ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 115/2006/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 7 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa VIII;
Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa VIII, kỳ họp lần thứ 3 ngày 10 và 11 tháng 4 năm 2006 và Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Thành ủy về thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế (giai đoạn 2006 - 2010),
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế (giai đoạn 2006 - 2010).
Điều 2. Phân công Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Hữu Tín theo dõi và chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình này. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực phụ trách Chương trình.
Điều 3. Cơ quan thường trực phụ trách Chương trình có trách nhiệm cụ thể hóa thành kế hoạch tổ chức thực hiện hàng năm và chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan triển khai thực hiện. Thủ trưởng các sở - ngành thành phố có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Giám đốc các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc thành phố căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch cụ thể 5 năm 2006 - 2010 và hàng năm, nhằm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các nội dung trọng tâm và những giải pháp chủ yếu của Chương trình.
Điều 4. Giao cơ quan thường trực tổng hợp báo cáo định kỳ hàng quý về kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết cho Ủy ban nhân dân thành phố. Giao Viện Kinh tế sơ kết hàng năm kết quả thực hiện; đề xuất điều chỉnh, bổ sung những nội dung, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh đột xuất, cơ quan thường trực báo cáo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp chỉ đạo giải quyết.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.
Điều 6. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ (GIAI ĐOẠN 2006 - 2010)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 115/2006/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)
1. Thông qua các chính sách, giải pháp và các công cụ quản lý Nhà nước nhằm định hướng và hỗ trợ các thành phần kinh tế tập trung đầu tư phát triển nhanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có hiệu quả kinh tế cao góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố.
2. Phấn đấu trong giai đoạn năm 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân hàng năm các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, được xác định là thế mạnh của thành phố, cao hơn ít nhất là 1,2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của mỗi khu vực kinh tế (dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp). Tạo sự biến đổi căn bản chất lượng tăng trưởng của từng khu vực kinh tế, thể hiện qua sự chuyển dịch nhanh cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế, tăng tỉ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, nhằm tạo tiền đề cần thiết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng bền vững trong các năm tiếp theo.
1. Các ngành dịch vụ:
Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm. Giai đoạn sau năm 2010, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng; tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế thành phố ngày càng tăng lên. Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ, cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở 9 ngành dịch vụ sau:
1.1. Tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm: Tập trung nghiên cứu, xây dựng định chế tài chính, phát triển sản phẩm và thị trường tài chính. Về sản phẩm tài chính, hiện đại hóa hệ thống thanh toán, khuyến khích công dân sử dụng hệ thống tài khoản và các loại thẻ điện tử trong giao dịch, giảm thiểu giao dịch bằng tiền mặt. Phát triển các sản phẩm tài chính phát sinh (derivatives) của thị trường tài chính. Ngoài hệ thống ngân hàng, sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống tài chính phi ngân hàng như thị trường chứng khoán, các loại quỹ đầu tư, các tổ chức bảo hiểm. Khuyến khích mở rộng thị trường ra cả nước và bước đầu tham gia vào thị trường vốn quốc tế như niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài, phát hành trái phiếu ra thị trường thế giới, mở chi nhánh ngân hàng ra các nước lân cận như Campuchia, Lào, v.v…
1.2. Thương mại: Tập trung các loại dịch vụ phục vụ xuất khẩu. Thành phố tiếp tục là đầu mối về xuất - nhập khẩu hàng hóa lớn. Là nơi đặt trụ sở giao dịch của các công ty lớn trong nước và quốc tế. Thiết lập kênh phân phối bán buôn và bán lẻ hàng hóa hiện đại. Ưu tiên đầu tư phát triển thương mại điện tử trên địa bàn. Xây dựng các trung tâm hội chợ, triển lãm tầm cỡ khu vực. Xây dựng Trung tâm thương mại quốc tế và thành lập Sở Giao dịch hàng hóa. Phát triển thành phố thành một trung tâm mua sắm của cả nước và khu vực.
1.3. Dịch vụ vận tải, kho bãi, hệ thống cảng: Xây dựng hệ thống kho, bãi hiện đại, đáp ứng nhu cầu là trung tâm về vận tải đường bộ, đường thủy, đường sông. Làm đầu mối chính trung chuyển hàng hóa cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Nam Bộ. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cảng mới, đường bộ, đường sắt; di dời hệ thống cảng biển ra khỏi nội thành. Ưu tiên kêu gọi đầu tư để xây dựng cảng biển Hiệp Phước thay thế cụm cảng Sài Gòn hiện hữu, gắn với phát triển các loại dịch vụ hậu cần hàng hải và xây dựng đô thị cảng ở phía Nam thành phố. Khai thác tối đa Sân bay Tân Sơn Nhất và chuẩn bị nối kết hạ tầng với Sân bay quốc tế Long Thành trong thời gian tới.
1.4. Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông: Mở rộng phát triển dịch vụ gia công, xử lý, quản lý dữ liệu từ xa, gắn với dịch vụ viễn thông - tin học - truyền thông; phát triển dịch vụ đa chức năng, khai thác các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng lưới viễn thông.
1.5. Kinh doanh tài sản - bất động sản: Phát triển mạnh dịch vụ cho thuê nhà ở, cao ốc văn phòng cho thuê, dịch vụ giao dịch nhà, đất. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu đô thị mới; thực hiện các chính sách đất đai, xây dựng để tăng khối lượng cung về nhà ở và các giải pháp về tài chính để kích thích khối cầu.
1.6. Dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai: Hỗ trợ phát triển các dịch vụ khoa học, công nghệ và tư vấn để tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập quốc tế trên một số lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, năng suất và chất lượng sản phẩm, kiểm toán, chiến lược kinh doanh, luật pháp,... Hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng vào sản xuất. Chú trọng phát triển lĩnh vực thiết kế, tạo mẫu và lĩnh vực quảng cáo; phát triển thị trường công nghệ.
1.7. Du lịch (tập trung du lịch quốc tế): Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch của thành phố; liên kết với các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển các khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống khách sạn của thành phố, xây dựng sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến vào các thị trường trọng điểm, gắn với mở rộng hợp tác liên kết và kêu gọi đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực.
1.8. Y tế: Tập trung nâng cao chất lượng của dịch vụ y tế, xây dựng một số trung tâm y tế chất lượng cao. Xây dựng một số trung tâm y tế - sinh thái, kết hợp khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng đạt chuẩn quốc tế và chi phí rẻ hơn các nước tiên tiến trong khu vực. Tiếp tục xã hội hóa lĩnh vực y tế; nghiên cứu áp dụng mô hình bệnh viện cổ phần.
1.9. Giáo dục và đào tạo: Tăng cường đào tạo ở hai lĩnh vực kỹ thuật và quản lý; tập trung đào tạo nghề, các ngành khoa học - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục xã hội hóa lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Khuyến khích các trường, cơ sở giáo dục quốc tế thành lập chi nhánh tại thành phố. Phối hợp với các bộ - ngành Trung ương xây dựng và ban hành cơ chế quản lý, sử dụng tiềm lực giáo dục và đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn thành phố.
2. Các ngành công nghiệp:
Ưu tiên chuyển dịch cơ cấu kinh tế 4 ngành công nghiệp sau:
2.1. Công nghiệp cơ khí: Ưu tiên các ngành sản xuất và nội địa hóa lắp ráp ô tô. Sản xuất các phương tiện vận tải như ô tô từ 4 đến 60 chỗ, ô tô tải nhẹ, ô tô chuyên dùng, tàu thủy; các sản phẩm máy công cụ như máy cắt gọt kim loại, máy rèn dập, máy gia công các loại, máy công cụ chuyên dùng để tái trang bị cho ngành cơ khí, theo hướng điện tử hóa, tự động hóa; các sản phẩm cơ khí chính xác như đồng hồ đo các loại, thiết bị dụng cụ y tế, kính mắt, cân bàn; dụng cụ, thiết bị gia dụng như quạt điện, xe đạp, xe máy, bếp gas, tủ lạnh, điều hòa không khí, máy giặt, bếp điện, máy nước nóng, dụng cụ trong hệ thống cấp nước gia đình, đồ dùng nhà bếp. Sản xuất các loại kết cấu kim loại và thiết bị phi tiêu chuẩn như cấu kiện thép cho xây dựng, tấm lợp kim loại, các loại bồn thùng, bể chứa bằng kim loại, các loại dụng cụ phục vụ xây dựng; các máy móc phục vụ công nghiệp chế biến, máy móc phục vụ nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2010, công nghiệp cơ khí chiếm tỷ trọng 20% giá trị sản xuất công nghiệp thành phố.
2.2. Điện tử - công nghệ thông tin: Ưu tiên sản xuất linh kiện, phụ tùng, các sản phẩm điện tử gia dụng và công nghiệp, điện tử viễn thông, máy tính, các phần mềm xuất khẩu, các dịch vụ điện tử - tin học, dịch vụ trực tuyến và đa truyền thông, nghiên cứu và phát triển (R&D) và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2010, ngành điện tử - viễn thông chiếm tỉ trọng 7% giá trị sản xuất công nghiệp thành phố.
2.3. Hóa chất: Ưu tiên sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu dùng (hóa dược, thảo dược và thuốc y tế, các sản phẩm hóa chất kỹ thuật cao); các sản phẩm nhựa, cao su (săm, lốp ô tô, xe máy, xe đạp và các sản phẩm cao su kỹ thuật cao, bao bì các loại, vật liệu xây dựng, sản phẩm gia dụng và nhựa kỹ thuật); sản phẩm phục vụ công nghiệp (pin, ắc quy như chì hoàn nguyên, bột kẽm, dioxyt mangan điện giải và sản xuất các loại pin và ắc quy cao cấp); sản phẩm trung gian từ hóa dầu; sản phẩm phục vụ nông nghiệp (phân bón vi sinh và thuốc trừ sâu vi sinh chất lượng cao). Phấn đấu đến năm 2010, ngành hóa chất chiếm tỉ trọng 11% giá trị sản xuất công nghiệp thành phố.
2.4. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp rượu bia nước giải khát, các ngành công nghiệp chế biến sữa, công nghiệp chế biến thịt, chế biến dầu thực vật, chế biến bánh kẹo, công nghiệp chế biến thủy - hải sản, chế biến thức ăn nhanh, xay xát. Phấn đấu đến năm 2010, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống chiếm tỉ trọng 17,4% giá trị sản xuất công nghiệp thành phố.
Cùng với bốn ngành công nghiệp ưu tiên trên (đến năm 2010 chiếm khoảng 55% giá trị sản xuất công nghiệp thành phố), chú trọng hỗ trợ một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như sau:
+ Ngành công nghiệp dệt may - da giày: Tập trung vào khâu thiết kế - tạo mẫu, xây dựng thương hiệu. Giảm tỉ lệ sản xuất gia công, tăng cường đầu tư chiều sâu để sản xuất các sản phẩm có hàm lượng sáng tạo và giá trị tăng cao.
+ Ngành sản xuất đồ gỗ, thủ công - mỹ nghệ: Tập trung phát triển các sản phẩm gỗ xuất khẩu chế biến từ gỗ nhân tạo và rừng trồng, chế biến các sản phẩm gỗ tinh chế có giá trị cao và đồ thủ công mỹ nghệ.
3. Phát triển nông nghiệp:
+ Tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập trung, xây dựng các vùng sản xuất giống cây, xây dựng các vùng sản xuất giống con, thủy sản có năng suất, chất lượng cao.
+ Chuyển dịch cơ cấu các sản phẩm nông nghiệp cần tập trung theo hướng chuyển từ sản xuất ra sản phẩm sang sản xuất ra giống cây, giống con để hình thành trung tâm tạo giống; khuyến khích trồng rau an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước; phát triển mạnh sản xuất cây cảnh - cá kiểng, cá sấu, ba ba và các loại khác phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
+ Gắn chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; phát triển các mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả (kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác); tăng năng suất lao động và thu nhập lao động nông nghiệp và nông thôn ngoại thành; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên mỗi đơn vị diện tích theo hướng chuyển dịch cơ cấu đất lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao hơn.
+ Phấn đấu đến năm 2010, giá trị sản xuất trồng trọt chiếm 23,5%; chăn nuôi 36%; lâm nghiệp 1%; thủy sản 29,5%; các hoạt động dịch vụ nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 10% (dịch vụ nông - lâm nghiệp 6%; thủy sản 4%) trong giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU VÀ DỰ ÁN HỖ TRỢ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ
1. Giải pháp chủ yếu:
1.1. Điều chỉnh quy hoạch không gian đô thị, tái bố trí dân cư và các cơ sở sản xuất phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng các công trình hạ tầng gắn với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các khu đô thị mới và đô thị vệ tinh. Thực hiện tốt kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị nhằm thu hút dân cư, giảm áp lực dân số khu vực nội thành.
1.2. Xây dựng và ban hành cơ chế sử dụng công cụ tài chính làm đòn bẩy để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố.
1.3. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, công nhân lành nghề, tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xây dựng cơ chế và hỗ trợ việc liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất kinh doanh, ứng dụng những thành tựu nghiên cứu trong khoa học - công nghệ vào sản xuất.
1.4. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nhất là liên quan đến các thủ tục hành chính. Thành phố tiếp tục khắc phục các vướng mắc, cản trở trong môi trường đầu tư. Tiếp tục củng cố cơ chế “một cửa, một dấu”, gắn với chương trình cải cách hành chính của thành phố. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, nhân dân nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đầu tư vào các ngành kỹ thuật hiện đại và dịch vụ cao cấp.
1.5. Xây dựng Trung tâm thông tin Kinh tế của thành phố để cung cấp thông tin kinh tế cần thiết cho các doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp định hướng thị trường, xây dựng sản phẩm và chuẩn bị đầu tư. Thực hiện tốt công tác dự báo kinh tế nhằm hỗ trợ cho hoạt động các doanh nghiệp. Tăng cường phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế thế giới.
1.6. Phân bổ hợp lý các nguồn lực Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội trên các lĩnh vực mà ngân sách Nhà nước không đáp ứng đủ. Tiếp tục củng cố, sắp xếp các Tổng Công ty Nhà nước thuộc địa phương quản lý, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Sắp xếp lại các Công ty Nhà nước có hoạt động công ích phù hợp với Luật Doanh nghiệp Nhà nước; thực hiện phương thức Nhà nước mua (theo hình thức đấu thầu đối với loại dịch vụ mà ngân sách Nhà nước chi trả); đấu thầu, cung cấp (đối với loại dịch vụ mà người thụ hưởng phải chi trả) dịch vụ công ích từ các thành phần kinh tế thay cho mô hình Công ty Nhà nước công ích nhằm xã hội hóa dịch vụ công ích.
1.7. Phối hợp các bộ - ngành Trung ương và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thống nhất về quy hoạch phát triển các ngành kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn Vùng.
2. Các đề án, dự án cụ thể:
Đồng thời với việc thực hiện các giải pháp, biện pháp thường xuyên của từng ngành, sẽ tập trung triển khai các chương trình, dự án trọng tâm sau đây:
2.1. Các ngành dịch vụ:
(1) Tài chính:
+ Đề án xây dựng “Trung tâm tài chính thành phố Hồ Chí Minh”.
+ Đề án về “Tổng Công ty đầu tư tài chính thành phố Hồ Chí Minh” trên cơ sở Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Thương mại:
+ Xây dựng và triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu thời kỳ 2006 - 2010; đề án xây dựng kênh phân phối bán buôn, bán lẻ; đề án phát triển hệ thống thương mại điện tử.
+ Chuẩn bị và kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm thương mại quốc tế ở bán đảo Thủ Thiêm.
+ Xây dựng đề án thành lập Trung tâm (Sở) giao dịch hàng hóa.
(3) Dịch vụ vận tải và kho bãi:
+ Dự án “Khu đô thị cảng Hiệp Phước”.
+ Chương trình di dời hệ thống cảng ra khỏi nội thành.
(4) Dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin:
+ Hoàn thiện khu phần mềm Quang Trung.
+ Khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng mới một số e-towns.
+ Chương trình phát triển các dịch vụ kinh doanh trực tuyến.
(5) Dịch vụ bất động sản:
+ Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.
+ Khu Đô thị Nam thành phố.
+ Các biện pháp, giải pháp thúc đẩy tiến độ xây dựng các khu dân cư mới đã giao đất từ năm 2005 về trước.
(6) Dịch vụ tư vấn, khoa học, công nghệ, nghiên cứu và triển khai:
+ Chương trình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ.
+ Dự án nâng cấp Trung tâm thông tin khoa học - công nghệ thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm thông tin khoa học - công nghệ của khu vực phía Nam.
+ Dự án xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm của thành phố.
+ Thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy ứng dụng các sáng tạo kỹ thuật.
+ Dự án xây dựng Trung tâm thông tin kinh tế thành phố.
(7) Du lịch:
+ Xây dựng chương trình quảng bá du lịch thành phố trong và ngoài nước.
+ Chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành.
(8) Ngành y tế:
+ Xây dựng 05 khu điều trị kỹ thuật cao bao gồm: 1 khu trung tâm là các bệnh viện thành phố hiện nay và 04 khu cửa ngõ vào trung tâm thành phố : (1) Bình Chánh, Bình Tân, quận 8; (2) Thủ Đức, quận 9, quận 2; (3) Củ Chi, Hóc Môn, quận 12; (4) Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7.
+ Xây dựng Viện Trường ở Củ Chi tại xã Phước Hiệp (qui mô 100 ha, vốn đầu tư khoảng 85 triệu Euro) phục vụ lâu dài cho đào tạo cán bộ y tế cho ngành y tế của thành phố.
+ Thành lập Công ty mẹ - Công ty con ngành Dược, phát huy sức mạnh tổng hợp của ngành Dược thành phố.
+ Xây dựng khu xét nghiệm kỹ thuật cao cho hệ dự phòng và phục vụ các công tác khác ở khu Nam thành phố.
+ Xây dựng Trung tâm y học cổ truyền thành phố, hòa nhập các quốc gia khu vực và quốc tế.
(9) Giáo dục - đào tạo:
+ Quy hoạch “Khu đại học quốc tế” là nơi thu hút các đại học hàng đầu thế giới đến đặt chi nhánh, trụ sở.
+ Chương trình đào tạo lao động kỹ thuật.
2.2. Các ngành công nghiệp:
+ Đề án phát triển ngành công nghiệp hóa chất.
+ Đề án phát triển sản xuất ngành công nghiệp cơ khí chế tạo.
+ Đề án phát triển ngành công nghệ thông tin.
+ Đề án phát triển ngành điện.
+ Dự án xây dựng cụm công nghiệp cơ khí ô tô Củ Chi.
2.3. Nông nghiệp:
+ Chương trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
+ Chương trình phát triển giống, cây trồng, vật nuôi chất lượng cao.
+ Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao.
+ Dự án Trung tâm công nghệ sinh học.
+ Dự án Trung tâm thủy sản thành phố.
+ Dự án Trung tâm giao dịch, triển lãm hoa, cây kiểng, rau an toàn ở Củ Chi.
3. Tổ chức thực hiện:
3.1. Viện Kinh tế cụ thể hóa các giải pháp và biện pháp chung tại mục 1, phần III.
3.2. Giao cho các sở - ngành có liên quan chịu trách nhiệm triển khai các chương trình cụ thể theo từng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tại mục 2, phần III và cụ thể hóa các giải pháp chung liên quan đến các chương trình, đề án cụ thể, quy định tại mục 1, phần III; thời gian hoàn thành và đưa vào áp dụng trong năm 2006.
3.3. Đối với các chương trình và dự án cụ thể, giao cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có năng lực triển khai theo hình thức tuyển chọn doanh nghiệp.
3.4. Các sở - ngành liên quan có trách nhiệm khẩn trương dự trù kinh phí để thực hiện các chương trình cụ thể.
3.5. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm làm đầu mối điều phối hoạt động chung của cả Chương trình, theo dõi tiến độ, phát hiện khó khăn, vướng mắc để giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết. Giao Viện Kinh tế hàng năm sơ kết kết quả thực hiện Chương trình, đề xuất các nội dung điều chỉnh, bổ sung (nếu cần)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 108/QĐ-UBND năm 2012 công bố văn bản hết hiệu lực do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 08/2012/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế quận, giai đoạn 2012 - 2015 do Ủy ban nhân dân Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Quyết định 115/2006/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 115/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/07/2006
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Thanh Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 27
- Ngày hiệu lực: 01/08/2006
- Ngày hết hiệu lực: 09/01/2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực