Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/1999/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 10 tháng 5 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, KINH DOANH CHÈ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 1999 – 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Dự án phát triển vùng nguyên liệu chè để thực kiện chương trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai giai đoạn 1999 -2010.

Xét đề nghị của: Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính vật giá,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nav ban hành kèm theo quyết định này: Quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 1999- 2010.

Điều 2. Căn cứ vào quy hoạch phát triển vùng chè, các tiểu dự án trồng chè đã được phê duyệt và kế hoạch trồng chè hàng năm của UBND tỉnh Lào Cai, giao cho các sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Ngân hàng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tạo điều kiên thuận lợi để các huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị, các tổ chức, cá nhân trồng, chế biến chè trên địa bàn tỉnh Lào Cai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh chè căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Quốc Lộng

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT KINH DOANH CHÈ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 1999 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 111/199/QĐ-UB ngày 10/5/999)

Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 01của Tỉnh uỷ, kế hoạch năm 1999 và mục tiêu giai đoạn 1999 - 2010 về phát triển trồng, chế biến chè, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; UBND tỉnh Lào Cai ban hành chính sách khuyến khích phát triển trồng, thâm canh, chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 1999 - 2010:

A- Những quy định chung:

1. Mục đích:

- Động viên mọi tổ chức, cá nhân tham gia trồng, thâm canh và chế biến chè, tạo nhanh vùng nguyên liệu chè với giống tốt, năng suất cao phục vụ phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm chè có giá trị kinh tế, góp phần tích lũy phát triển kinh tế xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

- Tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động ở nông thôn góp phần xóa đói, giảm nghèo.

2. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Chính sách khuyến khích trồng, thâm canh và chế biến chè áp dụng cho mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài tỉnh (kể cả tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước) có điều kiện và nhu cầu tham gia phát triển sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

3. Đất trồng chè được áp dụng tại quy định này bao gồm đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao, khoán, thuê theo tinh thần các nghị định của Chính phủ và các loại đất khác phù hợp quy hoạch và các quy định của Luật đất đai.

B- Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh chè:

I- Chính sách đất đai:

1. Mọi tổ chức, cá nhân (kể cả người nước ngoài) được giao đất, cho thuê đất (theo Luật đất đai và các Nghị định của Chính phủ về thực hiện Luật đất đai) để đầu tư trồng chè với thời hạn từ 20 - 50 năm, hết thời hạn trên, nếu có nhu cầu sử dụng đúng mục đích thì được giao hoặc cho thuê thời hạn tiếp theo.

2. Đất trồng chè bao gồm:

- Các loại đất nông nghiệp đã được giao, khoán hoặc cho thuê.

- Các loại đất lâm nghiệp đã được quy hoạch.

+ Trồng chè trên đất rừng sản xuất: nếu là giống chè trung du phải thực hiện trồng chè theo băng, xen với các băng cây có tán che phủ lớn (cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày có tán che phủ lớn, cây lấy gỗ) để bảo vệ đất.

+ Trồng chè Tuyết san trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng theo quy định tại quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên bộ số 28/1999/TT-LT ngày 3/2/1999.

3. Đất đã có chè của các hợp tác xã, các đơn vị quốc doanh sau khi đã định giá bán lại cho các hộ gia đình hoặc giao khoán để quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được hợp đồng giao khoán dài hạn theo quy định của pháp luật, được tiếp tục đầu tư chăm sóc, thâm canh. Vốn chuyển nhượng đồi chè được thu hồi và chuyển thành vốn đầu tư phát triển chè theo các phương án được phê duyệt.

II- Chính sách vốn đầu tư:

1. Các tổ chức và cá nhân tham gia trồng mới, chăm sóc, thâm canh chè cũ được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi (hỗ trợ lãi suất theo quyết định số 27/1999/QĐ-UB ngày 30/01/1999 của UBND tỉnh Lào Cai) khi có các điều kiện sau đây:

- Các Doanh nghiệp và tổ chức có vùng chè tập trung: phải xây dựng dự án và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các nhóm hộ và các hộ gia đình: phải xây dựng phương án sản xuất được UBND xã xác nhận và có giấy cấp quyền sử dụng đất hoặc có các văn bản giao khoán đất hoặc hợp đồng cho thuê đất và phải nằm trong khu vực quy hoạch sản xuất chè để thuận tiện việc hướng dẫn chăm sóc, bảo vệ, thâm canh tăng năng suất.

2. Mức vay: (Suất đầu tư cho vay)

- Chè trồng mới năm đầu: được vay tối đa 16 triệu đồng/1 ha

- Nếu trồng chè Tuyết san thuộc đất rừng phòng hộ theo quyết định 661/QĐ-TTg (được Nhà nước hỗ trợ 2,5 triệu đồng/1 ha) thì cũng được vay thêm vốn cho đủ suất vay để trồng cho mỗi 1 ha (nếu là chè trồng xen trên đất rừng phòng hộ phải được quy đông đặc theo mật độ quy định) kể cả 3 năm chăm sóc.

- 3 năm chăm sóc tiếp theo: được vay tối đa 2 triệu đồng/1 ha năm

- Chè tham canh bao gồm:

+ Thâm canh cao được vay tối đa 4 triệu/1 ha

+ Thâm canh bình thường được vay tối đa 1 triệu đ/ha

Mức vốn cho vay để trồng mới và thâm canh chè chủ yếu để mua giống, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất.

Thủ tục vay vốn theo quy định hiện hành của Nhà nước (có hướng dẫn của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng).

3. Thời gian hoàn trả vốn vay: Trong 5 năm đầu đối với trồng mới chè, người trồng chè chưa phải trả gốc và lãi tiền vay. Từ năm thứ 6 trở đi đến năm thứ 10 phải trả hết cả gốc và lãi tiền vay. Vốn vay để thâm canh, tăng năng suất chè được vay theo thời vụ hoặc hàng năm.

Đơn vị cho vay thống nhất kế hoạch vay và hoàn trả vốn vay (cả gốc và lãi) theo thời hạn hợp lý đối với từng điều kiện cụ thể theo khung thời gian quy định nói trên. Khuyến khích các hộ gia đình và tổ chức có điều kiện hoàn trả vốn vay càng sớm càng tốt.

III- Chính sách thuế:

1. Các tổ chức và cá nhân có diện tích trồng chè mới được miễn thuế nông nghiệp trong 7 năm đầu kể từ ngày trồng mới. Khôi phục diện tích chè kém chất lượng và đầu tư thâm canh chè được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 3 năm đầu kể từ khi bắt đầu thâm canh. Đất đang sản xuất - kinh doanh chè ổn định (từ năm thứ 8 sau khi trồng) phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

2. Miễn các loại thuế đối với sản phẩm chè búp tươi trồng xen trong rừng phòng hộ và sản phẩm khác trồng xen trên đất chè để bảo vệ đất và hỗ trợ chè phát triển.

3. Các hộ gia đình được miễn thuế tiêu thụ các sản phẩm chè búp tươi, các tổ chức và gia đình được miễn thuế mua cây giống, hạt giống chè để phục vụ cho trồng chè.

IV- Chính sách đầu tư chế biến - tiêu thụ:

1. Khuyến khích các đơn vị trồng chè quốc doanh, các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư cơ sở chế biến chè hiện đại để sản xuất các sản phẩm chè có giá trị kinh tế cao, các hộ hoặc nhóm hộ gia đình phát triển các hình thức chế biến thủ công bán cơ giới hoặc cơ giới nhỏ với công nghệ phù hợp ... Các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đầu tư chế biến chè được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi khi có các dự án, phương án sản xuất được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo luật khuyến khích đầu tư trong nước và các nguồn đầu tư ưu đãi khác theo quy định.

2. UBND tỉnh đảm bảo việc chỉ đạo các doanh nghiệp và các cơ sở chế biến thu mua toàn bộ sản phẩm do người trồng chè sản xuất ra theo giá hợp lý từng thời điểm, đảm bảo cho người trồng chè có đủ điều kiện thu hồi vốn đầu tư trồng và thâm canh phát triển thêm diện tích chè mới, đảm bảo có thu nhập và tích lũy.

3. Khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư mở rộng, nâng cấp thiết bị, công nghệ tiên tiến và đầu tư mới cơ sở chế biến. Khi có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được vay vốn ưu đãi theo quyết định 13/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

V. Chính sách về chỉ đạo, đầu tư kỹ thuật và khuyến nông:

1. Người tham gia trồng và chế biên chè được hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật gieo ươm, trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè.

2. Những cơ sở áp dụng giống chè mới có năng suất cao do Trung ương cung ứng hoặc nhập khẩu khi được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền được hỗ trợ 20% kinh phí để mua giống mới.

3. Các cơ sở xây dựng vườn ươm giống chè mới có năng suất cao được hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng vườn ươm khi có phương án được phê duyệt.

4. Hỗ trợ kinh phí cho công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện và khuyến nông để đẩy mạnh phát triển đầu tư sản xuất vùng nguyên liệu chè theo quy hoạch bằng 2% mức cho vay.

- Các địa phương sử dụng lực lượng khuyến nông và các tổ chức chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo, khuyến nông. Được sử dụng kinh phí hàng năm theo kế hoạch do UBND các huyện thống nhất với ngành nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cũng được hỗ trợ 2% kinh phí để tổ chức chỉ đạo thực hiện khuyến nông.

- Nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác tổ chức, chỉ đạo, khuyến nông trích trong ngân sách tỉnh, ngành Kế hoạch và Tài chính cân đối theo kế hoạch sản xuất hàng năm đám bảo diện tích chè phát triển theo chương trình.

VI. Chính sách đối với đầu tư nước ngoài:

Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất - chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Lào Cai (sẽ có quy định cụ thể hợp với luật khuyến khích đầu tư nước ngoài).

C- Tổ chức thực hiện:

1. UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm, rà soát quy hoạch và phối hợp với ngành Địa chính để hoàn thành công tác giao đất, cho thuê đất... và cấp quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình ở các vùng đã được quy hoạch. Chủ động phối hợp với các ngành để chỉ đạo thực hiện các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh chè tại địa phương đạt hiệu quả cao nhất.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì cùng với Sở Địa chính xây dựng quy hoạch tổng thể toàn tỉnh về đất đai, diện tích, chế biến, tiêu thụ chè và căn cứ kế hoạch phát triển chè năm 1999 - 2000 và đến 2010 cùa tỉnh. Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Địa chính tham mư cho UBND tỉnh và giúp các huyện quy hoạch chi tiết vùng chè; xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình trồng, chăm sóc và thâm canh chè, có kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ các giống chè có năng suất cao, hướng đẫn chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo việc tổ chức công tác khuyến nông cho người trồng chè và phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện các nội dung có liên quan.

3. Giao cho các doanh nghiệp Nhà nước làm đầu mối xây dựng các dự án vùng chè tập trung, đảm bảo công tác khuyến nông và chuyển giao kỹ thuật trong phạm vi vùng chè tập trung, phối hợp với các địa phương và cơ quan có vốn cho vay tổ chức cho các hộ thành viên và nhân dân trong vùng vay vốn và chỉ đạo trồng, chăm sóc, thâm canh xây dựng vùng nguyên liệu chè; tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, quản lý và thu hồi vốn cho Nhà nước.

4. Ngoài các vùng chè tập trung do các Doanh nghiệp Nhà nước làm đầu mối, UBND các huyện căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo, việc sử dụng và phối hợp các lực lượng trên địa bàn để hướng dẫn và giúp nhân dân các xã xây dựng phương án sản xuất chè và tổ chức thực hiện có kết quả.

5. Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính vật giá phối hợp lập kế hoạch chi ngân sách hàng năm cho chương trình phát triển chè bao gồm hỗ trợ lãi suất, quản lý, chỉ đạo, kỹ thuật, khuyến nông.

6. Sở Kế hoạch và đầu tư thực hiện chức năng thẩm định dự án và cùng các ngành Ngân hàng, Tài chính lập kế hoạch cung ứng vốn cho các doanh nghiệp và các hộ sản xuất chè vay vốn theo dự án, phương án được duyệt. Ngành Tài chính, hướng dẫn cụ thể việc định giá chuyển nhượng đồi chè cho các hộ gia đình và sử dựng vốn chuyển nhượng. Hướng dẫn và giải quyết kinh phí hỗ trợ lãi suất tiền vay, kinh phí quản lý, khuyến nông, đầu tư kỹ thuật cho các Doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình.

Ngành Ngân hàng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính vật giá lập kế hoạch cung ứng vốn vay, hướng dẫn các thủ tục vay vốn cho các tổ chức, Doanh nghiệp và hộ gia đình để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh chè.

7. Các ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ giúp UBND tỉnh hướng dẫn và giám sát quá trình thực hiện quy định này.

8. Các doanh nghiệp, các hộ trồng chè sản xuất đúng quy hoạch và kế hoạch hàng năm của tỉnh, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và thực hiện đúng hợp đồng kinh tế, hoàn trả đủ vốn và lãi đúng và trước thời hạn được xét khen thưởng theo chế độ hiện hành.

Những đơn vị, cá nhân sử dụng đất và vốn vay sai mục đích, không hoàn trá vốn vay theo đúng quy đinh sẽ bị phạt theo hợp đồng đã cam kết, bị cắt hợp đồng kinh tế, xử phạt hành chính; Nếu nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Chính sách này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và được xem xét, vận dụng đối với các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh Lào Cai (kể cả người nước ngoài) nếu có đủ điều kiện và có phương án sản xuất - chế biến - kinh doanh chè đúng quy hoạch và được các cấp có thẩm quyến của tỉnh Lào Cai phê duyệt.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 111/1999/QĐ-UB về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 1999-2010

  • Số hiệu: 111/1999/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/05/1999
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Đặng Quốc Lộng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/05/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 20/05/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản