Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 114/QĐ-UBDT

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC DÂN TỘC, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, ĐỒNG BÀO VÙNG BIÊN GIỚI, VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN”

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC

Căn cứ Nghị định số 84/2012/NĐ-CP ngày 12/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 248/QĐ-UBDT ngày 01/8/2014 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc giao nhiệm vụ thực hiện Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 724/QĐ-UBDT ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc giao kế hoạch công tác năm 2016;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch xây dựng, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (Có Kế hoạch chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các Vụ, đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính và thủ trưởng các Vụ, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b/c);
- Các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm;
- Cổng thông tin điện tử UBDT;
- Lưu: VT, PC (10bản).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Đỗ Văn Chiến

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC DÂN TỘC, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, ĐỒNG BÀO VÙNG BIÊN GIỚI, VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN”
(Kèm theo Quyết định số 114/QĐ-UBDT ngày 25 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng Đề án nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ năm 2017 đến hết năm 2021.

Tạo bước phát triển mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn thuộc phạm vi thực hiện của Đề án, góp phần củng cố, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới.

2. Yêu cầu

Việc xây dựng Đề án phải bảo đảm theo tinh thần bám sát các nội dung trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo nội dung được nêu tại Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư về tập trung đẩy mạnh và hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/04/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2001 của Ban bí thư Trung ương Đảng.

II. PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN CỦA ĐỀ ÁN

1. Phạm vi của Đề án

Đề án được triển khai thực hiện tại 52 tỉnh, thành phố thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới.

2. Đối tượng thụ hưởng của Đề án

Cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ tư pháp, cán bộ công tác nông nghiệp và phát triển nông thôn, cán bộ, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng Bộ đội biên phòng, cán bộ thông tin, cán bộ đoàn thể;

Đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân nông thôn (bí thư chi bộ thôn, bản, ấp; người uy tín; già làng, trưởng thôn, bản, ấp, người sản xuất giỏi).

3. Thời gian: từ năm 2017 đến hết năm 2021

III. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Bồi dưỡng, tập huấn về tuyên truyền pháp luật; phổ biến về một số chính sách, pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số; cán bộ làm công tác nông nghiệp và phát triển nông thôn và người dân nông thôn; Xây dựng một số mô hình Điểm về trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và người dân nông thôn.

- Nội dung

+ Về cán bộ làm công tác dân tộc: tập huấn một số kỹ năng, một số chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến cán bộ làm công tác dân tộc...

+ Về đồng bào dân tộc thiểu số lựa chọn các nội dung gắn bó mật thiết, sát hợp với thực tiền của đồng bào dân tộc thiểu số như: Luật đất đai, Hôn nhân gia đình, xóa đói giảm nghèo, quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ phát triển rừng bảo vệ môi trường, chính sách về củng cố quốc phòng, an ninh biên giới...

- Hình thức

+ Tọa đàm, đối thoại trực tiếp.

+ Tổ chức học tập, phổ biến tập trung cho cán bộ xã, già làng, trưởng bản (tại thôn, bản, phum, sóc)

+ Lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chung.

+ Phát hành tờ rơi, qua hệ thống truyền thanh loa đài, thông tin đại chúng. Biện pháp thực hiện.

+ Thi tìm hiểu pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số.

+ Tổ chức học tập, phổ biến xây dựng nhóm nòng cốt là cán bộ tuyên truyền hiểu biết pháp luật, theo địa bàn cơ sở.

+ Xây dựng các câu lạc bộ phổ biến chính sách pháp luật, trợ giúp pháp lý tổ chức định kỳ hàng tháng (thông báo, trao đổi, thảo luận).

2. Xây dựng một số mô hình Điểm đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

- Mô hình tổ chức giúp đồng bào giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn trong công tác dân cư;

- Mô hình phụ nữ với công tác môi trường;

- Mô hình phòng, chống ma túy.

3. Củng cố xây dựng Ban chỉ đạo ở cấp xã

Xây dựng mối quan hệ, cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo và các cấp ủy Đảng, chính quyền các đoàn thể để thực hiện những nội dung của các mô hình.

4. Xây dựng các tiểu Đề án do các cơ quan phối hợp thực hiện (Bộ Tư pháp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng)

IV. TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Thời gian

Nội dung

Ghi chú

Tháng 3

- Có công văn mời các cơ quan đơn vị tham gia Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký xây dựng Đề án (bổ sung cơ quan, thành viên Ban chỉ đạo, Tổ thư ký xây dựng đề án)

- Tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành về dự thảo Đề án (chỉnh sửa Đề án lần thứ 5).

- Lấy ý kiến góp ý.

- Tổng hợp tiếp thu ý kiến góp ý của các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; Bộ, ngành và các địa phương vùng dự án được triển khai

- Hoàn thiện dự thảo Đề án;

 

Tháng 4

- Họp Ban chỉ đạo, Tổ thư ký xây dựng Đề án;

- Hội thảo khoa học về nội dung Đề án:

+ Thành phần tham dự Hội thảo: Lãnh đạo Ủy ban, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành có liên quan, các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm, Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban, đại diện Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (có kế hoạch riêng)

 

Tháng 5

- Chỉnh sửa và tiếp thu ý kiến của các Vụ, đơn vị, các Bộ, ngành tham gia Dự thảo (lần 6) Đề án.

- Xây dựng dự thảo Quyết định, Tờ trình Thủ tướng Chính phủ

 

Tháng 6

- Trình lãnh đạo Ủy ban thông qua dự thảo: Tờ trình, Quyết định ban hành Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, Quyết định

 

V. KINH PHÍ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Kinh phí thực hiện gồm 40.000.000 đ (Bốn mươi triệu đồng) theo Quyết định số 724/QĐ-UBDT ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc giao kế hoạch công tác năm 2016./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 114/QĐ-UBDT năm 2016 phê duyệt kế hoạch xây dựng, đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 114/QĐ-UBDT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/03/2016
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Đỗ Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản