Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1100/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KIỆN TOÀN BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới;

Căn cứ Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) được kiện toàn trên cơ sở Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành lập theo Quyết định số 98/2000/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ, với cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo gồm các thành viên như sau:

1. Trưởng ban: Phó Thủ tướng Chính phủ.

2. Phó Trưởng ban thường trực: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

3. Phó Trưởng ban chuyên trách: Duy trì 02 Phó Trưởng ban như hiện nay tại Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2020 và Quyết định số 286/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Các Ủy viên:

- Ủy viên chuyên trách: Tối đa 01 vị trí.

- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Thứ trưởng Bộ Tài chính.

- Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

- Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Thứ trưởng Bộ Công an.

- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

- Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương.

- Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.

- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

- Ủy viên - Thư ký Ban Chỉ đạo: Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ.

5. Ngoại trừ các vị trí thành viên chuyên trách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo còn lại đều hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm theo quy định.

Các cơ quan có thành viên Ban Chỉ đạo theo cơ cấu tại Khoản 4 nêu trên gửi văn bản cử đại diện lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo về Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo.

Điều 2. Chức năng của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp.

Điều 3. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo

1. Giúp Thủ tướng Chính phủ định hướng chiến lược, giải pháp thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức liên quan để giải quyết những vấn đề vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, về tổ chức thực hiện trong sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 4. Quyền hạn của Ban Chỉ đạo

1. Được trực tiếp làm việc hoặc mời lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp liên quan tham dự các cuộc họp, các buổi làm việc của Ban Chỉ đạo liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

2. Tổ chức các đoàn công tác làm việc, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thuộc lĩnh vực theo dõi của Ban Chỉ đạo.

3. Được đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp báo cáo, cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

4. Thực hiện các quyền hạn khác được Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 5. Chế độ làm việc

1. Ban Chỉ đạo làm việc theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban ban hành.

2. Khi ký các văn bản của Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Trưởng ban được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Ban Chỉ đạo kiêm nhiệm được sử dụng con dấu của bộ, ngành, địa phương nơi công tác theo quy định.

3. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo định kỳ theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo và đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Điều 6. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và Bộ phận giúp việc

1. Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

2. Vụ Đổi mới doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ là bộ phận thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; bố trí khoảng 3-5 người trong biên chế của Vụ Đổi mới doanh nghiệp chuyên trách giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Số lượng cụ thể theo yêu cầu của Trưởng Ban.

3. Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo và điều chỉnh khi có sự thay đổi về thành viên.

Điều 7. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Văn phòng Chính phủ.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số 2092/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Quyết định số 1551/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2092/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu tại Điều 1 Quyết định này và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nh
ận:

- Như Điều 9;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW;
- Tổng Liên đoàn Lao động VN;
- Ủy ban Quản lý vốn NN tại DN;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, ĐMDN (2) NT

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1100/QĐ-TTg năm 2024 về kiện toàn Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1100/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/10/2024
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Minh Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản