Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 112/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 22 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số: 2614/QĐ-BYT ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số: 50/TTr-SYT ngày 10 tháng 01 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai, thực hiện “Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Quyết định số: 112/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Quán triệt, cụ thể hóa những nội dung cơ bản của “Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” tại tỉnh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

- Xác định mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu cho giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như những nhu cầu thực tế đặt ra nhằm từng bước phát triển ngành dược của tỉnh.

- Xác định rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp của các cấp, các ngành trong từng hoạt động cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu của “Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tỉnh theo cơ cấu bệnh tật tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng; phòng chống thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác, bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu, vùng xa.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) 100% thuốc được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.

b) Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng giá trị tiêu thụ tại các cơ sở y tế như sau:

- Bệnh viện tuyến tỉnh đạt 65% (tăng khoảng 3%/năm);

- Bệnh viện tuyến huyện đạt 75% (tăng khoảng 2%/năm);

- Đảm bảo cung ứng đủ vắc xin cho nhu cầu tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, trong đó sử dụng ít nhất 30% vắc xin sản xuất trong nước.

c) 100% cơ sở kinh doanh bán buôn thuốc trên địa bàn đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc - GDP”; 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc - GPP”, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh Bắc Kạn đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc - GLP”.

d) Bệnh viện tuyến tỉnh có bộ phận dược lâm sàng, 50% bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng.

e) Đạt tỷ lệ 2,5 dược sĩ đại học/vạn dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm 20%.

3. Mục tiêu định hướng đến năm 2030

- Các cơ sở y tế trong tỉnh ưu tiên sử dụng chủ yếu thuốc sản xuất trong nước phục vụ khám bệnh, chữa bệnh.

- 100% cơ sở kiểm nghiệm, phân phối, bảo quản thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt” (GPs); 100% các bệnh viện có bộ phận dược lâm sàng.

- Quy hoạch và xây dựng vùng nuôi trồng dược liệu, khai thác hợp lý, bảo vệ nguồn gen các dược liệu quí.

- Thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc tân dược, chế biến thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.

III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng, sản xuất thuốc

- Tổ chức tốt công tác đấu thầu mua thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh với giá cả thống nhất. Thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát và bình ổn giá thuốc.

- Củng cố mạng lưới phân phối thuốc từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn; đảm bảo mỗi xã có ít nhất 01 cơ sở bán lẻ thuốc phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn; có chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ thống cung ứng thuốc cho những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cho mọi người dân được hưởng các dịch vụ cung ứng thuốc thông thường và thiết yếu.

- Củng cố hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc bệnh viện, tủ thuốc các trạm y tế xã. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các bệnh viện có nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chí thực hành tốt nhà thuốc hoạt động phục vụ bán thuốc cho bệnh nhân điều trị ngoại trú; 100% các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí “Thực hành tốt nhà thuốc - GPP”.

- Tích cực thực hiện xã hội hóa Ngành Dược, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược hoạt động và phát triển. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động: Nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, bào chế thuốc, phát triển xây dựng nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO trên địa bàn tỉnh; thu mua, chế biến dược liệu cung ứng cho nhu cầu của thị trường trong nước.

2. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực dược

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực dược đáp ứng yêu cầu phát triển Ngành Dược, chú trọng đào tạo dược sĩ lâm sàng; thu hút, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ dược công tác ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

- Liên kết với Trường Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y - Dược Thái Nguyên đào tạo dược sĩ sau đại học chuyên ngành dược lâm sàng. Phấn đấu đến năm 2020, 100% bệnh viện tuyến tỉnh, 50% bệnh viện tuyến huyện có đủ dược sỹ đáp ứng trình độ chuyên môn thực hiện công tác dược lâm sàng.

- Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp y dược tổ chức đào tạo kiến thức chuyên môn về dược và cấp bằng cho cán bộ đang được phân công phụ trách dược tại trạm y tế.

3. Đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, tăng cường công tác thông tin thuốc và dược lâm sàng

- Tăng cường hướng dẫn sử dụng, đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng, thông tin thuốc, theo dõi “phản ứng có hại của thuốc - ADR”, thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng thuốc, nhất là kháng sinh trong điều trị tại các bệnh viện.

- Chấn chỉnh việc thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc kê đơn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ sở bán thuốc; năm 2020, cơ bản quản lý được việc kê đơn và bán thuốc kê đơn.

- Tăng cường hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị, đơn vị thông tin thuốc: Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo của các đơn vị tuyến trên cho các đơn vị tuyến dưới, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý kho, cấp phát thuốc tại tất cả các đơn vị.

- Quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân giới thiệu, quảng cáo thuốc sai quy định, quảng cáo thuốc không chính xác, không trung thực.

- Công khai, minh bạch trong việc xây dựng danh mục thuốc, mua, cấp phát, sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế.

- Tăng cường hoạt động thông tin thuốc, dược lâm sàng tại các cơ sở y tế, cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin về thuốc cho cán bộ y tế và người bệnh. Củng cố hoạt động tư vấn về thuốc cho người sử dụng tại các điểm bán thuốc. Duy trì đều đặn công tác thông tin về thuốc qua các hoạt động hội thảo, tập huấn, nghiên cứu khoa học.

- Ưu tiên đào tạo dược sĩ lâm sàng: Các bệnh viện có kế hoạch cử các dược sĩ có năng lực tham gia các lớp đào tạo về dược lâm sàng, đảm bảo đến năm 2020 bệnh viện tuyến tỉnh có bộ phận dược lâm sàng, 50% các bệnh viện tuyến huyện có nhân lực dược làm công tác dược lâm sàng.

4. Tăng cường sử dụng thuốc sản xuất trong nước

- Xây dựng kế hoạch, tiêu chí phấn đấu nhằm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước hàng năm. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ tiền sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại bệnh viện tuyến tỉnh đạt 65% và bệnh viện tuyến huyện đạt 75%.

- Tăng cường việc tư vấn kê đơn thuốc và điều trị cho người bệnh bằng các thuốc sản xuất trong nước.

5. Đảm bảo chất lượng thuốc

- Củng cố và nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm của tỉnh, từng bước đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm nghiệm chất lượng thuốc, kịp thời phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Phấn đấu đến năm 2020, Trung tâm đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc - GLP”.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường.

- Áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật thuốc theo quy định của Bộ Y tế để đánh giá các thuốc tham gia đấu thầu cung ứng cho các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh nhằm lựa chọn các thuốc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời củng cố, nâng cấp kho bảo quản thuốc của các đơn vị đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP”.

- Khuyến khích các doanh nghiệp dược đạt GDP thực hiện cải tạo, xây mới các kho thuốc đạt tiêu chuẩn GSP trên địa bàn tỉnh.

6. Phát triển thuốc y học cổ truyền

- Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách Quốc gia về y dược học cổ truyền, củng cố hệ thống tổ chức y dược học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh phát triển đông dược và dược liệu; thực hiện theo các văn bản hướng dẫn quy trình kỹ thuật điều trị bằng y học cổ truyền và quy trình điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đối với một số bệnh mà y học cổ truyền có khả năng điều trị đạt kết quả tốt.

- Nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các cơ sở y tế. Tăng cường khai thác, sử dụng các phương pháp khám chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyền trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các loại hình khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị bằng thuốc y học cổ truyền.

- Quy hoạch và phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài dược liệu quý hiếm trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiến tiến, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống. Nghiên cứu, mở rộng việc nuôi trồng các cây, con làm thuốc có hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

- Khuyến khích và ưu tiên các dự án nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc - GACP-WHO” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi đối với công tác nuôi trồng và chế biến dược liệu.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh. Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuốc chữa bệnh, đảm bảo chất lượng thuốc, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, cấp phát thuốc; quản lý bình ổn giá thuốc trên địa bàn.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

2. Sở Nội vụ

Chủ động phối hợp Sở Y tế trong việc ưu tiên tuyển dụng, đào tạo dược sĩ lâm sàng.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Sở Y tế tổ chức thực hiện Kế hoạch;

- Tích cực thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thuốc, phát triển vùng nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách địa phương, tham mưu bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch; phối hợp hướng dẫn việc sử dụng kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện quy hoạch các vùng nuôi, trồng và phát triển dược liệu tại địa phương.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

Tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực dược; phối hợp, hướng dẫn trong việc triển khai công nghệ trong sản xuất, nuôi, trồng dược liệu.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn

Thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chính sách phát triển ngành dược; thực hiện quản lý nhà nước, kiểm soát thông tin trong lĩnh vực quảng cáo thuốc chữa bệnh, tổ chức các sự kiện về thuốc chữa bệnh.

8. Các Sở, Ban, Ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm triển khai hoặc phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch thực hiện “Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của tỉnh, chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động của địa phương.

- Ưu tiên về quỹ đất sạch cho xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp dược, ưu tiên bố trí giao đất cho các dự án phát triển dược liệu. Áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm khuyến khích phát triển Ngành Dược địa phương trong giai đoạn mới.

Định kỳ hằng năm và 05 năm, các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền, đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Y tế tổng hợp, báo cáo, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 112/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển Ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 112/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/01/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phạm Duy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản