đồn biên phòng, công an, hải quan khi tiến hành khám xét, lập biên bản thu giữ tang vật, phương tiện, vật phẩm, phải theo đúng thủ tục quy định và giao cho cơ quan có chức năng giải quyết.

3/ Đồn biên phòng, công an xã sau khi điều tra bước đầu, tùy theo tính chất vụ việc mà chuyển giao cho công an huyện hoặc các cơ quan nghiệp vụ cấp trên giải quyết.

4/ Người nào dùng vũ lực và các thủ đoạn khác để cướp tàu thuyền, tổ chức lôi kéo, chứa chấp, bao che, chở người trốn ra nước ngoài thì sẽ bị xử phạt theo Bộ luật Hình sự đã quy định.

Phần V

KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT

Điều 20.- Người nào phát hiện, báo cáo, bắt giữ kịp thời người và phương tiện vi phạm các quy định trên, tùy theo tàhnh tích sẽ được Ủy ban nhân dân xã, huyện hoặc Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng.

Điều 21.- Người nào vi phạm các quy định trên sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 115/QĐ-UB năm 1986 về việc cư trú, ra vào, hoạt động trong khu vực nội thủy và các xã giáp biển thuộc huyện Duyên Hải thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 115/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/08/1986
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Quang Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/08/1986
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản