Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1121/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 11 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI ĐỘI CÔNG TÁC XÃ HỘI TÌNH NGUYỆN CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính quy định về thành lập, giải thể, tổ chức hoạt động và chế độ, chính sách đối với Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân từ cấp xã về công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người trên địa bàn.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, mau bán người để chủ động phòng ngừa và góp phần tố giác, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm.

a) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức và công dân trong công tác phòng, chống các loại tệ nạn xã hội; từng bước hạn chế tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn toàn tỉnh.

c) Huy động sức mạnh toàn dân vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.

d) Hàng năm, giảm từ 20 đến 30% số người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm; 100% số đối tượng hòa nhập cộng đồng được tư vấn giúp đỡ, giới thiệu việc làm, ổn định cuộc sống.

II. Giải pháp

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội phòng, chống tệ nạn xã hội.

3. Thành lập một Đội công tác xã hội tình nguyện tại mỗi xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn xã hội với 5 đến 10 thành viên và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, các kỹ năng tư vấn, tổ chức, tuyên truyền, giáo dục, quản lý, hỗ trợ người nghiện sau cai, người mại dâm hoàn lương, nạn nhân mua bán người, người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng.

4. Kinh phí đảm bảo hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện và thực hiện chế độ, chính sách đối với thành viên được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách địa phương theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành có liên quan; nguồn tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân và nguồn khác theo quy định của pháp luật.

III. Lộ trình thực hiện

1. Giai đoạn 2013 - 2015: Khôi phục lại hoạt động 10 đội và thành lập mới 26 đội, cụ thể:

a) Năm 2013: Khôi phục lại hoạt động 10 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã đã thành lập theo Thông tư liên tịch số 27/2003/TTLT-BLĐTBXH-BTC-UBTƯMTTQVN ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

b) Năm 2014 và 2015: Mỗi năm thành lập mới từ 12 - 14 đội để đến cuối năm 2015, đảm bảo đủ các Đội công tác xã hội tình nguyện hoạt động tại 36 xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn xã hội.

2. Giai đoạn 2016 - 2020: Thành lập mới khoảng 40 Đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn xã hội phát sinh.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Căn cứ kết quả khảo sát tình hình tệ nạn xã hội hàng năm trên địa bàn tỉnh, chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh số lượng, danh sách các xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn xã hội cần thành lập hoặc giải thể Đội công tác xã hội tình nguyện.

b) Chủ trì, phối hợp với các ban ngành liên quan, chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện triển khai các hoạt động: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên; định kỳ kiểm tra, đánh giá hoạt động của mạng lưới và đề xuất các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn tỉnh.

c) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thành lập, giải thể, tổ chức hoạt động và thực hiện chế độ, chính sách đối với thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện.

d) Định kỳ 06 tháng, 01 năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình và kết quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

2. Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt:

a) Quyết định thành lập, giải thể Đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn xã hội trên cơ sở quy hoạch này và đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của mạng lưới Đội công tác xã hội tình nguyện tại địa bàn; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) về kết quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện.

b) Hỗ trợ kinh phí đảm bảo hoạt động thường xuyên của Đội và thực hiện chi trả chế độ đối với thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện theo mức quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh.

c) Định kỳ 06 tháng, 01 năm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh và Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 2;
- Website VP; TT Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VX3

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1121/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2020

  • Số hiệu: 1121/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản