Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1146/QĐ-UBND | Mỹ Tho, ngày 31 tháng 03 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TỈNH TIỀN GIANG - THỜI KỲ 2008 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 17/2009/QĐ-TTg ngày 22/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020;
Căn cứ Chỉ thị số 15/2007/CT-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, về một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 619/TTr-SKH&ĐT, ngày 24 tháng 03 năm 2009 về Định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngòai tỉnh Tiền Giang - thời kỳ 2008 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Tiền Giang - thời kỳ 2008 - 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
Tên đề án: Định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Tiền Giang - thời kỳ 2008 - 2020.
Cơ quan lập và quản lý đề án: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang
Mục tiêu và định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Tiền Giang - thời kỳ 2008-2020:
I. QUAN ĐIỂM VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG THỜI KỲ 2008 - 2020
1. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, bảo đảm phù hợp với mục tiêu và định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 17/2009/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2009.
2. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh là bộ phận cấu thành tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, dịch vụ, phát triển mạnh những ngành sản xuất và dịch vụ có lợi thế, gắn với phát triển những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao.
3. Huy động vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế của tỉnh ngày một tăng nhưng phải bền vững và góp phần mở rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, gắn liền với thu hút vốn là công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế
4. Thu hút dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải bảo đảm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
5. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển kinh tế phải gắn với ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, nâng cao dân trí; tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng nền hành chính vững mạnh.
6. Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường và đối tác đầu tư nhằm thu hút có hiệu quả đầu tư nước ngoài, khuyến khích mở rộng quy mô đầu tư, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mục tiêu đầu tư phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài và quy hoạch phát triển ngành và sản phẩm.
7. Thu hút vốn đầu tư một cách chủ động, có chọn lọc, chú trọng chất lượng, hiệu quả và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.
8. Thu hút đầu tư nước ngoài cần chủ động tiếp cận và mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn có nhiều tiềm lực về tài chính và công nghệ để đầu tư dự án có chất lượng cao, quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại, có thị trường tiêu thụ ổn định nhằm có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng và phát triển của tỉnh.
9. Cần đa dạng hóa các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh tập trung thu hút các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cần chú trọng thu hút dự án đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đặc biệt là: đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe và ngân hàng.
Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 và mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, mục tiêu thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong mỗi giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020 như sau:
1. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010:
Trong giai đoạn 2006 - 2010, theo phương án chọn trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 17/2009/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2009, yêu cầu phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài thực hiện là 371 triệu USD, chiếm khoảng 13%-14% tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Mục tiêu phấn đấu của Đề án là 400 triệu USD. Từ đầu năm 2006 đến hết năm 2008, đã thu hút được 20 dự án với tổng vốn đăng ký là 299 triệu USD, bình quân vốn đăng ký là 15 triệu USD/DA. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện từ 2006 đến cuối năm 2008 là: 108 triệu USD, đạt 37% vốn đăng ký. Như vậy, còn phải thu hút tiếp vốn đầu tư thực hiện trong 02 năm 2009 và 2010 tối thiểu là 263 triệu USD. Để đạt mục tiêu phấn đấu và vượt mục tiêu tối thiểu về vốn thực hiện, cần phải thu hút trên 26 dự án với tổng vốn đăng ký trên 508 triệu USD
Nâng tỷ lệ đóng góp cho GDP lên 3% vào năm 2010, mức đóng góp cho ngân sách lên 7%. Nâng tổng doanh thu của các dự án đầu tư nước ngoài trong cả giai đoạn này đạt 600 triệu USD - gấp đôi so với giai đoạn 2001 - 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 80 triệu USD, chiếm 8,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động.
2. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2011 - 2015:
Trong giai đoạn 2011 - 2015, theo phương án chọn trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, yêu cầu phải đạt vốn thực hiện của vốn đầu tư nước ngoài là 790 triệu USD, chiếm khoảng 12% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Mục tiêu phấn đấu của Đề án là 900 triệu USD vốn thực hiện. Trong giai đoạn này, dự kiến quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án vào khoảng 30-31 triệu USD/dự án. Tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký vào khoảng 49%-50%. Để đạt mục tiêu vốn phấn đấu và vượt mức vốn tối thiểu về vốn thực hiện của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn này, Tiền Giang cần phải thu hút khoảng 60-70 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,7-1,8 tỷ USD.
Nâng tỷ lệ đóng góp cho GDP lên 7% vào năm 2015, mức đóng góp cho ngân sách lên 10%. Nâng tổng doanh thu của các dự án đầu tư nước ngoài trong cả giai đoạn này đạt 1.800 triệu USD - gấp ba lần giai đoạn 2006 - 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 120 triệu USD, chiếm 9,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động.
3. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020
Trong giai đoạn 2016 - 2020, theo phương án chọn trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, yêu cầu phải thực hiện đạt mức vốn đầu tư nước ngoài tối thiểu từ 1,2 -1,25 tỷ USD, chiếm khoảng 10%-11% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Mục tiêu phấn đấu của Đề án là 1.700 triệu USD vốn thực hiện. Trong giai đoạn này, dự kiến quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án vào khoảng 25 triệu USD/dự án. Tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký vào khoảng 55%-56%. Để đạt mục tiêu vốn phấn đấu và vượt mục tiêu tối thiểu về vốn thực hiện của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn này, Tiền Giang cần phải thu hút khoảng 80-90 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,8-3,0 tỷ USD.
Nâng tỷ lệ đóng góp cho GDP lên 10% vào năm 2020, mức đóng góp cho ngân sách lên 20%. Nâng tổng doanh thu của các dự án đầu tư nước ngoài trong cả giai đoạn này đạt 3.000 triệu USD - gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 180 triệu USD, chiếm 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 45.000 lao động.
Khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành dịch vụ, công nghiệp kỹ thuật cao, có hàm lượng chất xám và tạo ra giá trị gia tăng cao; các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử, vật liệu mới, sản xuất phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các ngành mà tỉnh có nhiều lợi thế cạnh tranh gắn với công nghệ hiện đại, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Khuyến khích các nhà đầu tư từ tất cả các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng lớn về tài chính và nắm công nghệ nguồn từ các nước công nghiệp phát triển; tạo thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước. Quan tâm nhiều hơn đến công tác thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng, đặc biệt chú trọng thu hút các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Hạn chế việc thu hút các dự án thâm dụng lao động, gia công giá trị gia tăng thấp và các ngành công nghiệp công nghệ lạc hậu. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư các dự án cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu của tỉnh, thúc đẩy sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao.
Thu hút đầu tư nước ngoài vào Tiền Giang từ nay đến năm 2020 để bổ sung nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo các mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã đề ra, cần tập trung vào các lĩnh vực như sau.
1. Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch gắn với định hướng phát triển đô thị tại tỉnh:
Tiền Giang sẽ quy hoạch phát triển hệ thống đô thị gắn với sự phát triển lan toả vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh, các hành lang kinh tế Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, đường cao tốc, đường sắt và các khu cụm công nghiệp. Nâng cấp, phát triển mở rộng thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị trấn Cai Lậy cho tương xứng với chức năng là trung tâm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các tiểu vùng.
Để phát triển hệ thống đô thị như trên, nhu cầu đầu tư các công trình hạ tầng thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế, khu dân cư, các nhà hàng, khách sạn, tài chính - ngân hàng... là rất lớn. Tỉnh quan tâm vận động thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các công trình này. Trong đó, chú ý tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Đầu tư các trung tâm thương mại - dịch vụ: Phát triển các trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, thông tin, tư vấn, chuyển giao công nghệ, các loại thị trường vốn, lao động, bất động sản; du lịch, khách sạn, siêu thị, chợ đầu mối... Đặt trọng tâm là thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, tập trung phát triển 4 trung tâm thương mại khu vực thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, Cai Lậy và Cái Bè.
- Phát triển mới các trung tâm thương mại dịch vụ tại Tân Phước, Gò Công Đông để phục vụ tốt cho hai vùng phát triển công nghiệp ở hai khu vực này. Tại vùng công nghiệp Gò Công: đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối thủy sản phục vụ cho kinh tế biển và các khu công nghiệp, cùng các khu du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng Tân Thành, Hàng Dương gắn liền với du lịch văn hoá - lễ hội, di tích lịch sử. Tại vùng công nghiệp Tân Phước: đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, khu đô thị, khu văn hóa - thể thao, khu dịch vụ y tế, khu tài chính - ngân hàng.
- Tại thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành: Quy hoạch phát triển các đô thị mới như Bình Đức, Vĩnh Kim, Long Định, Tân Hương, Tam Hiệp và khu đô thị mới Trung Lương. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ cao cấp như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, các dịch vụ tư vấn, thông tin, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo chất lượng cao; dịch vụ văn hóa - vui chơi, nghỉ ở cuối tuần (nhà vườn, biệt thự...). Từng bước hình thành các thị trường vốn, lao động, bất động sản..., phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối nông thủy sản trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, hình thành trung tâm hội chợ - thông tin - triển lãm nông - công nghiệp của vùng, trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp Trung Lương, trung tâm thương mại - dịch vụ Lương Phú gắn với sự hình thành phát triển Trường Đại học Tiền Giang, Bệnh viện cao cấp, các Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Tại thị xã Gò Công: Dự kiến nâng cấp lên đô thị loại III trong giai đoạn 2012 - 2015, với quy mô 120 ngàn dân. Thực hiện Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 21/01/2008 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây để mở rộng thị xã Gò Công và thành lập huyện Tân Phú Đông. Theo Quyết định số 3162/QĐ-UBND ngày 23/8/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Gò Công thời kỳ 2006 - 2020; sau khi mở rộng diện tích của thị xã Gò Công, trên cơ sở nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 và thực hiện dự án Cầu Mỹ Lợi qua sông Vàm Cỏ, hình thành khu đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ, xây dựng môi trường và hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài; đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, tạo ra điểm sản xuất và xuất, nhập khẩu hàng hóa lớn của tỉnh, với tốc độ phát triển cao, hiệu quả và bền vững. Gắn với thành phố Hồ Chí Minh và hành lang kinh tế biển, thị xã cần kêu gọi các dự án lớn như các trung tâm dịch vụ - thương mại - du lịch, các trung tâm dịch vụ hậu cần khai thác kinh tế biển, các khu đô thị mới gắn với các ngân hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí.
- Tại Cái Bè - Cai Lậy: Phát triển mở rộng thị trấn Cai Lậy lên đô thị loại IV, xây dựng các khu đô thị mới trên cơ sở mở rộng thị trấn, thu hút các dự án đầu tư khách sạn, nhà hàng, trường dạy nghề, trung tâm vui chơi giải trí tại thị trấn Cái Bè và các đô thị mới như An Hữu, Thiên Hộ, Mỹ Phước Tây.
- Đầu tư các công trình du lịch: Với định hướng phát triển du lịch ở Tiền Giang đặt trong tổng thể du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và cả nước, mà trước hết là gắn với tam giác du lịch phía Nam và địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam (TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu - Đà Lạt). Tỉnh Tiền Giang thu hút đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa loại hình du lịch, chú trọng phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, kể cả các dịch vụ vui chơi, giải trí để thu hút khách du lịch lưu trú qua đêm. Tăng cường mời gọi đầu tư để phát triển du lịch ở những vùng có tiềm năng phát triển du lịch như: bãi biển Tân Thành, các cù lao trên sông Tiền, các vườn cây ăn trái, vùng rừng ngập phèn Đồng Tháp Mười,... Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư phát triển cù lao Thới Sơn thành trung tâm du lịch của tỉnh Tiền Giang và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế và phát triển các dịch vụ giải trí phục vụ du lịch.
2. Trong lĩnh vực công nghiệp:
Trước mắt ưu tiên thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và công nghiệp sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm mà tỉnh có lợi thế về nguồn nguyên liệu, về tiềm năng và ưu thế cạnh tranh hoặc nhằm bổ trợ cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long như công nghiệp chế tạo máy phục vụ nông nghiệp, công nghiệp công nghệ sinh học. Đồng thời chú trọng thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và ít lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu tại chỗ.
- Từ nay đến năm 2010 sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và công nghiệp sử dụng nhiều lao động; công nghiệp chế biến sẽ phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và chế biến sâu; công nghiệp may sẽ phát triển theo hướng giảm dần tỷ lệ gia công và nâng dần tỷ lệ sản phẩm tự thiết kế, sản xuất để tiêu thụ. Hình thành ngành công nghiệp tàu thủy; tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, ít lệ thuộc vào nguyên liệu tại chổ.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành nghề nông thôn, hình thành các vệ tinh hợp tác với các doanh nghiệp công nghiệp lớn để tạo điều kiện phát triển ngành nghề nông thôn.
- Từ năm 2011, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp trước đây chưa phát triển như công nghiệp hóa chất, vật liệu xây dựng; từng bước phát triển ngành công nghiệp tàu thủy và công nghiệp phụ trợ, hình thành và nâng cao tỷ trọng các ngành công nghiệp điện - điện tử - tin học, cơ khí chế tạo…
- Từ năm 2015, tiếp tục phát triển ngành công nghiệp chế biến theo chiều sâu và tăng cường phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng.
Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các dự án đầu tư trong các khu cụm công nghiệp sau đây:
- Khu công nghiệp Tân Hương.
Diện tích 197,33 ha, thuộc xã Tân Hương huyện Châu Thành, cách Mỹ Tho 18 km về hướng Tây Bắc; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập tại Công văn số 1386/CP-CN ngày 06/11/2002. Công ty TNHH Nhựt Thành Tân làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tân Hương. Hiện đang ưu tiên tiếp nhận dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, gồm các dự án đầu tư về các lĩnh vực ngành nghề: điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, hóa chất, công nghiệp hàng tiêu dùng (Quy định ưu đãi đầu tư khu công nghiệp Tân Hương, tỉnh Tiền Giang, ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 07/5/2007 của UBND tỉnh Tiền Giang).
- Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí:
Đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về mặt chủ trương tại văn bản số 665/TTg-KTN ngày 05/5/2008 về chủ trương đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Tiền Giang. Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí thuộc xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông và thuộc xã Tân Trung, thị xã Gò Công. Quy mô diện tích khoảng 920 ha. Thời gian thực hiện: 2008 - 2015. Mục tiêu ngành nghề sản xuất: đây là khu công nghiệp chuyên phục vụ cho ngành dầu khí, bao gồm 03 khu chức năng:
- Khu đóng và sửa chữa tàu chuyên dùng cho ngành dầu khí, bao gồm tàu vận chuyển, tàu phục vụ thăm dò khai thác…
- Khu sản xuất chế tạo và sửa chữa cơ khí; chuyên sản xuất các thiết bị cơ khí chuyên dùng trong ngành dầu khí như kết cấu kim loại dầu khí, chân đế giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí…
- Khu dịch vụ cảng và kho chứa dầu khí với sức chứa từ 2-3 triệu mét khối.
Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí do Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư.
- Các Khu công nghiệp Đông Nam Tân Phước:
Hệ thống gồm 03 khu công nghiệp nằm ở hướng Đông Nam huyện Tân Phước, thuộc 03 xã Tân Lập I, Tân Lập II và xã Phước Lập. Tổng diện tích: 1.585 ha. Định hướng thu hút các dự án bố trí các khu công nghiệp này gồm: công nghiệp sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế; cơ khí lắp ráp, cơ khí chế tạo; điện - điện tử - điện lạnh; công nghiệp dệt - may, các sản phẩm da, giả da, giày xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ; sản xuất vật dụng gia đình, bao bì, nhựa, các sản phẩm từ cao su...; công nghiệp chế biến nông sản, nước giải khát, bánh kẹo; công nghiệp chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, vách ngăn, nội thất…; công nghiệp công nghệ cao.
Trong đó: Đang triển khai Khu công nghiệp Long Giang, thuộc địa bàn xã Tân Lập I, huyện Tân Phước. Có tổng diện tích 540 ha. Định hướng thu hút dự án đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp, theo Quy định ưu đãi đầu tư vào Khu công nghiệp Long Giang, tỉnh Tiền Giang, ban hành kèm Quyết định số 23/2008/QĐ-UBND ngày 12/6/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, gồm các lĩnh vực: công nghiệp sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế; cơ khí lắp ráp, cơ khí chế tạo; điện - điện tử - điện lạnh; công nghiệp dệt - may, các sản phẩm da, giả da, giày xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ; sản xuất vật dụng gia đình, bao bì, nhựa, các sản phẩm từ cao su..; công nghiệp chế biến nông sản, nước giải khát, bánh kẹo; công nghiệp chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, vách ngăn, nội thất…; công nghiệp công nghệ cao. Thời gian thực hiện: 2008 - 2015.
- Các khu, cụm công nghiệp khu vực Gò Công:
Dự kiến có 06 khu, cụm công nghiệp gần nhau cùng khai thác lợi thế của sông Soài Rạp; nằm trải dài từ Vàm Láng, Gia Thuận, Tân Phước, Kiểng Phước thuộc huyện Gò Công Đông và Tân Trung, Bình Đông, Bình Xuân thuộc thị xã Gò Công. Với tổng diện tích 4.700 ha. Định hướng thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp: cơ khí lắp ráp, cơ khí chế tạo, điện - điện tử, điện lạnh; sản xuất vật dụng gia đình, bao bì, nhựa...; công nghiệp vật liệu xây dựng, vách ngăn, nội thất...; cơ khí tàu thuyền và công nghiệp phụ trợ.…; công nghiệp chế biến nông sản, nước giải khát, bánh kẹo; kinh doanh kho bãi; xăng dầu, cảng biển; công nghiệp công nghệ cao. Thời gian thực hiện: 2008 - 2020.
Trong đó: Sớm triển khai 02 khu công nghiệp sau đây:
- Khu công nghiệp Gia Thuận:
Khu công nghiệp Gia Thuận thuộc địa bàn xã Gia Thuận và Tân Phước, huyện Gò Công Đông. Tổng diện tích: 400 ha. Định hướng bố trí các dự án về: Sản xuất, lắp ráp hàng điện tử viễn thông; thiết bị điện dân dụng và công nghiệp; máy móc, thiết bị công - nông nghiệp; sản xuất các máy móc, thiết bị chuyên ngành dầu khí, hóa dầu; dệt may, hàng trang sức, may mặc, dụng cụ thể thao; sản xuất các thiết bị, vật liệu trang trí nội - ngoại thất; sản xuất, lắp đặt, xây dựng nhà tiền chế; sản xuất hóa chất cơ bản chuyên về lĩnh vực dầu khí; hóa chất, mỹ phẩm; chế biến thủy, hải sản; kho bãi, xăng dầu; cảng biển theo quy hoạch chung của Chính phủ. Thời gian thực hiện: 2009 - 2015.
- Khu công nghiệp dầu khí (như trên)
Ngoài các khu công nghiệp nói trên, còn có các cụm công nghiệp đã được quy hoạch ở các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, theo Đề án tổng thể điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt tại Quyết định số 3447/QĐ-UBND ngày 03/11/2008, và theo đề nghị bổ sung của Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước, được định hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề như sau:
- Thành phố Mỹ Tho:
+ Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh: Địa điểm đầu tư tại phường 9, có quy mô đầu tư 24 ha; ngành nghề đầu tư: sản xuất hàng gia dụng, chế biến lương thực, thực phẩm và nhằm di dời các cơ sở sản xuất trong nội ô thành phố Mỹ Tho... Thời gian thực hiện: giai đoạn 2006 - 2010.
+ Cụm công nghiệp Dịch vụ nghề cá Tân Mỹ Chánh: Địa điểm đầu tư tại xã Tân Mỹ Chánh và phường 9, quy mô đầu tư 53 ha; ngành nghề đầu tư: đóng mới và sửa chữa ghe tàu, chế biến thủy hải sản, các dịch vụ thủy sản... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2009 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Trung An II: Địa điểm đầu tư tại xã Trung An, quy mô đầu tư 20 ha; ngành nghề đầu tư: may mặc, cơ khí, nhựa gia dụng... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2011 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Mỹ Phong: Địa điểm đầu tư tại xã Mỹ Phong, quy mô đầu tư 20 ha; ngành nghề đầu tư: cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2016 - 2020.
- Thị xã Gò Công:
+ Cụm công nghiệp Bình Đông: Nằm trên địa bàn xã Bình Đông được thành lập từ Cụm công nghiệp Bình Đông, thị xã Gò Công. Qui mô diện tích khoảng 211,83 ha. Định hướng thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao thuộc các lĩnh vực: công nghỉệp lắp ráp điện tử, đồ điện gia dụng, hàng kim loại; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp cơ khí chính xác, lắp ráp ô tô; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, hàng nông thủy sản; công nghiệp may mặc, dệt, giầy da; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Thời gian thực hiện 2009 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Long Chánh: Địa điểm đầu tư tại xã Long Chánh - thị xã Gò Công, quy mô đầu tư 50 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến thực phẩm, cơ khí, may mặc, giày da, hàng thủ công mỹ nghệ... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2011 - 2015.
- Huyện Cái Bè:
+ Cụm công nghiệp An Thạnh II: Địa điểm đầu tư tại ấp An Thạnh, xã Hòa Khánh, quy mô đầu tư 15 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực, cơ khí, may mặc... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2008 - 2010.
+ Cụm công nghiệp Mỹ Hội: Địa điểm đầu tư tại xã Mỹ Hội, quy mô 50 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực thực phẩm, cơ khí, may, sản xuất hàng gia dụng... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2009 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Mỹ Thuận: Địa điểm đầu tư tại xã Hòa Hưng- Cái Bè, quy mô 20 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực thực phẩm, cơ khí, may... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2016-2020.
- Huyện Cai Lậy:
+ Tuyến công nghiệp Tân Bình: Địa điểm đầu tư tại xã Tân Bình, quy mô đầu tư 57 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực, thực phẩm, rau quả, cơ khí, may mặc,... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2008 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Tân Hội: Địa điểm đầu tư tại xã Tân Hội, quy mô đầu tư 60 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực, thực phẩm, dược, cơ khí... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2011 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Long Trung: Địa điểm đầu tư tại xã Long Trung - Cai Lậy, qui mô đầu tư 60 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến và bảo quản rau quả, lương thực - thực phẩm, may mặc, chế biến mộc, cơ khí... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2016 - 2020.
+ Cụm công nghiệp Phú Cường: Địa điểm đầu tư tại xã Phú Cường - Cai Lậy, quy mô đầu tư 50 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực, thực phẩm, dược, cơ khí... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2016 - 2020.
- Huyện Tân Phước:
+ Cụm công nghiệp Phú Mỹ: Địa điểm đầu tư là địa điểm giáp ranh 3 xã Hưng Thạnh, Phú Mỹ, Tân Hòa Thành, quy mô 27 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2009 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Tân Hòa Tây: Địa điểm đầu tư tại xã Tân Hòa Tây, quy mô đầu tư 76 ha; ngành nghề đầu tư: sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2016 - 2020.
+ Cụm công nghiệp Tân Thạnh: Địa điểm xã Tân Thạnh, quy mô đầu tư dự kiến 288 ha để bố trí các dự án có mức độ ô nhiễm cao. Dự kiến thời gian thực hiện: giai đọan 2009 - 2015.
- Huyện Châu Thành:
+ Cụm công nghiệp Song Thuận: Địa điểm đầu tư tại xã Song Thuận (dọc sông Tiền), quy mô đầu tư 47 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản, cơ khí... Thời gian thực hiện: giai đoạn 2007 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Tam Hiệp: Địa điểm đầu tư tại xã Tam Hiệp, quy mô đầu tư 160 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản, cơ khí, điện, công nghệ cao khác... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2008 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Long Hưng: Địa điểm đầu tư tại xã Long Hưng, quy mô đầu tư 20 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí... Dự kiến thực hiện: giai đoạn 2011 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Tân Lý Đông: Địa điểm đầu tư tại xã Tân Lý Đông, quy mô đầu tư 15 ha; ngành nghề đầu tư: tiểu thủ công nghiệp, sửa chữa cơ khí... Dự kiến thực hiện: giai đoạn 2011 - 2015.
- Huyện Chợ Gạo:
+ Cụm công nghiệp Chợ Gạo: Địa điểm đầu tư tại thị trấn Chợ Gạo và xã Tân Thuận Bình, quy mô đầu tư 50,4 ha; ngành nghề đầu tư: sản xuất các sản phẩm từ dừa, chế biến lương thực - thực phẩm, vật liệu xây dựng, súc sản, may công nghiệp... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2008 - 2012.
+ Cụm công nghiệp Chợ Gạo II (mở rộng): Địa điểm đầu tư tại xã Tân Thuận Bình, quy mô đầu tư 120 ha; ngành nghề đầu tư: sản xuất các sản phẩm từ dừa, chế biến lương thực - thực phẩm, cơ khí, điện, vật liệu xây dựng, súc sản, dệt - may - da... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2011 - 2020.
- Huyện Gò Công Tây:
+ Cụm công nghiệp Đồng Sơn: Địa điểm đầu tư tại xã Đồng Sơn, quy mô đầu tư 45 ha; ngành nghề đầu tư: cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, chế biến lương thực, thực phẩm, may công nghiệp, kinh doanh kho bãi... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2008 - 2015.
+ Cụm công nghiệp Vàm Giồng: Địa điểm đầu tư tại xã Vĩnh Hựu, quy mô đầu tư 30 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến các sản phẩm từ dừa, lương thực, thực phẩm, cơ khí, vật liệu xây dựng... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2011 - 2015.
+ Cụm công nghiệp thị trấn Vĩnh Bình: Địa điểm đầu tư tại thị trấn Vĩnh Bình, quy mô đầu tư 15 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực, thực phẩm, may công nghiệp, cơ khí, tiểu thủ công nghiệp... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2016 - 2020.
+ Cụm công nghiệp Tân Long: Địa điểm đầu tư tại địa bàn giáp ranh 02 xã Long Bình và Bình Tân, quy mô đầu tư 20 ha; ngành nghề đầu tư: chế biến lương thực, thực phẩm, các sản phẩm từ dừa, cơ khí sửa chữa tàu thuyền... Dự kiến thời gian thực hiện: giai đoạn 2016 - 2020.
3. Trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản:
- Về trồng trọt và chế biến nông sản: Tập trung vào các dự án xây dựng các vùng trồng và chế biến nông sản xuất khẩu như phát triển các vùng rau sạch chất lượng cao, phát triển các vùng trồng cây ăn quả chuyên canh tạo nguồn nguyên liệu hàng hóa, đáp ứng yêu cầu về lượng và chất, về quy cách, giá thành sản phẩm cho công nghiệp chế biến, cho tiêu dùng và cho xuất khẩu tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo.
- Về chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi: Tập trung thu hút vào các dự án sản xuất giống lợn và gia cầm có chất lượng cao tại các vùng có điều kiện thuận lợi về lao động, đất đai, đảm bảo vệ sinh môi trường khi phát triển chăn nuôi với quy mô lớn, đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất thức ăn gia súc có chất lượng cao.
- Thu hút các tập đoàn đầu tư sản xuất thuốc và các chất vệ sinh phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Xây dựng mới các cụm cảng cá, bến cá ở Mỹ Tho và Gò Công gắn với việc đầu tư phát triển các chợ đầu mối về thủy sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Khuyến khích đầu tư nâng cấp và phát triển mới các nhà máy chế biến thủy sản hiện đại, nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.
IV. CÁC LĨNH VỰC ƯU TIÊN MỜI GỌI ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
(Đính kèm Danh mục dự án của tỉnh kêu gọi vốn đầu tư FDI giai đoạn 2008 - 2020)
Để thực hiện đạt mục tiêu thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, các giải pháp sau đây được triển khai thực hiện:
1. Tăng cường quan hệ hợp tác trong thu hút đầu tư:
Có chính sách hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tập trung được nguồn lực lớn, đủ sức giải quyết các vấn đề lớn hơn như đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống giao thông thủy bộ, các hệ thống hạ tầng cung cấp dịch vụ như điện, nước, viễn thông, ngân hàng... Liên kết thị trường cũng cần chú trọng đến quan hệ hợp tác giữa Tiền Giang cũng như cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đây là mối quan hệ hợp tác đã gắn bó lâu dài và có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tận dụng tối đa các cơ hội để hội nhập, hợp tác với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh trong vùng để xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, để thu hút sự đầu tư vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu; rà soát để định kỳ bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư xác định và xây dựng dự án. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện và kiểm tra thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tham gia thẩm định và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công trên cơ sở phù hợp với định hướng quy hoạch chung của tỉnh.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các huyện và các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, Sở Xây dựng phối hợp với các ngành, huyện lập quy hoạch chung xây dựng thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các khu trung tâm của các huyện; chủ trì lập quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp gắn liền với khu đô thị, khu kinh doanh tập trung khác, quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp đối với khu công nghiệp chưa xác định chủ đầu tư xây dựng - kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Sở Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu, hoàn chỉnh và công bố rộng rãi quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư.
Quán triệt và thực hiện thống nhất các quy định mới của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng trong công tác quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng các quy hoạch ngành, sản phẩm không trái với các cam kết quốc tế.
3. Tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp:
Xúc tiến đầu tư không chỉ dừng lại ở các hoạt động chào bán các cơ hội đầu tư mà còn hướng tới một mục tiêu xa hơn là xây dựng một hình ảnh tốt về môi trường đầu tư của tỉnh. Tỉnh ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động xúc tiến đầu tư, nghiên cứu thành lập quỹ xúc tiến đầu tư để có nguồn hỗ trợ cho các hoạt động môi giới đầu tư, khuyến khích phát triển các trung tâm tư vấn đầu tư và tài trợ cho hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư.
Hoạt động xúc tiến đầu tư cần chủ động hướng ra phạm vi ngoài tỉnh, ngoài biên giới quốc gia để tiếp cận với các tập đoàn kinh tế lớn và mời gọi những dự án đầu tư lớn. Xúc tiến đầu tư muốn hiệu quả phải có trọng tâm, có đối tác cụ thể và có kế hoạch thật chu đáo.
Để hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu quả, cần sớm triển khai các việc sau:
- Xây dựng Đề án - Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh trong từng giai đoạn đến năm 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020: Trung tâm Xúc tiến đầu tư là cơ quan đầu mối xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình này. Đề án - Chương trình phải xác định các mục tiêu, kế hoạch và hoạt động cụ thể trong công tác xúc tiến đầu tư, dự kiến những công việc cần triển khai thực hiện, cơ quan chủ trì thực hiện, cơ quan phối hợp để thực hiện và nguồn kinh phí cho các hoạt động. Đề án - Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh phải phù hợp với Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia và có sự phối hợp tốt trong công tác xúc tiến đầu tư với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về tỉnh để phục vụ công tác xúc tiến đầu tư. Một nhà đầu tư có chiến lược lâu dài bao giờ cũng đòi hỏi được cung cấp rất nhiều thông tin về môi trường kinh tế, xã hội ở nơi mà mình định đầu tư dự án. Chủ động thông tin theo yêu cầu nhà đầu tư sẽ tạo được ấn tượng tốt cho nhà đầu tư, thúc đẩy họ sớm đầu tư vào tỉnh. Trung tâm Xúc tiến đầu tư chủ trì xây dựng đề cương cơ sở dữ liệu cần thu thập. Các ngành, huyện có trách nhiệm rà soát, cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành và địa phương mình, từng bước hình thành và phát triển thành hệ thống cơ sở dữ liệu chung của tỉnh, của từng ngành và từng địa phương.
- Một trong những cơ sở dữ liệu quan trọng trong hoạt động xúc tiến đầu tư là Danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Các ngành, các huyện cần chủ động căn cứ vào quy hoạch phát triển của ngành, địa phương mình để xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Thông tin về các nội dung của một dự án trong danh mục càng chi tiết, cụ thể thì cơ hội thu hút được nhà đầu tư càng cao. Ban quản lý các khu công nghiệp chủ động phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu - cụm công nghiệp lập danh mục các dự án mời gọi đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp. Trên cơ sở danh mục đề xuất do các ngành, các huyện cung cấp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phối hợp với các sở ngành, địa phương xây dựng và tổng hợp Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh trong từng thời kỳ, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để làm cơ sở cho các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.
- Xây dựng Quỹ xúc tiến đầu tư của tỉnh: Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Quỹ xúc tiến đầu tư và thương mại trên cơ sở phát triển Quỹ xúc tiến thương mại hiện nay của tỉnh. Để tập trung nguồn lực cho công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, cần sớm nghiên cứu giải pháp hợp nhất các quỹ có tính chất hỗ trợ đầu tư hiện nay như: Quỹ khuyến công, Quỹ hỗ trợ đầu tư, Quỹ xúc tiến thương mại... để thành lập một Quỹ hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
- Xây dựng và duy trì Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang, nhằm tạo đầu mối tập trung thông tin và cung cấp các dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh. Tạo kênh thông tin chính thức phổ biến các thông tin hoạt động, phương hướng phát triển, chính sách và các hướng dẫn của tỉnh Tiền Giang đến người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn đầu tư vào tỉnh Tiền Giang.
- Các ngành tổ chức các đoàn vận động đầu tư làm việc trực tiếp với các đối tác đầu tư chiến lược, tổ chức các Hội thảo xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài để kêu gọi đầu tư vào các dự án lớn, quan trọng.
- Củng cố, sắp xếp nhân sự, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư để làm đầu mối tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư.
4. Cải thiện môi trường đầu tư:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công, xây dựng quy định về phối hợp xúc tiến đầu tư và quản lý các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh, cơ chế phối hợp trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư.
- Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng Đề án cải cách các thủ tục hành chính trong đầu tư. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn, tránh những thủ tục rườm rà gây khó khăn cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn hơn nhà đầu tư trong nước do sự hiểu biết hạn chế về địa phương. Các cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài phải tận tình hướng dẫn và giúp đỡ nhà đầu tư sớm vượt qua các rào cản về văn hóa, phong tục, tập quán để nhanh chóng thích ứng với môi trường văn hóa địa phương. Các cơ quan giải quyết các thủ tục hành chính trong đầu tư phải tổ chức thực hiện tốt cơ chế một cửa, xây dựng các quy trình tác nghiệp cụ thể để công bố công khai cho nhà đầu tư biết và bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt làm công tác tiếp xúc, hướng dẫn nhà đầu tư. Từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục về đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh phải tổ chức bộ phận hướng dẫn và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.
- Các ngành tỉnh quan tâm giúp đỡ nhà đầu tư nước ngoài khi họ gặp khó khăn trong quá trình đầu tư. Tổ chức diễn đàn gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhà đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đề xuất các yêu cầu, nguyện vọng cần được giúp đỡ theo định kỳ sáu tháng một lần.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành Chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh dành cho nhà đầu tư. Chính sách ưu đãi cần phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư, đáp ứng được những gì nhà đầu tư thật sự cần, góp phần tháo gỡ được các khó khăn cho nhà đầu tư.
Rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020 để làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tăng cường công tác quy hoạch, thực thi các quy hoạch.
Trong điều kiện cơ sở hạ tầng của tỉnh còn nhiều khó khăn, tỉnh cần đầu tư xây dựng hạ tầng các khu - cụm công nghiệp để sớm đáp ứng được các yêu cầu của dự án đầu tư. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng vì đây là những dự án vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm.
Đầu tư phát triển khu - cụm công nghiệp không chỉ dừng lại ở dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, mà phải hướng tới một định hướng xa hơn. Đó là phát triển cả một vùng lãnh thổ rộng lớn bao quanh khu công nghiệp nhằm khai thác triệt để các ngoại tác tích cực từ khu công nghiệp như gia tăng thu nhập và mức sống của cả vùng, đồng thời giải quyết được các ngoại tác tiêu cực như: áp lực tập trung dân số, trường học, nhà ở và các công trình phúc lợi cho gia đình công nhân. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ ngoài khu công nghiệp như: cung ứng nguồn hàng, phân phối sản phẩm, các dịch vụ về vận tải, ngân hàng, viễn thông, tư vấn pháp lý...
Đầu tư mở rộng Cảng Mỹ Tho, nâng cao năng lực phục vụ của cảng đối với vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Tăng cường cơ sở vật chất Trường dạy nghề, Đại học Tiền Giang để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Có giải pháp thích hợp để thu hút đầu tư tư nhân phát triển các Trung tâm dạy nghề chất lượng cao. Quy hoạch, xây dựng hệ thống chợ, các trung tâm thương mại để phục vụ tốt hơn cho lưu thông hàng hóa.
Tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực: nhà hàng, khách sạn có chất lượng phục vụ cao, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống ngân hàng thương mại.
Cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng để nâng cao năng lực tài chính, hỗ trợ đào tạo nghề và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp trong tỉnh đủ mạnh cả về thế và lực thì quá trình hợp tác liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài sẽ thuận lợi hơn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Kế hoạch phải xác thực với các yêu cầu cần được hỗ trợ của doanh nghiệp, phải đảm bảo thực hiện các biện pháp hỗ trợ không trái với các cam kết quốc tế, phải đảm bảo về nguồn lực để thực hiện các chế độ hỗ trợ.
Trong điều kiện trước mắt, đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu khả năng tiếp cận các thông tin về thị trường và môi trường đầu tư kinh doanh, chưa được trang bị kiến thức pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh, tỉnh cần sớm có thành lập Trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh để làm đầu mối trực tiếp tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp và nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
7. Đào tạo kỹ năng cho người lao động:
Nâng cao năng lực tay nghề theo đơn đặt hàng để tạo nguồn cung cấp nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng vào làm việc trong các dự án, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Qua đó góp phần đẩy mạnh thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Đối với những dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Luật Đầu tư.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư. Đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư ở cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò công, và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
CÁC DỰ ÁN CỦA TỈNH KÊU GỌI ĐẦU TƯ FDI GIAI ĐOẠN 2008 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Các dự án do tỉnh quản lý và đầu tư:
- Xây dựng vùng lúa chất lượng cao
- Xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, vùng rau sạch
- Đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản khu vực Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè
- Xây dựng khu nông nghiệp, công nghệ - kỹ thuật cao
- Đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Mỹ Tho kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá
- Xây dựng khu bảo tồn đa dạng sinh học ven biển và vùng cửa sông
- Xây dựng khu bảo tồn đa dạng sinh học rừng tràm Tân Phước
- Phát triển làng nghề nuôi yến thị xã Gò Công
- Các KCN khu vực Đông Nam Tân Phước
- Các KCN khu vực Bắc Gò Công
- Đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) tại các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công
- Xây dựng nhà máy đóng tàu
- Xây dựng các nhà máy cơ khí phục vụ nông nghiệp - nông thôn
- Xây dựng các nhà máy bổ trợ phát triển công nghiệp
- Bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp
- Xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản
- Xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi
- Xây dựng các nhà máy chế biến rau, quả
- Xây dựng các cơ sở may xuất khẩu
- Xây dựng các cơ sở sản xuất giầy da
- Xây dựng nhà máy tinh chế các chế phẩm sau dầu dừa
- Chế biến tinh dầu tràm và than hoạt tính
- Chế biến các sản phẩm từ cây ca cao, cây dừa
- Xây dựng nhà máy thịt hộp xuất khẩu
- Xây dựng nhà máy lắp ráp sản phẩm điện tử
- Phát triển và ứng dụng năng lượng sạch trong sinh hoạt, đời sống dân cư
- Phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ gắn với các đô thị, các khu công nghiệp
- Đầu tư phát triển hệ thống khách sạn 3-4 sao trên địa bàn tỉnh
4. Phát triển đô thị và nông thôn
- Cải tạo, nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng thành phố Mỹ Tho
- Cải tạo, nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng thị xã Gò Công
- Cải tạo, nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng các thị trấn huyện lỵ
- Đầu tư xây dựng các khu tái định cư, khu dân cư thu nhập thấp
- Quy hoạch và xây dựng phát triển các khu dân cư, đô thị, thương mại, dịch vụ cao cấp khu vực Trung Lương.
- Quy hoạch và xây dựng phát triển các khu dân cư, đô thị, thương mại, dịch vụ cao cấp khu vực Đông Nam Tân Phước
- Quy hoạch và xây dựng phát triển các khu dân cư, đô thị, thương mại, dịch vụ cao cấp khu vực Bắc Gò Công
- Quy hoạch và xây dựng phát triển các khu dân cư, đô thị, thương mại, dịch vụ tại thành phố Mỹ Tho, TX Gò Công và các thị trấn huyện lỵ
- Xây dựng cảng chuyên dùng và nâng cấp cảng Mỹ Tho
- Phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin
Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin
- Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin
- Đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa cấp vùng
- Đầu tư xây dựng các bệnh viện tư và các trung tâm chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao
- Đầu tư xây dựng và tăng cường năng lực trường Đại học Tiền Giang
- Xây dựng các trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật
- Xây dựng trường cao đẳng kinh tế, kỹ thuật, công nghệ
- Đầu tư xây dựng các trường, trung tâm đào tạo kỹ thuật, chất lượng cao
9. Văn hóa - Thể thao - Du lịch:
- Xây dựng Trung tâm hội chợ - triển lãm của vùng
- Phát triển khu du lịch sinh thái vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười - huyện Tân Phước
- Đầu tư phát triển các khu du lịch trên các xã cù lao sông Tiền, khu vực ven biển Gò Công
- Xây dựng các khu thể thao tỉnh, huyện
- Khu thể thao dưới nước
- Nâng cao năng lực trường văn hóa nghệ thuật
- Nâng cao năng lực trường thể dục thể thao
- Khu liên hợp vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng - thị xã Gò Công
10. Lao động - Thương binh - Xã hội
- Xây dựng và tăng cường năng lực trường Cao đẳng nghề Tiền Giang
- Xây dựng Trường dạy nghề khu vực Cai Lậy, Gò Công
- Xây dựng Trung tâm dạy nghề các huyện
11. Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường:
- Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý thải thành phố Mỹ Tho
- Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý thải thị xã Gò Công
- Cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải các thị trấn trung tâm các huyện
- Xây dựng mới bãi xử lý rác khu vực Cái Bè
- Xây dựng các xưởng đốt rác thải y tế tập trung
- Cấp nước khu vực Đông Nam Tân Phước
- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở KCN tàu thủy Soài Rạp
- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở KCN Long Giang
- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, chế biến phân bón từ rác thải.
* Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.
- 1Quyết định 38/2003/QĐ-UB về Chính sách thu hút vốn đầu tư vào khu Công nghiệp tập trung và khu Trung tâm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp địa phương trên địa bàn tỉnh Cần Thơ
- 2Quyết định 36/2006/QĐ-UBND hủy bỏ quyết định khen thưởng về thu hút đầu tư do tỉnh Long An ban hành
- 3Quyết định 4016/2001/QĐ-UB quy định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An
- 1Chỉ thị 15/2007/CT-TTg về giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2Nghị định 09/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây để mở rộng thị xã Gò Công và thành lập huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang
- 3Công văn số 665/TTg-KTN về chủ trương đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Tiền Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 17/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 38/2003/QĐ-UB về Chính sách thu hút vốn đầu tư vào khu Công nghiệp tập trung và khu Trung tâm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp địa phương trên địa bàn tỉnh Cần Thơ
- 6Quyết định 36/2006/QĐ-UBND hủy bỏ quyết định khen thưởng về thu hút đầu tư do tỉnh Long An ban hành
- 7Quyết định 4016/2001/QĐ-UB quy định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An
Quyết định 1146/QĐ-UBND năm 2009 Phê duyệt Đề án Định hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Tiền Giang - thời kỳ 2008 - 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
- Số hiệu: 1146/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/03/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Người ký: Trần Thanh Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/04/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra