Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1112/2008/QĐ-UBND

Huế, ngày 12 tháng 5 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, BẢO VỆ, DUY TU, BẢO DƯỠNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG CÁC XÃ MIỀN NÚI, VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27 tháng 11 năm 2006 và Quyết định số 05/2007/QĐ-UBDT ngày 06 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển;
Căn cứ Quyết định số 2989/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Qui định phân công, phân cấp và ủy quyền giải quyết một số vấn đề trong công tác qui hoạch và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
Xét đề nghị của Ban Dân tộc tại Tờ trình số 11/TTr-BDT ngày 10 tháng 4 năm 2008 về việc đề nghị ban hành Quy định quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công thương, Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Trưởng Ban Dân tộc; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện có xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, BẢO VỆ, DUY TU, BẢO DƯỠNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG CÁC XÃ MIỀN NÚI, VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1112 /2008/QĐ-UBND  ngày 12 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)

Chương I

 QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng áp dụng Qui định này bao gồm các công trình hạ tầng được đầu tư, xây dựng hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng và bàn giao cho chính quyền địa phương (thôn bản, xã, huyện), và đơn vị quản lý chuyên ngành (giáo dục, giao thông vận tải, y tế) tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng.

2. Quy định này áp dụng cho các công trình hạ tầng được xây dựng tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, theo Quyết định 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27 tháng 11 năm 2006 và Quyết định 5/2007/QĐ-UBDT ngày 06 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.

Điều 2. Công tác quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng là công việc được tiến hành thường xuyên, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng tuổi thọ và độ bền công trình.

Đây là những công trình được đầu tư tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư từ nhiều nguồn lực; là công trình của dân, do dân tự đề xuất, được tham gia thi công, giám sát, nên việc quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng có nhiều thuận lợi và hiệu quả; phát huy được sức mạnh của cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ công trình.

Điều 3. Công tác quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân hưởng lợi. Công trình xây dựng hoàn thành phải tổ chức bàn giao; sau khi tiếp nhận, địa phương phải xây dựng kế hoạch quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng.

Điều 4. Tùy theo đặc điểm, tính chất, quy mô của từng công trình để xây dựng kế hoạch, quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng. Phân cấp cho xã, thôn, bản hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành phù hợp tiếp nhận, quản lý. Kết hợp sự tham gia vận động của già làng, trưởng bản; phát huy và vận dụng các luật tục của địa phương vào qui ước quản lý, bảo vệ công trình.

Chương II

TỔ CHỨC BÀN GIAO, BẢO HÀNH, THÀNH LẬP TỔ VẬN HÀNH VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 5. Tổ chức bàn giao công trình để khai thác sử dụng:

Công trình sau khi hoàn thành đã được nghiệm thu, phải tổ chức bàn giao toàn bộ công trình cho địa phương để quản lý, khai thác, sử dụng, nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả công trình, với các công trình thuộc trung tâm cụm xã thì tổ chức bàn giao cho ngành chức năng theo sự phân cấp quản lý của địa phương.

1. Bàn giao hồ sơ: Toàn bộ hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt, hồ sơ nghiệm thu đánh giá chất lượng công trình, quyết toán công trình, hồ sơ hoàn công và các hồ sơ khác có liên quan (với các xã không làm chủ đầu tư, thì chủ đầu tư phôtô toàn bộ hồ sơ có chứng thực để giao cho địa phương theo dõi, quản lý).

2. Bàn giao công trình: Lập biên bản bàn giao công trình có đại diện:

a) Chủ đầu tư (UBND huyện, nếu xã làm chủ đầu tư thì Chủ tịch UBND xã mời lãnh đạo UBND huyện chứng kiến).

b) Đơn vị thi công công trình.

c) Các ngành chức năng liên quan.

d) Đại diện các thôn, bản hưởng lợi.

3. Chủ đầu tư: Chịu trách nhiệm lưu trữ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công trình theo đúng quy trình lưu trữ hồ sơ đã ban hành.

Điều 6. Chính quyền địa phương sau khi tiếp nhận bàn giao hồ sơ và công trình, thì coi đó là tài sản của địa phương, chính quyền địa phương có trách nhiệm đưa vào sổ theo dõi, quản lý giá trị tài sản.

Điều 7. Bảo hành công trình:

Theo quy định hiện hành, về quy chế quản lý đầu tư và xây dựng công trình, việc bảo hành công trình là bắt buộc đối với các đơn vị thi công công trình. Trong thời gian bảo hành nếu xảy ra sự cố hư hỏng như: Lún nứt, đổ, vỡ, cong vênh, dột thấm, hư hỏng các thiết bị kỹ thuật,…đơn vị thi công có trách nhiệm thay thế hoặc sửa chữa những hư hỏng này. Thời hạn và mức tiền bảo hành công trình thực hiện theo qui định tại Điều 29, Chương VI, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 năm 12 năm 2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Điều 8. Thành lập tổ quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình:

Tùy đặc điểm, tính chất của mỗi công trình để phân công cho phù hợp. Những công trình liên quan đến sinh hoạt của cộng đồng hàng ngày như: nước sinh hoạt, điện, thủy lợi, kênh mương, đường cấp phối,…chịu tác động lớn của thiên nhiên, con người,… phải chọn những thành viên có năng lực, có trình độ chuyên môn và hiểu biết về tính năng của mỗi loại công trình để thành lập tổ quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng; là người của địa phương hiểu được phong tục, tập quán, đặc điểm khí hậu, thời tiết và đặc thù để phân công phù hợp. Thành viên tổ quản lý phải được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị chuyên ngành.

1. Đối với công trình phục vụ trong phạm vi địa bàn một thôn, UBND xã giao cho thôn tổ chức quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng.

2. Các công trình liên thôn, UBND xã trực tiếp quản lý.

3. Các công trình phục vụ cho nhiều xã, tùy tình hình thực tế để giao cho các đơn vị chuyên ngành, hoặc một địa phương quản lý.

4. Số lượng thành viên tổ quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng tùy theo tính chất của công trình để thành lập, số lượng từ 2 - 4 người.

5. Nếu công trình nằm trên địa bàn một xã, UBND xã ra quyết định thành lập tổ quản lý, vận hành, nếu công trình liên xã hoặc công trình phục vụ chuyên ngành, do UBND huyện quyết định thành lập (chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, cấp nào ra quyết định thì cấp đó quy định).

Điều 9. Kinh phí hoạt động:

Trong các kỳ họp định kỳ hoặc đột xuất của Hội đồng Nhân dân cấp huyện, xã, Chủ tịch UBND huyện, xã báo cáo trình HĐND huyện, xã thông qua kinh phí hoạt động cho Tổ vận hành, quản lý, bảo vệ và trang cấp dụng cụ cần thiết và một phần kinh phí để tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ.

Đối với các công trình cần duy tu, bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên (đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, trạm y tế) căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để huy động ngày công lao động của nhân dân (các hộ, đơn vị, tổ chức, cá nhân) hưởng lợi trực tiếp từ công trình để tham gia thực hiện.

Đối với công trình cấp nước sinh hoạt, thực hiện theo Quyết định 3562/2003/QĐ-UB ngày 10 tháng 12 năm 2003 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Quy định về quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh.

Điều 10. Sử dụng kinh phí:

1. Chi trả phụ cấp cho cán bộ chuyên trách quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình.

2. Chi phí cho duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng nhỏ, do nguyên nhân khách quan, có xác nhận của lãnh đạo xã hoặc ban giám sát xã.

3. Chi phí sổ sách theo dõi, hội họp liên quan đến công trình, các phương tiện duy tu, bảo dưỡng đơn giản, phương tiện sử dụng ban đêm (đèn pin, áo mưa) khi mưa bão,…

4. Chi phí xây dựng các biểu bảng niêm yết các công trình, những nơi công cộng nhân dân thường xuyên đi lại, hội họp, sinh hoạt như: đình chợ, UBND xã, nhà văn hóa, giao thông, thủy lợi,…

Điều 11. Khi thực hiện việc thu hoặc chi nguồn kinh phí (như Điều 9, Điều 10 quy định), phải có sổ ghi chép việc thu, chi, cân đối và công khai trong quần chúng nhân dân. Báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý tài chính cùng cấp, thực hiện nghiêm túc việc quản lý kinh phí theo Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 12. Đối với các công trình khi chủ đầu tư bàn giao cho các ngành chức năng: trường học, trạm xá, phòng khám đa khoa trung tâm cụm xã, trạm điện, ban quản lý chợ,…Đơn vị quản lý, sử dụng có trách nhiệm lập kế hoạch huy động vốn, báo cáo với UBND xã để đưa ra nhân dân bàn bạc, thống nhất, trình HĐND xã thông qua mức đóng góp, để có nguồn kinh phí tổ chức thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên công trình.

Chương III

DUY TU, BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA CÔNG TRÌNH

Điều 13. Trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình xây dựng:

1. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với chủ sử dụng công trình. Thời gian tiến hành công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, sau khi nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng. Việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nâng cao tuổi thọ công trình, tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra do sử dụng công trình không đúng công năng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình xây dựng được thực hiện ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như: tính chất, đối tượng sử dụng, tuổi thọ công trình, điều kiện tự nhiên,…

2. Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình phải được tiến hành thường xuyên nhằm nâng cao tuổi thọ; kiểm tra và xử lý những hư hỏng của từng chi tiết, bộ phận. Hàng năm tổ quản lý, vận hành công trình lập kế hoạch định kỳ 3 tháng một lần, xem xét các kết cấu, chi tiết, bộ phận cần duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế, lập biên bản ghi chép đầy đủ về các bộ phận hư hỏng, nguyên nhân và dự trù kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.

Điều 14. Đối với những công trình phải sửa chữa lớn, UBND xã lập kế hoạch xin cấp kinh phí hàng năm, báo cáo UBND huyện để tổng hợp đưa vào kế hoạch thực hiện sửa chữa từng công trình, hoặc kết hợp với các nguồn vốn huy động khác để thực hiện.

Điều 15. Trường hợp công trình có tính năng, kỹ thuật phức tạp còn niên hạn sử dụng hoặc đã hết niên hạn, nhưng có vấn đề về chất lượng, kỹ thuật phải mời cơ quan chức năng và tư vấn để đánh giá, lập hồ sơ báo cáo lên cấp trên đề xuất biện pháp giải quyết, xử lý.

Điều 16. Những công trình do thời gian sử dụng, các yếu tố thiên nhiên như mưa, bão, sét đánh, những hư hỏng do thiếu ý thức của người dân, trẻ em, súc vật giẫm đạp,…hàng năm UBND xã có kế hoạch giao cho thôn, bản hoặc hộ gia đình được hưởng lợi từ công trình tổ chức duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa. Công việc sau khi hoàn thành phải báo cáo UBND xã để tổng hợp báo cáo cấp trên.

Chương IV

BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG

Điều 17. Các đơn vị khai thác công trình (nước sinh hoạt, thủy lợi, điện, chợ), các công trình có qui mô do xã, thôn quản lý, căn cứ vào qui định của pháp luật, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và đặc điểm của từng hệ thống công trình để lập phương án bảo vệ công trình; trình UBND xã phê duyệt, với các công trình liên xã thì UBND huyện phê duyệt. Xây dựng kế hoạch bảo vệ, biển báo, nội qui, qui chế và phân công người trực tiếp có trách nhiệm bảo vệ công trình.

Điều 18. UBND xã nơi có công trình, có trách nhiệm kiểm tra, thực hiện phương án được duyệt. Công trình phục vụ cho địa phương nào thì địa phương đó tổ chức kiểm tra, bảo vệ. Công trình liên xã thì UBND huyện kiểm tra.

Điều 19. Trách nhiệm của nhân dân hưởng lợi từ công trình:

1. Tham gia bảo vệ công trình, xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người dân và cộng đồng trên địa bàn thôn, bản, xã, liên xã. Khi phát hiện có xảy ra sự cố, phải tham gia ứng cứu, sửa chữa, bảo vệ công trình theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và huy động của địa phương.

2. Khi phát hiện công trình bị phá hoại, xảy ra sự cố, hoặc có hiện tượng hư hỏng phải có trách nhiệm ngăn chặn, khắc phục nếu có thể, hoặc báo ngay cho tổ quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng hoặc chính quyền địa phương để kịp thời khắc phục.

3. Chấp hành Nội qui, Qui chế đã được thông qua và ban hành, đồng thời thực hiện nghĩa vụ khi được hưởng lợi từ công trình.

Chương V

PHÂN CẤP QUẢN LÝ

Điều 20. Ban Dân tộc, cơ quan thường trực quản lý các chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý, khai thác, sử dụng và quản lý bảo vệ nhằm khai thác các công trình hạ tầng, nhằm phát huy hiệu quả, nâng cao tuổi thọ công trình.

Phối hợp các ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, vận hành cho cán bộ được phân công trực tiếp quản lý, bảo vệ công trình.

Điều 21. Các đơn vị chuyên ngành: Sở Giao thông vận tải, Xây dựng, Công nghiệp, Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp và PTNT thực hiện tốt công tác quản lý các công trình thuộc lĩnh vực, ngành quản lý, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thực hiện có hiệu quả Quy định này.

Điều 22. UBND các huyện có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về các công trình hạ tầng tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí cán bộ theo dõi, tổng hợp báo cáo, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ. Chỉ đạo UBND các xã, thôn, bản hưởng lợi từ công trình trong việc quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng theo Quy định đã được ban hành.

Điều 23. Đối với các công trình thuộc dự án trung tâm cụm xã nằm trên xã nào thì xã đó quản lý. Với các công trình như: trường học, phòng khám đa khoa, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt,... UBND huyện giao trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị chuyên ngành được ban giao tiếp nhận, có trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình, UBND xã quản lý về mặt hành chính.

Điều 24. Ủy ban Nhân dân các xã có công trình hạ tầng, hàng năm xây dựng kế hoạch trình UBND huyện để tổng hợp và ưu tiên bố trí, phân bổ nguồn vốn sự nghiệp hàng năm, hoặc các nguồn khác để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và hỗ trợ cho công tác quản lý. Nếu vượt khả năng của huyện, tổng hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh để chỉ đạo hướng giải quyết.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 25. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động trên địa bàn liên quan đến công trình hạ tầng tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trách nhiệm thực hiện Quy định này. Cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong công tác quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình sẽ được biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời theo qui định hiện hành của pháp luật.

Điều 26. Xử phạt

Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này, hoặc có các hành vi phá hoại các công trình, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng qui định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, UBND các huyện, xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có công trình hạ tầng, gửi văn bản về Ban Dân tộc để nghiên cứu, đề xuất, trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1112/2008/QĐ-UBND về quản lý, vận hành, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 1112/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/05/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/05/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 08/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản