Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 111/1999/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 111/1999/QĐ-TCHQ NGÀY 08 THÁNG 04 NĂM 1999 BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ DỊCH VỤ THỦ TỤC HẢI QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20 tháng 2 năm 1990;
Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 7 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Nghị định 161999/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan;
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 162/CP-KTTH ngày 17 tháng 2 năm 1998 về cải tiến thủ tục hải quan;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành "Quy chế tạm thời dịch vụ thủ tục hải quan" để triển khai thí điểm dịch vụ thủ tục hải quan.

Điều 2: Quyết định này thay thế Quyết định số 15/1999/QĐ-TCHQ ngày 08 tháng 01 năm 1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 4: Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo thi hành "Quy chế tạm thời dịch vụ thủ tục hải quan" ban hành kèm theo Quyết định này.

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TẠM THỜI VỀ DỊCH VỤ THỦ TỤC HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 111/1999/QĐ-TCHQ ngày 08 tháng 04 năm 1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Chương 1

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ LÀM DỊCH VỤ THỦ TỤC HẢI QUAN

Điều 1: Doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan

1. Các doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan là các doanh nghiệp đã được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, có đội ngũ nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ làm thủ tục hải quan đã được cấp chứng chỉ làm dịch vụ thủ tục hải quan và được cấp thẻ chuyên dùng làm dịch vụ thủ tục hải quan;

2. Khi tiến hành làm dịch vụ thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan hải quan nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan trong công tác quản lý nghiệp vụ, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp đã dăng ký được cơ quan hải quan tư vấn về nghiệp vụ, tạo thuận lợi trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ làm thủ tục hải quan cho nhân viên của doanh nghiệp.

Điều 2:Thủ tục đăng ký

1. Thủ tục đăng ký được tiến hành tại các Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan, bao gồm các loại giấy tờ:

a) Công văn đăng ký làm dịch vụ thủ tục hải quan (theo mẫu do Tổng cục Hải quan ban hành);

b) Giấy phép thành lập doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Bản sao công chứng);

c) Chứng chỉ làm dịch vụ thủ tục hải quan của từng nhân viên trực tiếp làm dịch vụ (Bản sao công chứng);

2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên cơ sở các giấy tờ và thông tin do doanh nghiệp cung cấp, lập hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan kèm theo các nhận xét, đề xuất. Trong thời hạn 15 ngày, Tổng cục Hải quan phải trả lời Cục hải quan tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp được chấp nhận hay không chấp nhận. Nếu doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu tại Điều 1 Quy chế này, Tổng cục Hải quan ra thông báo cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc chấp nhận làm dịch vụ thủ tục hải quan của doanh nghiệp.

3. Cục Hải quan tỉnh, thành phố cấp thẻ chuyên dùng cho nhân viên đã được doanh nghiệp đăng ký và đã có chứng chỉ làm dịch vụ thủ tục hải quan. Thẻ chuyên dùng được cấp có giá trị sử dụng làm thủ tục hải quan tại đơn vị hải quan nơi đăng ký có liên quan đến lô hàng làm thủ tục tại các cửa khẩu. Đối với trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký, nhưng chưa kịp đào tạo nhân viên, Cục Hải quan tỉnh, thành phố sẽ cấp thẻ chuyên dùng tạm thời có hiệu lực trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp. Hết thời hạn 6 tháng nói trên, nhân viên muốn tiếp tục làm dịch vụ thủ tục hải quan phải qua lớp đào tạo, bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ làm thủ tục hải quan;

4. Doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan phải nộp phí cấp thẻ chuyên dùng cho nhân viên theo quy định.

Điều 3: Phạm vi làm dịch vụ

Doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan, căn cứ hợp đồng hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương giữa người làm xuất khẩu và doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan theo pháp luật Việt Nam quy định, được thay mặt chủ hàng thực hiện một hoặc tất cả các việc sau:

1. Khai báo và ký tên trên tờ khai hải quan;

2. Hoàn tất và nộp/xuất trình bộ hồ sơ hải quan có liên quan đến lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

3. Xuất trình hàng hoá để Hải quan kiểm tra;

4. Nộp thuế xuất, nhập khẩu, các loại thuế khác, lệ phí và các khoản thu khác liên quan đến hàng hoá xuất, nhập khẩu;

5. Tiến hành các thủ tục khiếu nại, yêu cầu xét lại hay điều chỉnh liên quan đến hàng hoá xuất, nhập khẩu.

Điều 4. Nghĩa vụ của doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan

1. Không được cho đơn vị khác mượn danh nghĩa để làm dịch vụ thủ tục hải quan;

2. Không được tiết lộ những bí mật thu lượm được khi thực hiện công việc của mình làm tổn hại đến lợi ích của chủ hàng;

3. Bố trí phương tiện và nhân công phục vụ cho việc kiểm tra hàng hoá của cơ quan hải quan;

4. Lập sổ theo dõi, ghi chép trung thực, chính xác các số liệu có liên quan đến từng lô hàng xuất nhập khẩu do doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan, lưu giữ đầy đủ các loại hồ sơ, chứng từ có liên quan đến lô hàng xuất nhập khẩu theo pháp luật quy định trong thời hạn là 5 năm kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan và có trách nhiệm xuất trình đầy đủ cho cơ quan hải quan khi có yêu cầu.

Điều 5: Báo cáo hoạt động và những thay đổi của doanh nghiệp

1. Hàng năm khi làm báo cáo với cơ quan thuế, doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan có báo cáo gửi Cục hải quan tỉnh, thành phố, trong đó nêu rõ số lượng các dịch vụ thủ tục hải quan đã thực hiện trong năm, những sai sót xảy ra và nguyên nhân, tình hình chấp hành các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu và hải quan, các kiến nghị đối với cơ quan hải quan;

2. Khi giải thể hay bị phá sản, hay có thay đổi về tên gọi, địa chỉ, người chịu trách nhiệm trực tiếp về dịch vụ thủ tục hải quan, nhân viên trực tiếp làm dịch vụ thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cục hải quan tỉnh, thành phố biết. Trong trường hợp bị phá sản, doanh nghiệp chuyển giao cho Cục hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký làm dịch vụ toàn bộ các sổ sách, chứng từ có liên quan trực tiếp đến các lô hàng hoá xuất nhập khẩu mà doanh nghiệp đã làm dịch vụ thủ tục hải quan.

Điều 6: Trách nhiệm pháp lý

1. Doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động làm dịch vụ thủ tục hải quan của mình;

2. Trưòng hợp chứng minh được là đã làm đúng theo các chỉ dẫn của chủ hàng, doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan có thể được miễn trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật và theo hợp đồng đã ký kết giữa người làm xuất nhập khẩu và doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan.

Điều 7: Xử lý vi phạm

Doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan có thể bị tạm ngừng không được làm dịch vụ thủ tục hải quan nếu vi phạm một trong các trường hợp sau đây:

1. Nhân viên trực tiếp làm dịch vụ thủ tục hải quan liên tục vi phạm pháp luật về hải quan và các quy định có liên quan đến hoạt động làm dịch vụ thủ tục hải quan;

2. Không có nhân viên trực tiếp làm dịch vụ thủ tục hải quan đáp ứng các điều kiện quy định trong Quy chế này;

3. Không chấp hành hoặc chấp hành không đúng các quyết định xử phạt của cơ quan hải quan khi có hành vi vi phạm pháp luật về hải quan hoặc các quy định khác có liên quan;

4. Không thông báo trước cho cơ quan hải quan các thay đổi trong những nội dung đã đăng ký của doanh nghiệp, cho mượn danh nghĩa trong hoạt động dịch vụ, không chấp hành đúng việc xây dựng hệ thống sổ sách, theo dõi dịch vụ, các quy định về lưu giữ hồ sơ.

Chương 2

NHÂN VIÊN LÀM DỊCH VỤ THỦ TỤC HẢI QUAN

Điều 8: Điều kiện đối với nhân viên làm dịch vụ thủ tục hải quan.

Nhân viên trực tiếp làm dịch vụ thủ tục hải quan phải đáp ứng các điều kiện quy định sau đây:

1. Người có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp lý;

2. Đủ điều kiện tham gia khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ làm dịch vụ thủ tục hải quan theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đã qua đào tạo và được cấp chứng chỉ làm dịch vụ thủ tục hải quan, được cấp thẻ chuyên dùng để xuất trình với cơ quan khi làm thủ tục hải quan.

Điều 9: Nghĩa vụ của nhân viên làm dịch vụ thủ tục hải quan.

Khi đi làm thủ tục hải quan, nhân viên làm dịch vụ thủ tục hải quan phải tuân thủ các nghĩa vụ sau:

1. Xuất trình thẻ chuyên dùng do cơ quan hải quan cấp, trường hợp không xuất trình, không được làm dịch vụ thủ tục hải quan;

2. Xuất trình hợp đồng hoặc giấy tờ có giá trị tương đương hợp đồng làm dịch vụ thủ tục hải quan, trong đó ghi rõ: tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của chủ hàng (nếu có), cũng như của doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan, trách nhiệm, quyền hạn của hai bên;

3. Thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục hải quan; có mặt trong thời gian kiểm tra hàng hoá; cung cấp các thông tin cần thiết cho nhân viên hải quan trong công tác kiểm tra chứng từ, kiểm tra thực tế hàng hoá; liên hệ với đơn vị chủ hàng theo yêu cầu của cơ quan hải quan;

4. Không được cho người khác mượn chứng chỉ làm dịch vụ thủ tục hải quan và thẻ chuyên dùng của mình, không được phép làm dịch vụ thủ tục hải quan cho nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan. Trường hợp muốn thay đổi doanh nghiệp làm việc thì phải thông báo cho cơ quan hải quan để đăng ký lại.

Điều 10: Xử lý vi phạm đối với nhân viên làm dịch vụ.

1. Nhân viên làm dịch vụ thủ tục hải quan, nếu vi phạm một trong các quy định dưới đây, có thể bị thu hồi thẻ chuyên dùng làm dịch vụ thủ tục hải quan:

a) Vi phạm ba (3) lần trở lên về các quy định liên quan đến việc làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất, nhập khẩu;

b) Cho phép người khác sử dụng thẻ chuyên dùng của mình hoặc sử dụng thẻ chuyên dùng của người khác;

c) Tự ý thay đổi đơn vị công tác mà không thông báo cho cơ quan Hải quan nơi cấp thẻ chuyên dùng;

d) Có hành vi hối lộ nhân viên hải quan và các hành vi tiêu cực khác liên quan đến việc làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất, nhập khẩu.

2. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tuỳ theo hành vi vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay bị truy tố trước pháp luật.

Điều 11: Đào tạo và cấp chứng chỉ.

1. Trường Cao đẳng Hải quan Việt Nam chịu trách nhiệm trước Tổng cục Hải quan và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ làm thủ tục hải quan, cấp chứng chỉ làm dịch vụ thủ tục hải quan cho những người đã qua khoá đào tạo, bồi dưỡng và đã qua kiểm tra sát hạch đạt yêu cầu;

2. Hội đồng kiểm tra, sát hạch bao gồm đại diện của trường Cao đẳng Hải quan và các Vụ, Cục chuyên môn thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan được thành lập theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

3. Người đăng ký tham gia học khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ làm dịch vụ thủ tục hải quan phải nộp học phí và tiền tài liệu theo quy định của Nhà trường.

Chương 3

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Phạm vi điều chỉnh.

Mọi hoạt động làm dịch vụ thủ tục hải quan đều phải thực hiện theo các quy định của Quy chế này.

Điều 13. Tổ chức thực hiện.

1. Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo thi hành Quy chế tạm thời này;

2. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận đăng ký cho các doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan, cấp thẻ chuyên dùng cho nhân viên làm dịch vụ; theo dõi và tổng kết hoạt động của các doanh nghiệp này tại địa phương và định kỳ sáu tháng, một năm báo cáo Tổng cục Hải quan;

3. Quy chế tạm thời này thay cho Quy chế tạm thời đã ban hành kèm theo Quyết định số 15/1999/QĐ-TCHQ ngày 08 tháng 01 năm 1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

TÊN CÔNG TY

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN ĐĂNG KÝ LÀM DỊCH VỤ THỦ TỤC HẢI QUAN

Kính gửi: - Cục hải quan tỉnh, thành phố.......................................

Căn cứ Pháp lệnh hải quan ngày 20/02/1990;

Căn cứ Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27/08/1999 của Chính phủ quy định thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan;

Căn cứ Quyết định số: 111/1999/QĐ-TCHQ ngày 08/04/1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quy chế tạm thời về dịch vụ thủ tục hải quan.

Tên đơn vị ...............................................................................

Địa chỉ.....................................................................................

Điện thoại ................................Fax.........................................

Người đại diện hợp pháp là ông (bà)......................................

Chức vụ..................................................................................

Giấy phép/Quyết định thành lập Doanh nghiệp số..... ngày.../.../19...

Nơi cấp...........................................................................................

Giấy đăng ký kinh doanh số:...................................... ngày.../.../199...

Nơi cấp.................................................................................................

Mã số doanh nghiệp................................................... ngày.../.../199...

Nơi cấp.................................................................................................

Số tài khoản....................................... tại Ngân hàng............................

Số vốn đăng ký.....................................................................................

Xin được làm dịch vụ thủ tục hải quan.

Tôi xin cam kết:

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi thông tin, nội dung nêu trên và hồ sơ của doanh nghiệp kèm theo.

- Chấp hành nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định về xuất nhập khẩu, hải quan và các điều khoản của Quy chế tạm thời về dịch vụ thủ tục hải quan.

Ngày... tháng... năm 199...

Người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp

(Ký tên, ghi rõ chức vụ, đóng dấu)

Hồ sơ kèm theo:

- Giấy phép thành lập doanh nghiệp (bản sao công chứng);

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng);

- Danh sách nhân viên đăng ký trực tiếp làm dịch vụ thủ tục hải quan kèm chứng chỉ làm dịch vụ thủ tục hải quan của từng người (bản sao công chứng) (nếu đã có);

- Mẫu dấu của doanh nghiệp và mẫu chữ ký của người đại diện doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan ký trên tờ khai hải quan và các giấy tờ khác có liên quan;

TÊN CÔNG TY

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

DANH SÁCH NHÂN VIÊN CỦA DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ TRỰC TIẾP LÀM DỊCH VỤ THỦ TỤC HẢI QUAN

Số TT

Họ và tên

Năm sinh

Số CMTND nơi, ngày cấp

Trình độ
văn hoá

Số chứng chỉ được cấp

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Làm tại....., ngày... tháng... năm 1999

Giám đốc doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan

(Ký tên, đóng dấu)

TÊN CÔNG TY

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

MẪU DẤU CỦA DOANH NGHIỆP DÙNG TRONG DỊCH VỤ THỦ TỤC HẢI QUAN

Mẫu 1 Mẫu 2 Mẫu 3

MẪU CHỮ KÝ CỦA NGƯỜI ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP LÀM DỊCH VỤ THỦ TỤC HẢI QUAN KÝ TÊN TRÊN TỜ KHAI HẢI QUAN VÀ CÁC GIẤY TỜ KHÁC CÓ LIÊN QUAN

Mẫu 1 Mẫu 2 Mẫu 3

Làm tại......, ngày....... tháng...... năm 1999

Giám đốc doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hải quan

(Ký tên, đóng dấu)