Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1136/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ THỌ XUÂN THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Luật hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

Căn cứ Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

Căn cứ Quyết định số 116/QĐ-BGTVT ngày 11/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Quy hoạch Sân bay Thọ Xuân - tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3912/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc điều chỉnh cục bộ quy mô quy hoạch hạng mục xây dựng nhà ga hành khách sân bay Thọ Xuân giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 1697/TTr-CHK ngày 29/4/2020 của Cục Hàng không Việt Nam về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; văn bản số 2381/CHK-QLC ngày 10/6/2020 và số 2405/CHK-QLC ngày 12/6/2020 của Cục Hàng không Việt Nam về việc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 588/KHĐT ngày 12/6/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung như sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Địa điểm: Thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

3. Giai đoạn quy hoạch: Thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Nội dung quy hoạch thời kỳ 2021-2030

4.1. Vị trí, chức năng trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc: Là cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

4.2. Tính chất sử dụng: Sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

4.3. Phương án tổng thể: Phương án 2 trong hồ sơ quy hoạch.

4.4. Mục tiêu quy hoạch

- Cấp sân bay: 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I.

- Công suất: 5 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm.

- Loại tàu bay khai thác: Tàu bay code E hoặc tương đương.

- Tổng số vị trí đỗ tàu bay: 16 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code E).

- Cấp cứu nguy, cứu hỏa: Cấp 9.

4.5. Quy hoạch khu bay

- Hệ thống đường cất hạ cánh: Sử dụng đường cất hạ cánh hiện hữu (đường cất hạ cánh số 1) kích thước 3.200m x 50m. Xây dựng đường cất hạ cánh số 2, kích thước 3.800m x 45m, song song và cách đường cất hạ cánh số 1 khoảng 360m về phía Đông Bắc. Lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m.

- Hệ thống đường lăn: Xây dựng 01 đường lăn song song giữa hai đường cất hạ cánh, chiều dài 4.100m. Xây 04 đường lăn thoát nhanh nối từ đường cất hạ cánh số 2 vào đường lăn song song. Xây dựng các đường lăn nối đường cất hạ cánh số 2 với đường lăn song song và nối đường lăn song song với đường cất hạ cánh số 1. Các đường lăn có chiều rộng 23 m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m, đảm bảo khai thác các loại tàu bay code E.

- Sân đỗ tàu bay: Mở rộng sân đỗ tàu bay hiện hữu từ 03 vị trí code C lên 16 vị trí code C (có khả năng tiếp nhận tàu bay code E) đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm.

- Nghiên cứu lắp đặt hệ thống tự động cảnh báo xâm nhập đường cất hạ cánh (ARIWS), hệ thống giám sát đa điểm (MLAT), hệ thống ra đa thời tiết, hệ thống giám sát bề mặt đường cất hạ cánh, hệ thống thiết bị phát hiện và xua đuổi chim khi có nhu cầu. Việc xác định vị trí được thực hiện trong bước dự án đầu tư để đảm bảo hệ thống trang thiết bị hoạt động tối ưu.

4.6. Quy hoạch các công trình quản lý, điều hành bay

- Đài kiểm soát không lưu: Sử dụng Đài kiểm soát không lưu hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 10.000m2.

- Hệ thống dẫn đường:

+ Đài dẫn đường VOR/DME: Sử dụng Đài dẫn đường VOR/DME hiện hữu cách đầu 31 đường cất hạ cánh 1.550m.

+ Hệ thống thiết bị hạ cánh (ILS): Sử dụng hệ thống ILS hiện hữu cho đường cất hạ cánh số 1. Đầu tư mới hệ thống ILS cho đường cất hạ cánh số 2.

+ Hệ thống đèn tiếp cận: Sử dụng hệ thống đèn tiếp cận giản đơn hiện hữu đầu 13 và hệ thống đèn tiếp cận CAT I hiện hữu đầu 31 của đường cất hạ cánh số 1. Đầu tư hệ thống đèn tiếp cận giản đơn đầu 13 và hệ thống đèn tiếp cận CAT II đầu 31 cho đường cất hạ cánh số 2. Quy hoạch đủ diện tích đất để nâng hệ thống đèn tiếp cận giản đơn đầu 13 lên CAT II khi có nhu cầu.

- Hệ thống quan trắc khí tượng tự động (AWOS): Đầu tư hệ thống AWOS đồng bộ cho đường cất hạ cánh số 2.

4.7. Quy hoạch khu phục vụ mặt đất

- Nhà ga hành khách: Cải tạo, mở rộng nhà ga hành khác hiện hữu T1 và xây mới nhà ga hành khách T2 (2 cao trình). Tổng công suất thiết kế nhà ga hành khách đạt 5 triệu hành khách/năm.

- Nhà ga hàng hóa: Tiếp tục sử dụng kho hàng hóa hiện hữu và nghiên cứu xây dựng 01 nhà ga hàng hóa, đáp ứng công suất 27.000 tấn/năm khi có nhu cầu.

- Quy hoạch giao thông:

+ Đường trục vào Cảng: Sử dụng tuyến đường trục hiện hữu từ Quốc lộ 47 vào Cảng hàng không.

+ Cầu cạn: Xây dựng cầu cạn kết nối nhà ga 2 cao trình với chiều dài cầu khoảng 460m.

+ Đường nội bộ: Xây dựng đường nội bộ khu hàng không dân dụng với quy mô 02 làn xe, bề rộng mỗi làn 3,5m theo nhu cầu.

+ Đường công vụ: Xây dựng đường công vụ quanh khu bay, mặt đường rộng 3,5m, nền đường rộng 5,5m.

+ Hệ thống sân đỗ ô tô: Xây dựng, mở rộng sân đỗ ô tô đồng bộ với việc mở rộng, xây dựng nhà ga hành khách, diện tích sân đỗ sau khi mở rộng khoảng 33.000 m2.

4.8. Quy hoạch các công trình phụ trợ Cảng hàng không

- Nhà điều hành của Cảng: Sử dụng nhà điều hành hiện hữu và nghiên cứu, cải tạo, mở rộng trên khu đất hiện hữu có diện tích khoảng 10.500m2.

- Nhà làm việc của Cảng vụ hàng không: Sử dụng nhà làm việc hiện hữu trên khu đất 7.000m2.

- Văn phòng các cơ quan nhà nước: Quy hoạch văn phòng Hải quan, Công an cửa khẩu, công an khu vực, kiểm dịch y tế tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, mỗi khu đất có diện tích khoảng 3.000m2. Xây dựng khi có nhu cầu.

- Khu văn phòng làm việc các hãng hàng không: Quy hoạch tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 5.000m2. Xây dựng khi có nhu cầu.

- Khu chế biến suất ăn hàng không: Quy hoạch tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 5.000m2. Xây dựng khi có nhu cầu.

- Trung tâm đào tạo huấn luyện: Quy hoạch tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 6.500m2. Xây dựng khi có nhu cầu.

- Trạm xe ngoại trường và Trạm khẩn nguy cứu hỏa: Quy hoạch tại vị trí tiếp giáp sân đỗ tàu bay tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 2.600m2. Trạm khẩn nguy cứu hỏa đạt cấp 9 theo phân cấp của ICAO.

- Khu tập kết bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất: Quy hoạch tại vị trí tiếp giáp sân đỗ tàu bay tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 2.600m2.

- Khu cấp nhiên liệu: Quy hoạch 02 trạm cấp nhiên liệu hàng không tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, mỗi khu đất có diện tích khoảng 10.000m2. Xây dựng khi có nhu cầu.

- Khu dịch vụ bảo dưỡng máy bay (Hangar): Quy hoạch 01 hangar tại vị trí tiếp giáp sân đỗ tàu bay, cạnh nhà ga hành khách mới, trên khu đất có diện tích khoảng 10.000m2. Xây dựng khi có nhu cầu.

- Hệ thống cấp điện: Nâng công suất trạm điện hiện hiện hữu lên 11.000KVA đảm bảo nhu cầu khai thác.

- Hệ thống cấp nước: Lấy nước từ hệ thống cấp nước sạch của thị trấn Sao Vàng, có thể lấy thêm nguồn dự phòng từ giếng khoan.

- Hệ thống thoát nước

+ Nước mặt: Khu hàng không dân dụng thoát nước vào hệ thống Kanivo, cống thoát nước, rồi đổ ra sông Nhà Lê. Khu bay thoát nước vào hệ thống kanivo, mương hở, cống thoát nước chung của khu bay, rồi đổ ra sông Nhà Lê.

+ Thoát nước thải: Nước thải được thu gom vào hệ thống ống dẫn về Trạm xử lý nước thải và được xử lý trước khi thoát vào hệ thống thoát nước mưa toàn Cảng. Trạm xử lý nước thải được quy hoạch tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 2.000m2.

- Trạm thu gom chất thải rắn: Quy hoạch tại khu hàng không dân dụng hiện hữu, trên khu đất có diện tích khoảng 2.000m2.

- Hệ thống tường rào bảo vệ Cảng: Xây dựng hệ thống tường rào đảm bảo ranh giới đất mở rộng của Cảng.

4.9. Quy hoạch sử dụng đất

Tổng nhu cầu là 844,86 ha, trong đó:

- Diện tích đất dùng chung: 181,30 ha

- Diện tích đất khu hàng không dân dụng: 246,76 ha

- Diện tích đất khu quân sự: 416,80 ha

5. Nội dung quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050

- Nghiên cứu và xây dựng đồng bộ các công trình khu hàng không dân dụng mới ở phía Đông Bắc đạt khoảng 20 triệu hành khách/năm.

- Khu vực phía Tây Nam vẫn được tiếp tục sử dụng và các công trình cung cấp dịch vụ sẽ được tính toán để chuyển dần sang khu vực phía Đông Bắc khi cần phải tăng công suất để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển của Cảng.

- Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2050: 1.092,53 ha, trong đó:

+ Diện tích đất dùng chung: 181,30 ha;

+ Diện tích đất khu hàng không dân dụng: 494,43 ha;

+ Diện tích đất khu quân sự: 416,80 ha.

- Diện tích đất dự phòng phát triển sau năm 2050: 379,65 ha.

Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 116/QĐ-BGTVT ngày 11/01/2013 và Quyết định số 3912/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan tổ chức công bố quy hoạch; nghiên cứu, tiếp thu Báo cáo thẩm định để quản lý và thực hiện quy hoạch theo quy định; cập nhật các nội dung quy hoạch nêu trên vào quy hoạch của địa phương, bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp nhu cầu phát triển của Cảng hàng không theo quy hoạch được duyệt.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; các Vụ: Kế hoạch - Đầu tư, Kết cấu hạ tầng giao thông, Đối tác công tư, Vận tải, Môi trường, Khoa học - Công nghệ, An toàn giao thông, Tài chính, Hợp tác quốc tế; Cục trưởng các Cục: Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: QP, CA, KH&ĐT, TC, XD, NN&PTNT, TN&MT, VHTT&DL, Công thương;
- UBND tỉnh Thanh Hóa;
- Các Thứ trưởng;
- Các TCT: Cảng HKVN, Quản lý bay VN, HKVN;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu VT, Vụ KHĐT (07)Dungna.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1136/QĐ-BGTVT năm 2020 về phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1136/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/06/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Lê Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/06/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản