ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 111/2005/QĐ-UBND | Đồng Xoài, ngày 29 tháng 09 năm 2005 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 70/2003/QĐ-TTg ngày 29/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010;
Xét đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược thanh niên tỉnh Bình Phước đến năm 2010 và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tại Tờ trình số 40/TT-BCĐ ngày 08/9/2005,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên của tỉnh đến năm 2010”.
Điều 2. Giao Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên của tỉnh chủ trì triển khai, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình hành động này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo định kỳ;
Giao UBND các huyện, thị xã căn cứ Chương trình hành động của UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Chương trình hành động phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo QĐ số 111/2005/QĐ-UBND ngày 29/9/2005 của UBND tỉnh)
1. Tình hình thanh niên:
Nhìn chung thanh niên Bình Phước ngày nay trình độ học vấn, đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe ngày càng cao hơn, có khát vọng vượt qua đói nghèo, lạc hậu, mong muốn lập thân, lập nghiệp; tích cực tham gia công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, quyết tâm phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ý thức chính trị, tích cực xã hội, tinh thần tình nguyện, tính xung kích của thanh niên ngày càng được nâng cao. Là lực lượng năng động, sáng tạo, đã và đang tiếp cận học tập ứng dụng các công nghệ hiện đại, trao dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề. Trong cơ chế quản lý kinh tế mới, thanh niên ngày càng hiểu biết về giá trị sức lao động và hiệu quả các hoạt động kinh tế, tích cực thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước; xung kích đi đầu trong những việc khó, lĩnh vực mới, nhiều gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, bảo vệ an ninh biên giới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc xuất hiện trong phong trào thanh niên, góp phần xây dựng tỉnh nhà vững mạnh trên mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, thanh niên tỉnh Bình Phước cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đó là: trong cơ chế thị trường, yêu cầu cao của sự nghiệp CNH-HĐH, quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu đã và đang là những thách thức lớn đối với khối đông thanh niên về trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, về năng lực hành động và sáng tạo. Trong thực tế không ít thanh niên gặp khó khăn trong điều kiện học tập, việc làm, nhà ở, lập nghiệp và nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó những tiêu cực trong xã hội, các thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại, hoạt động chống phá, lôi kéo, chia rẽ của các thế lực thù địch tiếp tục tác động phức tạp đến nhận thức của thế hệ trẻ. Mặt khác, tỉnh Bình Phước trong những năm qua kinh tế có phát triển nhưng chưa thật bền vững, chủ yếu sản xuất cây nông nghiệp độc canh, giá cả nông sản không ổn định, cơ sở hạ tầng phát triển chậm. Do đó, ít có động lực và cơ hội để thu hút lao động trẻ và đáp ứng nhu cầu việc làm cho thanh niên. Hơn nữa, do trình độ văn hóa hạn chế nên khả năng tiếp thu khoa học công nghệ của thanh niên, nhất là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn quá thấp; điều kiện vui chơi giải trí và phát triển thể lực cho thanh niên còn thiếu thốn; các thiết chế văn hóa - xã hội, thể dục thể thao dành cho thanh thiếu niên ở các huyện, thị và trung tâm tỉnh Bình Phước chưa phát triển, trang thiết bị phục vụ công tác thanh niên từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh còn nhiều thiếu thốn.
Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của đất nước nói chung và phát triển các khu công nghiệp của tỉnh Bình Phước nói riêng, tình hình thanh niên sẽ tiếp tục có những biến đổi lớn. Cơ cấu thanh niên sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng giảm trong nông nghiệp, tăng trong dịch vụ và công nghiệp, tỷ lệ thanh niên làm trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh sẽ tăng nhanh, số thanh niên từ nông thôn chuyển dịch về đô thị và các trung tâm kinh tế, công nghiệp sẽ ngày càng lớn sẽ kéo theo nhiều vấn đề cần quan tâm hơn như: chỗ ở, sự phân hóa về học vấn, thu nhập, điều kiện hưởng thụ văn hóa và mức sống trong thanh niên.
II. Công tác thanh niên
Trong những năm qua, công tác đoàn kết tập hợp thanh niên trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ và chuyển biến. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên đã có nhiều hoạt động, nhiều phong trào sáng tạo, tạo được những dấu ấn đẹp trong đời sống xã hội. Các phong trào, các cuộc vận động thiết thực như phong trào “Tuổi trẻ Bình Phước thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tháng thanh niên”, “Năm tình nguyện vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” đã thôi thúc và thu hút đông đảo thanh niên tham gia góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội củng cố an ninh quốc phòng. Thanh niên đã và đang có mặt trong những việc khó, việc mới những lĩnh vực có nhiều thử thách. Hàng vạn đoàn viên thanh niên ra quân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, lao động giúp dân, tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa... qua hoạt động tình nguyện, nhiều đoàn viên thanh niên trưởng thành có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức năng lực là nguồn bổ sung cán bộ cho Đảng và cho chính quyền. Sự phát triển của phong trào thanh niên hiệu quả các hoạt động của tổ chức Đoàn - Hội là nền tảng cho sự trưởng thành của các tổ chức thanh niên dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, trong những năm qua số lượng thanh niên kết nạp vào tổ chức tăng mạnh qua từng năm. Tỷ lệ đoàn viên ưu tú kết nạp vào Đảng năm sau cao hơn năm trước. Tổ chức Đoàn được củng cố mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên phát triển rộng rãi. Trong những năm gần đây thanh niên đến với tổ chức Đoàn - Hội nhiều hơn. Tính đến nay trong toàn tỉnh đã có 43.673 đoàn viên và 55.270 Hội viên trên khoảng 116 ngàn thanh niên.
Trong những năm vừa qua tuy Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo nhiều điều kiện cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh hoạt động và phát triển. Song, việc phải có một chương trình hành động mang tính tổng thể lâu dài và có định hướng cơ bản là cần thiết. Với mục đích phát huy khả năng to lớn của thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Đồng thời thông qua chương trình hành động đưa công tác thanh niên vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để có những giải pháp xã hội hóa công tác thanh niên, chuyển đổi nhận thức của toàn xã hội về chăm lo phát triển thanh niên, hình thành nguồn nhân lực trẻ cho công cuộc CNH-HĐH tỉnh nhà.
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA CHIẾN LƯỢC
I. Quan điểm:
Thứ nhất: Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên là nhiệm vụ chiến lược thường xuyên của Đảng và Nhà nước, xây dựng thế hệ con người mới phát triển toàn diện, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đầu tư cho phát triển thanh niên là đầu tư cho tương lai, bồi dưỡng phát huy nhân tố con người để thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”;
Thứ hai: Chiến lược phát triển thanh niên phải được thực hiện thống nhất hữu cơ và có tác động tích cực tới chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;
Thứ ba: Công tác thanh niên phải được tiến hành bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của chính thanh niên.
II. Mục tiêu:
1. Mục tiêu chung: Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ thanh niên tỉnh nhà phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao, phẩm chất tốt. Đồng thời phát huy vai trò xung kích sáng tạo của thanh niên trong thời kỳ CNH - HĐH. Tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội về nhiệm vụ phát triển thanh niên. Đặc biệt phát huy cao vai trò quản lý, trách nhiệm đầu tư chăm lo của chính quyền và toàn xã hội đối với thanh niên.
2. Mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng phẩm chất tốt đẹp và đạo đức Cách mạng cho thanh niên.
- Tăng cường và nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho thanh niên: phấn đấu thu hút 100% đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và 80% thanh niên ưu tú được học, nghiên cứu, tham khảo chương trình 6 bài học lý luận chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh và tình hình nhiệm vụ cách mạng của đất nước.
- Phấn đấu 80% cán bộ chủ chốt phụ trách công tác thanh niên cấp cơ sở phải có trình độ sơ cấp chính trị, cấp huyện, thị và tỉnh phải từ trung cấp chính trị trở lên.
- Phấn đấu 100% thanh niên được học tập, quán triệt lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được phổ biến tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như nhiệm vụ cách mạng của thanh niên.
- Phấn đấu 95% thanh niên được tuyên truyền, giáo dục đạo đức truyền thống cách mạng truyền thống dân tộc.
- Nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức trách nhiệm dân tộc, nhận thức về trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước và dân tộc trong giai đoạn mới: phấn đấu 100% học sinh, sinh viên, 90-95% thanh niên thị trấn, thị xã và 70-80% thanh niên vùng sâu, vùng xa được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về pháp luật.
- Xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh và Nhà văn hóa Thanh niên các huyện, thị.
- Tập trung xây dựng tổ chức Đoàn - Hội - Đội, thu hút 70% học sinh, sinh viên trong nhà trường và 65% thanh niên ngoài nhà trường tham gia vào tổ chức Đoàn Hội-Đội.
Mục tiêu 2: Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực khoa học công nghệ cho thanh niên, hình thành một lực lượng thanh niên ưu tú cho đất nước
- Xây dựng đề án phổ cập tin học trình độ A cho thanh niên cấp xã, phường. Xây dựng chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin cho thanh niên, phấn đấu đến năm 2010 có 100% xã, phường có điểm truy cập Internet.
- Phấn đấu có 10% học sinh, sinh viên được học Tin học, mỗi năm tăng thêm 10% đến năm 2010 có 50% học sinh, sinh viên được học Tin học (hiện nay chỉ đạt 5%-6%). Phấn đấu đến năm 2010 có 80% giáo viên bậc Mầm non, 100% giáo viên bậc Tiểu học, 100% giáo viên THCS, 100% giáo viên THPT đạt chuẩn; 10% giáo viên bậc THCS, PTTH đạt trình độ sau đại học.
- Xây dựng chương trình phổ biến kiến thức nghề nông và công nghệ sinh học cho thanh niên.
- 100% học sinh bậc THCS và THPT được hướng nghiệp và khoảng 50% được dạy nghề phổ thông.
- Nâng cao trình độ học vấn cho thanh niên, tập trung xóa mù chữ và chống tái mù chữ trong lứa tuổi thanh niên. Phấn đấu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2008 và phổ cập THCS vào năm 2006, phổ cập cho 2/8 huyện, thị xã vào năm 2010, 30% số trường Mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia. Thu hút thanh niên tham gia học tập một cách chủ động tự giác tại các trung tâm, cơ sở giáo dục ngoài nhà trường.
- Từng bước nâng cao trình độ, năng lực ứng dụng KHCN cho thanh niên về các lĩnh vực, trong đó có công nghệ thông tin, công nghệ sinh học chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng về nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2010 có 60% thanh niên khu vực thị xã, thị trấn và 40% thanh niên nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được phổ biến hướng dẫn nghề và tuyên truyền phổ biến ứng dụng công nghệ sinh học.
- Đào tạo nghề cho 10.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 22% vào năm 2010. Đồng thời có chương trình đào tạo gắn mục tiêu sử dụng nhiều cán bộ trẻ, có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ có chính sách thu hút trí thức trẻ về cơ sở.
Mục tiêu 3: Nâng cao thu nhập cho thanh niên và gia đình trẻ giảm tình trạng thất nghiệp thiếu việc làm trong thanh niên.
- Quan tâm công tác xuất khẩu lao động, tư vấn nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp của tỉnh và đào tạo nghề nông thôn, chú trọng lực lượng thanh niên, lao động trẻ.
- Phấn đấu 100% xã, phường - thị trấn xây dựng được dự án giúp vốn cho thanh niên, CLB khuyến nông, khuyến ngư và có mô hình giúp đỡ thanh niên thoát nghèo.
- Tạo thêm nhiều việc làm phấn đấu giải quyết việc làm cho thanh niên đạt trên 70% tổng số lao động được giải quyết việc làm, khoảng 25 ngàn thanh niên được giải quyết việc làm mỗi năm, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở đô thị, tăng tỷ lệ thời gian lao động trong năm của thanh niên khu vực nông thôn thêm 85% vào năm 2010.
- Tăng nhanh lực lượng lao động trẻ tại các khu công nghiệp của tỉnh, trong các ngành dịch vụ, ngành nghề mũi nhọn. Đến năm 2010 thu hút thêm 1,5-2 ngàn lao động trẻ vào khu công nghiệp, công trình xây dựng, 3-4 ngàn lao động trẻ vào lĩnh vực dịch vụ. Xây dựng cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động trẻ phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động trẻ trong nông nghiệp là 60%, công nghiệp, xây dựng là 18%, dịch vụ là 22% và xuất khẩu khoảng từ 3000 - 3500 lao động vào năm 2010.
- Nâng cao nhận thức đúng đắn của thanh niên về nghề nghiệp việc làm, nâng tính tích cực, chủ động của thanh niên trong việc nâng cao trình độ nghề nghiệp và giải quyết việc làm. Phấn đấu 90% thanh niên học sinh phổ thông và 60% thanh niên khu vực đô thị và nông thôn đang tìm kiếm việc làm được tư vấn nghề nghiệp.
- Tập trung xóa đói, giảm nghèo trong thanh niên và gia đình trẻ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cải thiện đời sống thanh niên khu công nghiệp tập trung.
- Mục tiêu 4: Nâng cao sức khỏe đời sống vật chất, tinh thần xây dựng nếp sống văn hóa và đẩy lùi tệ nạn xã hội, tình trạng phạm pháp trong thanh niên.
- Tăng cường và tạo điều kiện cho các hoạt động TDTT nhằm nâng cao thể lực cho thanh niên, thực hiện có hiệu quả chương trình TDTT tỉnh.
- Tăng số lượng và tỷ lệ thanh niên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao rèn luyện thân thể. Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên là 23% trong đó thanh niên chiếm 80%, phấn đấu 90% xã, phường có câu lạc bộ thể dục thể thao và 100% thôn, ấp có sân bãi, dụng cụ thể thao tối thiểu đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của thanh niên và quần chúng nhân dân.
- Thực hiện có hiệu quả các chương trình giáo dục thể chất trong các trường phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 80% Trường THCS và THPT có CLB TDTT và đội tuyển thể thao.
- Nâng cao trình độ thưởng thức, sáng tạo của thanh niên trong các hoạt động văn hóa tinh thần, đặc biệt đối với các loại hình văn hóa dân tộc, bảo vệ di sản văn hóa và di sản môi trường. Đến năm 2010 đảm bảo 100% các huyện, thị có nhà văn hóa thanh thiếu nhi, 80% số xã, thôn, buôn có tụ điểm sinh hoạt, hoạt động thanh niên.
- Giảm tỷ lệ bệnh tật trong thanh niên trước hết là các bệnh do điều kiện môi trường, dinh dưỡng các bệnh truyền nhiễm, bệnh nghề nghiệp. Phấn đấu 95% thanh niên khu vực đô thị, 90% thanh niên khu vực nông thôn có hiểu biết cần thiết về HIV/AIDS và 70% - 80% thanh niên có thái độ tích cực đối với công tác phòng chống AIDS. Từng bước ngăn chặn và đẩy lùi sự lây nhiễm của căn bệnh này trong xã hội.
- Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TU của Tỉnh ủy về việc “Tăng cường các biện pháp cấp bách làm giảm tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh”:
+ 100% cơ sở Đoàn có đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
+ 100% các trường THPT, THCN, CĐSP thành lập ít nhất một CLB hoặc Đội thanh niên tuyên truyền phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Mục tiêu 5: Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và vai trò xung kích tình nguyện của thanh niên thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội xây dựng nông thôn.
- Nhân rộng dự án “Trí thức trẻ tình nguyện xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh” về tham gia công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa và các địa bàn khó khăn.
- Phát huy hiệu quả hoạt động của Hội Doanh nghiệp trẻ trong sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất...
- Động viên, khuyến khích và hỗ trợ cho hoạt động thanh niên tình nguyện tại chỗ tham gia xây dựng kinh tế - xã hội nông thôn tại các địa phương. Tăng cường triển khai các chiến dịch TNTN hàng năm đến các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh nhằm góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự xã hội, đồng thời tạo môi trường tích cực để giáo dục và rèn luyện thanh niên.
- Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu 95% thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự xung phong tình nguyện thực hiện Luật Nghĩa vụ Quân sự hàng năm.
- Phát huy vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phấn đấu 95% thanh niên trong lực lượng dân quân tự vệ lực lượng dự bị động viên thực hiện tốt chương trình huấn luyện công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, 97% Chi đoàn dân quân tự vệ và 85% Đội thanh niên xung kích an ninh ở các xã hoạt động tốt.
- Phấn đấu 100% thanh niên học sinh thực hiện tốt chương trình giáo dục quốc phòng trong các trường THPT, THCN, Dạy nghề, Cao đẳng Sư phạm.
Mục tiêu 6: Nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần dân tộc, nâng cao vị thế thanh niên Việt Nam trong hoạt động giao lưu, góp phần bảo vệ củng cố hòa bình tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết với thanh niên quốc tế.
- Giáo dục tinh thần tự hào, ý thức tự tôn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
- Nâng cao hiểu biết cho thanh niên về tình hình biên giới và khu vực. Đặc biệt về đường biên giới giữa tỉnh Bình Phước và Vương quốc Campuchia, Luật Biên giới và các văn bản dưới luật về biên giới của Chính phủ để phát huy vai trò của thanh niên trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TỪ NĂM 2005 - 2010
I. Tăng cường sự lãnh đạo của đảng, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền đối với đoàn TNCS Hồ Chí Minh và công tác thanh niên trong tình hình mới.
1. Quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, chương trình của Nhà nước về vai trò vị trí của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
- Quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc lãnh đạo Đoàn Thanh niên và công tác thanh niên trong tình hình mới cho cán bộ Đảng viên và quần chúng nhân dân ở địa phương và đơn vị mình nhằm nâng cao nhận thức về chính trị, vai trò quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên trong tiến trình phát triển của đất nước và của địa phương, đơn vị. Từ đó đặt công tác lãnh đạo Đoàn TN là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.
- Công tác phát triển đảng viên cần tập trung vào lực lượng Đoàn viên ưu tú, chú trọng phát triển trong ĐVTN vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc tôn giáo, đoàn viên nữ, đoàn viên là công nhân lao động, đoàn viên là HSSV.
2. Chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện chỉ đạo đổi mới phương thức hoạt động của Đoàn TN, bám sát nhiệm vụ chính trị, KT-XH của địa phương, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của TN.
- Trong quá trình xây dựng và thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm của các ngành, các cấp cần nêu cụ thể chỉ tiêu phát triển thanh niên. Bổ sung chỉ tiêu phát triển thanh niên trong việc cụ thể hóa các chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn, chú trọng: Chương trình mục tiêu Quốc gia xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm, Chương trình trồng 5 triệu ha rừng, Chương trình phòng chống HIV/AIDS...
- Chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để các chương trình, nội dung hoạt động của Đoàn thanh niên và Hội LHTN đổi mới theo hướng thiết thực hiệu quả. Động viên tuổi trẻ xung kích đi đầu thực hiện đường lối chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân trong sạch vững mạnh, tập trung giáo dục truyền thống cách mạng, lý tưởng và lòng yêu Tổ quốc cho Thanh niên.
- Tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để vận động và tổ chức cho tuổi trẻ xung kích, tình nguyện tham gia thực hiện các nhiệm vụ KT-XH của tỉnh nhà như: tham gia tích cực các Chương trình XĐGN, tham gia trồng và bảo vệ rừng, tham gia các phong trào tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn của tỉnh.
- Các cấp chính quyền địa phương chỉ đạo cho các ban ngành, tổ chức xã hội phối hợp và tạo điều kiện cho Đoàn Thanh niên và Hội LHTN khẩn trương xóa thôn, ấp, buôn, tổ dân phố trắng tổ chức Đoàn, Hội, chăm lo xây dựng Đoàn vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên.
- Quan tâm chính sách về dạy nghề, chính sách thu hút TN vào các ngành nghề mũi nhọn, ngành nghề theo yêu cầu phát triển KT-XH. Chăm lo giải quyết việc làm, XĐGN cho TN, có chính sách hỗ trợ khuyến khích TN tự tạo thêm việc làm. Bổ sung hoàn thiện chính sách XKLĐ.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên được vay vốn xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, phương tiện, cơ chế để thanh niên có cơ hội lập thân, lập nghiệp.
- Chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho các đối tượng thanh niên vướng vào con đường lầm lỗi, sai phạm được phát triển và tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, các chương trình tuyên truyền tại các Trung tâm lao động và cộng đồng.
- Quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai các dự án thực hiện chương trình phát triển thanh niên như:
+ Dự án chuyển giao tiến bộ KHKT và đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên nông thôn.
+ Dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn - Hội cấp cơ sở; phổ cập tin học cho đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội chuyên trách.
+ Dự án xây dựng Trung tâm sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi tỉnh.
+ Dự án tin học hóa quản lý hệ thống Đoàn TN và đưa CNTT về nông thôn.
+ Nhân rộng Dự án Trí thức trẻ xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh.
II. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thanh niên.
- Chính quyền các cấp quan tâm các chương trình phát triển KT-XH và phát huy vai trò của thanh niên tham gia phát triển KT-XH, tạo ra những tiền đề, thuận lợi cho công tác chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.
- Tổ chức các hoạt động VH-TDTT trong thanh niên ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn. Tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa thông tin, ngăn chặn các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các loại văn hóa phẩm độc hại.
- Phát triển mạnh phong trào TDTT, xây dựng nếp sống vệ sinh, thường xuyên rèn luyện thân thể trong thanh niên. Xây dựng các CLB “Bóng đá trẻ” các CLB TDTT phục vụ nhu cầu thanh niên.
- Tăng cường đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao, quan tâm đầu tư điểm vui chơi giải trí, sân bãi tập luyện TDTT. Xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở; nâng cấp trang thiết bị các tụ điểm văn hóa xã; đầu tư xây dựng các hoạt động văn hóa cho thanh niên tại các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa cấp Huyện hiện có; đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh.
- Ưu tiên hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí cho các hoạt động truyền thông, báo chí, xuất bản, hoạt động nghệ thuật phục vụ thanh thiếu niên và công tác thanh thiếu niên. Phấn đấu đến năm 2010, 100% các chi Đoàn có Báo Đoàn và thông tin trong đoàn, 95% cơ sở Đoàn có đủ các tài liệu, phương tiện cần thiết cho công tác tổ chức hoạt động Đoàn.
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng với Đoàn Thanh niên và Hội LHTN đẩy mạnh hoạt động phòng chống tội phạm và tệ nạn trong TTN, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục TTN tạo điều kiện cho thanh thiếu niên lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.
- Bảo đảm kinh phí cần thiết từ nguồn ngân sách cho các hoạt động thanh niên và công tác thanh niên trong chương trình công tác của các Sở, Ban ngành và chính quyền các cấp. Tăng cường hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho Hội LHTN Việt Nam.
- Hỗ trợ tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các phong trào thanh niên phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong việc tham gia giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Củng cố” tổ chức Đoàn ở các Đội dân quân tự vệ, phát triển các đội hình thanh niên xung kích an ninh góp phần bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, các đội hình TNTN đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
III. Xã hội hóa công tác thanh niên.
1. Tăng cường công tác truyền thông, phát huy vai trò các cơ quan báo chí nhằm xây dựng và định hướng nhận thức đúng đắn về công tác thanh niên trong tình hình mới.
2. Phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội tăng cường chăm lo giáo dục, bồi dưỡng và phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam và Đội TNTP Hồ Chí Minh.
3. Thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng trẻ gắn với việc tôn vinh tạo dư luận xã hội hỗ trợ, khuyến khích tài năng trẻ, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển, trưởng thành và cống hiến của các tài năng trẻ.
4. Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên.
5. Khuyến khích các lực lượng XH, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh niên. Khuyến khích và huy động các nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Thành lập và quản lý tốt hoạt động của các loại quỹ khuyến khích, hỗ trợ thanh niên.
6. Phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, gia đình trong công tác thanh niên dưới sự lãnh đạo của Đảng để đẩy mạnh xã hội hóa công tác thanh niên.
IV. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác thanh niên.
1. Tăng cường đối ngoại Nhà nước trong lĩnh vực thanh niên và hợp tác với các tỉnh của Vương quốc Campuchia có chung đường biên giới với tỉnh ta và các tổ chức quốc tế với tinh thần độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa góp phần bảo vệ hòa bình, tiến bộ xã hội và tạo các điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển KT-XH ổn định an ninh chính trị khu vực biên giới góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác quốc tế của thanh niên tỉnh ta với thanh niên nước bạn Campuchia. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong quan hệ đối ngoại thanh niên, mở rộng quan hệ với các tổ chức thanh niên của các nước láng giềng.
3. Tạo điều kiện cho TN tham gia các hoạt động vì hòa bình hữu nghị và các hoạt động quốc tế thanh niên. Phát huy tinh thần đoàn kết cùng với tuổi trẻ các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội.
4. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cho thanh niên hiểu biết về tình hình thanh niên và phong trào thanh niên trong nước và thế giới; các quy chế, quy định của Chính phủ về bảo vệ biên giới; Cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng giữ gìn bảo vệ an ninh biên giới Quốc gia, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động vi phạm biên giới lãnh thổ.
1. Các cấp chính quyền tham mưu cho cấp ủy Đảng cùng cấp quán triệt sâu sắc quan điểm và nguyên tắc của Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18/3/2003 của Hội nghị BCH TW lần thứ V (Khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn” cùng các chương trình, Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác thanh niên, quán triệt “Chương trình phát triển thanh niên đến năm 2010” đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên, xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện, hàng năm sơ kết rút kinh nghiệm để chương trình này thật sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến nhanh chóng, toàn diện và hiệu quả công tác Đoàn - Hội và phong trào thanh thiếu niên của tỉnh phù hợp với tình hình mới.
2. UBND tỉnh đề nghị BTV Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội LHTN tỉnh tổ chức quán triệt sâu sắc “Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước đến năm 2010” của UBND tỉnh và xây dựng chương trình kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đến các cấp bộ Đoàn, Hội, đến đoàn viên, hội viên, thanh niên trong toàn tỉnh theo các mục tiêu, chương trình và theo từng giai đoạn cụ thể nhằm đáp ứng các yêu cầu của chiến lược đã đề ra.
3. Các cấp chính quyền tăng cường và đổi mới quản lý Nhà nước về công tác thanh niên, tăng cường trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên. Phân công cán bộ chủ chốt có năng lực, nhiệt huyết với thanh niên trực tiếp phụ trách công tác thanh niên, đồng thời thực hiện tốt việc phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội LHTN để giải quyết các nhiệm vụ có tính chất liên ngành về công tác thanh niên.
4. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đối với thanh niên để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của thanh niên.
"Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước đến năm 2010” được nghiên cứu, vận dụng từ "Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010" ban hành kèm theo Quyết định số 70/2003/QĐ-TTg ngày 29/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành. Vì vậy đề nghị các cấp ủy Đảng chỉ đạo các cơ quan Nhà nước cùng cấp triển khai thực hiện tốt các nội dung đã đề ra.
- 1Quyết định 2402/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền Chiến lược phát triển thanh niên trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước, giai đoạn 2012 - 2015
- 2Chỉ thị 10/2012/CT-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2011-2020
- 3Quyết định 1320/QĐ-UBND năm 2012 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành hết hiệu lực
- 4Quyết định 1550/QĐ-UBND năm 2013 kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giáp việc Ban Chỉ đạo Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 – 2020
- 1Luật nghĩa vụ quân sự 1981
- 2Quyết định 70/2003/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Biên giới Quốc gia 2003
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Nghị quyết 17-NQ/TW năm 2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
- 6Quyết định 2402/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền Chiến lược phát triển thanh niên trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước, giai đoạn 2012 - 2015
- 7Chỉ thị 10/2012/CT-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2011-2020
- 8Quyết định 1550/QĐ-UBND năm 2013 kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giáp việc Ban Chỉ đạo Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 – 2020
Quyết định 111/2005/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển thanh niên của tỉnh Bình Phước đến năm 2010
- Số hiệu: 111/2005/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/09/2005
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
- Người ký: Nguyễn Tấn Hưng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/09/2005
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực