Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1117/QĐ-UB-TM

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 7 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989 ;
- Căn cứ yều cầu tổ chức và quản lý các chợ tại thành phố Hồ Chí Minh;
- Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Thương mại ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định nầy quy định về tổ chức và hoạt động các chợ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Quyết định nầy có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của Ủy ban nhân dânthành phố Hồ Chí Minh trái với quy định này không còn giá trị.

Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dânthành phố, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Hữu Nhơn

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1117/QĐ-UB-TM ngày 22/7/1993 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Chợ là một địa điểm cố định có địa giới được quy định trên địa bàn dân cư có hoặc không có nhà lồng, được thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dânthành phố, tập trung việc mua bán của các thành phần kinh tế, với một hay nhiều ngành hàng, với nhiều phương thức kinh doanh khác nhau được luật pháp cho phép ; là nơi lưu thông hàng hóa giữa người bán và người mua theo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống của nhân dân.

Điều 2.- Sạp, quày, điểm bán là phần diện tích có kích thước cố định được Nhà nước hoặc các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hoặc mặt bằng được sắp xếp làm chỗ kinh doanh theo quy hoạch của chợ.

Mọi việc xây dựng sạp phải theo thiết kế đã được cơ quan quản lý ngành chấp thuận.

Điều 3.- Gian hàng gồm có từ 2 đến nhiều sạp liên kết với nhau do một người hoặc nhiều người hợp tác với nhau để kinh doanhhàng hóa trên một diện tích rộng.

Điều 4.- Khu chợ gồm một hoặc nhiều dãy sạp liên kết với nhau cùng kinh doanh những mặt hàng có đặc tính giống nhau như : khu bán vải, khu quần áo may sẵn, khu bán mỹ phẩm, khu ăn uống, khu chợ cá, thực phẩm tươi sống...

Một chợ có thể có nhiều khu chợ. Mỗi khu chợ có quy định riêng theo các đặc thù của mỗi khu chợ.

Điều 5.- Điều kiện thành lập chợ :

1- Đối với các chợ đang hoạt động, các cơ quan chức năng có trách nhiệm tiến hành khảo sát trình Ủy ban nhân dânthành phốquyết định công nhận chính thức theo khoản 3 điều 25 của quy định này.

2- Các chợ xây dựng mới phải theo quy hoạch của Ủy ban nhân dânthành phố, có luận chứng kinh tế kỹ thuật được cấp thẩm quyền xét duyệt, được Ủy ban nhân dânthành phố ra quyết định thành lập chợ, được cấp giấy phép xây dựng trước khi tiến hành khởi công xây dựng chợ.

Điều 6.- Đối tượng mua bán trong chợ là cá nhân, hoặc pháp nhân thuộc các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng (gọi chung là người mua bán trong chợ) có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật đều được xem xét cho kinh doanh tại chợ và theo quy hoạch tổ chức của chợ.

Điều 7.- Quyền sử dụng sạp :

- Người mua bán trong chợ được sử dụng sạp. Các chợ có đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc các nguồn vốn khác, chủ đầu tư được ký kết hợp đồng sử dụng sạp với người mua bán trong chợ. Hợp đồng sử dụng sạp xác định quyền và nghĩa vụ của hai bên.

- Người có quyền sử dụng sạp được chuyển quyền sử dụng (sang nhượng) cho người khác trong thời hạn hợp đồng, do hai bên thỏa thuận giá trị theo thời giá và đóng lệ phí chuyển quyền sử dụng sạp theo quy định của Ủy ban nhân dânthành phố.

Chương II

QUẢN LÝ HÀNH CHÁNH - NHÀ NƯỚC VỀ CHỢ

Điều 8.- Thu lệ phí tại chợ.

Ủy ban nhân dân thành phố quy định giá biểu chuẩn thu lệ phí khai thác chợ cho từng loại chợ.

Các khoản thu chi tại chợ cần có kế hoạch thu kế hoạch chi cụ thể trình Ủy ban nhân dânquận, huyện duyệt và phải thông báo công khai trong từng thời điểm.

Điều 9.- Tổ chức sắp xếp chợ.

Các Ban quản lý phải bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh tại chợ. Các điều kiện về mặt bằng, ánh sáng, không khí, mỹ quan, an ninh trật tự, môi trường, môi sinh, phòng cháy chữa cháy phải được thực hiện đầy đủ và thường xuyên.

1- Mỗi chợ phải có nhà vệ sinh công cộng, bô rác và cống rãnh thoát nước phù hợp với quy định về vệ sinh môi trường.

2- Các sạp, gian hàng, khu chợ phải được sắp xếp theo kế hoạch chung. Trên cơ sở qui hoạch các sạp, khu chợ, việc tăng giảm sạp phải được xem xét theo nhu cầu phát triển chợ, không được phát triển sạp chợ lan tràn mất vẻ mỹ quan đô thị và trật tự xã hội.

3- Khoảng cách giữa hai dãy sạp phải đủ cho việc đi lại mua bán và phòng cháy chữa cháy theo quy định của cơ quan phòng cháy chữa cháy.

4- Việc quảng cáo phải theo đúng quy định của thành phố, không che khuất tầm nhìn, không án cản ánh sáng, bảo đảm mỹ quan toàn cảnh chợ, bảo đảm không cản trở khi phải cấp cứu chữa cháy.

5- Bãi giữ xe phải nằm trong quy định chung của quận. Ban quản lý chợ chỉ được tổ chức bãi giữ xe khi được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Điều 10.- Nội qui chợ.

Mỗi chợ xây dựng một nội qui chợ và được Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt.

Trên cơ sở nội qui chợ, Ban quản lýxử lý các trường hợp vi phạm của những người mua bán tại chợ.

Điều 11.- Chợ có đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.

Tại các chợ này Ban quản lý chợ có nhiệm vụ kinh doanh sạp chợ, đồng thời còn có nhiệm vụ quản lý Nhà nước về các mặt hoạt động của chợ có liên quan đến người đầu tư.

1- Kinh doanh xây dựng, cải tạo chỉnh trang chợ phải có phương án và được cấp phép theo quy định của ngành xây dựng. Chủ đầu tư được thu tiền sử dụng sạp theo giấy phép đầu tư.

Quan hệ giữa chủ đầu tư và người sử dụng sạp là quan hệ hợp đồng dân sự. Hai bên thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng sử dụng sạp.

2- Quản lý Nhà nước về các mặt hoạt động của chợ do Ban quản lý chợ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ ghi ở điều 15.

3- Việc sắp xếp, bố trí và sang nhượng sạp do chủ đầu tư thực hiện với sự phối hợp của Ban quản lý chợ.

Sau khi hết hạn hợp đồng sử dụng theo giấy phép đầu tư, các sạp này thuộc quyền sở hữu Nhà nước.

4- Đối với khu vực các sạp chợ không có đầu tư xây dựng trong một chợ có đầu tư xây dựng thì áp dụng quy chế chung như các chợ khác cùng loại của thành phố.

Điều 12.- Chợ có sử dụng ngân sách để xây dựng hoặc chỉnh trang.

Ban quản lý có trách nhiệm chỉnh trang, xây lại các chợ đang hoạt động đã xuống cấp theo kế hoạch do quận, huyện duyệt.

Tại các chợ này Ban quản lý ký kết hợp đồng sử dụng sạp với người kinh doanh để thu hồi vốn ngân sách.

Điều 13.- Chợ xây dựng mới theo qui hoạch.

Căn cứ qui hoạch và yêu cầu cải tạo phát triển các vùng ven, các chợ mới xây dựng thực hiện nguyên tắc hạch toán và kinh doanh sạp theo hình thức đấu giá sạp chợ.

Đối tượng được tham gia mua bán là các thành phần kinh tế đủ điều kiệnkinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 14.- Chợ chưa có chỉnh trang, xây dựng lại.

1- Tiến hành cho hợp thức hóa quyền sử dụng sạp trong toàn thành phố. Điều kiện để xin hợp thức hóa quyền sử dụng sạp là những người trực tiếp mua bán tại chợ.

2- Khi người có quyền sử dụng sạp muốn sang nhượng sạp lại cho người khác phải được sự chấp thuận của Ban quản lý chợ và phải nộp lệ phí sang nhượng sạp.

Chương III

BAN QUẢN LÝ CHỢ

Điều 15.- Ban quản lý chợ là tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thương mại- dịch vụ trên địa bàn chợ. Ban quản lý chợ được thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân quận, huyện. Tùy theo quy mô của chợ, Ban quản lý có thể có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng.

Kinh phí hoạt động của Ban quản lý chợ do ngân sáchNhà nước đài thọ (chợ cấp nào thì ngân sách cấp đó đài thọ).

Điều 16.- Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý chợ.

Ban quản lý chợ quản lý các mặt hoạt động của chợ theo nguyên tắc tập trung đầu mối quản lý.

- Qui hoạch, tổ chức sắp xếp sạp chợ, các gian hàng, khu chợ có trật tự tạo điều kiện tốt cho các mặt hoạt động mua bán.

- Quyết định cho chuyển nhượng sạp, điểm kinh doanh của các thành phần kinh tế trong chợ và ký các hợp đồng sử dụng sạp chợ.

- Được tạm đình chỉ kinh doanh trong thời hạn tối đa 3 ngày đối với người kinh doanh tại chợ vi phạm pháp luật và nội qui chợ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự chợ và sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời báo cáo ngay Ủy ban nhân dân quận, huyện để xử lý kịp thời trong thời gian nói trên.

- Thực hiện các khoản thu ngân sách và các khoản chi theo quy định của Ủy ban nhân dânthành phố.

- Quản lý và bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất trong chợ, giữ tìn trật tự, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, điện, nước của chợ.

- Báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện về tình hình mua bán, các sự kiện bất thường, giá cả thị trường.

- Tổ chức thực hiệnpháp luật, các chủ trương, chính sách về kinh doanh thương mại, về quản lý giá.

- Giải quyết các vụ khiếu nại về sạp chợ ; phân xử hòa giải các vụ tranh chấp xích mích xảy ra trong chợ.

Ban quản lý khi hành xử thẩm quyền của mình phải tuân theo các quy định của pháp luật trên từng lĩnh vực công tác.

Các đơn vị khác khi tham gia vào các công việc điều hành của chợ cần có sự thống nhất với Ban quản lý chợ ; Ban quản lý chợ có trách nhiệm tạo thuận lợi cho các đơn vị này hoàn thành kịp thời nhiệm vụ.

Điều 17.- Cơ cấu tổ chức Ban quản lý chợ gồm :

- 01 Trưởng ban.

- 01 đến 02 Phó Trưởng ban.

Tùy theo loại chợ và quy mô chợ, Ban quản lý có một số nhân viên giúp việc và một bộ phận bảo vệ chợ.

Điều 18.- Quan hệ giữa Ban quản lý chợ và các cơ quan chức năng :

1- Ủy ban nhân dân quận, huyện là cơ quan quản lý cấp trên của Ban quản lý chợ, thực hiện nhiệm vụ quyền hạn đối với Ban quản lý chợ theo quy định này.

2- Đối với Ủy ban nhân dân phường, xã, Ban quản lý có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để sắp xếp trật tự cho những người mua bán trong và ngoài chợ, lập hồ sơ xin phép kinh doanh. Căn cứ quyết định thành lập chợ của Ủy ban nhân dânthành phố, Ban quản lý chợ và Ủy ban nhân dân phường, xã thường xuyên phối hợp kiểm tra những người mau bán trong và ngoài chợ theo đối tượng và phạm vi quản lý của mình.

3- Đối với công an phường, xã, quận, huyện : Ban quản lý chợ có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho công an giữ gìn an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy trong chợ.

Chương IV

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN KINH DOANH TẠI CHỢ

Điều 19.-

1- Tổ chức và cá nhân kinh doanh tại chợ có quyền được bảo hộ kinh doanh hợp pháp, được đề xuất ý kiến với Ban quản lý chợ, khiếu nại những việc làm trái pháp luật và nội qui chợ đối với các cấp có thẩm quyền.

2- Tổ chức và cá nhân kinh doanh tại chợ có nghĩa vụ kinh doanh hợp pháp, chấp hành luật lệ và nội qui chợ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế và các lệ phí, niêm yết giá các mặt hàng kinh doanh, bảo vệ tài sản công của chợ, tham gia vào việc phát triển chợ.

Chương V

KIỂM TRA VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM

Điều 20.- Kiểm tra.

1- Trưởng Ban quản lý chợ quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với những người kinh doanh tại chợ về việc chấp hành pháp luật và nội qui chợ.

2- Các cơ quan có chức năng và thẩm quyền kiểm tra, khi thực hiện việc kiểm tra các hoạt động của chợ phải có sự phối hợp với Ban quản lý chợ hoặc đại diện có thẩm quyền.

3- Trong trường hợp xảy ra các vụ phạm pháp hình sự, các lực lượng có thẩm quyền (công an, quản lý thị trường, thuế vụ) được phép thực hiện nhiệm vụ của mình dù có hay không có sự chứng kiến của Trưởng Ban quản lý chợ, nhưng trước khi rời khỏi hiện trường phải thông báo sự việc cho Ban quản lý chợ biết.

Điều 21.- Xử phạt vi phạm.

1- Cá nhân và tổ chức kinh doanh tại chợ khi có vi phạm về an ninh trật tự, vi phạm các quy định về kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế, Trưởng Ban quản lý chợ phối hợp với các lực lượng cảnh sát, thuế, quản lý thị trường đang thi hành nhiệm vụ có quyền xử phạt cảnh cáo và phạt tiền nhiều nhất đến 20.000 đồng.

2- Hành động vi phạm cố tình, có dự mưu, có tổ chức, vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, gây thiệt hại lớn về tài sản, Trưởng Ban quản lý chợ có quyền lập biên bản và báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền.

Điều 22.- Khi phát hiện có hàng gian, hàng giả, hàng lậu thuế, hàng hóa bị cấm kinh doanh, Trưởng Ban quản lý chợ có quyền lập biên bản tạm giữ hàng hóa và phương tiện tại chợ, đồng thời báo khẩn cấp cho cơ quan có thẩm quyền đến xử lý theo pháp luật hoặc áp giải ngay đến cơ quan công an, Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

Chương VI

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 23.- Tất cả cán bộ- công nhân viên thuộc Ban quản lý và các cơ quan, lực lượng có chức năng kiểm tra chuyên ngành làm tốt hoặc phối hợp hỗ trợ có hiệu quả trong công tác quản lý các hoạt động tại chợ sẽ được xét khen thưởng theo chế độ chung hàng năm và từng dịp đột xuất.

Ban quản lý chợ chịu trách nhiệm xem xét đề nghị khen thưởng lên cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài việc khen thưởng theo chế độ, những người có công phát hiện (như điều 22) còn được thưởng tiền theo tỷ lệ từ 1% đến 15% số tiền phạt và giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu.

Điều 24.- Mọi hành vi vi phạm trong khi thi hành công vụ, các hành vi lạm quyền, vượt quyền vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác của cán bộ, nhân viên của Ban quản lý chợ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại về vật chất cho Nhà nước, cho cá nhân, tổ chức kinh doanh tại chợ thì phải bồi thường.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25.- Trong vòng 3 tháng kể từ ngày ban hành quyết định này, các sở ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan phối hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét các vấn đề sau:

1- Sở Thương mại, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan xây dựng dự thảo các văn bản về phân cấp chợ, các loại lệ phí, các nguồn thu và các khoản chi của Ban quản lý chợ, hợp đồng (mẫu) giữa Ban quản lý chợ và người sử dụng sạp chợ sang nhượng sạp, quy chế đấu thầu hoa chi (thí điểm) nội qui chợ (mẫu).

2- Ủy ban nhân dân quận, huyện, Sở Giao thông công chánh, Sở Thương mại và Công an thành phố xây dựng phương án giải quyết các chợ hiện đang chiếm lòng lề đường.

3- Sở Thương mại và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan lập danh sách các chợ đang hoạt động có đủ điều kiện để Ủy ban nhân dânthành phốquyết định công nhận.-

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1117/QĐ-UB-TM năm 1993 về tổ chức và hoạt động các chợ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1117/QĐ-UB-TM
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/07/1993
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Vương Hữu Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/07/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản