Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1112/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 06 tháng 9 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG – VẬN TẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị;

- Căn cứ Nghị định số 40/CP ngày 05/7/1996 và Nghị định 49/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và đô thị

- Căn cứ Nghị định số 49/CP ngày 15/8/1996 của Chính phủ về xẻ phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự;

- Căn cứ Quyết định số 2048/QĐPC ngày 08/6/1996 và Quyết định số 1748/QĐ – GTVT ngày 12 /7/1997 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định tạm thời về quản lý và cấp giấy phép vận tải đường thủy nội địa và tổ chức quản lý cấp giấy phép vận tải đường bộ;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Giám đốc Công an tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về trật tự giao thông và vận tải thống nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2: Giám đốc Sở Giao thông vận tải phối hợp với Giám đốc Công an tỉnh, Sở Tài chính vật giá, Cục Thuế và các ban ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể và thông báo rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, nhân dân quán triệt và thực hiện.

Điều 3: Quyết định này thay thế Quyết định số 190/QĐ – UB ngày 13/9/1989 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 4: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Công an, Tài chính vật giá, Cục Thuế và thủ trưởng các ban ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ GTVT; (để b/c)
- Cục Đường bộ VN; (để b/c)
- TV Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh; (để b/c)
- Các cơ quan nội chính;
- Lưu .

TM/ UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Hoàng Văn Khẩn

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG – VẬN TẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1112/QĐ – UB ngày 06/9/1997 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG – VẬN TẢI

Điều 1: Quy định này quy đinh về trật tự an toàn giao thông – vận tải đường bộ, đường sông, trật tự an toàn giao thông - vận tải đô thị nhằm đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

- Quy định này áp dụng cho người, phương tiện hoạt động và sử dụng các công trình giao thông đường bộ, đường sông, giao thông đô thị (dưới đây gọi tắt là người và phương tiện tham gia giao thông) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

- Quy định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép kinh doanh vận tải, sử dụng phương tiện vận tải chuyên chở hàng hóa hoặc hành khách (kể cả khách du lịch) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2: Người, phương tiện tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của NĐ 36/CP, NĐ 40/CP, Điều lệ trật tự an toàn giao thông – vận tải đường bộ, đường sông, trật tự an toàn giao thông đô thị, NĐ 49/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ TRẬT TỰ VẬN TẢI

Điều 3: Lực lượng vận tải công cộng là lực lượng vận tải chuyên nghiệp, mục đích sản xuất kinh doanh là vận chuyển hành hóa, hành khách, phục vụ đời sống kinh tế xã hội. Vận tải công cộng bao gồm: các phương tiện vận tải đường bộ, đường sông, với các chủng loại phương tiện có đặc tính kỷ thuật, tải trọng khác nhau thuộc các thành phần kinh tế được phép đăng ký kinh doanh vận tải.

Điều 4: Các lực lượng vận tải khác (ngoài vận tải công cộng) thuộc các ngành, cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp tư nhân trực tiếp quản lý, chuyên vận chuyển hàng hóa hoặc người, đáp ứng các yêu cầu riêng trong dây chuyền sản xuất, sinh hoạt mang tính chất nội bộ, chuyên ngành (kể cả phương tiện của quân đội, công an) được gọi chung là lực lượng vận tải nội bộ. Lực lượng vận tải này không có chức năng vận tải công cộng.

Điều 5: Lực lượng vận tải công cộng trên địa bàn tỉnh bao gồm: Các lực lượng vận tải thuộc trung ương, tỉnh, huyện, thị xã quản lý. Phạm vi và luồng tuyến hoạt động như sau:

- Lực lượng vận tải công cộng do Trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh, đảm nhận vận tải theo kế hoạch do cơ quan chủ quản Trung ương giao nhiệm vụ, thường xuyên có quan hệ chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải để phối hợp phục vụ các yêu cầu vận tải chung trên địa bàn tỉnh, chịu sự quản lý Nhà nước của UBND tỉnh trong phạm vi lãnh thổ về các mặt trật tự, an toàn giao thông, luật lệ và các thể chế liên quan.

- Lực lượng vận tải công cộng thuộc cấp tỉnh quản lý bao gồm các Công ty, xí nghiệp, Hợp tác xã, tập đoàn, tư nhân do Sở Giao thông vận tải trực tiếp quản lý, đảm nhận vận tải chủ yếu các khâu: vận chuyển hàng hóa và hành khách nội tỉnh, liên tỉnh, vận chuyển quá cảnh theo kế hoạch do tỉnh và ngành giao nhiệm vụ, khai thác phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Lực lượng vận tải công cộng do huyện, thị xã quản lý bao gồm các Công ty, xí nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn, tư nhân do huyện, thị trực tiếp quản lý chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa và hành khách trên địa bàn huyện theo kế hoạch của huyện giao phù hợp vơi phương hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện. Đồng thời tham gia hỗ trợ làm nhiệm vụ vận tải cho tỉnh khi được phân công.

Điều 6: Lực lượng vận tải công cộng và lực lượng vận tải khác thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh có nghĩa vụ thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phục vụ quốc phòng, an ninh chính trị và các yêu cầu cấp thiết khác theo lệnh điều động của UBND tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã.

Điều 7: Lực lượng vận tải thuộc các thành phần kinh tế tham gia vận tải công cộng phải chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, các chính sách, thể lệ vận tải, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản khác đúng pháp luật và có trách nhiệm thực hiện chế độ kế toán, thống kê theo sự hướng dẫn của Liên ngành Tài chính vật giá – Giao thông vận tải.

Điều 8: Lực lượng vận tải nội bộ thuộc các thành phần kinh tế nếu còn thừa năng lực vận tải có thể tham gia vận tải công cộng để phục vụ các yêu cầu kinh tế xã hội nhưng phải đăng ký kinh doanh vận tải mới được phép hoạt động (kể cả các phương tiện ngoại tỉnh).

Điều 9: Các lực lượng tham gia kinh doanh vận tải hành khách đều phải thông qua bến xe để lấy khách (trừ hợp đông thuê bao)

- Sở Giao thông vận tải là cơ quan quản lý Nhà nước quản lý các bến xe. Trung tâm dịch vụ quản lý bến xe trực tiếp quản lý các bến xe. Các cơ quan ngoài ngành giao thông vận tải không được mở và khai thác bến xe.

- Các bến xe tạo mọi điều kiện thuận lợi về đăng ký xuất nhập bến, tổ chức bán vé và các dịch vụ khác nhằm bảo đảm việc đón và trả khách thật nhanh chóng, an toàn, văn minh, thuận tiện.

- Vé cước hành khách và hành lý thống nhất một mẫu chung do Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế phát hành và quản lý.

Điều 10: Tất cả các phương tiện tham gia hoạt động vận tải công cộng được phép hoạt động khi đảm bảo có các giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận đăng ký sở hữu phương tiện.

- Giấy phép lưu hành còn thời hạn sử dụng.

- Giấy phép lái xe, giấy phép lái tàu thuyền.

- Giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải

- Giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm trách nhiệm nhân sự

- Giấy phép vận tải hàng hóa công cộng (đối với vận tải hàng hóa)

- Giấy phép vận tải hành khách (đối với vận tải hành khách nội tỉnh, liên tỉnh)

- Đã đăng ký nộp thuế, có môn bài kinh doanh vận tải.

Điều 11: Nghiêm cấm sử dụng phương tiện vận tải hàng hóa hoặc chuyên dùng vào việc chở người ngoài nhiệm vụ. Trường hợp đặc biệt phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 12: Sở Giao thông vận tải là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải địa phương, được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cấp giấy phép vận tải hàng hóa công cộng, giấy phép vận tải hành khách nội tỉnh, giấy phép vận tải hành khách liên tỉnh (họat động trên các luông tuyến do Cục Đường bộ Việt Nam phân cấp). Ngành Giao thông vận tải có nhiệm vụ hướng dẫn các chủ phương tiện đảm bảo chấp hành luật pháp, các chính sách, thể lệ giao thông vận tải, tổ chức mạng lưới dịch vụ, điều độ vận tải nhằm thu hút và khai thác tốt các năng lực vận tải trên địa bàn, hạn chế các hoạt động tự phát, kém hiệu quả, nhằm đẩy mạnh khai thác vận tải có tổ chức, đáp ứng nhu cầu chung của xã hội.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ TRẬT TỰ GIAO THÔNG

Điều 13: Các phương tiện vận tải công cộng khi tham gia giao thông phải đảm bảo các điều kiện kỷ thuật an toàn, phải được đắng ký và gắn biển số đăng ký quốc gia theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Chủ phương tiện vận tải công cộng chịu trách nhiệm trước pháp luật về giấy tờ hợp lệ, hợp pháp về quyền sở hữu và quyền sử dụng về phương tiện tham gia giao thông.

Điều 14: Những phương tiện vận tải đường bộ (trừ ô tô con) của các tỉnh khi đến hoạt động trên địa bàn hoặc đi ngang qua phải chạy theo đúng tuyến đường quy định của ngành giao thông vận tải địa phương. Trường hợp có nhu cầu cần lưu đậu tại thị xã, thị trấn phải lưu đậu các bến bải quy định của ngành giao thông vận tải địa phương. Cấm dừng, đổ, lấy khách hàng hóa tùy tiện trên các trục đường đi qua thị xã, thị trấn.

Điều 15: Những loại xe chạy bằng bánh xích, xe quá khổ, quá tải khi có nhu cầu lưu thông trên đường giao thông công cộng phải có giấy phép của ngành giao thông vận tải và phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định trong giấy phép. Chủ phương tiện có trách nhiệm giải quyết mọi phí tổn sửa chữa hoặc gia cố cầu bị hỏng do phương tiện của mình gây ra.

Điều 16: Các xe chở hàng độc hại, dễ cháy, nổ hoặc các chất nguy hiểm khác phải được Công an tỉnh cấp giấy phép chuyên chở trên đường bộ, đường đô thị, đường sông và có phù hiệu hoặc có ký hiệu riêng để mọi người dễ nhận biết. Phải chấp hành đúng các quy định về chống độc hại, chống cháy nổ. Chủ phương tiện phải thực hiện theo đúng chỉ dẫn ghi trong giấp phép và không được dừng, đỗ ở nơi đông người.

Nghiêm cấm chở trên xe khách các chất độc hại… dễ cháy nổ và các chất nguy hiểm khác, súc vật có mùi hôi thối hoặc những chất có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách.

Chương IV

QUY ĐỊNH QUYỀN KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG – VẬN TẢI

Điều 17: Lực lượng cảnh sát giao thông trật tự thuộc Công an tỉnh, lực lương thanh tra giao thông thuộc ngành giao thông vận tải căn cứ nhiệm vụ và quyền hạn của mình thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi vi phạm luật lệ giao thông vận tải và các điều khoản đã ghi trong quy định này.

Điều 18: Những hành vi vi phạm về trật tự giao thông và vận tải trên địa bàn phải xử lý nghiêm theo Nghị định 49/CP ngày 27/6/1995 của Chính phủ.

- Các tổ chức hay cá nhân được cấp giấy phép kinh doanh vận tải, có hành vi không chấp hành luật lệ giao thông vận tải và các quy định về trật tự giao thông vận tải thì ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, còn tùy mức độ bị thu hồi có thời hạn hoặc không thời hạn giấy đăng ký kinh doanh vận tải và giấy phép lưu hành phương tiện.

- Đơn vị hoặc cá nhân nào tùy tiện kiểm soát, xử lý sai pháp luật và các quy định hiện hành, gây thiệt hại cho bên bị xử lý thì phải bồi thường bằng tài chính riêng của mình. Đồng thời bị xử lý kỷ luật về hành chính. Nếu cố ý làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm theo luật hình sự.

- Đơn vị và cá nhân có thành tích sẽ được khen thưởng thích đáng theo chế độ hiện hành.

Trường hợp có khiếu nại thì việc thưởng chỉ thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền xét giải quyết.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19: Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính vật giá, Cục Thuế, Công an tỉnh có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể việc phổ biến và triển khai thực hiện bản quy định này.